Chuyên mục
''Nới cửa'' thị trường xăng dầu có vốn ngoại: Không cho doanh nghiệp ''đi đêm''!

''Nới cửa'' thị trường xăng dầu có vốn ngoại: Không cho doanh nghiệp ''đi đêm''!

Thứ năm 04/02/2021 14:40 GMT + 7

Theo Bộ Công Thương, do chưa có quy định chính thức và cụ thể về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nên doanh nghiệp trong nước cũng như cơ quan quản lý nhà nước rất "lúng túng".

Nới cửa cho doanh nghiệp ngoại, Bộ Công an nói "chưa cần thiết"

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.

Một trong những nội dung đáng chú ý được đưa ra đó là cho phép "thương nhân kinh doanh xăng dầu có tổ chức hoạt động sản xuất xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%".



Theo Ban soạn thảo, trong trường hợp không cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của doanh nghiệp xăng dầu trong nước thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể bằng các thủ đoạn khác nhau như "đi đêm", "núp bóng".

Theo ý kiến của Bộ Công an, do xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng nên khi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia cần đánh giá kỹ tác động về chủ trương mở cửa thị trường, các luật pháp liên quan, các vấn đề về chi phối việc kinh doanh xăng dầu trong nước của nhà đầu tư nước ngoài…

Vì vậy, Bộ này cho rằng "chưa cần thiết" bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng 35% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vào Dự thảo Nghị định sửa đổi.

Trước ý kiến nêu trên của Bộ Công an, Ban soạn thảo dự thảo cho biết, tại Tờ trình Chính phủ, Ban soạn thảo đã có báo cáo đánh giá tác động về chính sách đối với quy định nêu trên.

Sau quá trình cổ phần hóa, nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư để nâng cao năng lực, được sự cho phép của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đã là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Do đó theo ban soạn thảo, trong nội dung sửa đổi Nghị định số 83 đã rà soát và quy định cụ thể về vấn đề này theo hướng cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.

Điều này để bảo đảm nhà đầu tư nước ngoài nước ngoài không được quyền phủ quyết các vấn đề trong điều hành hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo Ban soạn thảo, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007, một số lĩnh vực Việt Nam không cam kết mở cửa như xăng dầu, thuốc lá điếu, xì gà... 

Tuy nhiên đến nay, sau 13 năm gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và ký kết nhiều các hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế trọng yếu trên thế giới.

Theo Ban soạn thảo, đối với lĩnh vực xăng dầu, sau thời gian bảo hộ, về cơ bản các doanh nghiệp trong nước đã tổ chức được hệ thống phân phối rộng khắp và bắt đầu có nhu cầu phát triển lớn mạnh hơn, cần thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài.

Dù không quy định, doanh nghiệp vẫn có thể "đi đêm"

Thực tế, các doanh nghiệp nhà nước trọng yếu trong lĩnh vực này đều đã được cổ phần hóa như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL); Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Các doanh nghiệp này cũng đều được Thủ tướng chính phủ cho phép chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài với các tỷ lệ khác nhau tùy thuộc vào đề nghị của từng doanh nghiệp (Petrolimex 20%; PVOIL 35%; BSR 49%,…).

Tuy nhiên theo Ban soạn thảo, do chưa có quy định chính thức và cụ thể về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nên các doanh nghiệp trong nước cũng như các cơ quan quản lý nhà nước rất "lúng túng".

Sự lúng túng này trong cả quá trình thương thảo với doanh nghiệp ngoại trong việc đầu tư, phát hành tăng vốn và đặc biệt là việc thiếu đồng nhất về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của đối tượng này khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Ngoài những doanh nghiệp nêu trên, cũng còn có nhiều doanh nghiệp khác cũng có nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm tới cổ phiếu của các công ty đó nhưng đều gặp khó khăn vì thiếu quy định rõ ràng, cụ thể.

Do vậy, Ban soạn thảo cho rằng việc bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài là phù hợp.

"Trong trường hợp không cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của doanh nghiệp xăng dầu trong nước thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể bằng các thủ đoạn khác nhau như "đi đêm", "núp bóng" cổ đông trong nước..." - Ban soạn thảo nêu vấn đề.

Cũng theo Ban soạn thảo, vấn đề này liên quan đến an ninh kinh tế nên cần có sự phối hợp giám sát, quản lý chặt chẽ từ phía Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan. 


Nguyễn Mạnh

Nguồn: dantri.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.