Chuyên mục
Du học sinh Việt lạc vào 'vương quốc' băng tuyết tại Hàn Quốc

Du học sinh Việt lạc vào 'vương quốc' băng tuyết tại Hàn Quốc

Thứ hai 17/01/2022 18:42 GMT + 7

Tuyết rơi là thời điểm Hàn Quốc tổ chức các lễ hội mùa đông, trong đó có lễ hội băng tuyết - 'đặc sản' du lịch thu hút người tới trải nghiệm nét văn hóa thú vị của xứ sở kim chi.


Vào mùa đông ở Hàn Quốc, những nơi giá lạnh nhất lại trở thành điểm đến du lịch “nóng” nhất. Tại thời điểm tuyết rơi nhiều, tham gia những lễ hội băng tuyết trở thành “đặc sản” và thói quen không thể thiếu đối với người Hàn Quốc.

Vô tình biết đến Lễ hội băng tuyết núi Chilgap, tỉnh Chungcheongnam thông qua một bài đăng trên mạng xã hội Instagram, Ngô Minh Ngọc - sinh viên năm 4 khoa Du lịch, Đại học KyungHee - đã bị thu hút bởi những tác phẩm điêu khắc băng tuyết khổng lồ và hoạt động vui chơi sôi động tại đây.

Chị quyết định chọn điểm đến này để mở đầu năm 2022.

“Theo như tôi tìm hiểu, ở Hàn hiện có 3 lễ hội băng tuyết tương tự. Một là ở Chungcheongnam, hai là ở Daejeon và ba là ở Gyeongsang Nam. Tôi chọn (lễ hội ở) Chungcheongnam vì địa điểm này gần Seoul nơi tôi sống nhất”, chị Ngọc chia sẻ với Zing.

Điều không thể bỏ lỡ vào mùa đông

Chị Minh Ngọc không chuẩn bị gì nhiều ngoài đặt vé xe buýt trực tuyến, “còn lại đến đó tính tiếp” vì đi du lịch bên Hàn khá thuận tiện.

Từ bến xe buýt ở Seoul đến Cheongyang khoảng tầm 2 tiếng 30 phút. Sau khi đến, chị Ngọc bắt tiếp taxi đi thêm khoảng 20 phút là tới Lễ hội băng tuyết núi Chilgap.

Chị chia sẻ lý do lựa chọn phương tiện giao thông công cộng là do vào cuối tuần, lượng người tham gia đông đúc. Nếu đi xe riêng sẽ dễ gặp cảnh tắc đường, thậm chí là không có chỗ gửi xe khi đến nơi.

Mặc dù nhiệt độ bên Hàn lúc bấy giờ chỉ khoảng 1-2 độ, thời tiết lại khá thuận lợi, có nắng ấm. Vì vậy, dù chuẩn bị đến không gian lạnh giá, “tràn ngập tuyết trắng”, Ngọc không lo lắng về vấn đề trang phục.

“Ở Hàn thì đi đâu cũng lạnh như nhau nên trang phục tôi mặc vẫn như ngày thường. Tôi chỉ chuẩn bị thêm giày và tất vì lúc đó đi trên băng”, chị nói. “Bình thường tôi chỉ đi 1 đôi tất, nhưng khi đến đó tôi phải đi hẳn 3 đôi".

Chia sẻ về chuyến hành trình, Minh Ngọc cho biết vì chỗ tổ chức lễ hội cách thủ đô Seoul khá xa nên tình hình dịch bệnh không quá căng thẳng. Ban tổ chức chỉ yêu cầu xịt khuẩn và quét mã QR check-in, không cần xuất trình giấy tiêm chủng.

Sau khi làm xong thủ tục, chị Ngọc mua vé vào cổng và bắt đầu chuyến hành trình khám phá “vương quốc băng tuyết" - nơi chia làm 3 khu chính, lần lượt là khu triển lãm, vui chơi và ăn uống.

 








Đây là lần thứ hai Ngô Minh Ngọc tham gia lễ hội băng tuyết tại Hàn Quốc.


Một trong những đặc điểm không thể thiếu của Lễ hội băng tuyết núi Chilgap là những thác nước được hình thành từ băng, có cấu tạo tự nhiên với đầy đủ các kích thước và hình dạng khác nhau. Ở dưới thác băng sẽ có vòi phun nước để đảm bảo công trình này không bị tan.

“Thời tiết bên Hàn bây giờ cũng khá lạnh, có hôm âm mười mấy độ nên cũng không lo (băng chảy). Tuy nhiên, những hôm trời mưa thì sẽ khác, lớp băng dễ tan ra", chị Ngọc cho biết.

Đi vào sâu hơn là khu triển lãm với các khối băng được điêu khắc thành các hình thù khác nhau. Sự kết hợp giữa băng, tuyết và ánh sáng tạo nên nhiều tác phẩm như con hổ, nữ hoàng băng giá Elsa, hay thậm chí là mô phỏng theo Squid Game - bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc thời gian gần đây.

Tiếp đến là khu vui chơi, quy mô tương đối nhỏ nhưng có khá đa dạng các trò chơi mùa đông như phao trượt tuyết, trượt ván gỗ trên tuyết hay đi cáp treo.

Ngọc cho biết chị không vào khu trò chơi vì vé vào tương đối đắt, chủ yếu là trẻ con tham gia, người lớn sẽ cảm thấy chơi không đủ "đã" với số tiền phải bỏ ra.

“Vé vào cửa để chụp ảnh thôi chỉ mất tầm 7.000 won (khoảng 5 USD, hoặc 140.000 VNĐ) nhưng vé vào trò chơi sẽ mất tận 25.000 won", chị nói. “Hơn nữa, hàng người xếp hàng chơi còn kéo dài".

