Chuyên mục
“Chiến tranh lạnh” Saudi - Iran đe dọa cả Trung Đông
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

“Chiến tranh lạnh” Saudi - Iran đe dọa cả Trung Đông

Thứ hai 04/01/2016 12:44 GMT + 7
Lửa hận thù giữa Saudi Arabia và Iran luôn âm ỉ từ hàng chục năm qua và cứ được dịp lại bùng lên dữ dội...

Người Iran biểu tình phản đối Saudi Arabia ở Tehran - Ảnh: Reuters

Theo các chuyên gia Viện Trung Đông và Trung tâm Chính sách Trung Đông, do trang Middle East Eye dẫn lời màn khẩu chiến dữ dội giữa Saudi Arabia và Iran vì vụ Riyadh hành quyết giáo sĩ Hồi giáo Shiite Nimr al-Nimr là một trang mới trong cuộc xung đột giằng dai và căng thẳng giữa hai quốc gia có chung giấc mơ bá chủ Trung Đông.

Lửa hận thù giữa Saudi Arabia và Iran luôn âm ỉ từ hàng chục năm qua và cứ được dịp lại bùng lên dữ dội.

Còn nhớ hồi năm 2010, trang web WikiLeaks công bố các tài liệu ngoại giao mật cho thấy vua Abdullah của Saudi kêu gọi Mỹ tấn công Iran để xóa sổ chương trình hạt nhân của Tehran. Vua Abdullah mô tả Washington cần “chặt đứt đầu rắn”.

Dù cả Saudi và Iran đều là quốc gia Hồi giáo, nhưng Saudi là vương quốc Hồi giáo Sunni có mối quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ và Anh, còn Iran là nhà nước cộng hòa Hồi giáo Shiite được thành lập trên cơ sở chống phương Tây.

Cả Riyadh và Tehran đều muốn trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới Hồi giáo và có quan điểm rất khác biệt về trật tự và ổn định khu vực Trung Đông.

Từ năm 1979 đến nay, sự thù địch giữa vương quốc Hồi giáo Sunni Saudi và chế độ thần quyền Shiite Iran đã đẩy hai nước vào thế xung đột có rất nhiều điểm tương đồng với cuộc đối đầu Mỹ - Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Và đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến khu vực Trung Đông chìm đắm trong bạo lực, chiến tranh, không có một ngày yên bình.

Lá bài Sunni - Shiite

Trên thực tế, căng thẳng Saudi - Iran không xuất phát từ mâu thuẫn Sunni - Shiite. Quan hệ hai nước từng có thời kỳ êm ả khi vua Mohammad Reza Pahlavi trị vì tại Tehran. Nhưng tất cả đột ngột thay đổi vào năm 1979 khi Cách mạng Hồi giáo nổ ra ở Iran, chế độ thần quyền được thiết lập và giáo sĩ Ayatollah Ruhollah Khomeini lên nắm chức lãnh tụ tối cao. Vấn đề là Khomeini có tham vọng trở thành lãnh tụ của cả thế giới Hồi giáo.

Ông muốn biến Cách mạng Iran trở thành Cách mạng Hồi giáo để người Hồi giáo Sunni cũng thần phục ông.

Do đó, Khomeini giương lá cờ chống Mỹ, kêu gọi xóa sổ ảnh hưởng của phương Tây tại Trung Đông, hủy diệt Israel và lật đổ các vương triều “phản động” như vương triều Saudi Arabia. Khomeini coi hoàng tộc Saudi là công cụ của Mỹ, do đó quyết lật đổ vương triều ở Riyadh.

Khomeini mở chiến dịch công kích hoàng tộc Saudi và đòi kiểm soát hai thánh địa Mecca và Medina ở Saudi.

Để đối phó với Iran, chính quyền Saudi chỉ trích tham vọng của Khomeini là âm mưu đưa người Shiite trở thành lực lượng thống trị người Sunni và tự mô tả mình là “người bảo vệ Hồi giáo Sunni”. Riyadh mở chiến lược kích động xung đột Sunni - Shiite.

Chiến tranh Iran - Iraq năm 1980 là một bước leo thang mới trong cuộc đối đầu Saudi - Iran. Tổng thống Iraq người Sunni Saddam Hussein lo ngại chiến dịch của Khomeini kích động làn sóng chống chính phủ của người Shiite tại Iraq, do đó mở cuộc tấn công Iran.

