Chuyên mục
Tại sao Nga quyết rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở?

Tại sao Nga quyết rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở?

Chủ nhật 17/01/2021 05:58 GMT + 7

Như các phương tiện truyền thông đã đưa tin, ngày 15/01/2021, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nước này sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở.

 


Để làm cung cấp thêm một số thông tin liên quan, xin giới thiệu bài tổng hợp và phỏng vấn chuyên gia của Tòa soạn báo “Tài liệu quân sự” với tiêu đề trên đăng trên báo này và một số báo Nga khác ngày 16/1/2021, cùng tóm tắt phản ứng của một số nước Phương Tây trước quyết định quan trọng này của Nga.

 

I. Phần tóm tắt diễn biến sự kiện của Tòa soạn báo

Ngay trong những ngày tới, Nga sẽ chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, tiếp bước ngay sau Hoa Kỳ.

Hiệp ước được ký kết vào năm 1992 và có hiệu lực vào năm 2002 này cho phép 35 quốc gia - các bên tham gia tiến hành các chuyến bay giám sát đặc biệt trên lãnh thổ của nhau để kiểm soát các hoạt động quân sự - như tái bố trí lực lượng vũ trang hoặc các động thái chuẩn bị cho các hoạt động quân sự.

Sau đây, các chuyên gia quân sự giải thích điều gì đã khiến giới lãnh đạo Nga phải thực hiện bước đi này, và tại sao Tổng thống Nga Putin, sau khi cân nhắc lựa chọn các quan điểm khác nhau của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, cuối cùng lại ủng hộ quan điểm của các tướng lĩnh quân đội.

Hiệp ước đa phương "Bầu trời Mở" được ký kết bởi 35 quốc gia, trong đó ngoài Mỹ còn có Ukraine, Nga, Belarus, cũng như một số nước Châu Âu khác, hầu hết trong số đó là thành viên khối NATO.

Vào tháng 5/ 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này, với một lý do như thường lệ là “Nga đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận”.

Nhưng trong khi đó, các nước Châu Âu lại đề nghị Nga tiếp tục ở lại, bất chấp việc Mỹ rút khỏi hiệp ước. Khi đó, Tổng thống Putin đã có phát biểu trả lời như sau:

“Người Châu Âu nói với chúng tôi (Nga) rằng: hãy cứ kệ họ (người Mỹ) rút khỏi Hiệp ước, nhưng còn các vị (người Nga), xin các vị đừng rút khỏi hiệp ước. Tôi (V. Putin) có nói với họ như thế này:

 

Vâng. thật xin chào thua các vị! Quả đúng là một bộ phim hay! Tất cả các vị đều là thành viên NATO. Có nghĩa là các vị sẽ vẫn được bay (trên lãnh thổ Nga), và chuyển ngay mọi thông tin (thu thập được) cho người Mỹ, còn chúng tôi- chúng tôi lại sẽ không thể làm điều này, vì chúng tôi sẽ vẫn tham gia thỏa thuận này ư?

Vì vậy, xin tất cả chúng ta (cả Nga và các nước Châu Âu nói trên) đừng chơi trò giả vờ làm thằng ngốc nữa. Hãy nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn".

Bộ Ngoại giao Nga cũng đã nhiều lần nhắc nhở người Châu Âu rằng cái cách mà họ cư xử với đất nước chúng ta (Nga) không phải lúc nào cũng thực sự theo phong cách quý ông.

Chính vì vậy, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố: “điều kiện để Nga tiếp tục tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở là trong hiệp ước phải có những điều khoản pháp lý ràng buộc quy định nghĩa vụ của những nước tham gia không được cung cấp cho Mỹ những thông tin thu được trong các chuyến bay giám sát của mình.

Tuy nhiên, quan điểm này của Bộ Ngoại giao Nga đã bị chính giới lãnh đạo quân sự (Bộ Quốc phòng) Nga kiên quyết phản đối, bởi vì họ vốn không mấy tin tưởng vào những cam kết của các các đối tác Phương Tây. Chính cuộc sống đã dạy cho họ bài học như vậy.

Đến thời điểm hiện tại, căn cứ vào những gì chúng ta đang được chứng kiến, thì cuối cùng các tướng lĩnh (Bộ Quốc phòng) đã chiếm ưu thế trước các nhà ngoại giao trong vấn đề này.

II. Phần nhận định của các chuyên gia

1/ Nguyên Cục trưởng Cục các Hiệp ước Quốc tế, Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hợp tác Quân sự Quốc tế Bộ Quốc phòng Liên bang Nga (trong các năm 2002-2009), Trung tướng Yevgeny Buzhinsky:

— (Tổng thống) Putin đã từng hai lần tuyên bố rằng nếu người Mỹ rút khỏi hiệp ước này, thì chúng ta (Nga) cũng tuyệt đối không còn bất cứ lý do gì để tiếp tục tham gia. Tôi nghĩ rằng quyết định rút khỏi hiệp ước sẽ được công bố chính thức ngay trong thời gian ngắn sắp tới.

Theo cách tôi hiểu, vào ngày 25/1sẽ khai mạc phiên họp thường kỳ về thỏa thuận “Bầu trời Mở”, và tôi cho rằng hoặc là ngay trước thềm phiên họp, hoặc là trong phiên họp trên Nga sẽ chính thức thông báo là chúng tôi (Nga) rút khỏi thỏa thuận này.

