Chuyên mục
Banya - Nhà tắm hơi truyền thống kiểu Nga

Banya - Nhà tắm hơi truyền thống kiểu Nga

Chủ nhật 01/09/2019 17:26 GMT + 7
Đặt chân đến bất kỳ vùng nông thôn nào của nước Nga, bạn cũng có thể nhìn thấy trong góc vườn của mỗi gia đình đều có một ngôi nhà nho nhỏ làm bằng thân cây, mái ván bọc tôn ám khói. Đó chính là banya - nhà tắm hơi đặc trưng của người Nga. Nếu bạn có thời gian, chắc chắn sẽ được mời tắm hơi trong banya. Mà tắm hơi kiểu Nga thì… một lần là nhớ mãi…


Lò đá – linh hồn của banya

Ngày nay, ở Nga, với phòng tắm hiện đại trong mọi nhà, vai trò của banya không còn như trước. Nhưng chỉ cách đây chừng ba, bốn chục năm thôi, nhà tắm hơi truyền thống vẫn còn rất phổ biến ở các vùng nông thôn Nga. Ngày tôi du học ở Matxcơva (cách đây bốn chục năm), lần nọ, nhân dịp nghỉ lễ, tôi được một bạn học người Nga rủ về thăm quê dưới tỉnh. Xin không nói về sự đón tiếp nồng hậu của những người nông dân Nga hồn hậu, tốt bụng và vô cùng mến khách, chỉ xin kể lại kỷ niệm về lần tắm hơi cực kỳ ấn tượng mà tôi được trải nghiệm trong chuyến đi này.

Nhà tắm hơi được làm bằng những khúc thân cây thông đặt nằm ngang lên nhau theo bốn phía như kiểu người Việt Nam làm cũi lợn, diện tích lọt lòng chừng 12 – 15m2. Bên trong, ngoài những băng ghế dài đặt dọc vách nhà còn có một thùng nước to đùng làm bằng gỗ sồi và một cái bếp lò trông rất “quái”. Thùng nước cao ngang đầu người, bên hông gắn thang để leo lên múc nước (có một cái gàu gỗ xách tay để múc). Nhưng cái lò “quái chiêu” mới thực sự là linh hồn của banya. Lò gồm những hòn đá xếp theo hình vòng tròn, lớp này chồng lên lớp kia. Những lớp dưới cùng là loại đá lớn, cỡ cái nồi cơm điện. Càng lên cao, loại đá được xếp càng nhỏ lại – cỡ đầu người, rồi cỡ quả bưởi và nhỏ hơn. Chu vi vòng tròn đá cũng càng lên cao càng thu hẹp lại, cuối cùng được khép kín bằng một hòn đá duy nhất ở đỉnh. Như vậy, lò có hình vòm, trông giống một nửa vỏ quả trứng đặt úp. Bên hông lò, sát dưới đất, người ta chừa một lỗ làm cửa để đun củi vào.



Để chuẩn bị tắm, trước hết phải đốt lò thật rực. Củi đun lò phải là củi bạch dương thì khói mới thơm. Sau khoảng 2 – 3 giờ, khi đá đã được nung thật nóng, người ta rút củi cời hết than ra khỏi lò. Bấy giờ, không gian trong nhà tắm nóng rực, thơm thơm mùi khói từ than gỗ bạch dương. Thông thường, mỗi tuần banya hoạt động hai lần – một lần dành cho đàn ông và lần kia dành cho phụ nữ.

“Há miệng ra mà thở!”

Hôm ấy, cánh đàn ông chúng tôi trút bỏ hết “xiêm y” từ trong nhà, như là “nghi thức” đầu tiên cho một lần tắm hơi. Rồi mỗi người chỉ quấn ngang hông một chiếc khăn lớn và đội một chiếc mũ da trên đầu, “hành quân” ra nhà tắm. Tôi vô cùng hăm hở, vì lần đầu tiên được biết thế nào là tắm hơi kiểu Nga. Trên đường, mỗi người đều tranh thủ bẻ một bó cành lá bạch dương. Tôi cũng hăng hái bẻ được một bó tướng.


