Chuyên mục
Nơi hai trái tim Việt - Xô, Việt - Nga hòa cùng nhịp đập: Bao nhiêu năm ấy biết bao ân tình (Kỳ 1)

Nơi hai trái tim Việt - Xô, Việt - Nga hòa cùng nhịp đập: Bao nhiêu năm ấy biết bao ân tình (Kỳ 1)

Thứ hai 16/11/2020 18:53 GMT + 7

Vượt qua mọi thử thách của thời gian, quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô trước đây, Liên bang (LB) Nga ngày nay vẫn vẹn nguyên và tiếp tục ''đơm hoa kết trái''.

Nói đến những thành tựu hợp tác giữa hai nước, không thể không kể đến vai trò của Trung tâm Nhiệt đới (TTNĐ) Việt-Nga, nơi hai trái tim Việt-Xô, Việt-Nga hòa chung nhịp đập.

Kỳ 1: Bao nhiêu năm ấy biết bao ân tình

Tôi vô cùng vinh dự và tự hào khi được công tác tại TTNĐ Việt-Nga, một biểu tượng sinh động của tình đoàn kết và hữu nghị giữa hai nước.

Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, TTNĐ Việt-Nga luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, vượt lên khó khăn, thử thách, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-LB Nga vì lợi ích của nhân dân hai nước. Tuy nhiên, để trung tâm ra đời và đứng vững được với tư cách một tổ chức khoa học chung của hai nước như hiện nay, cả phía Việt Nam và Liên Xô trước đây, LB Nga ngày nay đã phải tốn không ít công sức.

Việt Nam chịu nhiều đau thương, mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược, trong đó khốc liệt nhất là hậu quả của cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí hóa học do đế quốc Mỹ gây ra. Hậu quả của chất độc hóa học không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe những cựu chiến binh mà còn để lại di chứng lâu dài và nặng nề ở thế hệ thứ hai, thứ ba sau chiến tranh cùng sự hủy diệt đối với môi trường sinh thái. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực cao nhất để góp phần khắc phục, giảm thiểu nỗi đau mang tên da cam/dioxin. Và dù ở cách xa nhau nghìn trùng về địa lý nhưng Việt Nam đã nhận được sự thấu hiểu, giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô.

 


Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Phối hợp liên Chính phủ về Trung tâm Nhiệt đới Việt-Xô, tháng 12-1987. Ảnh tư liệu.


Hội thảo quốc tế về “Chất diệt cỏ trong chiến tranh, hậu quả lâu dài đối với sinh thái và con người” ở TP Hồ Chí Minh (tháng 1-1983) với sự tham gia của các nhà khoa học Liên Xô đã ra nghị quyết, trong đó có nội dung quan trọng là đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô giúp đỡ Việt Nam nghiên cứu các vấn đề liên quan đến hậu quả chiến tranh hóa học.

Sau đó, tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã tiếp đoàn cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Trong buổi tiếp, Viện sĩ Phokin, Tổng thư ký, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Tikhonov trong lần gặp Chủ tịch Phạm Văn Đồng ngày 3-5-1982 về việc Liên Xô và Việt Nam hợp tác nghiên cứu khoa học-kỹ thuật nhiệt đới và hậu quả chiến tranh hóa học. Tại cuộc gặp này, hai bên đã đề cập đến việc hai nước hợp tác xây dựng một tổ chức nghiên cứu khoa học chung tại Việt Nam. Đây là bước khởi đầu của quá trình hình thành và phát triển TTNĐ Việt-Xô.

Sau 5 năm với nhiều cuộc đàm phán, ngày 7-3-1987, tại Hà Nội, đại diện Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định về Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Thử nghiệm nhiệt đới hỗn hợp Việt Nam-Liên Xô, gọi tắt là TTNĐ Việt-Xô. Tháng 12-1987, Ủy ban phối hợp liên Chính phủ về TTNĐ Việt-Xô họp phiên toàn thể đầu tiên tại Hà Nội. Nhân dịp này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp đoàn đại biểu ủy ban phối hợp. Ngày 7-3-1988, đồng chí Võ Văn Kiệt, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Nghị định số 25-HĐBT về việc thành lập TTNĐ Việt-Xô và giao cho Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản phía Việt Nam. Ngày 2-5-1988, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 115/QĐ-QP về việc thành lập TTNĐ Việt-Xô trực thuộc Bộ Quốc phòng. Cơ quan chủ quản phía Liên Xô được giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Việc lãnh đạo chung về tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ của trung tâm do Ủy ban phối hợp liên Chính phủ về TTNĐ Việt-Xô chủ trì. Điều hành hoạt động khoa học và hành chính quản trị hằng ngày của trung tâm do Ban đồng Tổng giám đốc bao gồm Ban Tổng giám đốc phía Việt Nam và Ban Tổng giám đốc phía Liên Xô thực hiện. Cơ sở chính của trung tâm đặt tại TP Hồ Chí Minh, chi nhánh phía Bắc ở TP Hà Nội, chi nhánh ven biển ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và một số trạm thử nghiệm đặt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.