Với cá nhân tôi, ngay lúc đầu cũng đã có quan điểm như vậy- vì những lý do rất thực tế, chúng ta không còn bất cứ lý do gì để tiếp tục ở lại, vì sau khi Washington rút khỏi hiệp ước, chúng ta sẽ không có bất kỳ thông tin nào về phần lãnh thổ lục địa của Mỹ nữa. Nhưng trong khi đó họ lại sẽ có tất cả mọi thông tin về chúng ta từ các đồng minh của mình.

Và tất cả những lời cam kết của người Tây Âu, đại loại như họ sẽ không cung cấp bất cứ thứ (thông tin) gì cho người Mỹ, vì trong Hiệp ước đã có những điều khoản đặc biệt về vấn đề này, tất cả những cam kết đó- thì chỉ là trò giả vờ giả vịt thôi.

Người Châu Âu và người Mỹ cùng có một trung tâm phân tích– xử lý (các thông tin thu được từ các chuyến bay giám – thanh sát trên lãnh thổ Nga- ND) chung duy nhất đóng tại Brussels.

Chính Mỹ quản lý cái trung tâm đó. Vì vậy, họ sẽ không cần phải hỏi ai cả. Đơn giản là họ sẽ lấy thông tin từ người Châu Âu và thế là xong. Việc rút khỏi thỏa thuận này đối với chúng ta- bây giờ đã là một vấn đề mang tính nguyên tắc.

Thời kỳ đầu, Bộ Ngoại giao (Nga) có quan điểm cho rằng chúng ta (Nga) có thể tiếp tục thực hiện thỏa thuận này để thể hiện sự trung thành của mình đối với những cam kết và chứng minh sự minh bạch của chúng ta.

 

Nhưng đây là một hiệp ước về các biện pháp xây dựng lòng tin, chứ không phải là một hiệp ước về kiểm soát vũ khí. Và bây giờ thì đã rõ ràng, Tổng thống (V.Putin) đã ủng hộ quan điểm của Bộ Quốc phòng cho rằng: một khi đã không có người Mỹ trong Hiệp ước, thì chúng ta (Nga) cũng không còn việc gì để làm trong cái thỏa thuận đó nữa.

2/ Anh hùng Nga, Thiếu tướng Sergei Lipovoy, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tổ chức toàn Nga "Sĩ quan của nước Nga":

— Trên thực tế, hiệp ước Bầu trời Mở đã không còn tồn tại kể từ ngày 22/11/2020, khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước. Còn các nước Châu Âu, cho dù những nhà lãnh đạo của họ có nói gì đi chăng nữa, thì cũng đều phải tuân theo các quyết định của Mỹ.

Có thể nói rằng nhân tố cuối cùng kìm chế ngăn không cho Chiến tranh Lạnh quay trở lại đã bị loại bỏ. Nga đã không còn cách nào khác là phải chấp nhận những quy tắc chơi mới. Việc đơn phương thực hiện các điều khoản của Hiệp ước lúc này là vô nghĩa.

Các hành động khiêu khích của Mỹ và NATO từ giờ trở đi sẽ ngày càng ngang ngược và trắng trợn hơn. Chúng ta (Nga) phải chuẩn bị cho một biện pháp đáp trả đối xứng. Về phần mình, Nga đã làm mọi cách có thể để duy trì Hiệp ước và ngăn chặn sự leo thang căng thẳng với NATO.

Nhưng thật đáng buồn là Châu Âu đã không ủng hộ đất nước chúng ta hiện thực hóa những mong muốn này. Đã xảy ra cái điều sớm muộn gì cũng phải xảy ra - Hiệp ước (Bầu trời Mở) không còn tồn tại.

III. Phản ứng của London, Berlin và Paris trước việc Matxcova quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (phần bổ sung):

 

Ngay trong ngày 16/01/2021, đã có phản ứng chính thức từ một số nước Phương Tây trước thông tin này từ Nga, cụ thể như sau:

1/ Paris. Paris bày tỏ hy vọng Nga sẽ xem xét lại quyết định rút khỏi hiệp định này của mình. Hãng thông tấn RIA Novosti trích lời nhà ngoại giao Pháp:

“Chúng tôi hy vọng Liên bang Nga sẽ xem xét lại quyết định của mình, (vì quyết định này) không chỉ làm sụp đổ bản thân hiệp ước. mà còn phá hỏng những nỗ lực chung của chúng ta trong việc xây dựng lòng tin đối với nhau và củng cố an ninh tập thể”.

2/ Cùng ngày, Berlin cũng có phản ứng tương tự. Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố rất lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi Hiệp ước của Nga, và coi đây là đòn giáng mạnh vào an ninh toàn cầu.

Trích tuyên bố: “Chúng tôi rất tiếc khi biết tin Nga đang chuẩn bị rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Đây là một đòn mạnh giáng vào cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu, và nó có tác động cụ thể đến an ninh và lòng tin ở Bắc Bán cầu”.

Tuy vậy, Berlin cũng cam kết rằng trong mọi trường hợp vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ việc tiếp tục kiểm soát vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường tại Châu Âu.

3/ Về phần mình, Bộ Ngoại giao Anh cũng bày tỏ sự thất vọng trước việc Nga bắt đầu chuẩn bị các thủ tục nội bộ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, đồng thời kêu gọi giới lãnh đạo Nga xem xét lại quyết định này.

Hãng TASS dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Anh như sau: “Vương quốc Anh kêu gọi Nga xem xét lại quyết định của mình, trở lại tuân thủ Hiệp ước một cách hoàn toàn và đầy đủ, đồng thời đóng góp một cách xây dựng cùng các bên khác tham gia Hiệp ước”.

 

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (tổng hợp)

Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.