Chuyên mục
Cuộc đấu cân não Mỹ - Triều
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cuộc đấu cân não Mỹ - Triều

Chủ nhật 06/10/2019 15:39 GMT + 7
Những tuyên bố trái ngược của Mỹ và Triều Tiên phát đi ngày 6/10 sau cuộc đàm phán cấp chuyên viên vừa kết thúc tại Thụy Điển, cho thấy cuộc gặp này vẫn chưa giúp “gỡ rối” cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thậm chí, thái độ của hai bên phần nào làm dấy lên lo ngại về một thời kỳ căng thẳng mới.

Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun (phải) và Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil (trái). Ảnh: Kyodo/TTXVN.

Sau nhiều tháng bế tắc, phải thừa nhận rằng việc các quan chức hai bên ngồi lại với nhau đã là một điều đáng khích lệ, một sự tái khởi động cho các nỗ lực ngoại giao - vốn được cho là cách tiếp cận duy nhất có hy vọng giải quyết được bất đồng của các bên.

Cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại Thụy Điển vừa qua là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa quan chức hai nước kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội tháng 2, và diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều đã phát đi những tín hiệu rằng hai bên muốn đạt thỏa thuận. Tuy nhiên, kết thúc cuộc gặp, chưa có thỏa thuận nào được ký kết.

Phản ứng của hai bên về cuộc gặp này thể hiện sự bất đồng. Trong khi phía Triều Tiên tỏ ra khá thất vọng, giới chức Mỹ nhận định các cuộc thảo luận kéo dài 8 giờ rưỡi đã diễn ra “tốt đẹp”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết phái đoàn Mỹ đã đưa ra “một loạt sáng kiến mới” có thể cho phép hai bên đạt tiến bộ trong 4 trụ cột nêu trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018. Bà Ortagus cũng giảm nhẹ những chỉ trích về kết quả của cuộc gặp trên khi nói rằng: “Mỹ và Triều Tiên sẽ khó có thể vượt qua di sản 70 năm chiến tranh và thù địch trên bán đảo Triều Tiên chỉ trong một ngày”.

Bình luận của giới chức Mỹ dường như phản ánh quan điểm “không phải vội” của Tổng thống Trump. Sau hai cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên, mặc dù chưa thể giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, song việc Tổng thống Donald Trump có thể thiết lập được kênh đối thoại để chấm dứt tình trạng “bên bờ vực chiến tranh” hồi năm 2017 với liên tiếp các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, đã được coi là một thành công về đối ngoại.

Và thực tế này vẫn đang tồn tại, bất chấp việc Triều Tiên thời gian gần đây liên tiếp thử vũ khí mới, song đây chỉ được coi như những màn phô trương sức mạnh nhằm tạo ưu thế trên bàn đàm phán của Bình Nhưỡng. 

Phản ứng của  Tổng thống Mỹ sau những vụ thử vũ khí mới của Triều Tiên khiến dư luận cho rằng việc giải quyết nhanh chóng vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên của ông Trump.

Có một thực tế rằng khi tình hình bán đảo Triều Tiên tạm thời “đóng băng” theo hướng không có nguy cơ bùng phát thành điểm nóng đe dọa trực tiếp lợi ích của Mỹ, dường như chủ đề hạt nhân Triều Tiên cũng không chi phối nhiều tới lá phiếu cử tri, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.

Tuy nhiên, trưởng đoàn đàm phán của Triều Tiên Kim Myong Gil đổ lỗi cuộc gặp đổ vỡ do phía Mỹ “vẫn giữ quan điểm và thái độ cũ” và đến bàn đàm phán với “bàn tay trắng”. Có lẽ cuộc gặp đã không đáp ứng kỳ vọng lớn của phía Triều Tiên trước khi đến Thụy Điển.

Việc Triều Tiên trước vòng đàm phán với Mỹ tiến hành một loạt vũ phóng thử tên lửa và vũ khí, phần nào cũng thể hiện thái độ đàm phán cứng rắn hơn, cũng như quyết tâm của Bình Nhưỡng đạt được kết quả cụ thể khi đàm phán được nối lại.

Như tuyên bố của ông Kim Myong Gil, quan điểm của Triều Tiên là rất “thực tế và hợp lý”, rằng phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ thành hiện thực khi “tất cả các rào cản gây nguy hại đến sự an toàn và ngăn cản sự phát triển của chúng tôi được dỡ bỏ một cách rõ ràng và không còn nghi ngờ”.

Dù nhìn từ góc độ nào thì kết quả cuộc gặp vẫn là bế tắc, hai bên tiếp tục thể hiện bất đồng và chưa thể thu hẹp khoảng cách trong vấn đề mấu chốt nhất liên quan tới lộ trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Bình Nhưỡng.

Giáo sư Ryo Hinata-Yamaguchi, trường Đại học quốc gia Pusan ở Hàn Quốc, nhận định Bình Nhưỡng đã đến cuộc đàm phán này trong một tâm thế tự tin, nhất là khi sự phối hợp trong liên minh Mỹ - Nhật - Hàn đang có dấu hiệu lỏng lẻo. Mặc dù Mỹ đã tỏ những dấu hiệu có thể gọi là linh hoạt trong cách tiếp cận đối với vấn đề Triều Tiên, song lập trường của hai bên chưa thay đổi.

Kết quả cuộc gặp không được như ý đối với Triều Tiên khiến Giáo sư Ryo Hinata-Yamaguchi dự báo về một giai đoạn căng thẳng mới. Việc Triều Tiên đổ lỗi cho Mỹ làm cuộc đàm phán đổ vỡ cũng cho thấy sự nghi kỵ giữa hai bên vẫn tồn tại.

Có vẻ trong cuộc gặp lần này, cả hai bên đều đang nâng lên đặt xuống từng cái lợi - cái hại đối với mình và cuộc gặp dừng lại ở việc thăm dò thái độ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phía Mỹ đã chấp nhận lời mời của Thụy Điển trở lại Stockholm trong 2 tuần nữa để tiếp tục thảo luận, trong khi trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong Gil cho biết Bình Nhưỡng đề xuất ngừng đàm phán đến tháng 12, song cũng nói rõ rằng hai nước có thể thảo luận các bước phi hạt nhân hóa tiếp theo nếu Mỹ “hồi đáp chân thành” với các biện pháp mà trước đó Triều Tiên đã thực hiện, bao gồm việc ngừng các vụ phóng thử tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân, cũng như đóng cửa bãi thử hạt nhân Yongbyon quan trọng.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khó đoán định đang đến gần, và thời hạn chót đến cuối năm nay mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt ra để Washington thay đổi quan điểm cũng sắp hết, cơ hội cho giải pháp đối thoại dường như không còn nhiều. Thiện chí đối thoại từ cả hai phía vẫn còn, song có vẻ cả Mỹ và Triều Tiên vẫn cần thêm các nỗ lực ngoại giao, ý chí chính trị và biện pháp thúc đẩy lòng tin.

Bạch Dương (TTXVN)
Nguồn: baotintuc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.