Chuyên mục
ĐB Quốc hội: Tình trạng ''lót tay'' để được giải quyết công việc chưa chuyển biến

ĐB Quốc hội: Tình trạng ''lót tay'' để được giải quyết công việc chưa chuyển biến

Thứ bảy 23/10/2021 21:49 GMT + 7

Chiều 23/10, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Sau đó, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về báo cáo này.


Nguy cơ "lợi ích nhóm", "sân sau"

Nêu ý kiến tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) nhấn mạnh, năm nay là năm thứ hai áp dụng thực hiện mở rộng phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Tuy số cuộc thanh tra, kiểm tra tại khu vực này giảm song số vụ việc phát hiện tham nhũng lại tăng.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre)


Liên quan đến việc năm 2021, qua kiểm tra 13 đơn vị là doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước đã phát hiện 13 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy bày tỏ băn khoăn, việc phát hiện 100% tại các đơn vị được kiểm tra là do chọn đúng đối tượng thanh tra, kiểm tra, do đổi mới phương pháp hay do tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, đại biểu này cũng băn khoăn khi một số vấn đề đã được nêu lên từ năm trước nhưng đến nay chưa được giải quyết hay chưa có sự chuyển biến rõ rệt như: Tình trạng "lót tay" để được giải quyết công việc, nguy cơ "lợi ích nhóm", "sân sau" tập trung vào một số lĩnh vực.

Từ đó, đại biểu Thủy kiến nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan về công tác phòng, chống tham nhũng, có giải pháp hạn chế tối đa tồn tại hạn chế đã được chỉ ra. Đồng thời, cần quan tâm chỉ đạo, xử lý kiên quyết các hành vi tham nhũng liên quan đến hỗ trợ an sinh xã hội, phòng chống dịch COVID-19.

Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) bày tỏ quan tâm đến nguyên nhân "cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, chưa được cải thiện". Đại biểu Trần Văn Tuấn lý giải, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến sự tha hóa, lạm quyền, lộng quyền; là nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của tham nhũng, quan liêu.

 


Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang)

 

Đại biểu Tuấn đề nghị thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, trước hết cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Vì ngay trong luật còn có những bất cập trong quy định về trách nhiệm, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết khiếu nại...

"Về cơ bản, các khiếu nại hành chính lại do các cơ quan hành chính giải quyết, không tránh khỏi sự thiếu khách quan, thiếu nghiêm túc, đùn đẩy, chậm trễ trong giải quyết, gây tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, thậm chí thành điểm nóng gây bức xúc trong xã hội", đại biểu Trần Văn Tuấn nêu ý kiến.

Kiến nghị thanh tra, kiểm toán huy động tiền từ thiện

Trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ "lợi ích nhóm", "sân sau", tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục...

 


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga


Một số tội phạm tham nhũng liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã phát sinh. Chẳng hạn, chính sách của Nhà nước là tiêm vaccine miễn phí cho người dân, tuy nhiên qua phản ánh trên phương tiện truyền thông cho thấy còn có hiện tượng thu tiền, "trả phí" để được ưu tiên... Tình trạng làm giả giấy nhận diện mã QR Code để vào "luồng xanh vận tải"; lợi dụng "luồng xanh" để vận chuyển người, hàng hóa trái phép... xảy ra ở một số địa phương.

Ủy ban Tư pháp nêu 3 kiến nghị, thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để tạo chuyển biến rõ rệt hơn trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, cơ quan tư pháp.

Thứ ba, đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như: lĩnh vực y tế, giáo dục và huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện./.


Thế Công

Nguồn: toquoc.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.