Chuyên mục
Thăm Nhà bảo tàng P.I.Chaikovsky– nghĩ về một thiên tài âm nhạc
BÌNH LUẬN
Cám ơn tác giả vì bài viết hay về một thiên tài của nước Nga. Nhiều người biết đến Nga như một đất nước rộng lớn, giàu...

Thăm Nhà bảo tàng P.I.Chaikovsky– nghĩ về một thiên tài âm nhạc

Thứ tư 26/03/2014 11:36 GMT + 7

Từ thời Xô Viết, mỗi khi có những thay đổi quan trọng trong đời sống chính trị, trên các kênh truyền hình, người ta phát sóng vở ba lê “Hồ Thiên Nga” xen kẽ với những bản tin thời sự thông báo về sự kiện quan trọng đang diễn ra. Mỗi người dân Xô Viết đều ngầm hiểu với nhau rằng khi trên màn hình tivi xuất hiện những vũ công trong bộ váy trắng mang hình tượng thiên nga, thì điều này có nghĩa là trong nước đang diễn ra biến cố.

Tượng nhà soạn nhạc vĩ đại Nga P.I. Chaikovsky 

Nhà bảo tàng  P.I. Chaikovsky ở thành phố nhỏ Klin

Nhiều người Việt vẫn tin thuyết tài mệnh tương đố của Nho giáo và tâm đắc với câu: “Chữ tài liền với chữ tai một vần” trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Còn người châu Âu vẫn thường có quan niệm: Thiên tài là những nhân cách vô cùng phức tạp và mâu thuẫn. Có lẽ, tất cả quan điểm trên đều đúng với số phận của nhà soạn nhạc vĩ đại Nga P.I.Chaikovsky (1840-1893).

Tới thăm ngôi nhà của ông ở thành phố nhỏ Klin nằm cách Matxcova khoảng 100 km, nơi còn lưu giữ những vật dụng gắn với những năm tháng cuối cùng của nhà soạn nhạc, chắc hẳn không một vị khách thăm quan nào có thể thờ ơ, bởi với mỗi bước chân ở nơi đây, bạn dường như có cảm giác ông vẫn còn đâu đó trong ngôi nhà cùng với những giai điệu tuyệt vời để lại cho nhân thế. Những bức ảnh của các nhà soạn nhạc thiên tài thế giới mà Chaikovsky ngưỡng mộ, những bức ảnh thời ấu thơ của nhạc sĩ, của các thành viên trong gia đình, cây đèn, bộ bàn ghế, chiếc giường ông từng nằm, chiếc cầu thang gỗ phát tiếng kêu lộp cộp mỗi khi có người bước chân trên đó…, mọi thứ vẫn ở đúng vị trí của chúng cách đây hơn 120 năm. Đặc biệt là cây đàn piano với những phím đàn tuy cũ kỹ, nhưng trên đó đã để lại dấu tay của chủ nhà, của những vị khách – những nhạc sĩ thiên tài thời đó, và nhờ vậy, nơi đây đã từng luôn tràn ngập những giai điệu tuyệt vời. Ngôi nhà và mọi vật trong đó đều gợi lại một cuộc đời đã qua –  một cuộc đời tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho đời những tác phẩm âm nhạc vĩnh viễn được coi là kho báu trong nền âm nhạc thế giới.

Cây đàn piano của P.I. Chaikovsky
            
Cho tới nay, các nhà nghiên cứu dường như có quan niệm rằng mọi sự diễn ra trong cuộc đời kéo dài 53 năm của nhà soạn nhạc vĩ đại đều “bất bình thường”: Thiên tài âm nhạc của Chaikovsky – hơn 120 năm đã trôi qua, nhưng những tác phẩm của ông chưa bao giờ rời xa sân khấu; Đời tư của ông đầy những bi kịch gắn liền với cuộc hôn nhân không thành công với một người phụ nữ và một thiên tình sử lãng mạn chỉ với những bức thư gửi cho một người đàn bà khác; Cái chết của ông cũng được coi là “bất thường” bởi cho đến nay người ta vẫn đặt câu hỏi: ông ra đi vì dịch tả hay ông tự tử vì tin đồn ông là người bất bình thường về giới tính?

