Chuyên mục
Trung Quốc kiểm soát đất hiếm toàn cầu, Nhật Bản 'tỉnh giấc', Mỹ chậm chân

Trung Quốc kiểm soát đất hiếm toàn cầu, Nhật Bản 'tỉnh giấc', Mỹ chậm chân

Thứ năm 17/04/2025 17:55 GMT + 7

Trung Quốc đã làm chấn động thế giới vào năm 2010 khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Khi lệnh cấm vận kết thúc, Bắc Kinh đã nắm quyền kiểm soát mạnh mẽ nguồn khoáng sản của mình. Nhật Bản thu xếp được nguồn cung từ Australia. Còn Mỹ thì không.

 


Máy móc hoạt động tại mỏ khai thác đất hiếm ở Mountain Pass, California, Mỹ. Ảnh: REUTERS/TTXVN


Theo tờ New York Times, Trung Quốc đã gây chấn động thế giới vào năm 2010 khi áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu các kim loại đất hiếm quan trọng sang Nhật Bản. Các giám đốc điều hành Nhật Bản đã cuống cuồng xuất hiện trên truyền hình để cảnh báo rằng họ đang cạn kiệt các nguyên liệu thô quan trọng.

Lệnh cấm vận này, do tranh chấp lãnh thổ, chỉ kéo dài 7 tuần. Nhưng nó đã làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các kim loại hiếm. Khi lệnh cấm vận kết thúc, Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát mạnh mẽ đối với nguồn khoáng sản của mình.

Thế giới đã được cảnh báo, đặc biệt là Nhật Bản và Mỹ, hai trong số những khách hàng lớn nhất của Trung Quốc đối với kim loại đất hiếm được sử dụng trong mọi thứ, từ ô tô đến điện thoại thông minh và tên lửa. Chính phủ của cả hai quốc gia đã soạn thảo các kế hoạch chi tiết về cách giảm bớt sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc. Nhật Bản về cơ bản đã thực hiện theo các kế hoạch của mình và hiện có thể nhập khoáng sản từ Australia.

Nhưng Mỹ thì không. Sau 15 năm, quốc gia này vẫn gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc về tinh chế kim loại đất hiếm. Kết quả là, các nhà sản xuất ô tô, công ty hàng không vũ trụ và nhà thầu quốc phòng của Mỹ đã bị tổn thương.

Đáp trả đòn thuế quan của Tổng thống Trump, Trung Quốc đã đình chỉ mọi hoạt động xuất khẩu một số loại đất hiếm, cũng như các loại nam châm có giá trị cao hơn được làm từ đất hiếm.

Những nam châm nhỏ nhưng mạnh mẽ này - không lớn hơn chiếc nhẫn, nhưng có lực mạnh gấp 15 lần nam châm sắt thông thường - vốn là một thành phần rẻ tiền của động cơ điện. Chúng được sử dụng trong ô tô điện, robot, thiết bị bay không người lái, cũng như trong tua-bin gió ngoài khơi, tên lửa, máy bay chiến đấu và nhiều sản phẩm khác.

Việc Mỹ không đưa ra được giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Trung Quốc đã trải qua nhiều chính quyền của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa.

“Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ trong 15 năm qua đã làm rất ít để giải quyết rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm, đặc biệt là nam châm đất hiếm”, Milo McBride, một chuyên gia về khoáng sản quan trọng tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington cho biết.

Ông McBride nói rằng đất hiếm là “khoáng sản chiến lược nhất trong số tất cả các khoáng sản đã được thảo luận trong nhiều chính quyền Mỹ gần đây”.

Trung Quốc mạnh tay

Lệnh cấm vận năm 2010 của Bắc Kinh đối với Nhật Bản đã bị phá hoại bởi các tổ chức tội phạm buôn lậu tới một nửa sản lượng đất hiếm hàng năm của Trung Quốc ra khỏi đất nước.

Vài tuần sau khi lệnh cấm vận kết thúc, Bắc Kinh mở chiến dịch trấn áp. Các lực lượng chính phủ hành động theo lệnh an ninh quốc gia đã tấn công vào thung lũng gần Long Nam ở tỉnh Giang Tây, nơi sản xuất phần lớn khoáng sản đất hiếm nặng của thế giới, thiết lập kiểm soát với các mỏ đất hiếm do tư nhân điều hành. Các mỏ này sau đó đã được quốc hữu hóa và hợp nhất thành một công ty nhà nước duy nhất, China Rare Earth Group.

