Chuyên mục
Hành trình đưa F0 vào viện cấp cứu của một bác sĩ ở TP.HCM

Hành trình đưa F0 vào viện cấp cứu của một bác sĩ ở TP.HCM

Chủ nhật 05/09/2021 16:35 GMT + 7

"Chị thấy thế nào? Có đi vệ sinh được không? Có thở được không? Nhập viện nhé. Trong viện sẽ có bình oxy để thở" - bác sỹ Dũng quyết định cho 1 ca F0 nhập viện.

 

Khoảng 16h chiều 4/9, ngay khi nhận được điện thoại yêu cầu hỗ trợ y tế từ F0, bác sỹ Nguyễn Kim Dũng (SN 1986) và Nguyễn Như Phương (SN 1998) thuộc Trạm Y tế lưu động số 17 lập tức chuẩn bị lên đường. Anh Dũng vừa mới trở về từ một cuộc cấp cứu khác.

 


Với gần 10.000 hộ dân (khoảng 25.000 người), 4 thành viên trong Tổ Y tế Lưu động số 17 đang chăm sóc, chuyển tuyến cho hơn 20 F0 trong địa bàn khu phố 4, phường Tân Kiểng, quận 7, TP.HCM.

 


Chiếc xe máy mượn từ UBND phường là phương tiện di chuyển chính của Dũng và Phương để đi cấp cứu F0.

 


“Khó khăn nhất trong thời gian đầu đi cấp cứu F0 tại nhà là việc…tìm đường. Giờ anh, chị em đều đã thông thạo hơn rồi” – Bác sỹ Dũng cho biết đã từng đi lạc nhiều lần trong thời gian đầu mới vào TP.HCM chống dịch. Anh thuộc đoàn Học viện Quân y, tình nguyện vào Nam chống dịch từ ngày 23/8.

 


Chưa đến 15 phút đi đường, nhóm đã có mặt tại nhà bệnh nhân cần cấp cứu. Phương chuẩn bị dụng cụ cho bác sỹ Dũng thăm khám F0. “Ban đầu mới tiếp xúc với F0, em rất sợ. Nhưng không tới gần thì không chữa được, mãi rồi quen” – Như Phương là một trong số ít nữ sinh thuộc Học viện Quân y tăng cường cho TP.HCM chống dịch.

 


Gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Liên (SN 1990) hiện có 3 người mắc COVID-19: Bố chị, con trai và chị.

 


Bà Nguyễn Thị Lan – mẹ của chị Liên là người duy nhất trong nhà có kết quả âm tính, hiện là trụ cột tài chính và chăm sóc gia đình. Bà miêu tả về tình trạng sức khỏe của con với bác sỹ: “Hôm nay cháu thấy khó thở hơn, thấy trong người không ổn”.

 


Tổ Y tế lưu động tiến hành đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) cho chị Liên. Chỉ số của chị Liên chạm mốc 81% trong khi chỉ số của người khỏe mạnh thường dao động ở mức 95 - 100%.

 


Bác sỹ Dũng quyết định cho bệnh nhân nhập viện để đảm bảo điều kiện chữa bệnh và ổn định tâm lý gia đình.



Khi có quyết định cho F0 nhập viện, Tổ Y tế lưu động sẽ tiến hành liên lạc với tài xế, bệnh viện để làm thủ tục nhập viện và di chuyển cho bệnh nhân.

 

Tiến hành lấy mẫu PCR là một trong những bước bắt buộc phải thực hiện trước khi đưa bệnh nhân nhập viện.

 


“Chị chịu khó, chịu khó. Sắp xong rồi”.

 


Để tiện cho quá trình chăm sóc cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm, nhiều phụ nữ là F0 đã cạo sạch tóc.


Chị Liên tự thu dọn hành lý để chuẩn bị nhập viện. Trước đó, chị là F0 đã được Tổ Y tế lưu động thăm khám, cấp cứu nhiều lần tại nhà.

 


Bà Lan ghi tạm số điện thoại, điện chỉ, tên con vào mặt sau của tấm lịch rồi đưa vội cho bác sỹ trước khi chị Liên lên xe cấp cứu.


Trong lúc đợi xe cấp cứu và đưa bệnh nhân nhập viện, bác sỹ Dũng vẫn tiếp tục nhận được thêm nhiều cuộc gọi yêu cầu tư vấn khác: “Trong thời kỳ cao điểm, một ngày làm việc của chúng tôi thường bắt đầu từ 5 – 6h sáng, kết thúc vào lúc 12h đêm. Có bệnh nhân cấp cứu thì 4h sáng cũng đi”.

 


Hiện nay khu phố 4, phường Tân Kiểng, quận 7, TP.HCM đã ghi nhận 350 ca F0. Trong con hẻm gia đình chị Liên sinh sống cũng phát hiện nhiều ca F0 khác.


Khoảng 20 phút sau khi báo tin, xe cấp cứu đã có mặt ở đầu hẻm.



Bà Lan đứng tiễn con gái ở đầu hẻm. Bà tần ngần hỏi: “Tôi chạy xe Honda đi theo có được không?”



Ưu điểm lớn nhất của Tổ Y tế lưu động là việc nắm rõ thể trạng của các trường hợp F0 điều trị tại nhà, đội ngũ y bác sỹ có thể tiên lượng được các trường hợp có bệnh nền hoặc diễn biến xấu, can thiệp khi cần thiết.

 

“Chẳng nhớ được một ngày chở được bao nhiêu chuyến nữa. Chỉ biết là nhiều, tôi chở cả F0 nhập viện và cả F0 được ra viện nữa” - anh Vương Quang Thoại, tài xế thuộc đội xe phục vụ phòng chống dịch phường Phú Mỹ.

 


Chị Liên được vào một bệnh viện dã chiến tại quận 7. Bác sỹ Dũng hoàn thiện giấy tờ cho bệnh nhân ngay trên băng ghế trước của xe cấp cứu.

 


Trong lúc xe của chị Liên đang chờ làm thủ tục, bệnh viện tiếp tục nhận thêm một chuyến xe cấp cứu F0 khác.

 


“Thời điểm hiện tại, các ca F0 cần cấp cứu, chuyển biến nặng đã giảm đi đáng kể so với thời điểm đầu chúng tôi tham gia chống dịch. Nếu trước đây chúng tôi phải đi cấp cứu 8 – 10 ca/ngày, thì giờ số ca cần cấp cứu đã giảm đi hơn một nửa, chỉ còn 3 – 4 ca/ngày.” – bác sỹ Nguyễn Kim Dũng cho biết.


Sau khi chuẩn bị xong các thủ tục cần thiết, chị Liên được đưa ra cổng sau để nhập viện.



Mới đây, quận 7 là một trong những địa phương đầu tiên tại TP.HCM tuyên bố đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Hiện, chính quyền địa phương đang chuẩn bị các giải pháp để thích nghi với tình hình mới, phấn đấu mở lại hoạt động sản xuất.

 


Chị Liên được nhận giường và bắt đầu thở bình oxy tại phòng bệnh.

 




Khoảng 19h tối, trời bắt đầu nhá nhem, hành trình chở 1 F0 nhập viện kết thúc. Bác sỹ Dũng nói với lại để chào tài xế Thoại: “Hy vọng tối nay anh em mình không phải gặp nhau nữa”.


Thi Uyên

Nguồn: vov.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.