Chính quyền Saudi cung cấp cho Iraq 25 tỉ USD để nuôi dưỡng cuộc chiến. Và chiến tranh chấm dứt năm 1988 với kết quả là hơn 500.000 người Iran thiệt mạng.

Căng thẳng Saudi - Iran tiếp tục âm ỉ và lại bùng lên thành lửa đỏ vào ngày 2-8-1987.

Trong lễ hành hương Hajj ở Mecca, hàng nghìn người Iran diễu hành tới Mecca để phản đối chính sách của Saudi và Mỹ.

Đụng độ giữa người Iran và cảnh sát Saudi nổ ra, hơn 400 người thiệt mạng, trong đó có 275 người Iran.

Vài ngày sau, người Iran tấn công Đại sứ quán Saudi ở Tehran, bốn nhà ngoại giao Saudi bị bắt cóc. Khomeini kêu gọi lật đổ vương triều Saudi.

Bước ngoặt bất ngờ

Năm 1989, lãnh tụ Khomeini qua đời, Ayatollah Ali Khamenei lên nắm quyền. Sự kiện Iraq xâm lược Kuwait năm 1990 đã giúp khôi phục phần nào quan hệ Saudi - Iran.

Đến năm 1991, hai nước đạt được thỏa thuận về lễ hành hương Hajj. Trong suốt thập niên 1990, mối quan hệ này là khá êm ả dù đôi bên có rất nhiều khác biệt.

Nhưng sự kiện Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 đã làm thay đổi cán cân quyền lực Saudi - Iran.

Trước đó, ảnh hưởng của Iran với khu vực khá hạn chế, chủ yếu là hỗ trợ Hezbollah ở Libăng và Hamas tại Bờ Tây.

Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ, lực lượng Shiite thân Iran lên nắm quyền ở Baghdad. Cánh cửa đã mở để Iran thay đổi trật tự khu vực.

Tiếp đến là cách mạng Mùa xuân Ả Rập xô đổ nhiều chính phủ ở Trung Đông, đổ thêm dầu vào lửa xung đột Saudi - Iran.

Khi một chế độ thân Saudi bị đe dọa, Tehran rót tiền và nguồn lực ủng hộ phe đối lập trong khi Riyadh cố duy trì hiện trạng. Khi một đồng minh của Iran bị đẩy đến bờ vực sụp đổ, Saudi tung cú đòn kết liễu còn Iran nỗ lực ngăn chặn.

Nội chiến Syria trở thành một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” giữa Saudi và Iran.

Chính quyền Riyadh cung cấp tiền bạc, vũ khí cho các nhóm nổi dậy, trong khi Tehran đưa quân tới hỗ trợ quân đội Tổng thống Bashar al-Assad.

Ở Bahrain, với bàn tay hỗ trợ của Iran, cộng đồng Shiite tổ chức các cuộc biểu tình dữ dội chống vương triều Sunni. Saudi Arabia lập tức điều lực lượng đến trấn áp làn sóng biểu tình.

Và mới đây là tại Yemen, Iran ồ ạt hỗ trợ tài chính và vũ khí cho quân nổi dậy Houthi (thuộc giáo phái Shiite) và Houthi đã chiếm được thủ đô Sanaa hồi đầu năm 2015.

Lập tức, Saudi cùng liên minh các chính quyền Sunni mở chiến dịch không kích dữ dội tại Yemen để tiêu diệt lực lượng Houthi. Một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” nữa bùng phát tại Trung Đông.

Mâu thuẫn giáo phái Sunni - Shiite đang trở thành công cụ để Saudi và Iran tranh giành quyền lực và ảnh hưởng.

Lực lượng Houthi được Iran chống lưng ở Yemen - Ảnh: Reuters

Hiếu Trung

Mối quan hệ nhiều thăng trầm của Iran - Saudi Arabia

Ngày 3/1, Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Iran sau khi đại sứ quán nước này tại Tehran bị người biểu tình tấn công. Đây được coi là căng thẳng khá nghiêm trọng giữa hai nước, tuy nhiên trong vòng 20 năm trở lại đây, mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran đã có nhiều thăng trầm, khi nồng ấm, khi lại lạnh nhạt. Vụ tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia bắt nguồn từ sự bất bình của một bộ phận người dân Iran trước quyết định xử tử Giáo sĩ theo dòng Hồi giáo Shi’ite Nimr al-Nimr, nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình năm 2011 ở Saudi Arabia.

