Chuyên mục
ASEAN từng bước thể hiện vai trò trong việc tham gia  giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

ASEAN từng bước thể hiện vai trò trong việc tham gia giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Thứ ba 09/05/2017 16:50 GMT + 7
Biển Đông (East Sea) nằm trong Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 3.448.000 km2. Vị trí của Biển Đông được bao bọc bởi 9 quốc gia (gồm Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam) và một vùng lãnh thổ (Đài Loan). 



Biển Đông có vị trí địa - chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về mặt chính trị, kinh tế, giao thông hàng hải, môi trường, an ninh quốc phòng không chỉ đối với các quốc gia tiếp giáp, các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà đối với toàn thế giới. Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng phục vụ đời sống và sự phát triển kinh tế, đặc biệt là nguồn tài nguyên thủy hải sản, khoáng sản và tiềm năng du lịch.

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương - Châu Âu - Châu Á - Trung Đông. Vận tải hàng hóa qua biển Đông chiếm tỷ lệ 45% tổng giá trị vận tải hàng hải trên toàn thế giới. Biển Đông nằm trong chiến lược phòng thủ bảo vệ Tổ quốc của một số quốc gia ven bờ nói riêng và của ASEAN theo luật pháp quốc tế, tránh những hành động đe doạ an ninh, đảm bảo sự ổn định chung của khu vực và quốc tế.

Để đảm bảo hài hoà lợi ích, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất nhằm thúc đẩy các chương trình phát triển chung toàn khu vực, trong đó có những lợi ích tại Biển Đông, ASEAN đã, đang có những bước đi thể hiện vai trò trong tham gia giải quyết những bất đồng giữa các quốc gia ở Biển Đông.

Tuyên bố chính thức đầu tiên về vấn đề Biển Đông “Tuyên bố ASEAN về Biển Đông” năm 1992 là dấu mốc thể hiện sự quan tâm của ASEAN. Kể từ đó, vấn đề Biển Đông trở thành chủ đề trọng tâm trong các chương trình nghị sự của ASEAN như xây dựng quan niệm giá trị và chuẩn mực, an ninh trên biển, hợp tác quốc phòng và ngăn ngừa xung đột. Biển Đông cũng là chủ đề nóng được ASEAN triển khai đối thoại về vấn đề an ninh khu vực với các nước như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, và những từ then chốt như “an ninh trên biển” và “Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển” đã xuất hiện nhiều lần trong các tuyên bố chung có liên quan. Chủ đề Biển Đông trở thành một phần quan trọng trong các cuộc đối thoại và tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc.

Năm 2002, với sự cố gắng, nỗ lực giữa ASEAN và Trung Quốc, hai bên đã thống nhất ký “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, viết tắt là DOC”. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Năm 2010, với vai trò là Chủ tịch luân phiên ASEAN, quốc gia có tranh chấp trực tiếp tại Biển Đông, Việt Nam và các nước đã đưa ra tuyên bố chung bao gồm 56 điểm trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, trong đó đề cập đến tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Năm 2012, ASEAN đưa ra tuyên bố riêng 6 điểm về vấn đề Biển Đông:

(i)Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông - DOC năm 2002;

(ii) Nguyên tắc chỉ đạo thực hiện DOC năm 2011;

(iii) Sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC;

(iv) Tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS);

(v) Tất cả các bên tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng bạo lực;

(vi) Giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Năm 2015, trong chương trình Hội nghị thường niên của ASEAN tại Malaysia, ngoài các đối thoại và hợp tác đa phương khu vực do ASEAN làm trung tâm thì vấn đề Biển Đông cũng là chủ đề được các hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN coi trọng.

Trong năm 2017 tại Philippines, vấn đề Biển Đông được đề cập trong tuyên bố chung dưới góc nhìn về tình hình quân sự hoá và cải tạo gia tăng tại khu vực này. Đồng thời, Chủ tịch ASEAN Phlippines cam kết, các tranh chấp hàng hải, việc phác thảo bộ khung cho Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh giữa các nước thành viên ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc. 



Về vấn đề Biển Đông và quan hệ Trung Quốc – ASEAN:

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gồm các tranh chấp về đảo và vùng biển, diễn ra sau thế chiến II. Ban đầu các quốc gia tranh chấp vì vị trí chiến lược của Biển Đông. Sau khi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 quy định về “Vùng đặc quyền kinh tế” thì tầm quan trọng của việc khai thác tài nguyên, đặc biệt là đánh cá và khai thác dầu khí là nguyên nhân bổ sung cho mục đích tranh chấp chủ quyền.

Tranh chấp tại Biển Đông thực sự leo thang khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và hơn 80 tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng 5 năm 2014. Cũng từ đó, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động, thể hiện tham vọng bá chủ gần như toàn bộ khu vực Biển Đông.

Bằng chứng là việc Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền “đường 9 đoạn” với gần 80% diện tích khu vực Biển Đông, tiến hành xây dựng, cải tạo các đảo, bao gồm các đảo chìm, đảo nổi, xây dựng cơ sở hạ tầng đường băng sân bay, các cảng biển trú ngụ cho các tàu cá Trung Quốc, hình thành đơn vị hành chính thành phố Tam Sa, tổ chức các hoạt động du lịch thăm quan các đảo chiếm đóng trái phép, quy định khu vực cấm đánh bắt đối với các nước, sẵn sàng đối đầu, gây hấn với các tàu cá trong khu vực... Hành động của Trung Quốc gây nên sự căng thẳng trong toàn khu vực, chịu sự phản ứng quyết liệt của các nước có tranh chấp trực tiếp và cộng đồng quốc tế.



Trong quan hệ với ASEAN, Trung Quốc tìm cách gây áp lực lên ASEAN để tránh sự liên kết toàn khối chống lại họ. Thực tế, trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh chính sách cải thiện quan hệ song phương với các quốc gia ASEAN nhằm làm giảm căng thẳng tại Biển Đông. Đồng thời, sử dụng sức mạnh kinh tế bằng các cam kết, dự án đầu tư kinh tế lớn để tác động, tạo sức ép với các nước ít có lợi ích tại Biển Đông, gây bất đồng thuận nội khối ASEAN trong bàn thảo vấn đề Biển Đông, cũng như không đưa vấn đề Biển Đông vào nội dung tuyên bố chung hàng năm của ASEAN.

Trước những căng thẳng leo thang, các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp trên Biển Đông đã dựa vào ASEAN như một trung gian tham gia giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN. Các thỏa thuận giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc bao gồm các cam kết thông báo cho nhau về bất kỳ động thái quân sự tại khu vực tranh chấp, và tránh xây dựng thêm công trình mới trên các đảo. Trung Quốc và ASEAN cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán tạo ra một quy tắc ứng xử nhằm giảm bớt căng thẳng đối với quần đảo tranh chấp, thống nhất Tuyên bố về cách ứng xử các bên trên Biển Đông (DOC). ASEAN và Trung Quốc đang cùng nhau bàn thảo để hình thành bộ khung bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thời gian tới.

Vai trò của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông tuy còn nhiều hạn chế, sự thiếu nhất quán từ quan điểm đến hành động của một số nước do vấn đề lợi ích quốc gia. Dù vậy, trong những năm qua, ASEAN đã, đang nổ lực tham gia ngày càng tích cực trong việc giải quyết những căng thẳng tại Biển Đông, góp phần đảm bảo lợi ích chung của toàn khu vực, xây dựng đoàn kết, củng cố lòng tin lẫn nhau trong ASEAN.

CTV Lê Mạnh (Tổng hợp)
Nguồn: TTXVN
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.