Chuyên mục
Chuyên gia: Mỹ ra tuyên bố Biển Đông là 'đòn ngoại giao lớn', đẩy TQ vào thế khó

Chuyên gia: Mỹ ra tuyên bố Biển Đông là 'đòn ngoại giao lớn', đẩy TQ vào thế khó

Thứ hai 20/07/2020 03:56 GMT + 7

Chuyên gia cho rằng, với tuyên bố Biển Đông, Mỹ sẽ sử dụng nhiều công cụ để giành lợi thế và đẩy Trung Quốc vào thế khó trong cuộc địa chiến lược tại khu vực.

Washington và Bắc Kinh thời gian qua bị cuốn vào các căng thẳng liên quan tới dịch COVID-19, vấn đề Hong Kong, Đài Loan và những đối đầu âm ỉ từ cuộc chiến thương mại kéo dài 2 năm qua. Hôm 13/7, Mỹ tiếp tục thông cáo bác hàng loạt yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, khẳng định sát cánh cùng các nước Đông Nam Á duy trì tự do hàng hải và bảo vệ chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở vùng biển này. 

Trả lời phỏng vấn VTC News, GS-TS, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng) cho biết, cạnh tranh vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ Mỹ - Trung trong 10-20 năm tới.

 

Mỹ công khai có các phản ứng cứng rắn hơn với Trung Quốc trên Biển Đông.


- Hôm 14/7, Bộ Ngoại giao Mỹ công khai bác bỏ gần hết yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhận định của ông về động thái này?

- Điểm đáng chú ý đầu tiên trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ là về cơ bản phản ánh những nội dung chính của phán quyết do Tòa Thường trực trọng tài đưa ra tháng 7/2016 về vụ kiện Biển Đông.

Tuyên bố đã "khoanh” những khu vực ở Biển Đông mà Trung Quốc không có quyền yêu sách và khai thác dầu khí, đánh cá.

Mỹ phản đối Trung Quốc yêu sách vùng biển ngoài phạm vi 12 hải lý tính từ các cấu trúc nổi ở Trường Sa, do các thực thể này không có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; phản đối Trung Quốc yêu sách các vùng nước xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng nước thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia); khẳng định các khu vực trên không thuộc về Trung Quốc.

Tuyên bố của Mỹ không làm rõ James Shoal có thuộc về thềm lục địa Malaysia hay không (dù chỉ cách Malaysia 50 hải lý), mà chỉ dựa vào đặc tính của bãi chìm để kết luận rằng, Trung Quốc không có quyền yêu sách lãnh thổ đối với James Shoal và không có quyền yêu sách vùng biển từ thực thể này.

Nói cách khác, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ làm rõ hơn quan điểm, lập trường của Mỹ, tiếp thêm sức sống cho phán quyết vụ kiện Biển Đông.

Thứ hai là, trước đây, khi đề cập đến tranh chấp trên Biển Đông, Mỹ thường giữ thái độ trung lập, rồi lên án các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực đàm phán để đi đến thống nhất về chủ quyền trên biển. Tuy nhiên, trước những hành động không nhất quán của Trung Quốc, Mỹ đã chuyển hướng sang chủ động bác bỏ thẳng thừng gần hết yêu sách của Trung Quốc, chính thức ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Đây là sự điều chỉnh đáng kể của Mỹ về chính sách Biển Đông. Trọng tâm tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ do đích thân Ngoại trưởng Mỹ công bố là bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc, bác bỏ hành vi đe dọa, bắt nạt, cũng như những yêu sách kiểm soát hàng hải của Trung Quốc.

Thứ ba, đây là một “đòn ngoại giao lớn", khá bất lợi cho Trung Quốc, đẩy Trung Quốc vào thế khó xử. Điều đó cho thấy, Mỹ sẽ tranh thủ các đồng minh, các đối tác Đông Nam Á trong tiến trình bảo vệ quyền chủ quyền, cũng như bảo vệ các nguồn tài nguyên, nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền phù hợp với các quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế, bác bỏ mọi nỗ lực áp đặt “quyền lực thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông.

Trong khi Trung Quốc đang vươn ra lãnh đạo toàn cầu, nhưng sẽ bị dư luận quốc tế cho rằng Bắc Kinh vi phạm luật quốc tế, bắt nạt các quốc gia láng giềng, thì khó mà xứng mặt lãnh đạo thế giới.

Tuyên bố của Mỹ thể hiện rõ ràng gia tăng sức ép lên Trung Quốc trong cạnh tranh chiến lược, dọn đường cho Mỹ có thể có hành động cứng rắn hơn ở Biển Đông.

Thứ tư, Tuyên bố này là mạnh mẽ nhất của Mỹ từ trước tới nay, đưa ra trong bối cảnh các tàu sân bay Mỹ đang tập trận ở Biển Đông, cho thấy quan điểm cứng rắn hơn khi Washington gọi các yêu sách này của Bắc Kinh là "phi pháp". Tuy nhiên không có nghĩa là Mỹ cam kết hành động cụ thể và chưa rõ Mỹ có thể kiềm chế hành vi của Trung Quốc tới đâu.


Mỹ sử dụng nhiều hơn các "con bài" khác nhau để giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị  với Trung Quốc. GS-TS, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân


- Mỹ đang đứng về phía các nước Đông Nam Á, bảo vệ chủ quyền hợp pháp trên Biển Đông và duy trì quyền tự do hàng hải ở khu vực, thưa ông?