Gần đây, Trung Quốc đã phát triển ngành công nghiệp nam châm của riêng mình thay vì vận chuyển vật liệu đến các nhà máy sản xuất nam châm ở Nhật Bản. Bắc Kinh đã đầu tư mạnh để xây dựng các nhà máy sản xuất nam châm tiên tiến tại Cám Châu, một thành phố gần Long Nam.

 


Một nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm ở Cám Châu, Trung Quốc. Ảnh: New York Times


Trung Quốc hiện sản xuất 90% nam châm của thế giới. Hoạt động mở rộng đang được tiến hành tại hai nhà máy sản xuất nam châm lớn nhất ở Cám Châu vào tuần trước.

Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã phát biểu trong một bài phát biểu vào năm 2020 rằng điều quan trọng đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc là chuỗi cung ứng của phương Tây vẫn phụ thuộc vào đất nước của ông.

"Chúng ta phải xây dựng sức mạnh của mình và củng cố vị thế dẫn đầu quốc tế trong các ngành mà chúng ta có lợi thế", ông Tập Cận Bình nói vài tháng sau khi đến thăm nhà máy nam châm tiên tiến nhất ở Cám Châu. Ông kêu gọi "tăng cường sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng công nghiệp quốc tế vào Trung Quốc, hình thành năng lực mạnh mẽ để chống lại và ngăn chặn việc cắt nguồn cung cố ý của nước ngoài".

Nhật Bản nhanh chóng điều chỉnh

Nhật Bản cũng đã có những hành động sâu rộng sau lệnh cấm vận năm 2010 của Trung Quốc. Các nhà sản xuất của nước này bắt đầu dự trữ đủ đất hiếm trong kho để đáp ứng nhu cầu của chính họ trong hai năm. Họ cũng bắt đầu tìm kiếm ở nước ngoài.

Tập đoàn Sumitomo, với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Nhật Bản, đã giúp hỗ trợ phát triển Lynas, một công ty khai khoáng của Australia. Lynas khai thác và tinh chế 60% đất hiếm nhẹ của Nhật Bản, được trộn với một lượng nhỏ đất hiếm nặng để tạo ra nam châm đất hiếm. Và công ty đang chuẩn bị bắt đầu tinh chế đất hiếm nặng cho các nhà sản xuất Nhật Bản vào mùa hè này tại Malaysia, mặc dù ban đầu chỉ với số lượng nhỏ.

Các nhà sản xuất nam châm lớn nhất của Nhật Bản - gồm Proterial, Shin-Etsu Chemical Company và TDK Corporation - đã chuyển một số hoạt động sản xuất từ Nhật Bản sang Trung Quốc để có thể tiếp cận đất hiếm một cách đáng tin cậy, và cả sang Việt Nam, nơi có chi phí lao động thấp. Nhưng họ cũng đã duy trì sản xuất đáng kể tại Nhật Bản.

Mỹ chậm chân và phụ thuộc

Ngành công nghiệp nam châm đất hiếm của Mỹ bắt đầu với một công ty con của General Motors ở phía bắc Indiana vào những năm 1980. Nhưng các nhà máy đã đóng cửa và chuyển đến Trung Quốc và Singapore.

Sau lệnh cấm vận năm 2010, công ty Hitachi Metals của Nhật Bản, đổi tên thành Proterial vào năm 2023, để phản ứng trước mối lo ngại từ chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, đã xây dựng một nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm ở Bắc Carolina từ năm 2011 đến 2013.

Nhà máy Hitachi Metals có chi phí vận hành cao hơn các khu phức hợp khổng lồ đang được xây dựng ở Cám Châu. Vì thế các công ty Mỹ tỏ ra không muốn trả thêm tiền cho nam châm được sản xuất tại Mỹ và chuyển sang các nhà cung cấp Trung Quốc. Hitachi đành phải đóng cửa nhà máy vào năm 2020, đưa thiết bị vào kho.

Hiện nay, mỏ đất hiếm duy nhất đang hoạt động tại Mỹ nằm ở Mountain Pass, California. Nhà điều hành của mỏ, MP Materials, có kế hoạch bắt đầu tăng cường sản xuất thương mại nam châm đất hiếm vào cuối năm tại một nhà máy ở Texas. Nhưng ngay cả khi chạy hết công suất, cơ sở này sẽ sản xuất trong một năm chỉ tương đương với công suất một ngày của Trung Quốc.

Tờ New York Times cho biết, rất ít công ty Mỹ muốn đầu tư lớn vào đất hiếm chỉ để đối mặt với rủi ro, khi khách hàng thích các sản phẩm rẻ hơn từ Trung Quốc.


Thu Hằng

Nguồn: baotintuc.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.