Chuyên mục
Nga căng mình dập lửa ngay cửa ngõ

Nga căng mình dập lửa ngay cửa ngõ

Thứ hai 26/10/2020 11:38 GMT + 7

Tờ báo Đức kết luận rằng Nga đã đánh mất ảnh hưởng của mình và điều đó trước hết là do một nhân tố mới mang tên Thổ Nhĩ Kỳ.

Những điểm nóng nguy hiểm

Giới phân tích quốc tế cho rằng Nga đang phải đối mặt với một “vòng cung” bất ổn ở các vùng ngoại vi như cuộc khủng hoảng ở Belarus, Kyrgyzstan và xung đột Nagorny-Karabakh. Tầm ảnh hưởng của Nga dường như đã suy giảm đáng kể trước các nhân tố mới can dự.

Theo trang Thời báo châu Á, Belarus là vùng đệm trên thực tế của Nga với phương Tây. Nga không thể để Belarus bị hút vào quỹ đạo của phương Tây. Moscow tuyên bố có bằng chứng cho thấy cuộc cách mạng màu ở Minsk do Mỹ chủ mưu cùng các đồng minh ở Trung Âu, các nước Baltic và Gruzia đóng một số vai trò nhất định. Tờ báo này cho rằng trọng tâm của Nga hiện nay là cung cấp không gian và nguồn lực để Belarus đẩy lùi cuộc cách mạng màu.

Trong khi đó, vụ việc nhân vật đối lập Alexey Navalny được cho là bị đầu độc gây tranh cãi xuất hiện đúng lúc biến động ở Belarus đang đặt ra những hoài nghi, chứng tỏ mối quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) đã xấu đi đáng kể và rất phức tạp.

 


Một "vòng cung" bất ổn đang bao vây Nga?


Giữa lúc đó, cuộc xung đột ở Nagorny-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát. “Trục” Thổ Nhĩ Kỳ-Azerbaijan gây lo lắng cho người Nga, do tư tưởng “tân Ottoman” của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và việc Ankara sử dụng có chọn lọc các nhóm Hồi giáo cực đoan làm công cụ địa chính trị.

Theo tờ Thời báo châu Á, ông Erdogan đã mở rộng hỗ trợ toàn diện cho nỗ lực của người Azerbaijan nhằm giành lại quyền kiểm soát Nagorny-Karabakh. Điều này làm suy yếu năng lực của Moscow trong việc tác động gây ảnh hưởng đến Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Còn ở Armenia, Thủ tướng Nikol Pashinyan lên nắm quyền nhờ cuộc cách mạng màu do Mỹ hậu thuẫn vào năm 2018, được tài trợ bởi George Soros, một tỷ phú người Mỹ gốc Hungary. Moscow tuân theo các nghĩa vụ của hiệp ước để đảm bảo an ninh cho Armenia nhưng “nghịch lý” là ông Pashinyan đang thúc đẩy đất nước về quỹ đạo phương Tây và nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng Armenia có ảnh hưởng ở Mỹ và Pháp.

Giới phân tích cho rằng Mỹ và các đồng minh Trung Đông như Israel, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Ai Cập hy vọng rằng sớm hay muộn, con tàu Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đâm vào tảng băng của cuộc xung đột Nagorny-Karabakh và bị lật. Một sự rạn nứt trong mối quan hệ thân tình với Thổ Nhĩ Kỳ có thể phá vỡ các chiến lược của Nga trong khu vực, không chỉ ở Syria, Libya và Đông Địa Trung Hải, mà còn ở Biển Đen, Ukraine, Gruzia và những nơi khác. Điều này sẽ có lợi cho Mỹ.

 


Mối quan hệ Mỹ-Thổ "lục đục" vì thương vụ tên lửa S-400 của Nga


Mối quan hệ đối tác kinh tế-thương mại Nga-Thổ phát triển mạnh mẽ cũng được cho là khiến các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông “gai mắt”. Các nước này vốn coi Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù hiện hữu và cho rằng sự đổ vỡ quan hệ giữa Ankara và Moscow sẽ cho phép họ hạ thấp tầm quan trọng của ông Erdogan.

Thời báo châu Á nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đầu tư nhiều vào mối quan hệ với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Bất kỳ áp lực quá mức nào đối với ông Erdogan đều có thể phản tác dụng. Do đó, nhà lãnh đạo Nga dường như đang cân nhắc các bước đi một cách thận trọng để không phá vỡ mối quan hệ đối tác Nga-Thổ.

