Chuyên mục
Hành trình đến với Tết dương lịch ở Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Hành trình đến với Tết dương lịch ở Nga

Thứ bảy 31/12/2011 01:31 GMT + 7
Truyền thống đón Giao thừa vào đêm 31 tháng 12 rạng ngày mồng Một tháng Giêng đã trở thành quen thuộc đến nỗi bản thân người Nga cũng có cảm tưởng rằng từ xưa đến nay đều như vậy. Nhưng thực ra, ở Nga ngày hội đón Tết Dương lịch mới chỉ có 300 năm mà thôi.



Trước công nguyên người Nga đã đón năm mới như một ngày hội mùa Xuân, chào mừng thiên nhiên thức dậy. Theo lịch hiện nay, đó là vào khoảng ngày 22 tháng 3. Để mùa Xuân không đến muộn, người Nga cổ xưa treo lên cành cây những con chim họa mi bằng đất nung, vì họ coi họa mi là sứ giả của mùa Xuân. Sau khi nước Nga tiếp nhận đạo Thiên Chúa vào cuối thế kỉ thứ 10, truyền thống đón năm mới như vậy bị coi là biểu hiện của đa thần giáo nên người dân chuyển sang đón Tết vào ngày 1/3 hàng năm.
    
Đến giữa thế kỉ 14, để việc tổ chức các lễ hội tôn giáo thuận tiện  hơn vì tháng 3 trời còn lạnh, tuyết dày, người Nga chuyển lễ Năm mới sang mồng Một tháng Chín. Và thực tế trong vòng 100 năm liền, mỗi năm người Nga đã đón Tết hai lần (1/3 và 1/9) do vẫn còn lưu luyến với quá khứ. Cho đến năm 1492, Ivan Đại đế đã chính thức hóa ngày 1/9 là ngày đầu tiên của Năm mới còn ngày 1/3 không được coi là ngày lễ nữa. Vào thời kì ấy, người Nga đón Tết rất long trọng. Nhà thờ tổ chức đại lễ, Nga hoàng và Giáo chủ toàn Nga cùng chúc Tết nhân dân. Trong ngày này, bất kì thần dân nào, không kể giàu nghèo, sang hèn, đều có thể gặp nhà vua để cầu xin ân sủng.
    
Tục lệ đón Tết vào ngày 1/9 duy trì cho đến tận cuối thế kỷ 17. Năm 1699 nhà cải cách vĩ đại Pie Đại đế ra sắc lệnh “Về việc đón Năm mới”, quy định rằng khởi đầu một năm mới phải là từ ngày mồng Một tháng Giêng. Cũng từ đó, trong dịp Tết đến nhân dân phải trang hoàng cổng nhà bằng cành thông. Ngoài ra còn có tục lệ bắn ba loạt súng và đại bác, đốt pháo hoa để chào mừng Năm mới và tổ chức trượt băng, vui chơi trong vùng. Sắc lệnh của Nga hoàng Pie Đại đế cũng ghi rõ rằng trong những ngày Tết mọi người được vui chơi, nhưng cấm say rượu và đánh nhau.
    
Cũng như nhiều cải cách của Pie Đại đế, sắc lệnh về Năm mới của ông bị các tầng lớp thiển cận và lạc hậu trong xã hội Nga, nhất là giới tăng lữ, tiếp nhận một cách tiêu cực. Nhiều người tỏ thái độ chống đối công khai, nhưng rồi bị đàn áp, giam giữ trong các hầm tối của Mật viện – cơ quan an ninh thời kì ấy, nên họ đành phải khuất phục.
    
Còn những người nông dân Nga thì tiếp nhận phong tục mới một cách dễ dàng. Vào ngày cuối năm, họ tổ chức hội cầu thần đất để sang năm được mùa. Trẻ em đi các nhà rắc hạt đại mạch. Ngoài ra, người ta còn tổ chức coi bói. Chẳng hạn, qua những câu nghe lỏm được dưới cửa sổ hàng xóm, người ta đoán số phận của mình năm tới sẽ ra sao. Các cô gái cắm những chiếc gậy xuống đống băng và lắng nghe tiếng kêu cót két để đoán xem vị hôn phu tương lai có tên là gì.  
    
Cải cách của Pie Đại đế về ngày mở đầu năm mới vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay. Thật ra, cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 ở các thành phố người Nga không những đón Tết mà còn tổ chức lễ Giáng sinh. Sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, tất cả những lễ hội tôn giáo không được tổ chức nữa. Thậm chí ngay cả cây thông Năm mới cũng rơi vào lãng quên. Lễ đón Năm mới trong gần 20 năm liền sau đó chỉ được tổ chức trong gia đình. Cuối những năm 1930, người Nga mới trở lại phong tục trang hoàng cây thông đón Năm mới, và Tết được coi là quốc lễ. Từ đó trở đi mới có tập quán nguyên thủ quốc gia chúc mừng nhân dân qua đài phát thanh và truyền hình vào dịp Tết.
    
Kể từ năm 1991 Giáng sinh 7/1 lại trở thành ngày nghỉ lễ toàn quốc. Tại sao người Nga lại đón Giáng sinh vào ngày 7/1? Đón Tết xong, một tuần lễ sau mới mừng Giáng sinh có nghĩa là sao? Số là nhà thờ Chính giáo Nga vẫn sử dụng lịch cũ như trước năm 1918, chênh với lịch thông thường 13 ngày. Vì vậy, Giáng sinh ở Nga rơi vào đêm 6 rạng ngày 7 tháng giêng. Và người Nga còn ăn mừng thêm một ngày “Tết cũ” nữa, vào ngày 13 tháng giêng. Nhưng đây chỉ là ngày vui trong gia đình, không được coi là lễ hội chính thức.

Trần Quang Vinh
Nguồn: tamnhin.net
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.