Chuyên mục
Phương Tây có dám bắt tàu chở dầu Nga?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Phương Tây có dám bắt tàu chở dầu Nga?

Thứ ba 09/07/2019 15:08 GMT + 7
Các tàu dân sự Nga hoặc bị nghi của Nga có đích đến là Syria có thể bị gây khó dễ nhưng các tàu quân sự khó có thể bị cản trở.

Có dám bắt tàu Nga?

Lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh ngày 4/7 bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 xuất phát từ Iran do nghi ngờ tàu này vận chuyển dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của EU. Theo báo chí Iran, vụ bắt giữ được hải quân Anh thực hiện theo yêu cầu từ phía Mỹ.

Kể từ cuối năm 2011, EU đã áp đặt các lệnh cấm nhằm vào Syria, trong đó có ngành sản xuất dầu mỏ và hoạt động đầu tư của nước này. Ngoài ra, khoảng 227 quan chức, bao gồm cả các bộ trưởng trong Chính phủ Syria cũng nằm trong trừng phạt của EU, trong khi đó tài sản của khoảng 72 thực thể và tài sản của ngân hàng trung ương Syria tại EU cũng bị phong tỏa.

Câu hỏi được giới phân tích đặt ra là liệu phương Tây có dám làm điều tương tự đối với các tàu chở dầu của Nga hay không?

Iran gọi hành động của Anh khi bắt giữ tàu Grace 1 là "cướp biển"

Mới tháng trước, các tin tức vẫn khẳng định nguồn cung dầu mỏ từ Iran cho Syria vẫn thông suốt. Chỉ tính riêng trong tháng 4/2019, Iran đã chuyển cho Syria trung bình khoảng 70.000 thùng dầu mỗi ngày. Tính chung trong giai đoạn 2016-2018, Iran đã chuyển cho Syria khoảng 50.000 thùng dầu/ngày.

Cho tới nay, mọi con đường cho dầu mỏ dẫn tới Syria, ví dụ qua kênh đào Suez hay các tuyến đường sắt ở Trung Đông, đều đã bịt phong tỏa. Sau sự kiện ngày 4/7, con đường vận tải biển cũng đã bị chặn lại.

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng Syria vẫn còn một “người bạn dầu mỏ lớn” là Nga có thể lấp chỗ trống mà Iran để lại. Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu hải quân các nước phương Tây có dám bắt các tàu chở dầu của Nga với điểm đến là Syria?

Trong khi đó, hãng tin Mehr của Iran đưa tin chiếc tàu chở dầu Grace 1 bị Anh bắt giữ ở eo biển Gibraltar có thể thuộc về doanh nghiệp Nga. Theo Mehr, con tàu treo cờ Panama này thực chất thuộc sở hữu của công ty Nga Titan Shipping Line.

Lính Anh xông lên tàu Grace 1

Phía Chính phủ Iran thừa nhận Grace 1 chở dầu của Iran nhưng bác bỏ điểm tới của con tàu là Syria và không cho biết thêm chi tiết.

Ngày 9/7, đại diện thường trực của Nga tại EU, ông Vladimir Chizhov cho biết Moscow sẽ phớt lờ những lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt với Iran và tiếp tục giao thương với quốc gia Trung Đông mà không tạo ra bất kỳ cơ chế đặc biệt nào.

Ông Chizhov nêu rõ: "Các đồng sự của chúng tôi tại đây (Brussels) đôi khi hỏi rằng tại sao Nga và Trung Quốc không tạo ra INSTEX (Chỉ dẫn Hỗ trợ Trao đổi Thương mại) của riêng mình. Đáp lại, chúng tôi trả lời: Tại sao chúng tôi cần nó? Chúng tôi đã giao thương và sẽ giao thương mà không cần quan tâm tới các lệnh trừng phạt của Mỹ".

Tuyên bố trên có thể ám chỉ tới cả Syria bởi cho tới nay các tàu chiến Nga, trong đó có cả các tàu hậu cần và tiếp liệu, vẫn “tấp nập” tới Syria. Trong tương lai, các tàu dân sự của Nga hoặc bị nghi ngờ của Nga có đích đến là Syria có thể bị gây khó dễ nhưng các tàu quân sự khó có thể bị cản trở.

Một đòn trúng 3

Phân tích về vụ thủy quân lục chiến Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1, các chuyên gia Nga cho rằng hành động này đã được Anh và Mỹ lên kế hoạch cẩn thận. Dấu hiệu rõ ràng là Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton chính là người đầu tiên “phản ứng” về vụ việc với tuyên bố về con tàu vi phạm các lệnh trừng phạt của EU và theo thông tin từ phía Anh.