Chúng tôi vào nhà tắm sau khi khói trong đó đã tan hết. Trong khi tôi đang mải ngắm nghía những bức tường bằng thân cây ám bồ hóng đen đặc, anh bạn tôi leo lên miệng thùng, múc một gàu nước, từ trên thang tạt thẳng xuống bếp lò. “Xèo, xèo, xèo xèo…”. Hơi nước tỏa ra mù mịt. Không khí bỗng chốc trở nên nặng như chì. Tôi ôm chặt lấy ngực, tức thở muốn chết đi được. Thấy thế, những người cùng tắm cười vang, vỗ vai tôi: “Không sao đâu, chỉ một lát là quen thôi. Há miệng ra mà thở”. Chẳng cần phải bảo thì miệng tôi cũng đang ngáp ngáp như cá lên khỏi nước. Nào đã hết! Lại “xèo, xèo” vài cú nữa. Hơi nước trở nên đặc quánh, cảm giác như có thể treo đòn gánh.

Nóng như trong lò Bát quái! Tuy nhiên, sau cú sốc ban đầu, cơ thể tôi dần dần thích nghi với nhiệt độ và độ ẩm cao, cảm giác khó chịu cũng lui dần. Sau khi “hoàn hồn”, tôi bắt đầu để ý quan sát mọi chuyện diễn ra xung quanh. Mọi người đang kỳ cọ và chuyện trò rôm rả, cười đùa sảng khoái. Còn tôi, tôi nghĩ khỏi phải kỳ, vì mồ hôi tuôn như xối hẳn đã cuốn theo tất cả những gì cần kỳ cọ trên da. Vả lại, da tôi lúc đó đã đỏ như tôm luộc, kỳ vào rát chết. Ấy vậy, đám đàn ông Nga chả biết đau với rát là gì – họ kỳ cọ không chỉ bằng bàn tay mà còn bằng bùi nhùi và đá gan gà mới ghê chứ! Kỳ cọ xong, họ bắt đầu dùng bó lá bạch dương quất lên thân mình, lúc đầu nhè nhẹ, sau mạnh dần. Có gã còn nằm duỗi sấp trên băng ghế, nhờ bạn quất hộ lên lưng, mông, đùi, mắt lim dim xem chừng rất sướng. Trong không gian xuất hiện một mùi hương nồng nồng dễ chịu từ những chiếc lá bạch dương bị đánh giập và bị “hấp” bằng hơi nước. Bỗng dưng tôi nhớ đến nồi lá xông ở quê nhà Việt Nam. Vậy là xông hay tắm hơi đều có cùng một nguyên tắc, chỉ khác nhau ở không gian và cách thức tạo hơi.



Sự cố nhớ đời

Một lát sau, hơi nước dường như loãng dần vì mọi người mải kỳ cọ và quất lá, không ai “châm” nước cho đá. Quyết định “đóng góp chút công sức”, tôi bèn leo lên thang, múc một gàu nước để rưới đá. Nhưng cái gàu khá to, còn tôi thì bé (so với người Nga), mà lại ham “lập công”, múc khá đầy, nên không thể tạt từ xa. Thế là đành phải xách gàu đến gần lò, tưới lên vòm đá. Thật ngu xuẩn! Sau khi nghe tiếng “Xèo!”, tôi bỗng bật ngửa, lăn đùng ra, thét lên vì bỏng rát. Ấy là do hơi nước cực nóng bốc ra từ những hòn đá nung táp vào người tôi ở khoảng cách gần.

Hiểu ngay chuyện gì xảy ra, mọi người vội bật dậy, nhào tới, tóm lấy tứ chi của tôi, xách lên như con lợn, đạp cửa lao ra ngoài, quẳng đánh “tòm” xuống hồ nước gần đó. Tuy biết bơi nhưng do bị bất ngờ ném xuống hồ, tôi cũng phải uống đầy một bụng nước trước khi ngoi lên được. Tưởng rằng sẽ bị choáng sốc mà chết do nhiệt độ thay đổi đột ngột (tiết tháng Năm, nước sông hồ ở Nga vẫn còn rất lạnh), chẳng dè, cảm giác bỏng rát dịu hẳn khi tôi ở trong nước lạnh. Nhưng nhìn lên bờ, thấy mấy gã đàn ông trần truồng như nhộng đang cười nghiêng cười ngả, tôi bỗng dưng nổi cáu. Đã thế, tôi chưa lên vội nhá.