P. Chaikovsky đã cưới người phụ nữ tên là Antonina Miliukova
         
Người thuyết minh tại Nhà bảo tàng kể lại rằng P.Chaikovsky đã cưới người phụ nữ tên là Antonina Miliukova bởi bà đã dành cho ông một tình yêu mãnh liệt. Nhưng cuộc tình đó chỉ kéo dài khoảng 1 năm. Rồi những năm tháng còn lại của mình, Chaikovsky chỉ dành cho âm nhạc. Tuy nhiên, trong Nhà bảo tàng, không hề thấy một bức ảnh nào của bà Antonina Miliukova, nhưng trong phòng khách vẫn lưu lại tấm ảnh của một người phụ nữ tên là Nadezda Fon Mekk – người phụ nữ không chỉ sùng bái thiên tài âm nhạc Tchaikovsky, mà còn yêu ông một cách vô vọng. Bà được coi là “người tình qua những bức thư” của nhà soạn nhạc, đồng thời bà cũng là người đã trợ giúp ông về tài chính, bởi trong suốt nhiều năm, mỗi tháng bà đều đặn gửi cho ông 500 rúp, số tiền không hề nhỏ vào thời điểm đó, để ông trang trải cuộc sống và dồn tâm trí cho công việc sáng tác. Theo các nhà nghiên cứu, nếu gộp những bức thư họ đã từng gửi cho nhau trong suốt 13 năm thành cuốn sách, thì đó sẽ là bộ sách khổng lồ gồm 3 tập. Nadezda Fon Mekk bị mê hoặc bởi âm nhạc của Chaikovsky. Là người đàn bà đã lập gia đình từ khi mới 17 tuổi, trong suốt những năm tháng làm bạn với nhà soạn nhạc, bà N.F.Mekk luôn thuyết phục bản thân mình cũng như người bạn của mình rằng tình cảm bà dành cho ông và cho âm nhạc của ông là một tình yêu cao thượng, mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn.

                 Nadezda Fon Mekk, “người tình qua những bức thư” của nhà soạn nhạc


Duy chỉ có một điều không thể phủ nhận về cuộc đời của Chaikovsky – đó là âm nhạc của ông được tất cả mọi người trên thế giới này yêu thích, ngưỡng mộ, từ các vị vua, các vị hoàng đế trong lịch sử, các vị thủ tướng, các tổng thư ký đến những người dân thường… Ở phương Tây, P.Chaikovsky luôn được coi là nhà soạn nhạc Nga nổi danh nhất.

10 vở nhạc kịch, 3 vở ba lê, 6 bản giao hưởng cùng vô số những tác phẩm âm nhạc khác nữa đã khiến cho tên tuổi của P.I. Chaikovsky sống mãi với thời gian. Nếu ai đó muốn cảm thụ thiên nhiên, đời sống và phong tục của người Nga, hãy thử một lần thưởng thức tác phẩm “Bốn mùa” của nhà soạn nhạc. Đây được coi là cuốn nhật ký mô tả những cảm xúc, những khoảnh khắc, những bức tranh thiên nhiên ấn tượng đối với nhạc sĩ. 12 tháng trong năm được mô tả bằng âm điệu đặc trưng của thời điểm đó: tháng giêng mang tên gọi “Bên lò sưởi”, tháng 2 – “Lễ tiễn mùa đông”, tháng 3 – “Bài hát chim sơn ca”, tháng 4 – “Hoa xuyên tuyết”, tháng 5 – “Đêm trắng”… Tên gọi và giai điệu của mỗi bản nhạc chính là sự thể hiện tình yêu mà nhà soạn nhạc dành cho quê hương. Có người Nga nào lại không háo hức chờ đợi Lễ tiễn mùa đông Matslenitsa, không yêu những bông hoa tuyết trắng nhoi lên từ đất sau khi băng giá tan đi, không chờ đợi ngắm những đêm trắng thơ mộng… Và chính Chaikovsky đã giúp cho tình yêu đó lan toả, để những người Nga và những người gắn bó với nước Nga thêm yêu mảnh đất này.

