Chuyên mục
Xử vụ nhận 'lót tay' 11 tỷ: Các sếp đường sắt lĩnh 52 năm tù
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Xử vụ nhận 'lót tay' 11 tỷ: Các sếp đường sắt lĩnh 52 năm tù

Thứ ba 27/10/2015 09:07 GMT + 7
HĐXX quyết định, tuyên phạt 6 quan tham tổng cộng 52 năm tù. HĐXX xác định, các bị cáo phải có trách nhiệm bồi hoàn số tiền 11 tỷ đồng.

Tiếp tục phiên tòa xét xử 6 cựu quan chức đường sắt ngày hôm qua, vị đại diện VKSND đối đáp quan điểm của các luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Người giữ quyền công tố tại tòa khẳng định theo quy định của Luật Công chức, hành vi của 6 bị cáo thỏa mãn chủ thể của tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bởi lẽ, RPMU là đơn vị có tư cách pháp nhân đầy đủ, thực hiện chế độ kế toán của đơn vị chủ đầu tư, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và hệ thống Ngân hàng, tổ chức bộ máy biên chế, tài chính của một đơn vị sự nghiệp, có quyền tự chủ, chịu trách nhiệm độc lập.

Về ý kiến của các luật sư cho rằng khoản chi phí từ phía JTC hỗ trợ là hợp pháp, VKSND khẳng định khoản tiền 11 tỷ đồng là bất hợp pháp. Điều này cũng được thể hiện phía nhà thầu Nhật Bản là JTC xác định là khoản chi này là trái pháp luật và đưa vụ án ra xét xử độc lập.

Đại diện VKSND giữ nguyên quan điểm cho rằng hành vi của các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ, bàn bạc, thống nhất từ trên xuống dưới. Sau khi thực hiện thì các bị cáo đều có báo cáo lại cho lãnh đạo quản lý RPMU. Các bị cáo đại diện là chủ đầu tư, thay mặt nhà nước trong việc chấp thuận giải ngân kinh phí cho nhà tư vấn.

Về vấn đề vụ lợi, hành vi gợi ý để buộc nhà thầu có khoản chi ngoài hợp đồng, được các bị cáo quản lý và sử dụng cho tập thể và cá nhân.

Đối với số tiền 11 tỷ đồng, các luật sư cho rằng đây là số tiền của doanh nghiệp không phải là tiền của nhà nước Việt Nam, tiền của Chính phủ Nhật Bản, do vậy việc sử dụng nguồn tiền của doanh nghiệp không vi phạm pháp luật, nhưng VKS vẫn giữ nguyên quan điểm.

Các bị cáo tiếp tục hầu tòa trong sáng nay (27/10).

Theo dẫn chứng của kiểm sát viên, quy chế của RPMU và Tổng Công ty đường sắt Việt Nam thì nguồn hỗ trợ từ tổng công ty. Số tiền 11 tỷ đồng này bị phát hiện thông qua kiểm tra, kiểm toán của Chính phủ Nhật Bản.

Cơ quan chức năng Nhật Bản xác nhận khoản tiền này là chi trái pháp luật. Do vậy, việc nhận tiền hỗ trợ 11 tỷ đồng của các cựu lãnh đạo RPMU và thuộc cấp là không hợp pháp.

Việc các luật sư cho rằng, vụ việc không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, viện Kiểm sát cho hay xác minh từ phía Nhật Bản, JTC đã chi ra gần 100 triệu yen trong các dự án trong đó có Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản cho thấy hành vi trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai nước.

"Bộ Giao thông vận tải xác định đây là sự việc nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm. Trong khi đó, Quốc hội và nhân dân Nhật Bản rất quan tâm đến sự việc. Chính phủ Nhật Bản đã chính thức đình chỉ vốn ODA mới đến khi Việt Nam làm rõ vi phạm", đại diện VKS cho biết.

Nhằm gây dựng lại lòng tin, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Bộ GTVT đã có văn bản gửi cơ quan điều tra Bộ Công an xử lý vấn đề trên để đảm bảo mối quan hệ, chính sách vốn ODA tại Việt Nam. Đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã có được niềm tin để tiếp tục quan hệ đầu tư với Việt Nam.

Phản quan điểm của các luật sư cho rằng khoản hỗ trợ của JTC là có trong hợp đồng ký kết giữa nhà thầu này với RPMU, VKS cho rằng, trong toàn bộ hợp đồng không có nội dung nào cho thấy JTC phải chi vào các khoản lễ, tết, nghỉ mát cho cán bộ nhân viên RPMU… Ngay việc JTC giao tiền ngoài hợp đồng là vi phạm pháp luật tại nước sở tại.