Tôi ngửa mặt lên, giả vờ vật vờ trên mặt nước như bị đuối sức, nhoài nhoài hai chân, đẩy mình mỗi lúc một ra xa bờ. Chỉ được một lát, tôi bắt đầu cảm giác có hơi đuối sức thật, có lẽ phải quay vào bờ thôi. Đúng lúc đó, tóc tôi bị giật mạnh (thời sinh viên, tôi để tóc dài tới vai) rồi tôi bị kéo đi băng băng trên mặt nước. “Uỵch” – đầu tôi chạm bờ, chân tôi chạm đáy. Ngoảnh nhìn, thì ra là ông chú ruột của bạn tôi đã “cứu” tôi. Ông là trung tá công an điều tra xét hỏi và cũng là một “kình ngư” nổi tiếng khắp vùng, từng đoạt giải á quân bơi lội toàn ngành! A ha ha! Tôi đã qua mặt được cả công an điều tra trong vụ giả vờ chết đuối này!

Mọi người quấn khăn cho tôi kín mít, đề phòng cảm lạnh, rồi vào nhà tắm thu dọn đồ đạc. Tôi bỗng ân hận vì đã làm hỏng niềm hứng thú của họ trong cuộc tắm hơi lần này: nếu không có chuyện tôi bị bỏng và chuyện “câu giờ” dưới nước, họ còn được hưởng thụ niềm vui ấy thêm cả tiếng đồng hồ.



“Nạp năng lượng” sau khi tắm hơi

Nhưng chuyện tắm hơi chưa dừng ở đó. Sau khi vào nhà, mặc quần áo xong, mọi người bước ra sân, đã thấy một lò thịt nướng thơm lừng. Cánh phụ nữ tất bật quạt than nướng thịt và chuẩn bị các món ăn. Đàn ông thì lục tục kê bàn, dọn ghế. Các loại rượu cũng được dọn ra. Khi tôi tỏ ra áy náy – chỉ vì tôi mà gia đình phải bận rộn thế này – anh bạn tôi vội giải thích: “Không phải đâu! Thủ tục nó thế. Tắm hơi xong là phải nạp năng lượng. Không có cậu thì mọi khi cũng vẫn thế này thôi”. Thì ra, tiệc rượu thịt nướng chính là nghi lễ cuối cùng, khép lại một cuộc tắm hơi của người Nga.

Tôi muốn uống rượu vang nhưng mọi người bắt tôi phải uống vodka loại mạnh cho nóng người. Sau vài lượt rượu, ông chú bạn tôi đến gần tôi, vỗ vai, nói nhỏ: “Ban nãy, chú mày đóng kịch hơi lâu đấy. Tội phạm mà giỡn mặt kiểu ấy, tớ đã tẩn cho nhừ đòn rồi”. Thì ra ông ấy sợ tôi bị lạnh nên bơi ra kéo đầu vào bờ chứ chẳng phải tưởng tôi chết đuối như tôi đã lầm.


Kỷ niệm về banya của tôi là như thế. Từ đó đến nay, tôi không còn có dịp nào được tắm hơi kiểu Nga. Gần đây, qua bạn bè và sách báo, tôi được biết banya truyền thống của Nga đã mai một nhiều. Một trong những lý do là để hạn chế việc chặt cây rừng, chính quyền vận động người dân ngừng dùng củi (có nơi còn cấm hẳn). Ngoài ra, do mức sống được nâng cao, nhiều người quyết định bỏ banya, sử dụng thiết bị vệ sinh hiện đại để tắm rửa hoặc sử dụng các kiểu nhà tắm hơi tân tiến (sauna) với hơi nước nóng được đun bằng gas hoặc điện. Có lẽ chẳng còn bao lâu nữa, banya, một nét văn hóa bình dân đáng yêu, sẽ chỉ tồn tại trong ký ức của những người Nga lớn tuổi. Thật tiếc!

Banya Nga truyền thống

Nhà tắm hơi truyền thống (banya) của Nga có một lịch sử lâu dài, từng được ghi nhận trong các tài liệu viết tay có từ nửa đầu thế kỷ X, nhưng văn hóa dân gian đã đề cập đến banya từ khi ở Nga còn chưa có chữ viết. Thời ấy, nhà tắm hơi kiểu Nga được gọi bằng các từ khác: mov, movnya, vlaznya hoặc mylnya. Từ “banya” xuất hiện sớm nhất trong các nguồn văn bản từ thế kỷ XI.