Tờ K-politika của Nga cho rằng từ trước tới nay, các tàu chở dầu cho Syria, trong đó có cả các tàu của Iran, vẫn đi qua eo Gibraltar bình thường.

Vụ bắt giữ tàu Grace 1 được các chuyên gia Nga nhìn nhận là dấu hiệu cho thấy Mỹ cùng các đồng minh muốn gia tăng sức ép đồng thời với cả Iran và Syria. Đây chính là bước đi mới trong cuộc chiến “hỗn hợp” nhằm chống lại hai quốc gia Trung Đông này. Bất kỳ hành động đáp trả nào từ phía Iran đều có thể là cái cớ để Mỹ phát động một cuộc chiến.

20 lính thủy quân lục chiến Anh cùng cảnh sát Gibraltar bất ngờ tấn công tàu Grace 1 với 28 thủy thủ

Truyền thông Nga cũng dẫn lại các nguồn tin Iran cho biết Grace 1 thuộc sở hữu của một công ty Nga và có đích đến là cảng Tartus được Syria cho Nga thuê 49 năm (kể từ tháng 5/2019). Khi bị bắt giữ, con tàu chở theo 2 triệu thùng dầu, tương đương 270.000 tấn.

Trước đó, hôm 22/6, các hoạt động phá hoại ngầm đã gây hư hại cho 5 đường ống dẫn dầu chạy ven biển từ cảng Tartus tới cảng Baniyas của Syria, nơi có nhà máy lọc dầu công suất lớn và nhà máy điện. Bộ Dầu mỏ Syria gọi đây là hành động phá hoại được lên kế hoạch.

Giới chuyên gia quân sự cũng khẳng định các đường ống dẫn dầu của Syria đã bị lực lượng lặn quân sự đặc biệt của các “cường quốc quân sự lớn”, vốn có thù địch với Syria, phá hoại. Hành động này đã làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ cho Syria vốn đang lâm vào tình thế khó khăn và thiếu hụt nhiên liệu.

Hành trình của Grace 1 trước khi bị bắt giữ

Trước đây, Chính phủ Syria có thể mua dầu từ các lực lượng đối lập. Tuy nhiên, giờ đây dầu khai thức ở khu vực phía Đông sông Euphrates do Mỹ và các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát sẽ được chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Bản thân Mỹ bao vây thương mại trên biển của Syria nhưng lại không đồng ý cấm vận việc mua bán dầu mỏ này.

Các đòn đánh phối hợp của Mỹ, Anh và các đồng minh khác nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran và Syria là rõ ràng và dường như đang phát huy tác dụng. Báo chí Nga cho biết Chính phủ Syria đã buộc phải tăng giá xăng lên tới 20%. Điều này khiến người dân ở các khu vực do lực lượng chính phủ kiểm soát không hài lòng.

Uy tín của Chính phủ Syria giảm sút cộng thêm những khó khăn về kinh tế sẽ tác động không nhỏ tới các chiến dịch quân sự chống phiến quân. Do thiếu nhiên liệu, không quân Syria đã buộc phải hạn chế cất cánh máy bay chiến đấu và trực thăng trong thời gian qua.

Những khó khăn như trên đã khiến quân đội Syria đối mặt với nhiều thách thức. Chính hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, trong 3 tháng qua, các lực lượng phiến quân đã tăng cường tấn công khiến hơn 900 binh sĩ quân đội chính phủ Syria thiệt mạng, trong đó có tới không dưới 150 sĩ quan.

Tàu chiến của Nga tại cảng Tartus của Syria

Các nguồn tin khu vực cho biết Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho hành động quân sự chống lại lực lượng chính phủ Syria, trong đó có việc tuyển chọn các tay súng “tình nguyện” cho nhóm Quân đội Syria Mới được xây dựng ở gần căn cứ Al-Tanf mà Mỹ chiếm đóng trái phép ở Syria. Các tay súng này sẽ được Mỹ đưa đi huấn luyện tại các căn cứ ở Jordan.

Chuyên gia quân sự Nga, đại tá Shamil Gareev cho rằng “đã đến lúc Nga thay thế Iran trên thị trường dầu mỏ ở Syria. Mỹ và các đồng minh chưa chắc đã dám phong tỏa chống lại các tàu chở dầu của Nga hướng tới Syria”.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng cần hối thúc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đẩy mạnh đối thoại giữa các bên tại Syria nhằm giải quyết các vấn đề của đất nước. Có như vậy, Mỹ và các đồng minh mới không còn cớ để chống lại Syria.

Đông Triều
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.