Tại phần tranh luận, bị cáo Trần Quốc Đông khẳng định mình không né tránh trách nhiệm và sẵn sàng chấp nhận hình phạt. Tuy nhiên, bị cáo Đông muốn được xem xét trách nhiệm một cách khách quan, thẳng thắn không áp đặt phải có đầy đủ chứng cứ để bị cáo tâm phục khẩu phục.

Theo bị cáo Đông, đại diện VKS nói rằng, Đông và những bị cáo khác đã để cho dự án chậm tiến độ gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Đông khẳng định, trong thời gian làm giám đốc RPMU, dự án không bị chậm. Còn việc chậm tiến độ dự án theo bị cáo Đông là chuyện không tránh khỏi vì hoạt động dự án rất rủi ro, có thể thành công hoặc không thành công, vì vậy nhiều dự án đã bị bỏ lỡ giữa chừng.

“Việc chậm dự án đến đâu, gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng chưa xác định được thiệt hại thì không thể định lượng được tội danh của bị cáo”, bị cáo Đông nói.

Bị cáo Đông cho rằng việc quy kết tội danh với mình chưa khách quan và chưa thuyết phục.

Đối với quan điểm của luật sư bào chữa cho Trần Văn Lục, Nguyễn Văn Hiếu, VKS khẳng định, trước khi ký hợp đồng giữa JTC và RPMU, Phạm Hải Bằng đã thông báo có khoản hỗ trợ của nhà thầu.

Việc nhận tiền là trái pháp luật, trong đó, bị cáo Phạm Quang Duy nhận 3 triệu Yên Nhật. Sau khi chuyển công tác Lục vẫn nhận 100 triệu đồng từ khoản hỗ trợ. “Thực tế không có khoản tiền nào để các cá nhân nhận được tiền ngoài nguồn JTC hỗ trợ.

Với bị cáo Nguyễn Văn Hiếu được xác định đã ký hợp đồng tăng giá trị so với thời điểm ký ban đầu. Bị cáo đã ký giải ngân cho nhà thầu JTC. Trong thời gian làm giám đốc RPMU, bị cáo Hiếu biết về việc Phạm Hải Bằng nhận số tiền và được hưởng lợi 50 triệu đồng. Như vậy hành vi của bị cáo là trái công vụ.

Giọt nước mắt muộn màng trong lời nói sau cùng

Được HĐXX cho nói lời nói sau cùng, một số bị cáo đã khóc nức nở và cho hay đến khi cơ quan điều tra vào cuộc thì các bị cáo mới nhận biết được hành vi của mình là sai trái, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, mong được HHĐXX xem xét và cho các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Bị cáo Nguyễn Nam Thái nói: "Bị cáo là người trẻ nhất và vị trí thấp nhất. Trước khi bị khởi tố, bị cáo đã hết mình với công việc. Bị cáo nhận ra sai phạm của mình là không dành thời gian tìm hiểu kỹ, dẫn đến sai phạm này. Bản thân bị cáo về hoàn cảnh gia đình mẹ già bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn, con cái còn nhỏ. Bị cáo mong HĐXX xem xét khi lượng hình. Bị cáo không còn trẻ, chỉ mong bị cách ly khỏi xã hội thời gian ngắn để sớm trở về đóng góp công sức tuổi trẻ của mình cho xã hội".

Nói lời cuối cùng, bị cáo Trần Văn Lục chia sẻ bản thân là người có gần 30 năm cống hiến cho ngành đường sắt.

“57 tuổi, không ngờ rơi vào tình cảnh này, bị cáo thấy không đáng. Liên quan đến hợp đồng ký kết, bị cáo cho rằng trong quản lý dự án có rất nhiều vụ việc là công, nhưng nhìn nhận ở góc độ khác lại khác nhau. Thời kỳ, tổ dự án nhận khoản tiền 69,9 triệu yên, bị cáo không còn làm việc ở đó. Sao bị cáo biết mà không chỉ đạo chấm dứt, thực sự quá tội cho bị cáo. Tiền 100 triệu cũng thế thôi, bj cáo cũng vô tình. Bị cáo cảm thấy có sự áp đặt, chụp mũ trong vụ việc này. Mong HĐXX cân nhắc thấu tình đạt lý để minh oan cho bị cáo”, ông Lục nói.

Nói giọng nghẹn ngào, bị cáo Phạm Hữu Bằng cho biết sinh ra trong gia đình 4 anh chị em, bố mắc bệnh.

“Bị cáo luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ dược giao. Trong lòng bị cáo không biết là đúng hay sai”, cựu phó giám đốc RPMU nói.

Quay lại phía các bị cáo còn lại, Bằng nghẹn giọng nói: “Bị cáo rất đau lòng, bao nhiêu nỗ lực nhưng chỉ một bước đi sai là sai toàn bộ”.

