Chuyên mục
Câu chuyện cổ phần hóa ở xưởng Mosfilm

Câu chuyện cổ phần hóa ở xưởng Mosfilm

Thứ hai 02/03/2020 19:02 GMT + 7

Người Nga vẫn gọi Mosfilm là xưởng phim (studio) chứ không phải hãng hoặc xí nghiệp. Mosfilm được cổ phần hóa có phần vốn của nhà nước từ năm 1999. Những năm gần đây, mỗi năm Mosfilm sản xuất và làm dịch vụ khoảng 50 bộ phim truyện nhựa cùng hàng trăm tập phim truyền hình, trở thành xưởng phim nộp thuế cho quốc gia đứng đầu châu Âu với tổng tài sản phim ảnh là 63.200.000 USD, lãi ròng khoảng 1.800.000 USD/năm.

 


Một góc phòng phục trang của xưởng phim Mosfilm.


Số nhân viên của hãng là 1500 người, và có mức thu nhập ở tốp đầu của cư dân thủ đô Moskva. Người viết bài báo nhỏ này có may mắn được một vài cơ hội “hiện diện” tại xưởng Mosfilm kể cả ở thời kế hoạch hóa lẫn thời hậu Xô viết xin được cung cấp một số thông tin để bạn đọc tham khảo trong dịp xưởng phim này đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập (1920-2020).

Trong thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Xô viết, mỗi năm Mosfilm sản xuất 40 bộ phim truyện nhựa và 15 bộ phim truyền hình nhiều tập quay bằng phim 16 li. Xưởng phim này được mệnh danh là thành phố trong thành phố, là niềm tự hào của đất nước Xô viết. Điều đó được thể hiện, ở thủ đô Moskva có ga metro, ga xe điện bánh hơi, ga xe bus và con phố lớn mang tên “MOSFILM”. Mosfilm nằm trên ngọn đồi Manhev ngút ngàn cây xanh vào mùa hè và vàng rực vào mùa thu bên cạnh sông Moskva hiền hòa thơ mộng. Với diện tích 345.000 m2 (gần 35 ha), Mosfilm được gọi là “Thành phố trong thành phố”. 

 

Bộ phim Nga đầu tiên nhận được giải Oscar của Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật Điện ảnh Mỹ, phim "Chiến tranh và hòa bình" 4 tập của đạo diễn nổi tiếng Sergei Bondartruk, ngoại trừ các cảnh quay trận đánh Borodino, tất cả những bối cảnh còn lại đều được thực hiện tại trường quay Mosfilm. Ngày nay, nhiều tổ hợp bối cảnh của "Chiến tranh và hòa bình" vẫn còn được giữ lại làm địa điểm du lịch khá thu hút. Với bộ phim "Moskva không tin những giọt nước mắt" của đạo diễn Vladimir Menshov (giải thưởng Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học và nghệ thuật Điện ảnh Mỹ dành cho phim nước ngoài hay nhất năm 1982).

 

Thời còn là sinh viên trường Đại học Điện ảnh Liên bang (VGIK), chúng tôi có may mắn được cùng các thầy cô giáo là những nhà điện ảnh nổi tiếng cho đi thực tế trường quay Mosfilm, được chứng kiến cảnh hóa trang và diễn xuất của diễn viên NSND Liên Xô, Vera Alentova khi bà đã 36 tuổi vào vai cô công nhân Katerina 18 tuổi một cách hoàn hảo; chứng kiến vẻ đẹp rói tươi của nữ diễn viên nghiệp dư Natalia Vavilova lần đầu tiên đến với nghệ thuật màn bạc khi cô vào vai Anna, con gái ngoài giá thú mười bảy tuổi của Katerina trong một cảnh phim cực hay khi ông bố dượng tương lai (do diễn viên nổi tiếng NSND Liên Xô Aleksei Batalov thủ vai) xuất hiện ở nhà cô. Chứng kiến cảnh quay hình ghi âm đồng bộ Katerina và hai bạn gái của cô say sưa hát ca khúc để làm bật chủ đề phim: “Moskva không thể xây một ngày/ Moskva không tin vào nước mắt...” ai ai cũng xúc động.

