Chuyên mục
Một nước Nga yêu từ trong tâm tưởng

Một nước Nga yêu từ trong tâm tưởng

Chủ nhật 12/01/2020 07:02 GMT + 7

Với nước Nga, tôi chỉ có vài tuần trải nghiệm mà mỹ cảm khó diễn tả bằng lời. Cảm nhận từ những ngày trên xứ sở Bạch Dương, như ngọn lửa Vĩnh cửu trước Tượng đài Liệt sĩ Vô danh, tinh thần Nga sáng mãi, cháy sáng trong dòng cảm xúc thủy chung: Không ai bị lãng quên! Không thời nào bị lãng quên!...

Nước Nga vĩ đại. Đất nước có một nền lịch sử, văn hóa lâu đời. Đất nước của những cánh rừng taiga trải dài mênh mông trong tuyết trắng, những câu chuyện cổ tích, những làn điệu dân ca, dân vũ nổi tiếng. Đất nước của những di sản nguy nga, những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, những anh hùng dựng nên lịch sử và nghệ sĩ thiên tài. Với nước Nga, tôi chỉ có vài tuần trải nghiệm mà mỹ cảm khó diễn tả bằng lời. Cảm nhận từ những ngày trên xứ sở Bạch Dương, như ngọn lửa Vĩnh cửu trước Tượng đài Liệt sĩ Vô danh, tinh thần Nga sáng mãi, cháy sáng trong dòng cảm xúc thủy chung: Không ai bị lãng quên! Không thời nào bị lãng quên!...

 

Du khách thư thả dạo bước trong không gian cổ xưa của phố cổ Arbat (Mát-xcơ-va).

 

Phi hành đoàn thông báo, chỉ còn ít phút là máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Domodedovo. Ai cũng muốn nhoài người ra cửa sổ. Từ bầu trời thấp và nắng trong xanh, nhìn qua đã có thể nhận ra một nước Nga xa xôi mà thân thuộc. Bạt ngàn những cánh rừng bạch dương, loài cây mà tôi từng ám ảnh bởi những trang văn, bởi hội họa, âm nhạc, bởi những câu chuyện cổ tích Nga từng khơi dậy trí tưởng tượng trẻ thơ. Có những ngày rất xa, cậu bé con ở một làng quê Việt lam lũ đã từng mê đắm những cuốn họa báo Liên Xô in mầu trên giấy trắng tinh, những trang sách bìa cứng đẹp lộng lẫy của Nhà xuất bản Cầu Vồng. Tôi khao khát một ngày nào đó được khám phá xứ sở Nga La Tư huyền thoại như cậu bé Buratino trong truyện của A.Tolstoy mượn chiếc chìa khóa vàng cho chuyến phiêu lưu kỳ thú đến đất nước Tí Hon…

Nước Nga, tôi đến hôm nay và đặt dấu chân trên mảnh đất nơi từng mơ ước, nhưng ấn tượng về xứ sở của những cánh rừng taiga xa xôi đã in dấu trong ký ức thơ ngây. Tôi từng mê mẩn với hình ảnh chiếc bàn gỗ dưới gốc sồi già trong điền trang nhà Nikolayevich, nơi L.Tolstoy viết Chiến tranh và Hòa bìnhAnna Karenina bất hủ. Tôi từng tưởng tượng ngược dòng Vonga để lần theo phả hệ dòng họ Melekhov có chàng kỵ binh Gregori mang mối tình điên dại với nàng Aksinia trong Sông Đông êm đềm của M.Sholokhov. Tiếng súng oan nghiệt của kỵ binh D’anthès thổi tắt “mặt trời thi ca Nga” Pushkin từng ám vọng trong tâm hồn cậu bé yêu thơ. Và những câu thơ của S.Yesenin lay thức hàng triệu trái tim: “Ôi nếu như thiên thần lên tiếng gọi. Bỏ nước Nga lên sống ở thiên đường. Tôi sẽ đáp: Thiên đường xin để đấy! Cho tôi xin ở cùng Tổ quốc yêu thương”…