Đối với “điểm nóng” Kyrgyzstan, Nga dường như đã giải quyết một cách tương đối dễ dàng. Giới phân tích cho rằng việc Nga hóa giải cuộc cách mạng màu ở Kyrgyzstan cho thấy Moscow vẫn là nhà cung cấp an ninh cho khu vực, trong khi ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Á lại giảm sút.

Nga đối mặt những kẻ “rót dầu”

Đi sâu hơn vào vấn đề Nagorny-Karabakh, trang spiegel.de của Đức nhấn mạnh chiến sự tại đây vẫn tiếp diễn bất chấp những nỗ lực hòa giải của Nga. Theo tờ báo, cuộc chiến này cho thấy Nga đã đánh mất ảnh hưởng trong khu vực. Do đó, giờ là lúc Mỹ muốn đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây có các cuộc gặp riêng với Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov và Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan trong hai ngày 20 và 21/10 tại Moscow. Mục tiêu của các cuộc gặp là duy trì thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny-Karabakh, vốn đạt được sau cuộc đàm phán khó khăn kéo dài 11 giờ hôm 9/10 giữa Ngoại trưởng Lavrov với hai người đồng cấp từ Azerbaijan và Armenia.


Cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh tiếp diễn bất chấp nỗ lực trung gian của Nga


Tuy nhiên, thỏa thuận đã không kéo dài được bao lâu khi chiến sự lại tiếp diễn gần như ngay lập tức. Cả Azerbaijan và Armenia đều cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. Một nỗ lực tiếp theo của Nga chỉ vài ngày sau đó để thiết lập thỏa thuận ngừng bắn thứ hai cũng đã thất bại.

Cuộc chiến ở Nam Caucasus đã diễn ra từ hơn 3 tuần qua với những trận giao tranh khốc liệt nhằm giành giật từng mét vuông đất trong vùng lãnh thổ mà theo luật quốc tế thuộc về Azerbaijan, nhưng thực tế lại do Armenia kiểm soát. Đây là cuộc chiến tồi tệ nhất giữa Azerbaijan và Armenia kể từ khi kết thúc cuộc chiến giữa hai bên năm 1994.

Cho tới nay, chính phủ Armenia cho biết đã có hơn 870 binh sỹ nước này thiệt mạng, trong khi chính phủ Azerbaijan không cung cấp số liệu về tổn thất của lực lượng quân đội, chỉ cho biết đã có hàng chục dân thường thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Cả hai quốc gia đều cáo buộc nhau khơi mào cuộc chiến.

Trong một thời gian dài, Nga đã đảm nhiệm vai trò người "giữ bình yên" trong khu vực, đảm bảo cuộc xung đột nguy hiểm tại Nagorny-Karabakh không bùng phát trở lại. Sau khi Liên Xô sụp đổ, năm 1994, Moscow đã giúp hai nước Azerbaijan và Armenia đạt được một hiệp định đình chiến.

 


Một mình Nga đang phải căng mình "dập lửa" sát vách nhà


Tháng 4/2016, khi một cuộc giao tranh mới giữa hai quốc gia này nổ ra, Moscow đã phản ứng một cách nhanh chóng với sự trung gian hòa giải của Tổng thống Putin. Và chỉ 4 ngày sau khi cuộc xung đột nổ ra, hai quốc gia láng giềng này đã đồng ý ngừng bắn.

Nhưng 4 năm sau cuộc xung đột 2016, tình hình đã không còn dễ dàng như vậy. Moscow vẫn coi mình là nhà trung gian hòa giải, nhưng nỗ lực của một mình Nga không đủ để đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài mới. Tờ báo Đức kết luận rằng Nga đã đánh mất ảnh hưởng của mình và điều đó trước hết là do một nhân tố mới mang tên Thổ Nhĩ Kỳ.

Có một chi tiết đáng chú ý là hôm 23/10, Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan đã tới Washington để gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Đại sứ Nga tại Mỹ nhấn mạnh rằng Moscow ủng hộ các cuộc đàm phán của Ngoại trưởng Pompeo với các nhà ngoại giao từ Armenia và Azerbaijan.


Thái Minh

Nguồn: baodatviet.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.