Dù đã đi đến 3 đôi tất, băng tuyết trên đường vẫn khiến chị Ngọc cảm thấy chân lạnh buốt. “Về nhà tôi thấy bị cước chân rất nhiều. Ngoài ra, đi trên đường cũng rất trơn nên tôi ngã mấy lần”, chị chia sẻ.

Để giữ ấm người, lễ hội còn mở khu ăn uống riêng, bán những món ăn nóng hổi, đặc sản của Hàn Quốc như bánh gạo cay (tokbokki), chả cá Odeng, hay là mì tôm, khoai lang nướng,... Mặc dù là khu du lịch, mức giá đưa ra vẫn hợp lý, theo chị Ngọc.

“Tổng chi phí không quá cao nếu tính theo mức sinh hoạt bên Hàn. Tôi tính cả chi phí đi lại, ăn uống và vé vào cửa sẽ hết khoảng 70.000 won (50 USD)”, chị Ngọc cho hay. “Hầu như khu lễ hội khác cũng có mức giá như vậy”.



 


Lễ hội có các trò chơi phổ biến vào mùa đông.


Học kinh nghiệm du lịch từ người bản xứ


Là một người đam mê xê dịch, tình yêu mong muốn khám phá khắp đất Hàn của chị Ngọc được nuôi dưỡng thông qua những bộ phim truyền hình. Ngay sau khi có cơ hội du học, chị đã tận dụng khoảng thời gian này để thỏa mãn đam mê.

Chị cho biết du lịch nội địa ở Hàn Quốc không quá khó khăn bởi giao thông thuận tiện, thông tin có thể dễ dàng tra cứu trên Internet. Vì vậy, kể cả những người khi mới sang không biết tiếng hoặc tiếng chưa giỏi đều có thể tự tra cứu và đi theo hướng dẫn.

Ngọc thích tự mình khám phá các cung đường và điểm đến của Hàn Quốc từ chính kinh nghiệm của người bản xứ.

“Tôi theo dõi trên Instagram của các bạn Hàn Quốc, tìm hiểu trên cổng thông tin Naver (giống như Google) rồi tự đưa ra lộ trình cho chuyến đi”, Ngọc chia sẻ.

Nhờ Instagram, chị Ngọc đã khám phá được rất nhiều địa điểm và lễ hội tại Hàn, như lễ hội hoa oải hương ở Goseong, cây “tình yêu” nổi tiếng ở Buyeo,...

Chị còn nhớ tới lần đi Seosan - một khu vực gần Seoul để ngắm nhìn lễ hội hoa thủy tiên. “Tôi xem trên mạng, thấy đẹp quá nên đã ngay lập tức tự bắt xe buýt và đi một mình”, chị chia sẻ.

 






Một số địa điểm chị Ngọc đã đặt chân tới (từ trên xuống dưới, từ trái qua phải): Công viên thảo dược Herb Island (Pocheon), bãi biển Ayajin (Goseong), Lễ hội hoa thủy tiên (Seosan), đảo Seonjaedo (Incheon), Công viên Hồ Ilsan (Goyang), Cây “tình yêu” (Buyeo).


Trong số các nơi đã đi qua, Busan để lại cho Ngọc nhiều ấn tượng nhất. Mới sang Hàn được 4 năm nhưng Ngọc đã đặt chân tới đây 3 lần và vẫn muốn quay trở lại vào mỗi dịp hè.

“Hè năm nào tôi cũng đi Busan. Tôi đi từ Seoul đến Busan cũng khá gần, đi máy bay mất tầm một tiếng, còn đi tàu cao tốc hết 4 tiếng”, Ngọc cho biết.

Một trong những lý do Ngọc yêu thích Busan là vì giao thông tại đây rất tiện để di chuyển sang các khu vực xung quanh. Quanh Busan cũng có nhiều địa điểm du lịch đáng thăm thú. Mỗi lần quay lại chị Ngọc lại được trải nghiệm một khu vực khác nhau ở Busan.

Lần đầu, chị đi với bạn ở khu biển Haeundae - nơi được mệnh danh là bãi biển đẹp nhất Hàn Quốc. Lần thứ 2, chị khám phá khu Taejongdae và tham gia lễ hội cẩm tú cầu. Lần gần nhất chị tới bãi biển Gwangalli - nơi đặt cây cầu treo Gwangan - cây cầu trên biển dài nhất tại Hàn Quốc.




 

 


Phong cảnh và các địa điểm du lịch "mê lòng người" của thành phố cảng Busan khiến chị Ngọc muốn quay lại thêm nhiều lần.

 
4 năm sinh sống tại xứ sở kim chi cũng cho chị Ngọc nhiều trải nghiệm liên quan tới văn hóa truyền thống của Hàn Quốc. Gần đây nhất, trong tháng 6/2021, Ngọc tới làng văn hóa Namsangol Hanok. Theo chia sẻ của Ngọc, làng Hanok là quần thể các ngôi làng, nơi bảo tồn được nhiều nhà cổ, mang lối kiến trúc truyền thống của người Hàn.

Hoạt động tại các làng rất đa dạng, như làm đồ thủ công mỹ nghệ bằng giấy truyền thống Hanji, làm Hanbok bằng giấy cho búp bê, làm mặt nạ,...

“Tôi mặc Hanbok, học các lễ nghi chào hỏi của người Hàn xưa và trà đạo. Mặc dù đã mặc Hanbok khá nhiều lần rồi, lần nào cũng thích thú y như lần đầu”, chị chia sẻ.

 





Chị Ngọc trong lần trải nghiệm văn hóa truyền thống Hàn Quốc tại làng văn hóa Namsangol Hanok.


Minh An - Phương Linh
Ảnh: NVCC

Nguồn: zingnews.vn/
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.