- Mỹ đã ủng hộ Brunei, Malaysia, Indonesia, Philipppines và Việt Nam bảo vệ chủ quyền hợp pháp và duy trì quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.

Theo đó, Mỹ bác bỏ bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi đá Luconia ngoài khơi Malaysia, các vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Brunei, và vùng biển quanh đảo Natuna Besar của Indonesia.

Trong số các nội dung phán quyết của Toà Thường trực trọng tài, Mỹ ủng hộ phán quyết rằng Trung Quốc không thể tự tuyên bố chủ quyền hợp pháp với những khu vực mà Toà đã phân xử là thuộc về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, bao gồm khu vực quanh bãi cạn Scarborough.

Mỹ ủng hộ phán quyết của Toà Thường trực trọng tài rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với bãi Cỏ Mây và đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa) là phi pháp. Mỹ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Mỹ cho rằng, bất kỳ hành động quấy rối ngư dân đánh bắt thủy hải sản hay cản trở thăm dò, khai thác năng lượng ở khu vực này, cũng như hành vi Trung Quốc tự ý khai thác ở Biển Đông là phi pháp.

Mỹ cũng tuyên bố sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á để bảo vệ quyền chủ quyền đối với những tài nguyên xa bờ, phù hợp với quyền và nghĩa vụ chiếu theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không cho phép Trung Quốc coi Biển Đông là đế chế trên biển.

- Cùng với chiến tranh thương mại, vấn đề Hong Kong và Đài Loan, Mỹ sẽ gia tăng áp lực với Trung Quốc trên Biển Đông để buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp về lợi ích trong khu vực?

- Trong 2 năm qua, Mỹ không chỉ dùng chiến tranh thương mại, vấn đề Hong Kong và Đài Loan để gây áp lực với Trung Quốc. Một số nhà quan sát còn cho rằng, Mỹ đã sử dụng nhiều “bài” khác nhau với Trung Quốc, như thương mại, khoa học công nghệ, tiền tệ, tư pháp, Tân Cương, Tây Tạng, Biển Đông, Biển Hoa Đông, chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, v.v….Chắc chắn, với đà này, các con bài chưa dừng ở đó.

Trong 10-20 năm tới, cạnh tranh vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ Mỹ - Trung.

Không có gì lạ nếu Mỹ sử dụng nhiều hơn các con bài khác để giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị này với Trung Quốc. Nhưng có điều, hai cường quốc này khó có thể để cạnh tranh bùng phát thành chiến tranh.



Trong 10-20 năm tới, cạnh tranh vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ Mỹ - Trung.


- Các nước ASEAN vẫn khá cẩn trọng bình luận về tuyên bố của Mỹ về Biển Đông. Phải chăng các nước ASEAN không muốn nằm giữa cuộc chiến giữa 2 siêu cường Mỹ - Trung?

- Mỹ và Trung Quốc đều là các đối tác quan trọng hàng đầu của các nước ASEAN. Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng đến ASEAN, đến toàn cầu. Nhưng giữa ASEAN với Trung Quốc cũng như giữa ASEAN với Mỹ đang có không ít khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương ở các mức độ khác nhau.

Đây là nền tảng quan trọng để duy trì, củng cố và thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với hai cường quốc này.

ASEAN luôn mong muốn khu vực châu Á – Thái Bình Dương hoà bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển và không phải chọn bên giữa Trung Quốc và Mỹ.

ASEAN muốn hợp tác cùng phát triển, cùng có lợi, vì hoà bình ở khu vực và phát triển tương lai với các đối tác, nhất là với Trung Quốc và Mỹ - những đối tác mà ASEAN rất coi trọng. 

- Ngay sau khi Mỹ ra tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Tình hình khu vực sẽ có những chuyển biến ra sao, thưa ông?

- Tuyên bố của Mỹ chắc chắn tạo thêm áp lực cho cuộc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Trong đó, một trong những điểm mấu chốt là vai trò của các cường quốc bên ngoài hoặc là bên thứ ba. Liệu COC có bao gồm bên thứ ba hay không? Liệu bên thứ ba hoặc các cường quốc bên ngoài khu vực có được tham gia một cách tự nguyện không?

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn phản đối sự tham gia của các nước bên ngoài khu vực.

Thay đổi trong lập trường của Mỹ về Biển Đông có thể dẫn tới việc các nước khác cũng nêu lập trường, sẽ hỗ trợ quan điểm rằng lợi ích của bên thứ ba trong vấn đề Biển Đông cần được công nhận, cần được tính đến và giải quyết trong COC.

 

- Việt Nam và các nước ASEAN cần có những bước đi ra sao để không rơi vào cuộc chiến Mỹ - Trung, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia và an ninh, hòa bình khu vực, thưa ông?

- Việt Nam và các nước ASEAN nên hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, rằng Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của Việt Nam và các nước ASEAN.

Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.

Đến nay, Việt Nam đã lên tiếng. Việt Nam và các nước ASEAN cần đóng góp tích cực hơn, có trách nhiệm và hiệu quả hơn vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại, cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế, vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

- Xin cảm ơn ông!

 

MINH TUẤN (Thực hiện)

Nguồn: vtc.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.