Chuyên mục
Bộ VHTTDL lên tiếng việc truyền thông Trung Quốc 'chiếm đoạt áo dài'

Bộ VHTTDL lên tiếng việc truyền thông Trung Quốc 'chiếm đoạt áo dài'

Chủ nhật 05/01/2020 05:44 GMT + 7

Trong năm 2020, các cơ quan chức năng sẽ cố gắng hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Áo dài Việt bị coi là "sáng tạo" của thương hiệu thời trang Trung Quốc


Tại Tuần lễ thời trang xuân hè 2019 diễn ra ở Bắc Kinh khai mạc ngày 25/10/2018, Ne-Tiger - một thương hiệu thời trang nội của Trung Quốc - đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang của họ, trong đó có những mẫu thiết kế cho thấy sự sao chép áo dài truyền thống Việt Nam, nhưng lại được giới thiệu là "sự sáng tạo" của nhà thiết kế.

Ngày 25/10/2019, cũng tại Bắc Kinh, Tuần lễ thời trang xuân hè 2020 có sự góp mặt của thương hiệu thời trang Ne-Tiger này. Đài CGTN (Trung Quốc) dẫn lời ông Zhang Zhifeng, nhà sáng lập thương hiệu Ne-Tiger, tuyên bố quan điểm của ông "khi sáng tạo ra bộ sưu tập, tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc".

Ông này cũng nói: "Trong khi vẫn bảo lưu truyền thống, tôi đã luôn chú ý tới việc hòa quyện vào đó tính hiện đại và các yếu tố toàn cầu gần đây để được người tiêu dùng chấp nhận trên toàn thế giới".

Vụ việc này được tờ China Daily phiên bản tiếng Anh đăng tải không chỉ khiến dư luận Việt Nam mà cả giới nghiên cứu cũng thấy bất ổn trong suốt thời gian vừa qua.

 

Truyền thông Trung Quốc gọi áo dài là "Phong cách Trung Quốc được yêu thích tại China S/S Fashion Week".

 

Bàn về vấn đề này, sáng 3/1, ông Nguyễn Thái Bình - Người phát ngôn, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện mới có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Kết quả bước đầu của buổi làm việc là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có thể là đơn vị đứng ra làm hồ sơ đề nghị công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.


Các đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: Cục Di sản Văn hóa; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hoàn thiện hồ sơ.

Các cơ quan chức năng sẽ cố gắng hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể trong năm 2020.

Đó là một sự chiếm đoạt văn hóa

Trước đó, NTK Minh Hạnh từng chia sẻ Sự chiếm dụng văn hóa rất nguy hiểm. Việc thương hiệu thời trang Ne-Tiger của Trung Quốc giới thiệu bộ sưu tập giống hệt các mẫu áo dài của Việt Nam là sự chiếm dụng văn hóa rất nguy hiểm, như một dạng "đường lưỡi bò" trong văn hóa.

Theo bà, Việt Nam không thể đem áo dài lên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đi đăng ký sở hữu trí tuệ, bởi việc đăng ký sở hữu trí tuệ thuộc về một cá nhân cụ thể. Vì vậy, để giải quyết vấn đề, phía Việt Nam phải công bố áo dài là quốc phục. Nếu chúng ta không làm vậy, một lần nữa chúng ta bị "việt vị" như những lần phát hiện bản đồ có "đường lưỡi bò" trong GPS xe hơi, trong phim ảnh...

Thương hiệu thời trang Ne-Tiger là một trong những thương hiệu hàng đầu và có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực thời trang ở Trung Quốc. Với tầm ảnh hưởng của mình, Ne-Tiger hoàn toàn có thể biến áo dài của Việt Nam trở thành thường phục của người dân một tỉnh nào đó ở Trung Quốc nếu chúng ta không đăng ký sở hữu trí tuệ.

 

Nhà thiết kế Minh Hạnh.


Đồng quan điểm với NTK Minh Hạnh, ông Diego Chula (nhà thiết kế Tây Ban Nha nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam) cũng cho rằng việc nhà thiết kế Trung Quốc nhận bộ sưu tập đó là sáng tạo của họ thực sự là điều đặc biệt đáng tiếc cho chính họ. Rõ ràng đây là sự chiếm đoạt văn hóa với áo dài và nón lá của Việt Nam.


Theo ông, áo dài là bản sắc văn hóa Việt Nam. Người ta có thể thấy một lịch sử dài lâu của áo dài Việt Nam từ thế kỷ trước qua hội họa, thơ, nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh.

Ông Diego Chula nghĩ rằng nhà thiết kế người Trung Quốc này sẽ chẳng nhận được bất kỳ thành công nào khi cố gắng chiếm lấy áo dài thành sản phẩm sáng tạo của Trung Quốc, bởi cả thế giới đều biết mối quan hệ giữa Việt Nam và áo dài.

Nguồn: ngaynay.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.