Chuyên mục
Ngoại giao năng lượng của Azerbaijan ''xoay trục'' sang Balkan

Ngoại giao năng lượng của Azerbaijan ''xoay trục'' sang Balkan

Chủ nhật 28/05/2023 10:17 GMT + 7

Azerbaijan đã và đang điều chỉnh chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của mình để hướng vào khu vực Balkan dễ bị khủng hoảng năng lượng hơn so với các quốc gia Trung và Tây Âu.

 

Tổng thống Bulgaria Rumen Radev (thứ 2 từ phải sang) và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (thứ 2 từ trái sang) trong lễ kí MoU nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nhà khai thác hệ thống truyền tải khí đốt ở Sofia. Ảnh: EPA

 

Theo nhận định của Fuad Shahbazov, học giả tại Trường Quản trị công và Quan hệ Quốc tế của Đại học Durham (Anh), năng lượng từ lâu đã là yếu tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại thực dụng của Azerbaijan. Gần đây, lĩnh vực này đã có thêm động lực khi các quốc gia châu Âu tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng bổ sung để thay thế nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Mặc dù các quốc gia thành viên hàng đầu của EU có thể bù đắp cho tình trạng thiếu năng lượng bằng cách sử dụng nguồn dự trữ và nhập khẩu lượng khí đốt bổ sung từ các nhà cung cấp thay thế, nhưng các quốc gia Balkan kém phát triển hơn đang phải vật lộn để thích nghi với tình trạng thiếu năng lượng.

Trong bối cảnh đó, lễ ký kết biên bản ghi nhớ về khuyến khích hợp tác giữa các công ty năng lượng Bulgartransgaz (Bulgaria), Transgaz (Romania), FGSZ (Hungary), Eustream (Slovakia) và Công ty Dầu mỏ Nhà nước Azerbaijan (SOCAR) đã được tổ chức tại Sofia vào cuối tháng 4 vừa qua.

Bản ghi nhớ (MoU) mở đường cho lượng khí đốt bổ sung của Azerbaijan chảy đến khu vực Balkan trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có ở châu Âu do cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Hơn nữa, MoU này vừa nêu bật quan hệ đối tác chiến lược của Azerbaijan với các quốc gia Balkan, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và các nhà khai thác hệ thống vận chuyển, phân phối.

Với việc mở rộng các mối quan hệ đa phương, những chuyến thăm gần đây của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tới Albania, Bosnia&Herzegovina, Bulgaria và Serbia phù hợp với một chính sách đối ngoại rộng lớn hơn, với việc Azerbaijan ngày càng ‘xoay trục’ về phía Balkan.

Theo ông Shahbazov, chiến lược trên tương tự như sự hợp tác của Azerbaijan với EU, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng khi khối này đẩy mạnh độc lập với khí đốt Nga.

Theo thỏa thuận EU-Azerbaijan được ký vào tháng 2/2023, Azerbaijan có kế hoạch tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt tự nhiên vào năm 2027, trong khi các bước đầu tiên đang được thực hiện để bắt đầu xuất khẩu năng lượng xanh sang các nước châu Âu. Xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Azerbaijan đã tăng từ 19 tỷ mét khối (bcm) lên 22,6 bcm vào năm 2022.

Mặc dù xuất khẩu và dự trữ khí đốt tự nhiên của Azerbaijan ngày càng tăng, nhưng nước này không thể thay thế hoàn toàn Nga ở cấp độ toàn châu Âu về nguồn cung cấp khí đốt. Tuy nhiên, Azerbaijan có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh năng lượng của các quốc gia riêng lẻ, cả ở EU và khu vực lân cận của EU, nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Trước xung đột ở Ukraine, Nga đã cung cấp khoảng 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu cho EU, trong khi xuất khẩu đã giảm khoảng 30% vào năm ngoái. Năm 2022, các quốc gia châu Âu chủ yếu bù đắp lượng giảm nhập khẩu từ Nga bằng LNG của Mỹ, chiếm 64% lượng LNG nhập khẩu của châu Âu.

Hiện Azerbaijan có kế hoạch xuất khẩu thêm lượng khí đốt tới châu Âu sau khi khai thác lượng khí đốt đầu tiên từ mỏ Absheron, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sản lượng khí đốt ở Azerbaijan. Theo ước tính, mỏ khí này có khoảng 350 bcm khí tự nhiên và 45 triệu tấn khí ngưng tụ. Các dự báo khác nhau chỉ ra rằng sản lượng khí đốt ở Azerbaijan sẽ vào khoảng 49,2 bcm vào năm 2024 và 49,7 bcm vào năm 2025.

Nhưng một câu hỏi đặt ra là liệu Azerbaijan có thể đồng thời tăng lượng khí đốt xuất khẩu đến EU và Balkan, trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng hay không?

Xét đến cam kết mạnh mẽ của EU đối với hòa bình và ổn định ở lục địa châu Âu, khối này ủng hộ sự hợp tác của Azerbaijan với các quốc gia Balkan dễ bị tổn thương về kinh tế.

Hơn nữa, các hoạt động của Azerbaijan ở Balkan được hoan nghênh do xuất khẩu khí đốt tự nhiên và khả năng giúp thúc đẩy phát triển năng lượng xanh cũng như chuyển năng lượng từ các nguồn tái tạo sang thị trường châu Âu. Theo truyền thông địa phương, Azerbaijan có kế hoạch tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng năng lượng của đất nước lên 30% vào năm 2030.

Về vấn đề này, một thỏa thuận mới giữa Azerbaijan, Gruzia, Hungary và Romania đã được ký kết vào tháng 12/2022 để phát triển tuyến cáp điện ngầm chiến lược Biển Đen dài 1.100 km nhằm vận chuyển năng lượng từ Azerbaijan đến EU thông qua Gruzia.

Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác của Azerbaijan với các nước Balkan không chỉ giới hạn ở xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch và năng lượng xanh mà còn ở các dự án đầu tư lớn trong khu vực. Ví dụ, vào năm 2023, Azerbaijan sẽ đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng khí đốt ở Albania trong bối cảnh mạng lưới phân phối khí đốt của khu vực đang tiếp tục mở rộng.

Mặc dù Albania là quốc gia trung chuyển cho Hành lang khí đốt phía Nam của Azerbaijan và nằm trên Đường ống xuyên Adriatic (TAP), quốc gia này chủ yếu dựa vào thủy điện, cũng như nhập khẩu một lượng nhỏ năng lượng mặt trời và năng lượng hóa thạch.

Vài năm trước, Azerbaijan đã công bố các kế hoạch tương tự để đầu tư vào cơ sở hạ tầng khí đốt của Bulgaria, một khách hàng truyền thống về khí đốt tự nhiên của Baku. Theo hướng này, không có gì ngạc nhiên khi Azerbaijan đã khánh thành trụ sở mới của Công ty Dầu mỏ Nhà nước (SOCAR) vào đầu tháng 5/2023 ở Bulgaria, để trở thành một công cụ hiệu quả cho sức mạnh mềm của Azerbaijan trong khu vực Biển Đen.

Do đó, khu vực Biển Đen đang dần trở thành một điểm đến có tầm quan trọng đặc biệt trong chính sách ngoại giao của Azerbaijan do vai trò chiến lược và vị trí địa lý gần gũi với châu Âu. Tăng cường cung cấp năng lượng cho châu Âu và phát triển hơn nữa các dự án kết nối quan trọng sẽ góp phần củng cố lợi ích địa chính trị và kinh tế của Baku.

 

Công Thuận

Nguồn: baotintuc.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.