TTNĐ Việt-Xô có chức năng nghiên cứu khoa học trên 3 hướng: Vật liệu học nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới và y sinh nhiệt đới. Việc nghiên cứu hậu quả chiến tranh hóa học được thực hiện trong hai hướng khoa học là sinh thái nhiệt đới và y sinh nhiệt đới. Các kết quả nghiên cứu khoa học và thử nghiệm của trung tâm là sở hữu chung của Việt Nam và Liên Xô. Hai bên có quyền sử dụng trong phạm vi nước mình tất cả các kết quả thu được cũng như các kiến nghị thực tiễn đề xuất trên cơ sở các kết quả đó. Điều đó đã nói lên tầm quan trọng của việc hợp tác giữa hai bên trong việc cho ra đời, cùng nhau xây dựng và phát triển lâu dài một mô hình hợp tác khoa học mới cả về nội dung và hình thức, về cơ cấu tổ chức và điều kiện hoạt động.

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, để trung tâm tiếp tục đứng vững và phát triển phù hợp với bối cảnh mới cần sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố. Trước hết, đó là đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong việc kế thừa di sản quý báu của quan hệ Việt Nam-Liên Xô và xây dựng quan hệ Việt Nam-LB Nga trong tình hình mới cũng như quyết định sáng suốt của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, không thể không ghi nhận sự kiên định, chủ động sáng tạo, ủng hộ lẫn nhau của các nhà khoa học hai nước.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề có vai trò tiên quyết đến sự tồn tại của trung tâm là bản lĩnh vững vàng và tầm nhìn sáng suốt của Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc phía Việt Nam. Một mặt, Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc đã làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, nhân viên; mặt khác, khẩn trương đề ra các phương án phù hợp, báo cáo Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Thường vụ Quân ủy Trung ương) kiên quyết không giải thể trung tâm. Bộ Quốc phòng đã báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước quyết định tiếp tục duy trì hoạt động của TTNĐ Việt-Xô phù hợp trong điều kiện mới. Theo đó, tăng cường năng lực phía Việt Nam, kiên trì khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, tự lực, tự cường; chuyển cơ sở chính ở TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, giải tán chi nhánh phía Bắc và thành lập chi nhánh phía Nam. Các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu chung vẫn được cán bộ khoa học phía Việt Nam của trung tâm độc lập tiến hành nghiên cứu.

Những nỗ lực không mệt mỏi của Việt Nam đã làm cho phía bạn thấy rõ thiện chí hợp tác và quyết tâm vượt qua khó khăn vì lợi ích chung của hai nước. Do đó, ngày 11-11-1993, đại diện Chính phủ Việt Nam và LB Nga đã ký Nghị định thư bổ sung Hiệp định ngày 7-3-1987. Trong đó, hai bên khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục duy trì và phát triển trung tâm; Chính phủ LB Nga kế thừa trách nhiệm về thực hiện các nghĩa vụ của Liên Xô trong Hiệp định về TTNĐ Việt-Xô ký ngày 7-3-1987 và đổi tên Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Thử nghiệm nhiệt đới hỗn hợp Việt-Xô thành Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Thử nghiệm nhiệt đới hỗn hợp Việt-Nga (gọi tắt là TTNĐ Việt-Nga).

Nói về những nỗ lực của Việt Nam, ông Aleksey Svichich, Phó tổng giám đốc phía Nga của TTNĐ Việt-Nga khẳng định: “Phải ghi nhận thật xứng đáng công lao của các bạn đồng nghiệp Việt Nam. Họ đơn phương tiếp tục những nghiên cứu chung còn dang dở và kiên trì chờ đợi thời điểm thuận lợi các chuyên gia của chúng tôi quay trở lại”.

Tuy nhiên, nếu chỉ có nỗ lực, quyết tâm và mong muốn của riêng phía Việt Nam thôi thì trung tâm không thể tồn tại được. Vì đây là tổ chức hợp tác khoa học và công nghệ hỗn hợp chung của hai nước nên nếu thiếu đi sự ủng hộ của một bên thì đều dẫn đến thất bại. Do đó, phải ghi nhận công lao của các chuyên gia Nga, phần lớn là lớp cán bộ được tôi luyện từ thời Liên Xô đã quyết tâm giữ bằng được trung tâm như phía Việt Nam.

(còn nữa)         


QUÁCH ĐÌNH HỢI

Nguồn: qdnd.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.