Vào năm 2009, trong chương trình của một chuyến công tác, chúng tôi lại có may mắn đến thăm Mosfilm, khi xưởng phim này chuyển đổi cơ chế được mười năm. Ông phó Tổng giám đốc Mikhail Levin đã có buổi làm việc với chúng tôi kéo dài gần 3h, nội dung chủ yếu ông nói về bước chuyển đổi chưa từng có trong lịch sử của xưởng Mosfilm - những thử thách sống còn và vận may từ hành động quyết liệt.

Theo ông Levin, đạo diễn lừng danh Karen Shakhnazarov, Tổng giám đốc Mosfilm của giai đoạn chuyển đổi là một người mà ông dùng từ “chói sáng” (bletjaseisija) để vinh danh. Theo đó, thập niên 90 của thế kỷ trước, Mosfilm rơi vào sa sút trong mọi phương diện, đặc biệt là ở khu vực sản xuất, hàng năm chỉ sản xuất được ba phim mà chất lượng thì như nhà điện ảnh nổi tiếng, chủ tịch hội Điện ảnh Liên bang Nga, đạo diễn Nikita Mikhalcov “rất lấy làm xấu hổ khi xem bộ phim Nga chiếu tại LHPQT Phúc Đán, Thượng Hải”. Mosfilm buộc phải cổ phần hóa hoặc thay máu toàn bộ. Ông Tổng giám đốc Dostal xin nghỉ hưu trước tuổi vào năm 1999. Làm sao để cứu Mosfilm, khi mà chiếc máy quay mới nhất của xưởng được sản xuất để quay phim Olympis mùa hè năm 1980? Chính những người lao động của xưởng phim này đã tìm được “nguyên khí” là đạo diễn Karen Shakhnazarov, 47 tuổi, sếp của phân xưởng làm phim số 6 vào vị trí tổng giám đốc. Tiếp nhận vai trò chủ trì của Mosfilm, đạo diễn K. Shakhnazarov đã nói với các thành viên của Mosfilm: “Các bạn, nơi đây các nhà điện ảnh lỗi lạc Eizenstein, Bondartruk, Tsukhrai, Tarcovsky, Menshov, Riazanov... đã làm việc. Lúc này đang rất khó khăn nhưng chúng ta sẽ không ngồi xuôi tay, phải nghĩ ngợi và hành động thôi...”.

Ông Tổng giám đốc tiến hành ngay việc đổi mới hoàn toàn công nghệ của Mosfilm. Tiền cho mục tiêu này lấy ở đâu ra? Đó là số tiền bán bản quyền phát sóng lần đầu cho các đài truyền hình gần 2500 bộ phim được sản xuất từ năm 1920 thu về 600 ngàn USD và một số nguồn khác, có cả nguồn tự góp vốn của những người Mosfilm. Động thái này không những Mosfilm có tiền mà các đài truyền hình còn thu được các nguồn khả quan từ quảng cáo, khán giả Nga trở lại với điện ảnh dân tộc. Các phim kinh điển được Mosfilm in đĩa, băng hình phát hành ra thị trường. Đây cũng là một nguồn thu đáng kể và tiềm tàng. Khi được trang bị công nghệ tiên tiến mua từ Đức, Nhật rồi, lãnh đạo mới của Mosfilm cùng các nghệ sĩ xây dựng một chương trình phải làm ra phim hay, phim của công chúng, phim có tay nghề cao. Các bộ phim Ngôi sao, Đại đội 9, Trở về... đã làm bừng sáng gương mặt điện ảnh Nga thời hậu Xô viết.

Bộ phim 3D đầu tiên của điện ảnh Nga, Trận Stalingrad của đạo diễn Fedor Bondartruk (con trai của đạo diễn lừng danh S. Bondartruk ) đã thu về gần 70 triệu USD ở thị trường Nga và Trung Quốc. Cũng theo ông Levin trong gần một thập niên “cầm quyền” của Tổng giám đốc Karen Shakhnazarov tổng thu nhập của Mosfilm tăng 13 lần, trong 10 năm nộp thuế cho nhà nước 12 tỷ ruble. Bản thân đạo diễn Karen Shakhnazarov cũng là một nhà làm phim có thể “hái ra tiền” với các phim Hổ trắng (Bely Tigr), Thành phố Zero (Zerograd), Các con trai (Cyni ), Cô con gái Mỹ (Dotska Ameriki), Kẻ ám sát Nga hoàng (Sareubistva)...