Đối với người Nga cổ, tắm hơi không chỉ là một cách để duy trì vệ sinh cá nhân và tăng cường sức khỏe, họ còn tin rằng hoạt động này giúp thanh lọc không chỉ cơ thể, mà cả tâm hồn. Các thủ tục tắm hơi được sử dụng để trừ tà, giải ác, hóa giải những điều không may mắn… Ngày nay phương thức này cũng không hoàn toàn bị lãng quên, tuy nhiên các yếu tố mê tín dị đoan đã bị loại bỏ, và phương pháp phục hồi sức khỏe tinh thần với sự trợ giúp của nhà tắm hơi Nga đã được thực hành trong nhiều thế kỷ vẫn được sử dụng.

Theo nhiều nhà sử học, sự xuất hiện của banya gần như trùng khớp với sự xuất hiện của người Slavơ như một cộng đồng nhân chủng học. Từ thời xa xưa, người ta tin rằng banya là sự kết hợp của 4 yếu tố tự nhiên chính: nước, lửa, không khí và đất. Người Slav cổ đại cho rằng khi tắm hơi trong banya, con người hấp thụ sức mạnh của những yếu tố này và trở nên mạnh mẽ hơn cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ cũng tin tưởng vững chắc vào khả năng làm sạch và chữa lành của nhà tắm, việc xông hơi trong banya thường được thực hiện trước khi đưa ra những quyết định quan trọng hoặc để tẩy trần sau một hành trình dài. Về sau, việc chủ nhà mời khách tắm hơi trong banya nhà mình đã trở thành nét đặc trưng cho lòng hiếu khách của người Nga.




Nhà tắm hơi kiểu Nga rất phổ biến trong tất cả các nhóm xã hội: cả quý tộc lẫn bình dân. Bất cứ ai cũng có thể xây dựng và sở hữu banya nếu có đủ đất cho việc này. Vào giữa thế kỷ XVII, một nghị định đã được chính quyền Nga hoàng ban hành cho phép xây dựng nhà tắm chỉ ở một khoảng cách nhất định từ các ngôi nhà có dân cư sinh sống; rất có thể lý do cho quy tắc này là những cân nhắc về an toàn phòng cháy. Dần dần, cùng với banya gia đình, nhà tắm hơi công cộng bắt đầu xuất hiện, nơi bất cứ ai cũng có thể thư giãn với một khoản phí nhất định. Nhà tắm hơi nổi tiếng nhất của Nga là banya Sandunovsky, được thành lập vào năm 1808 tại Moscow và cho đến ngày nay vẫn còn hoạt động.

Ở Nga, theo truyền thống, banya thường hoạt động vào ngày thứ Bảy trong tuần, vì lý do này, ngày thứ Bảy hàng tuần còn được gọi là ngày tắm hơi. Trong nhà tắm hơi gia đình, vợ chồng có thể tắm chung với nhau. Nhưng ở nhà tắm hơi công cộng thì đàn ông và phụ nữ phải tắm ở những khu vực riêng biệt. Việc phân chia nhà tắm hơi thành “nam” và “nữ” được thực hiện vào năm 1743. Khi đó, một nghị định đặc biệt của chính quyền đã cấm người thuộc giới tính nam trên 7 tuổi vào nhà tắm của phụ nữ và ngược lại.

Trong văn hóa Nga, tắm hơi có tầm quan trọng rất lớn, qua nhiều thế kỷ, nó đã gắn liền với nhiều truyền thống và phong tục khác. Ví dụ, đêm trước đám cưới, cũng như ngày sau đám cưới, đôi tân hôn ở vùng nông thôn Nga thường thực hiện việc tắm hơi trong banya. Tắm hơi ở Nga ngày nay đóng một vai trò quan trọng trong y học cổ truyền, được coi là đáng tin cậy và thường là phương tiện đáng tin cậy để chống lại nhiều bệnh tật. Liên quan đến vấn đề này, có một câu nói phổ biến ở Nga: “Sau khi tắm hơi, tôi đã tự rửa sạch thân thể và tâm hồn mình - như thể tôi được sinh ra một lần nữa!”.


Nhà tắm hơi banya thường được xây dựng cách các ao hồ không xa, để sau khi tắm hơi, mọi người có thể chạy khỏa thân ra ngoài và ném mình xuống nước, hiệu quả rõ rệt nhất đạt được trong mùa đông do chênh lệch nhiệt độ rất lớn. Banya truyền thống của Nga được xây dựng hoàn toàn từ thân gỗ tròn, và mỗi loại gỗ tỏa ra một mùi thơm đặc biệt, mang lại cho quá trình tắm một sự hấp dẫn đặc biệt.

Phạm Bá Thủy
(Bài đăng tạp chí Thế Giới Mới)
37 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.