Chuyên mục
Thế giới đau đầu về giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng

Thế giới đau đầu về giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng

Thứ bảy 26/02/2022 05:51 GMT + 7

Giá dầu thế giới đã nhảy vọt, vượt mốc 100 USD/thùng, sau những thông tin dồn dập về căng thẳng leo thang ở Ukraine. Lần đầu tiên giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng trong hơn 7 năm qua.

 

 Toàn cảnh một nhà máy xử lý dầu ở mỏ dầu Yarakta, thuộc sở hữu của Công ty Dầu Irkutsk (INK), ở vùng Irkutsk, Nga, tháng 3/2019. (Ảnh: Reuters)

 

Mặc dù sau đó giá dầu đã hạ nhiệt một chút nhờ các nỗ lực ổn định nguồn cung được tung ra và các biện pháp ngoại giao được thúc đẩy cho cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu, song tâm lý bấp bênh vẫn bao trùm thị trường “vàng đen”.

Trong khi giao dịch chứng khoán trên thị trường châu Á đều “đỏ sàn”, thì giá dầu Brent cũng “sốt” lên tới 100,04 USD/thùng tại phiên giao dịch sáng 24/2 và hạ nhiệt một chút vào sáng 25/2, với giá dầu WTI của Mỹ ở mức 94,25 USD/thùng và giá dầu thô Brent giao tháng 2 là 99,41 USD/thùng. Trước lo ngại bị gián đoạn nguồn cung do bất ổn chính trị và căng thẳng giữa Nga và Ukraine, Mỹ đang làm việc với các nước khác nhằm kết hợp giải phóng thêm dầu từ kho dự trữ dầu thô chiến lược toàn cầu. Nhật Bản khẳng định, sẽ duy trì hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế liên quan để bình ổn thị trường năng lượng quốc tế.

Theo đó, Nhật Bản sẽ hối thúc các nước sản xuất dầu mỏ bình ổn thị trường và hợp tác với Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng như các tổ chức quốc tế liên quan khác cùng các nước tiêu thụ dầu mỏ chủ chốt. Tokyo tuyên bố, kho dự trữ dầu mỏ của Nhật Bản, bao gồm cả dự trữ quốc gia và dự trữ tư nhân, có thể bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trong khoảng 240 ngày. Bên cạnh đó, các công ty điện lực và khí đốt cũng có đủ dự trữ để đáp ứng nhu cầu trong từ 2 đến 3 tuần. Bởi thế, Nhật Bản vẫn tin rằng, nguồn cung dầu mỏ trên thế giới hiện chưa bị cắt đứt do những căng thẳng chung quanh vấn đề Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sẽ không gây trở ngại đối với cung và cầu năng lượng. Để hỗ trợ các nước châu Âu khắc phục tình trạng thiếu hụt khí đốt do căng thẳng gia tăng ở Ukraine, Nhật Bản đã chuyển cho châu Âu phần khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dư thừa do các công ty nước này nắm giữ.

Từ châu Đại dương, Australia cũng đang xem xét khai thác nguồn dự trữ nhiên liệu của nước này, hiện đang được cất ở Mỹ, như một phần của nỗ lực chung kiềm chế giá xăng dầu tăng. Australia đang làm việc với Mỹ và IEA nhằm giám sát thị trường năng lượng toàn cầu, bảo đảm nguồn cung và an ninh năng lượng. Canberra khẳng định sẵn sàng sử dụng kho dự trữ dầu được cất giữ trong kho Dự trữ Dầu mỏ chiến lược của Mỹ (SPR), tham gia cùng các nước thành viên IEA khác nếu được đề nghị. Với 1,7 triệu thùng dầu dự trữ trong kho SPR, Australia khẳng định sẵn sàng đối phó mọi cú sốc về giá hoặc nguồn cung trên thị trường năng lượng.

Giá năng lượng tăng cao khiến các nước châu Âu như “ngồi trên đống lửa” khi châu lục này vốn trải qua “cơn khát” năng lượng trong nhiều tháng qua. Nỗ lực bình ổn thị trường của châu Âu gặp khó khăn khi Nga vốn là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, đáp ứng gần 40% nhu cầu của lục địa này. Việc Liên minh châu Âu (EU) sử dụng các biện pháp mạnh về trừng phạt để gây áp lực với Nga về vấn đề Ukraine và Moskva tuyên bố “đáp trả” đã tác động tới thị trường năng lượng. Trong bối cảnh đó, giới chức Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha kêu gọi châu Âu cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm kiểm soát vấn đề nguồn cung năng lượng. Thủ tướng Bồ Đào Nha cho biết, cảng nước sâu Sines của Bồ Đào Nha - cảng gần Mỹ nhất ở châu Âu - có đủ cơ sở vật chất để nhập khẩu khí đốt cho Lục địa già. Châu Âu được cho là sẽ giải quyết một phần vấn đề về an ninh năng lượng thông qua tăng cường kết nối Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha. Tây Ban Nha cho biết, nước này hiện sở hữu tiềm năng lớn nhất châu Âu trong việc khai thác LNG ở các mỏ ngoài khơi.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành công ty dầu khí Galp Energia của Bồ Đào Nha nhận định, đến nay không có sẵn đủ lượng khí tự nhiên để thay thế lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Nhu cầu về khí đốt rất lớn và nhiều lô hàng đã có khách hàng đặt trước, hầu hết là từ châu Á. Mặc dù không như nhiều quốc gia châu Âu khác, cả hai quốc gia bán đảo Iberia đều không coi Nga là nhà cung cấp khí đốt chính, song trong bối cảnh chỉ có duy nhất một đường ống từ Tây Ban Nha đến Pháp, vấn đề vận chuyển LNG sẽ gặp khó khăn do cần chuyển đổi loại nhiên liệu hóa lỏng này sang dạng khí trong quá trình vận chuyển.

Giá dầu thô Brent hiện đang tăng lên mức cao, nhưng IEA nhận định, đây là mức tăng đột biến và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Mặc dù vậy, các nhà phân tích cảnh báo về áp lực lạm phát đối với nền kinh tế toàn cầu từ giá dầu ở mức 100 USD, đặc biệt là đối với châu Âu và châu Á, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Tin tức về việc giải phóng các kho dầu dự trữ có tác động làm dịu “cơn sốt” giá dầu, song thị trường này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro


THÁI THANH

Nguồn: nhandan.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.