Ông Levin bật mí ba bí kíp mà đạo diễn Tổng giám đốc K. Shakhnazarov thực hiện thành công ở Mosfilm là: Gìn giữ tôn vinh các giá trị thương hiệu; làm cho thương hiệu tái phát sáng (làm ra những phim chất lượng và công chúng); xây dựng Mosfilm thành địa chỉ mà mỗi lao động xem như ngôi nhà ấm áp và phồn thịnh của mình; bạn bè khách khứa coi là đối tác biết “chơi” và dám “chơi” trong tín nghĩa.

Đến lúc hướng chúng tôi đi tham quan những hạng mục chính của Mosfilm, ông Levin khẽ nhắc lại hai câu mở đầu trong ca khúc phim Moskva không tin vào những giọt nước mắt: “Moskva không thể xây một ngày/ Moskva không tin vào nước mắt” và ông làm phép so sánh: Mosfilm cũng không thể xây trong một ngày! Một triết lý thật sâu sắc mà quen thuộc như bánh mì và nước uống của người Nga.

Đi tham quan các nội thất, kho tàng của Mosfilm, chúng tôi thật sự bị choáng ngợp: hơn 50 chiếc xe hơi đạo cụ, có cái được sản xuất từ năm 1915 được lau chùi bóng loáng có chăng dây “bảo hiểm” như vật báu trong bảo tàng. Cái kho phục trang phải rộng mênh mông đến cả mấy ngàn mét vuông. Tất cả đều nghiêm ngắn, được bảo quản đến mức tối ưu, phòng vô trùng, nhiệt độ vừa phải, có người giám sát. Kho vũ khí thì có thể được thấy từ thanh kiếm của Nguyên soái Cutuzov, khẩu súng ngắn của hoàng đế Napoleon đến thanh kiếm của tướng quân Tsapaev thời nội chiến. Gian trưng bày đồng hồ và ấm Somova lại càng “choáng” hơn với hàng trăm hàng ngàn modern, motiv ghi dấu ấn các thời kỳ.

“Nhìn đâu cũng thấy hái ra tiền!”. Đó là lời thốt của một đạo diễn trong đoàn công tác. Viết đến đây, tôi bỗng lo, vừa rồi ở Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) “dọn dẹp” phòng ốc, không hiểu các “nhà dọn” có bảo quản chu tất số trang phục đạo cụ rất “khiêm tốn” của hãng phim này nhưng chúng rất quý hiếm hay không?

Lời cuối tôi muốn nói thêm về con người “chói sáng” Karen Shakhnazarov, ông sinh năm 1952, là Nghệ sĩ nhân dân Liên bang Nga. Ở tuổi 67 ông vẫn đang làm phim và lãnh đạo xưởng Mosfilm với trọng trách Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc. Năm 2017, đạo diễn K. Shakhnazarov vừa hoàn thành bộ phim mới Anna Karenhina và chuyện của công tước Bronsky (dựa theo tác phẩm văn học Anna Karenina của Lev Tolstoi). Bộ phim đang khá hot của thị trường điện ảnh Nga và châu Âu.

Câu chuyện về Mosfilm cũng đã có một số bài báo liên hệ với việc cổ phần hóa trong ngành điện ảnh nước ta nhân sự việc nổi cộm tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Cá nhân chúng tôi cho rằng, quá trình chuyển đổi của xưởng Mosfilm sang cơ chế làm ăn mới là các hành động cụ thể, có mục đích cao vọng và họ đã chuyển đổi thành công. Lịch sử huy hoàng của quá khứ và thương hiệu hôm nay của Mosfilm được bắc bằng một nhịp cầu nối thật ngoạn mục. Bài học đáng tham khảo là, mọi thay đổi đều không tránh khỏi xáo trộn, có khi là tổn thương. Vì thế rất cần thiết sự bàn bạc “thấu cảm” để có một tiếng nói chung, để mưu được quyết kế mầu nhiệm và người chủ trì có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh bế tắc và tìm được tiền đồ!


Lê Ngọc Minh

Nguồn: daidoanket.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.