Cảnh trong vở ba lê “Hồ Thiên Nga”

Cho dù có ai đó chưa bao giờ được thưởng thức trọn vẹn vở ba lê “Hồ Thiên Nga”, nhưng chắc chắn mọi người đều biết tới tác phẩm tuyệt vời này của Chaikovsky. Hơn 100 năm qua, vở ba lê này đã được diễn đi diễn lại trên tất cả các sân khấu lớn của thế giới và cách diễn xuất hình tượng thiên nga trong ba lê cổ điển được coi là chuẩn mực mà mỗi diễn viên múa đều phải học qua.

Một điều thú vị liên quan tới vở ba lê “Hồ Thiên Nga”, đó là từ thời Xô Viết, mỗi khi có những thay đổi quan trọng trong đời sống chính trị, trên các kênh truyền hình, người ta phát sóng vở balê “Hồ Thiên Nga” xen kẽ với những bản tin thời sự thông báo về sự kiện quan trọng đang diễn ra. Mỗi người dân Xô Viết đều ngầm hiểu với nhau rằng khi trên màn hình tivi xuất hiện những vũ công trong bộ váy trắng mang hình tượng thiên nga, thì điều này có nghĩa là trong nước đang diễn ra biến cố. Ngày 19-8-1991 – ngày xảy ra đảo chính ở Liên Xô cũng vậy. Âm nhạc vở ba lê Hồ Thiên Nga đã vang lên khắp nơi – trên đài phát thanh, trên sóng truyền hình. 

Vũ điệu thiên nga trong vở ballet "Hồ thiên nga"

Trước đó, giai điệu này đã từng vang lên khi những nhà lãnh đạo cao nhất qua đời. Tuy nhiên, sự kiện 19-8 lại khác. Khi đó, không đơn giản chỉ là việc thay đổi người lãnh đạo đất nước, mà là một cuộc đảo chính. Âm mưu lật đổ Tổng thống Liên Xô M.Gorbachev và phá vỡ kế hoạch ký kết Hiệp định về Liên minh các quốc gia có chủ quyền…, tất cả đã được tạm che đậy bằng bằng âm nhạc Hồ Thiên Nga trên các phương tiện truyền thông. Vậy tại sao chính vở ba lê “Hồ Thiên Nga” lại trở thành tác phẩm biểu tượng cho sự biến động lớn trong đời sống đất nước, chứ không phải những tác phẩm âm nhạc khác? Các chuyên gia cho rằng vở ba lê Hồ Thiên Nga chính là tấm card visit của nghệ thuật Xô Viết. Và khi có khách quý tới thăm Liên Xô trước đây hay nước Nga hiện nay, việc mời khách thưởng thức Hồ Thiên Nga chính là sự thể hiện lòng mến khách của chủ nhà và cũng là để giới thiệu với khách kho báu của nền nghệ thuật nước nhà.

Mỗi người, khi cảm thụ âm nhạc Chaikovsky, đều cảm thấy như mình được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, niềm tin, niềm hy vọng và cả những điều lung linh huyền ảo lẫn sự u ám của cuộc đời. Âm nhạc của ông là cung bậc đa dạng của sắc màu cuộc sống quanh ta./.

Bài và ảnh: Hải Hà

Mời các bạn thưởng thức một số tác phẩm của
nhà soạn nhạc vĩ đại Nga P.I. Chaikovsky

Tác phẩm "Bốn mùa" của  P.Chaikovsky - Tháng 4 – “Hoa xuyên tuyết”

 

Tác phẩm "Bốn mùa" của  P.Chaikovsky" - Tháng 6: "Chèo thuyền"



Tác phẩm "Bốn mùa" của  P.Chaikovsky" - Tháng 10: "Mùa Thu"


Vở ballet "Hồ Thiên Nga"- Nhà hát Marinsky - St. Petersburg- 
Âm nhạc:  P.I. Chaikovsky

31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.