Bằng cho hay, gia đình không có con, chỉ có một mình vợ, bị cáo phải cáng đáng toàn bộ vụ việc: “Bị cáo xin nói là xuất phát từ tâm lý cùng tư vấn hoàn thành nhiệm vụ chung được giao, pháp luật quy là có tội, bị cáo đành chịu. Mong HĐXX xem xét toàn bộ bản chất vấn đề để phán quyết công minh, khách quan”.

Bị cáo Hiếu trình bày trước tòa: việc xét xử ngày hôm nay thực sự là đau xót cho bị cáo, lúc bị cáo làm việc, bị cáo nhận được trách nhiệm của mình, bản thân bị cáo có quá trình công tác 28 năm, hoàn thành công việc được giao, đã cố gắng hết mực, sự việc xảy ra là nằm ngoài tầm kiểm soát của bị cáo, bản thân và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nuôi 2 con ăn học, mong HĐXX xem xét hành vi giảm nhẹ cho bị cáo được sớm về đoàn tụ cùng gia đình.

Bị cáo Duy nói: "Trong những ngày làm việc vừa qua, bị cáo nhận thức rất sâu sắc trong việc này có phần trách nhiệm của bị cáo. Bị cáo có lỗi sai khi tiếp nhận khoản tiền, sử dụng không tìm hiểu rõ tính hợp pháp theo chế độ tài chính.

Cũng vì công việc chung tập thể, không có vụ lợi cá nhân. Bị cáo khai báo rất thành khẩn, khắc phục khoản tiền hưởng lợi, bị cáo sinh ra trong gia đình tryền thống cách mạnh, ông ngoại là người có công trong kháng chiến, được nhà nước tặng thưởng, bố mẹ là cong chức mẫn cán, bản thân bị cáo trong suốt quá trình công tác luôn hoàn thành tốt công việc và có nhiều thành tích trong lao động".

Bị cáo Trần Quốc Đông bày tỏ: "Bị cáo mong muốn HĐXX hết sức công minh để và cân nhắc những yếu tố về nhân thân và những đóng góp của bị cáo trong công tác để có những quyết định công bằng cho bị cáo. Nếu bị cáo có tội, bị cáo cố gắng rèn luyện không vấp phải những lỗi trong tương lai".

Hết thời gian nghị án, quay trở lại phiên tòa, HĐXX xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, Phạm Hải Bằng – Chủ nhiệm dự án “Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn 1”, đã trực tiếp thỏa thuận với đại diện nhà thầu JTC để nhà thầu hỗ trợ kinh phí cho RPMU sử dụng cho mục đích liên quan đến thực hiện dự án. Và JTC đã đồng ý “lót tay” số tiền 11 tỷ đồng và Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy trực tiếp và gián tiếp nhận.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn thỏa thuận nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng của Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn ODA.

HĐXX xác định, các bị cáo phải có trách nhiệm bồi hoàn số tiền 11 tỷ đồng.

HĐXX quyết định kê biên thửa đất tại phố Kim Mã của Phạm Hải Bằng; kê biên thửa đất tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm Hà Nội của Nguyễn Nam Thái; kê biên thửa đất 48,5m2 của Nguyễn Văn Hiếu; kê biên nhà 40m2 quận Thanh Xuân, Hà Nội thuộc quyền sở hữu của Trần Quốc Đông.

Theo đó HĐXX quyết định, tuyên phạt: Phạm Hải Bằng (SN 1969, cựu Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt – RPMU – thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam): 12 năm tù giam; Nguyễn Nam Thái (SN 1977, cựu trưởng phòng thực hiện dự án 3, Ban quản lý các dự án RPMU): 11 năm tù giam; Phạm Quang Duy (SN 1975, cựu Phó Tổng giám đốc RPMU): 8 năm 6 tháng tù giam; Trần Văn Lục (SN 1958, cựu Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt – RPMU): 5 năm 6 tháng tù; Trần Quốc Đông (SN 1964, cựu Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cựu Giám đốc RPMU): 7 năm 6 tháng tù; Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962, cựu Giám đốc RPMU): 7 năm 6 tháng tù giam.

Đối với Bộ giao Thông vận tải và Tổng Cục đường sắt VN, Tòa đã triệu tập hai cơ quan này đến Tòa nhưng vắng mặt.

Qua các tài liệu cho thấy quá trình thực hiện dự án, Tổng Cục đường sắt Việt Nam ký hợp đồng và điều chỉnh hợp đồng với nhà thầu JTC, do có sơ sở trong công tác quản lý, giám sát, việc ký hợp đồng của cơ quan chủ quản là Bộ GTVT, Tổng Cục đường sắt Việt Nam đã khiến các bị cáo lợi dụng sơ hở để thực hiện hành vi phạm tội.

Vì vậy tòa kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra nếu có sai phạm của các cá nhân thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Thúy An
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.