Chuyên mục
Những vụ tai nạn kinh hoàng: Đừng đổ lỗi cho giày cao gót
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Những vụ tai nạn kinh hoàng: Đừng đổ lỗi cho giày cao gót

Chủ nhật 24/11/2019 07:02 GMT + 7
Lỗi không thuộc về con đường, không thuộc về phương tiện và càng không thể thuộc về “chiếc giày cao gót”.

Vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào giờ cao điểm sáng 20/11 không chỉ làm người dân Hà Nội rùng mình mà bất cứ ai, khi xem lại clip cũng cảm thấy sợ hãi. Một phụ nữ trung niên lao ra khỏi chiếc xe Mercedes trong bộ dạng hoảng loạn, tay cầm túi xách và mang giày cao gót.

Xe máy bị cuốn vào gầm ô tô cháy ngùn ngụt. Cô gái 27 tuổi ra đi oan uổng, không kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Tương lai của cô dừng lại nhưng nỗi khổ đau tột cùng của gia đình cô chính thức bắt đầu. 

Tội lỗi được trút lên chiếc giày, khổ đau cũng bởi chiếc giày?

Nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn đang được các cơ quan chức năng làm rõ nhưng theo lời khai ban đầu của chủ xe thì đến ngã tư, thay vì đạp chân phanh, chị đã đạp nhầm chân ga bởi “mang giày cao gót”. 

Tội lỗi được trút lên chiếc giày, khổ đau cũng bởi chiếc giày. Nhưng chiếc giày vô tri đó nào có tội gì? Có chăng là bởi những người phụ nữ đã mang giày cao gót không đúng lúc, đúng chỗ. Có chăng là vì nhiều chị em khi chưa thật sự vững lái, chưa hiểu rõ luật đã cầm lái, hồn nhiên tham gia giao thông, để lại những vụ tai nạn thảm khốc, liên hoàn. 

Vụ tai nạn trên xảy ra chỉ đúng 3 ngày sau khi những hình ảnh tang thương về tai nạn giao thông tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng để truyền đi thông điệp về sự an toàn khi tham gia giao thông, về ý thức trong chấp hành luật giao thông.

Tại lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông ngày 17/11 tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã rất chậm rãi, xúc động khi phải nhắc lại điều này: Phía sau những cái chết là hàng ngàn gia đình bị tổn thương, hàng  ngàn em nhỏ bị mất cha, mẹ, hàng ngàn phụ lão mất nơi nương tựa lúc tuổi già. Nỗi đau này cũng nhắc nhở chúng ta về sự trân quý  tính mạng và sự an toàn của mỗi người  khi tham gia giao thông. Chúng ta cần nhìn nhận, trong mỗi tai nạn giao thông có phần lỗi, trách nhiệm của từng cá nhân, cộng đồng và Nhà nước.

Lỗi không thuộc về con đường, không thuộc về phương tiện và càng không thể thuộc về “chiếc giày cao gót”. Đúng như người chịu trách nhiệm về an toàn giao thông của Chính phủ đã nói, lỗi trước hết thuộc về con người. 

Ở các đô thị lớn, lượng người sử dụng phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng. Có gia đình sở hữu vài chiếc ô tô cũng là chuyện thường. Nhưng cái “khác thường” là ở chỗ, quy trình cấp bằng lái xe không ai dám đảm bảo, từ bằng lái xe máy đến bằng ô tô. Tình trạng phóng nhanh vượt ẩu không nơi nào như ở ta. Từng xen-ti-met đường bị giành giật, việc đi sai làn, lấn làn là chuyện phổ biến. Bản hòa tấu hỗn độn các loại phương tiện vào giờ cao điểm khiến cho không ít người nước ngoài thấy “kỳ lạ”!

Sau những vụ tai nạn giao thông liên hoàn do phụ nữ cầm lái, đã có không ít người xót xa nói rằng “giao vô lăng cho phụ nữ là một tội ác”. Nhưng vấn đề lại không nằm ở chỗ giao xe cho phụ nữ hay nam giới, cũng không phải lỗi do đi cao gót hay thấp gót, mà ở ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông. Nếu lo ngại phụ nữ đi cao gót đạp nhầm chân ga, chân phanh, thì cũng sợ hãi không kém khi đàn ông ngấm hơi men cầm lái, hay những kẻ ngáo đá, ra vẻ oai hùng trên những chiếc “xe điên” đua xe, lạng lách phóng nhanh vượt ẩu trên đường.

Rõ ràng phải đưa ra xét xử nghiêm khắc các vụ tai nạn giao thông, không thể chỉ “thỏa thuận bằng tiền” là êm chuyện. Dù “vô ý làm chết người” nhưng sử dụng xe khi chưa đủ kinh nghiệm, sử dụng rượu bia khi lái xe, phóng nhanh vượt ẩu và cầm vô lăng nhưng chưa nắm rõ luật… là hoàn toàn thuộc về lỗi chủ quan.

Chỉ khi chính những người gây ra tai nạn phải chịu trách nhiệm, phải trả giá cho hành động của mình, thì họ mới biết ăn năn và mới là bài học cho kẻ khác tự thấy để răn mình, mà có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng./.

Giáng Hương
Nguồn: vov.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.