Chuyên mục
Dầu mỏ khí đốt lại làm kinh tế Nga thêm khốn đốn
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Dầu mỏ khí đốt lại làm kinh tế Nga thêm khốn đốn

Thứ hai 27/07/2015 13:08 GMT + 7
Sau đợt phục hồi nhẹ vào mùa xuân vừa qua, giá dầu tiếp tục đà mất giá, tiềm ẩn đe dọa kinh tế, tài chính nghiêm trọng đối với Nga. 

Khủng hoảng vẫn chưa buông tha Nga, khi mà giá dầu thấp cộng với hệ quả cấm vận của Mỹ, phương Tây vẫn gây ra những tác động mạnh về kinh tế. Đối với một quốc gia mà 50% thu ngân sách đến từ dầu mỏ và khí đốt, thì sự đổ dốc bất ngờ của giá dầu từ tháng 6/2015, với việc giá dầu Brent Biển Bắc hiện giao dịch ở ngưỡng dưới 55 USD/thùng, sẽ làm kinh tế Nga lún sâu vào suy thoái. 

Đà giảm của giá dầu xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả hành động của Nga. Việc Moskva quyết định hợp tác với phương Tây trong việc thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân Iran – diễn biến góp phần làm giá dầu giảm ngay tại thời điểm trước đàm phán, đã làm cho xu thế này kéo dài đến cả năm tới thay vì chỉ vài tháng. Nga hẳn nhiên đã có những tính toán về bù hoàn lợi ích trong vấn đề Iran. 


Nguồn cung dầu mỏ sẽ dư thừa với việc Iran sớm gia nhập thị trường. Ảnh: Shutterstock

Thỏa thuận mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Nga tại thị trường Iran, nhất là về thương mại, đầu tư, với việc các lệnh cấm vận sẽ sớm được dỡ bỏ. Nga sẽ là đối tác mà Tehran ưu tiên hợp tác so với phương Tây, xuất phát từ những yếu tố lịch sử. Quan hệ Iran – phương Tây lắng dịu, Moskva cũng có lý do để buộc Mỹ phải rút lại chương trình phòng thủ tên lửa tại châu Âu – dự án mà trước đây Washington nói rằng cần thiết để đối phó với mối đe dọa Iran, chứ không phải nhằm vào Nga. Cuối cùng, hợp tác với Mỹ và châu Âu trong vấn đề Iran, Moskva cho thấy thiện chí của mình, mà đổi lại phương Tây có thể sẽ giảm sức ép cấm vận nhằm vào Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine. 

Thế nhưng trong bối cảnh nguồn cung đang dư thừa như hiện nay, việc Iran tham gia thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể sẽ đẩy giá giảm hơn nữa. Tại thời điểm hiện nay, nếu được tự do hành động, Iran có thể tăng mức xuất khẩu dầu tức thời với 30-40 triệu thùng dầu hiện đang được lưu trữ trên các tàu, kho chứa.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn, khi khí đốt khai thác của Nga giảm. Nhu cầu trong nước yếu và xuất khẩu giảm sút đã làm sản lượng khí đốt của Gazprom giảm tới 19% trong tháng 6 vừa qua so với cùng kì năm ngoái. Tính trung từ đầu năm đến nay, Gazprom chứng kiến mức giảm 12,9%, tương đương với doanh thu 106 tỉ USD, giảm gần 1/3 so với cùng kì năm 2014 (164 tỉ USD). Do Gazprom chiếm đến 10% GDP của Nga nên xu hướng này có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Xung đột ở miền Đông đã đẩy Ukraine tìm kiếm nguồn cung mới, giảm 37% lượng khí đốt mua từ Nga. Châu Âu thì đang trong giai đoạn đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, nguồn năng lượng tái tạo để tránh phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt Nga.