Hoàng Thái tử Saudi Arabia Abdullah đón tiếp Tổng thống Iran Khatami năm 1999.

1987 – Bất đồng

Mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran đã chạm mức căng thẳng đỉnh điểm vào tháng 7/1987 khi 402 người hành hương trong đó có 275 công dân Iran thiệt mạng tại thánh địa Mecca.

Sau vụ việc trên, người biểu tình tràn qua các con phố của Tehran rồi ập vào Đại sứ quán Saudi. Sau khi Mousa'ad al-Ghamdi, một nhân viên ngoại giao người Saudi Arabia thiệt mạng bởi vết thương nặng do ngã từ cửa sổ đại sứ quán, Riyadh cáo buộc Tehran đã làm ngơ và trì hoãn đưa ông al-Ghamdi tới bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

Từ tháng 4/1988, mối căng thẳng giữa hai nước được làm dịu bớt.

1999- Thân thiện

Nhà vua Fahd đánh giá cao và chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Iran Mohammad Khatami trong cuộc bầu cử năm 2001. Ông Khatami là giáo sĩ Hồi giáo theo dòng Shi'ite, ông đã nỗ lực làm tan băng mối quan hệ với Saudi Arabia sau thời gian dài không mấy mặn nồng kể từ Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

Trước đó, vào năm 1999, ông Khatami là tổng thống Iran đầu tiên tới thăm Saudi Arabia kể từ cuộc cách mạng năm 1979. Bên cạnh đó, hai nước còn thông qua hiệp ước an ninh chung vào tháng 4/2001.

2003-Đối thủ

Việc lật đổ ông Saddam Hussein tại Iraq đã tạo điều kiện để người Hồi giáo theo dòng Shi'ite nắm giữ vai trò quan trọng hơn trong chính phủ nước này. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa Iraq và Iran bắt đầu có nhiều thay đổi, điều này dường như không phải là tín hiệu tốt đối với Saudi Arabia.

Ngoài ra, chương trình hạt nhân của Iran lại càng khiến Saudi Arabia quan ngại sâu sắc rằng Tehran dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đang hướng tới việc vươn lên trở thành cường quốc ở Vùng Vịnh đồng thời nâng tầm vị thế của người Shi'ite thiểu số.

Saudi Arabia từng thẳng thừng tuyên bố với một phái đoàn của Iran vào tháng 1/2007 rằng Tehran đang đặt khu vực Vùng Vịnh vào vòng nguy hiểm do sự đối đầu của nước này với Mỹ cũng như chương trình hạt nhân của nước này.

2011-Mùa xuân Arập

Saudi Arabia từng cử quân đội tới hỗ trợ Bahrain trấn áp người biểu tình chỉ vì lo ngại rằng hầu hết người Hồi giáo theo dòng Shi'ite tại đây sẽ liên minh với Iran.

WikiLeaks tung tài liệu bí mật của Mỹ cho thấy các lãnh đạo của Saudi Arabia, bao gồm Nhà vua Abdullah từng kêu gọi Mỹ có hành động cứng rắn hơn với chương trình hạt nhân của Iran, thậm chí có thể sử dụng cả vũ lực quân sự.

2012- Cáo buộc lẫn nhau

Saudi Arabia ra sức ủng hộ lực lượng nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria trong khi Iran luôn thể hiện lập trường ủng hộ nhà lãnh đạo này. Chính vì vậy Tehran lên tiếng cáo buộc Riyadh đang chống lưng cho “khủng bố”.

Đến tháng 3/2015, Saudi Arabia triển khai chiến dịch quân sự tại Yemen để ngăn chặn phiến quân Houthi tại đây đồng thời cáo buộc Iran đứng đằng sau Houthi. Còn Tehran lại lên tiếng cho rằng các cuộc không kích của Saudi Arabia tại Yemen đã gây thiệt hại nhiều mạng sống của người dân vô tội.

Hà Linh (Theo Reuters)

Nguồn: tuoitre.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.