Chuyên mục
Được cấp tư cách ứng viên, Ukraine cần làm gì để chính thức gia nhập EU?

Được cấp tư cách ứng viên, Ukraine cần làm gì để chính thức gia nhập EU?

Thứ sáu 24/06/2022 16:45 GMT + 7

Ukraine sẽ được yêu cầu thực hiện các cải cách về kinh tế, chính trị. Và chắc chắn EU sẽ không tiếp nhận một quốc gia đang trong tình trạng xung đột.


Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/6 quyết định trao cho Ukraine tư cách ứng viên chính thức, dường như nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho Kiev trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Quyết định cấp tư cách ứng viên cũng được trao cho Moldova, còn Georgia được khuyến nghị nên đợi thêm cho đến khi đáp ứng tất cả các điều kiện.

Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU hồi tháng 2. Sau đó, Moldova và Georgia có động thái tương tự vào đầu tháng 3.

Dưới đây là lộ trình và những vấn đề mà Ukraine cần phải giải quyết để chính thức trở thành thành viên EU.

Lộ trình

Kiev có thể sẽ mất nhiều năm để chính thức trở thành thành viên của nhóm 27 quốc gia châu Âu, Reuters nhận định. Ukraine sẽ được yêu cầu thực hiện các cải cách về kinh tế, chính trị. Và chắc chắn EU sẽ không tiếp nhận một quốc gia đang trong tình trạng xung đột.

Theo Reuters, một quốc gia muốn trở thành thành viên EU cần phải tôn trọng các vấn đề nhân phẩm, tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp quyền, nhân quyền, bao gồm quyền của những người thuộc nhóm thiểu số; ủng hộ không phân biệt đối xử; khoan dung, công bằng, đoàn kết và bình đẳng giữa nữ giới với nam giới.

Ngoài ra, quốc gia này cũng cần có một nền kinh tế thị trường ổn định, có năng lực cạnh tranh, có khả năng đảm nhận và thực hiện hiệu quả các nghĩa vụ thành viên của EU.

Với tư cách là một nước ứng cử viên, Ukraine sẽ bắt đầu đàm phán về việc điều chỉnh luật pháp của mình sao cho phù hợp với khuôn khổ pháp lý của Liên minh châu Âu. Các luật của EU được chia thành 35 lĩnh vực chính sách, còn gọi là các chương. Quá trình thảo luận về một chương sẽ kết thúc khi quốc gia ứng viên chứng minh được rằng họ có sự tương đồng với luật của EU.

Khi tất cả các chương đều đã được thảo luận xong, EU và Ukraine sẽ xây dựng hiệp ước gia nhập. Hiệp ước phải được tất cả các nước thành viên EU thông qua và phải được sự đồng ý của Nghị viện châu Âu. Sau đó, hiệp ước sẽ được ký kết bởi từng quốc gia EU và Ukraine để chính thức có hiệu lực.

"Ukraine đã đáp ứng khoảng 70% các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn của EU. Tuy nhiên, một số công việc quan trọng vẫn cần phải thực hiện, đặc biệt về vấn đề pháp quyền, chống tham nhũng và các quyền cơ bản", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết.

Dù không có xung đột nhưng Ba Lan – nước láng giềng của Ukraine với quy mô dân số tương tự đã mất 10 năm kể từ khi xin gia nhập năm 1994 đến khi trở thành thành viên chính thức vào năm 2004.

Thổ Nhĩ Kỳ - mặc dù đã được cấp tư cách ứng viên chính thức vào năm 1999 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể gia nhập EU. Các cuộc đàm phán về tư cách thành viên đã dừng lại khi mối quan hệ giữa Ankara và khối xấu đi nhanh chóng.

Các vấn đề chính trị

Ngay cả khi đã hoàn tất thảo luận với EU, việc gia nhập của Ukraine vẫn cần được tất cả các nước thành viên cũng như Nghị viện châu Âu chấp thuận, có nghĩa là quá trình này luôn có thể bị đình trệ bởi các vấn đề chính trị.

Hà Lan, Pháp và Đức nằm trong số các nước EU phản đối việc kết nạp thêm thành viên mới trong những năm gần đây. Nhưng Kiev đã nhận được sự ủng hộ quý giá của Paris và Berlin khi các lãnh đạo Pháp, Đức tuyên bố trong chuyến thăm gần đây đến Kiev rằng Ukraine “đã thuộc gia đình châu Âu”.

Quyết định cấp tư cách ứng viên cho Ukraine đánh dấu bước tiến mạnh mẽ về phía Đông của EU khi đối mặt với sự trỗi dậy của Nga.

Lần mở rộng lớn gần nhất của EU là vào năm 2004, khi 8 quốc gia phía Đông bao gồm các nước Baltic, Ba Lan và Slovenia gia nhập liên minh. Romania và Bulgaria nối gót vào năm 2007.

Croatia là thành viên “trẻ” nhất của EU, gia nhập năm 2013. Nhưng liên minh này đã mất một thành viên quan trọng là Anh vào năm 2020 khi London quyết định “dứt áo ra đi”.


Minh Hạnh (Theo Reuters, AA)

Nguồn: tienphong.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.