Ý tưởng chuyển hướng sang thị trường phương Đông cũng phải một số khó khăn. Nga và Trung Quốc từng tuyên bố về một loạt các dự án xây dựng các tuyến đường ống khủng hồi năm 2004. Tuy nhiên, mới đây Moskva và Bắc Kinh đã phải hoãn vô thời hạn thời điểm triển khai tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia 2”, do nhu cầu khí đốt của Trung Quốc giảm, cộng với việc nước này chuyển sang nhập khẩu các nguồn năng lượng mới như khí hóa lỏng (LNG) từ Australia. 

Nhìn về trung hạn, chưa thấy điểm sáng cho Nga. Ngoài yếu tố Iran, nguồn cung thế giới tiếp tục dư thừa, với việc Mỹ nới lỏng các quy định về đầu tư đối với ngành khai thác dầu đá phiến, một động thái làm Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) phải dè chừng. Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới có bước chuyển hướng chiến lược: Tăng cường sản lượng khai thác đi kèm với xây dựng các cơ sở lọc dầu để tối đa hóa lợi nhuận, bù đắp vào việc dầu mất giá. Sản lượng dầu của Saudi Arabia trong tháng 6/2015 đã lên mức kỉ lục: 10,564 triệu thùng/ngày. 

Hoài Thanh (Theo Oil-price, Vox)

Rúp Nga lại “đo đáy” vì dầu thô sụt giá


Ảnh minh họa.

Chiều 27/7, đồng ruble giao dịch ở mức 58,8 ruble đổi 1 USD, đáy thấp nhất kể từ tháng Tư. Giá dầu sa sút được cho là nhân tố xúc tác. Giá dầu Brent hiện ở mức 55USD/thùng, giảm 13% so với mức 63USD hồi cuối tháng Sáu.


Đồng ruble liên tục mất giá so với đồng USD trong một tháng qua. Nguồn: Yahoo Finance

Trong nhiều tuần qua, các nhà xuất khẩu của Nga đã bán ra ngoại tệ nhằm đẩy giá đồng nội tệ, tuy nhiên mức tăng không đạt kỳ vọng của thị trường. Thậm chí đà giảm không được xoa dịu trong thời kỳ đóng thuế tại Nga, khi nhu cầu đối với đồng ruble tăng cao hơn thường lệ.

Sau khi bốc hơi 50% giá trị trong năm ngoái xuống còn 79 ruble đổi 1USD, đồng ruble bắt đầu hồi phục và vươn lên mức 49 ruble đổi 1USD, đỉnh cao trong tháng Năm.

Một số quan chức Nga cho rằng điều này đồng nghĩa ruble đã thoát khỏi cảnh lệ thuộc vào giá dầu. Tuy nhiên từ đó tới nay, ruble lại bắt đầu giảm hơn 15%.


Tỷ giá đồng ruble (vàng) chưa thoát khỏi sự lệ thuộc giá dầu (tím). 

Trong vài tuần qua, có nhiều đồn đoán liên quan đến giá dầu. Một loạt các yếu tố như thỏa thuận hạt nhân Iran, khả năng Mỹ tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Trung Quốc trồi sụp cũng như khủng hoảng tại Hy Lạp và Ukraine làm phức tạp hóa quá trình dự đoán hướng giá.

Theo Bloomberg, sự dao động của giá dầu mỏ sẽ trở thành bài toán thách thức mức độ tự tin của Tổng thống Vladimir Putin - người từng tuyên bố Nga đã đẩy lùi được những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Ngân hàng ING Bank NV tại Moscow ước tính Nga cần giá dầu tăng lên ở mức 80USD/thùng để cân bằng ngân sách quốc gia. Nhưng theo ngân hàng trung ương Nga, nước này sẽ còn chịu cảnh suy thoái kinh tế trong 2 năm tới nếu giá dầu thô duy trì ở mức 60USD/thùng vào năm 2016.

THẢO MAI 
Nguồn: thegioi.baotintuc.vn, bizlive.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.