Chiều nay, một buổi chiều như thời V.Solovyov viết bản tình ca Chiều Mát-xcơ-va nổi tiếng. Tôi đứng bên thành cầu ngắm dòng Mát-xcơ-va đang lững lờ trôi mà nhẩm theo giai điệu: Hỡi em thấu chăng tình, trong lòng bao trìu mến. Mát-xcơ-va bên chiều vắng thanh bình. Nước Nga chưa đến đã yêu, đến rồi cảm nhận thêm rằng, vẻ đẹp Nga mà các danh họa, văn hào dành cả đời ngợi ca chưa thể nào tả hết. Phong cảnh Nga như những đoạn phim quay chậm hiện lên trong tôi hiện tại rõ ràng mà mơ màng ký ức. Mùa thu vàng thắm đất trời tráng lệ. Phong non trùm khăn đỏ. Sồi già chi chít trời sao. Những cung điện nguy nga thấp thoáng trong những cánh rừng. Ở đâu đó trong những ngôi làng, tiếng đàn balalaika khuấy động chiều thảo nguyên bởi bản serenade và chiếc ấm samova thơm mùi trà ướp tử đinh hương những đêm buốt giá. Một nước Nga khí phách mà đằm thắm như con lật đật Nevalyahka, dù bị ghì sát đất vẫn mạnh mẽ trỗi dậy, như con búp bê Matryoska, biểu tượng của sự thân thuộc và nảy nở sinh sôi, đang dần thấm trong cảm xúc tôi. Ở đâu đó Mát-xcơ-va, đang nóng lên những câu chuyện về sức ép cấm vận, ở đâu đó vẫn nặng lòng bởi các âm mưu khủng bố, ở đâu đó là những âm ỉ chia rẽ sắc tộc. Còn Mát-xcơ-va trong tôi những ngày này bình yên đến lạ.

Cơn mưa bất ngờ đổ xuống. Những cánh rừng trong phố sũng nước. Đại lộ mênh mông dẫn tôi đến “trái tim nước Nga”. Dòng người trôi bất tận trên Quảng trường Đỏ, chờ viếng V.Lê-nin, khám phá những di sản vĩ đại trong quần thể Điện Kremlin và lắng tiếng chuông giáo đường Thánh Basil. Mát-xcơ-va thanh bình, dù trong Bảo tàng Chiến tranh Vệ quốc, mọi người như nghẹn lòng trước những đớn đau và vinh quang quá khứ. Tôi cúi đầu trước biểu tượng nguyệt quế, nhưng cảm giác thật thanh thản khi dạo gót dưới cái nắng dịu huyền trên Quảng trường Chiến thắng. Những đàn chim ríu ran dưới tán lá phong trong khuôn viên Đại học Lomonoxop. Phố cổ Arbat vẫn giữ trọn không gian nghệ thuật hơn 500 trước, như còn đó bóng dáng những đại văn hào Pushkin, Gogol, Tolstoy, Chekhov… lững thững chống can dạo gót mỗi chiều…

Tôi sẽ không bao giờ quên cái cảm giác lần đầu thưởng lãm nguyên bản những tuyệt phẩm hội họa của Levitan, Kramxoie, Venexianov, Phedotov, Repin, Xuricov… ở Bảo tàng Mỹ thuật. Mỹ cảm không thể diễn tả bằng lời trước những Thu vàng, Người đàn bà xa lạ, Những người kéo thuyền trên sông Vonga, Cuộc hành quyết những người lính cận vệ, rồi Piot Đại đế lúc xây thành St.Peterburg, Ngày về… Ngẩn ngơ trước tác phẩm của những họa sĩ cách tân đã dũng cảm giã từ nền mỹ thuật lệ thuộc. Họ xuống phố, đi về làng mạc xa xôi để tìm đường riêng cho mỹ thuật Nga. Họ vượt lên cảm xúc duy mỹ thông thường, chỉ ngợi ca thống trị và thần quyền, để “vẽ” nên một nước Nga bằng chính cốt cách, tâm hồn và khí phách vĩ đại…


* * *


Chuyến tàu đêm, từ Mát-xcơ-va đi St.Peterburg (Xanh Pê-téc-bua) khởi hành lúc 19 giờ. Lướt qua cửa sổ là những con đường, những ngôi làng, những cánh rừng nối tiếp những cánh rừng. Thấp thoáng những tháp chuông nhà thờ Chính thống giáo và những lâu đài cổ. Bức tranh Nga đẹp như từ cổ tích, tạo cho người cảm nhận dòng cảm xúc nghẹn lòng bởi nỗi nhớ không rõ nghĩa, rõ tên.

St.Peterburg hiện ra vào 6 giờ sáng như một phép màu của trí tưởng tượng. Thủ đô của đế quốc Nga, cái nôi của cách mạng, kinh đô văn hóa hơn 310 năm tuổi. Từ thập niên 60, khán giả Việt Nam từng thổn thức với bộ phim nổi tiếng Những đêm trắng của điện ảnh Xô-viết, đạo diễn I.Pyriev chuyển thể từ tiểu thuyết của văn hào F.Dostoievsky. Cũng từ rất lâu rồi, vở ballet kinh điển Hồ thiên nga do Nhà hát Mariinsky dàn dựng lần đầu từng làm say đắm tâm hồn khán giả Việt. Những tác phẩm nghệ thuật lừng danh ấy đều ra đời từ St.Peterburg. Chỉ một đêm thao thức trên tàu, tôi đã đến với quê hương của nàng Nastenka và Công chúa Odette huyền thoại. Từng là nơi đóng đô của nhiều triều đại, St.Peterburg được mệnh danh là Venice phương Bắc với tất cả quy mô và vẻ nguy nga. Hình ảnh đô thị này phản ánh đầy đủ sự xa hoa của các đời Sa hoàng…

