Chuyên mục
NATO 76 tuổi – Liên minh quân sự hùng mạnh hay ''gã khổng lồ'' chao đảo?

NATO 76 tuổi – Liên minh quân sự hùng mạnh hay ''gã khổng lồ'' chao đảo?

Thứ sáu 04/04/2025 12:28 GMT + 7

Khi Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập vào ngày này cách đây 76 năm (4/4/1949), nhiều người chỉ xem đây là liên minh quân sự có tính phòng thủ chứ không phải một tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn đến cục diện an ninh quốc tế như hiện nay.

 

NATO hiện có 32 thành viên, với khoảng gần tỷ dân, trong đó có 3,3 triệu quân nhân tại ngũ. Ảnh minh họa. (Nguồn: WBOC)

 

Sau Thế chiến II, bối cảnh quốc tế bất ổn đã thúc đẩy các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ xây dựng một liên minh quân sự để đối phó với Liên Xô và khối các nước Xã hội chủ nghĩa. Ngày 4/4/1949, 12 quốc gia gồm Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Pháp, Vương quốc Anh, Mỹ, Canada, Italy, Na Uy, Đan Mạch, Bồ Đào Nha và Iceland đã cùng ký kết Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ở Washington D.C, đánh dấu sự ra đời của NATO.

 

NATO đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh tập thể của các thành viên theo nguyên tắc cốt lõi là Điều 5 của Hiến chương liên minh, quy định rằng cuộc tấn công vào một thành viên sẽ được xem như tấn công vào toàn bộ khối. Bên cạnh đó, NATO duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ và tổ chức các cuộc tập trận chung nhằm răn đe các đối thủ tiềm tàng.

Trong suốt Chiến tranh Lạnh (1949-1991), NATO là tấm lá chắn chính trước khối Warsaw do Liên Xô và khối các nước Xã hội chủ nghĩa thành lập năm 1955. Từ sau đó cho đến nay, NATO chuyển hướng sang thực hiện chính sách mở rộng và tích cực tham gia vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chẳng hạn như tại Kosovo (từ năm 1999 đến nay) và Afghanistan (2001-2013), đồng thời triển khai các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo trong các khu vực xung đột.

Kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đã trải qua nhiều đợt mở rộng về phía Đông. Trong vòng 10 năm từ 1999-2009, NATO kết nạp thêm 12 thành viên ở Trung-Đông Âu và vùng Balkan. Xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022 đã khiến NATO đạt bước ngoặt trong việc mở rộng thành viên, với việc hai quốc gia Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách trung lập tồn tại nhiều thế kỷ qua để gia nhập, qua đó, nâng tổng số đồng minh trong tổ chức lên 32.

Những con số


0 - Chưa từng có quốc gia nào rời NATO kể từ khi tổ chức này thành lập vào năm 1949, ngoại trừ trường hợp Iceland và vùng lãnh thổ Greenland của Đan Mạch từng cân nhắc lại tư cách thành viên do những tranh cãi nội bộ nhưng cuối cùng vẫn duy trì trong khối. Bên cạnh đó, năm 1966, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle (1890-1970) từng quyết định rút nước này khỏi bộ chỉ huy quân sự của khối do có nhiều bất đồng với Mỹ song đã quay lại vào năm 2009.

Dù vậy, mối quan hệ của Pháp với NATO đôi khi vẫn căng thẳng, như khi Tổng thống Emmanuel Macron từng nhận xét liên minh này đang bị “chết não” trong một cuộc phỏng vấn với The Economist vào tháng 11/2019, đề cập sự thiếu phối hợp giữa các nước thành viên trong tổ chức, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi Syria mà không tham vấn đồng minh.

Tuy vậy, việc không có quốc gia nào rời NATO, thậm chí tiếp tục có nhiều nước bày tỏ muốn gia nhập, điển hình là Ukraine và Georgia, phản ánh sự bền vững cũng như sức hút của liên minh đối với các quốc gia thành viên trong việc bảo đảm an ninh tập thể.

1 - Kể từ khi NATO thành lập, Điều 5 mới chỉ được kích hoạt một lần sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ. Sau khi kích hoạt, NATO đã triển khai Chiến dịch Đại bàng cao quý (Operation Eagle Assist), trong đó các máy bay cảnh báo sớm AWACS của liên minh tuần tra không phận Mỹ để hỗ trợ phòng không.

2% - Mục tiêu chi tiêu quân sự của NATO yêu cầu các quốc gia thành viên cam kết dành ít nhất 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, tính đến năm 2024, chỉ có khoảng 20 trong số 32 thành viên đạt hoặc vượt mức này. Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là từ phía Mỹ, quốc gia đóng góp nhiều nhất vào ngân sách NATO.