Với những ngày St.Peterburg, cuộc thưởng lãm nào cũng mang lại dạt dào mỹ cảm, góc nhìn nào cũng cho thức nhận mới mẻ về tầm vóc lớn lao và phong hóa cổ kính. Các Sa hoàng thời đại Ivanov khéo chọn và Pyotr Đại đế với tầm nhìn xa rộng đã khơi thông dòng chảy để có một St.Peterburg lộng lẫy. St.Peterburg là đô thị của những hòn đảo, những dòng sông và những cây cầu. Trong thành phố có đến 342 cây cầu lớn nhỏ bắc qua các dòng sông. Mỗi cây cầu là một công trình kiến trúc hoàn mĩ. Và hơn hết, nó đã gắn với chiều dài lịch sử, văn hóa và đời sống cư dân. Đời phố, đời sông và cuộc đời của mỗi con người như hòa quyện trong nhau để tạo nên những giá trị bất biến qua bao mùa tao loạn. Từ quảng trường Cung Điện đến đại lộ Nevsky, từ các lâu đài Hoàng gia đến mỗi lối phố nơi đây như còn giữ nguyên quá khứ bí ẩn của mình. Phạm Trung, nghiên cứu sinh ở Đại học St.Peterburg, nói với tôi rằng: “Em từng học đại học ở đây và nay quay lại làm luận án tiến sĩ. Em yêu thành phố này không chỉ bởi di sản; có một điều sâu sắc khác là tính cách con người của cố đô Nga. Họ sống và ứng xử rất văn hóa, lãng mạn và nhân hậu…”.

Tôi tản bộ qua những con đường St.Peterburg, chạm tay vào những bức tường rêu phong, những viên đá cũ. Nhìn xuống dòng Neva ngàn năm lững lờ soi bóng xứ sở. Ngắm những tình nhân trẻ đang hẹn hò trên cầu mở Dvortsovyi, tôi thầm đọc bài thơ Không đề của nữ sĩ O.Becgon, người con gái Nga quả cảm từng đến đài phát thanh và phát những trang tin cổ vũ ái quốc trong 900 ngày Leningrat (St.Peterburg) bị phát-xít bao vây: Em nhớ lại chuyện ngày quá khứ. Khúc hát ngây thơ một thời thiếu nữ. Ngôi sao cháy bùng trên sông Neva. Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà…Tình yêu tuổi trẻ, nhiều đắm say và lắm đắng cay. Dòng Neva đã dấu lưu điều đó. Có lẽ vậy mà trước tượng đài O.Becgon ở nghĩa trang Piskaryevskoye, người ta khắc câu thơ của bà trên đá: Không ai bị lãng quên! Không điều gì bị lãng quên!. Trong đêm trắng St.Peterburg, tôi đã gặp con đường mang tên nữ sĩ, cũng đã gặp đại thi hào Pushkin trên đường phố trong dáng vóc uy nghi của bức tượng đài.

Người Nga tri ân và vinh danh các danh nhân văn hóa. Ở những nơi đẹp nhất của St.Peterburg hay Mát-xcơ-va họ dựng tượng văn nhân, thi sĩ bên tượng đài các nhân vật đã làm nên lịch sử nước Nga như Piot Đại đế, Nguyên soái Kutuzop, Nữ hoàng Katherine Đệ nhị hay vua Nikolai Đệ nhất… Cũng ở St.Peterburg, cạnh những tòa giáo đường nguy nga như Kazan và Isacc, những cung điện tráng lệ như Mùa Hè, Mùa Thu, Mùa Đông là bảo tàng nổi tiếng Hermitage với ba triệu hiện vật và Học viện Mỹ thuật Hoàng gia, nơi từng dưỡng nuôi những tài năng mỹ thuật nổi tiếng nhân loại. Người Nga yêu nghệ thuật cũng như tâm hồn họ luôn dưỡng nuôi và khát khao cái đẹp…


* * *


Đến với nước Nga, tôi cảm nhận rõ thêm tính cách Nga mạnh mẽ nhưng khiêm nhường. Tâm hồn Nga lãng mạn và lạc quan. Lúc nào họ cũng có thể hát ca, có thể nhảy múa, trên gương mặt luôn tươi nở nụ cười. Dù lịch sử lắm khúc quanh co, dù thời cuộc gặp nhiều biến cố nhưng những giá trị Nga vẫn vẹn nguyên dáng vóc qua thời gian. Trong tận cùng khổ đau, người Nga vịn vào tinh thần lạc quan đứng dậy và làm nên chiến thắng. Người Nga biết cách hy sinh, ít nhận sự đáp đền.

Tôi yêu nước Nga, nước Nga trong tâm tưởng và một nước Nga mà tôi đã gặp.

 

UÔNG THÁI BIỂU

Nguồn: nhandan.com.vn
29 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.