 

Washington liên tục gây sức ép yêu cầu các thành viên châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng để chia sẻ gánh nặng một cách công bằng. Một số quốc gia như Ba Lan, Estonia và Hy Lạp đã vượt mức 2%, trong khi các nước như Đức, Tây Ban Nha và Canada vẫn chưa đạt được mục tiêu này. Sự chênh lệch làm dấy lên lo ngại về khả năng phòng thủ chung của liên minh cũng như mức độ cam kết của từng thành viên đối với NATO.

3,3 triệu - Đây là số binh sĩ NATO tại ngũ tính đến năm 2025, theo thông tin mà Reuters đưa ra. Các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ đóng góp đáng kể vào tổng số này. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của NATO chiếm khoảng 50% GDP thế giới, với tổng số dân của liên minh là gần 1 tỷ người.

 

Thách thức khó nhằn


Dù NATO vẫn duy trì vai trò quan trọng trong nền an ninh toàn cầu, nhưng tổ chức này đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Trước hết là sự chia rẽ nội bộ, xuất phát từ những khác biệt về quan điểm giữa các thành viên. Một ví dụ điển hình là căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu về chia sẻ ngân sách quốc phòng, hay sự bất đồng trong chính sách đối ngoại, đặc biệt liên quan vấn đề Ukraine.

Theo một bài viết của cựu Đại sứ Mỹ tại NATO (giai đoạn 2009-2013) Ivo H. Daalder trên tạp chí Forreign Affairs ngày 28/3, sau nhiều thập kỷ nhấn mạnh vai trò trung tâm của mình trong NATO, Mỹ hiện đã ra tín hiệu rằng họ không còn muốn lãnh đạo liên minh này nữa.

Hồi giữa tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói rõ ràng: "Những thực tế chiến lược khắc nghiệt ngăn cản Mỹ tập trung chủ yếu vào an ninh của châu Âu", bổ sung rằng, sự bền bỉ của NATO sẽ đòi hỏi "các đồng minh châu Âu phải bước vào đấu trường và nắm quyền kiểm soát an ninh thông thường trên lục địa này".

Tuy nhiên, ngoài việc kêu gọi các nước châu Âu chi nhiều hơn cho quốc phòng với đề xuất tăng ngân sách cho lĩnh vực này lên 5% GDP, ông Hegseth không hề đề cập việc châu Âu nên làm thế nào để có thể quản lý một tổ chức đã tồn tại nhiều thập kỷ dưới sự kiểm soát của Mỹ.

Bên cạnh đó, những lời nói và hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi nhậm chức ngày 20/1, bao gồm cả việc đe dọa biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ và giành quyền kiểm soát Greenland, đã làm xói mòn những cam kết của chính Washington với các đồng minh của liên minh quân sự, trong đó có Điều 5. Thậm chí, hồi tháng 2, ứng cử viên Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã bày tỏ sự không chắc chắn liệu trong vài tháng nữa, "chúng ta có còn nói về NATO theo hình thức hiện tại hay không".

Ngoài ra, NATO còn phải đối mặt với sự trỗi dậy của các đối thủ chiến lược như Nga và Trung Quốc, trong đó, vấn đề ở Ukraine là phép thử lớn đối với khả năng phản ứng của NATO trước một cuộc xung đột quân sự truyền thống.

Chuyên gia Michael Kofman tại Trung tâm phân tích hải quân (CNA) nhận định vào năm 2024 rằng: "Sự kiên trì của NATO trong việc hỗ trợ Ukraine sẽ quyết định liệu tổ chức này có thể giữ vững vị thế là trụ cột an ninh châu Âu hay không”. Tuy nhiên, vào tháng 2, Mỹ một lần nữa thách thức sự đoàn kết của liên minh quân sự khi đứng về phía Nga để phản đối nghị quyết của Liên hợp quốc lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine, đi ngược lại với các thành viên khác.

Không chỉ có các mối đe dọa truyền thống, NATO còn phải đối phó với các thách thức phi truyền thống như chiến tranh mạng, các cuộc tấn công sử dụng trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu và sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố.

Theo cựu Đại sứ Mỹ Ivo H. Daalde, trong suốt 76 năm lịch sử của mình, NATO đã phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, nhưng không có cuộc khủng hoảng nào nghiêm trọng như những gì mà tổ chức này đang phải đối mặt ngày nay. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các đồng minh vẫn còn "lối thoát" để bảo tồn những gì tốt nhất mà NATO từ lâu đã mang lại - một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ có khả năng đánh bại mọi mối đe dọa an ninh - và thời điểm bắt đầu là "ngay bây giờ".

 

Hoàng Hà

Nguồn: baoquocte.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.