Chuyên mục
Căng thẳng Israel-Palestine và những cuộc chơi chính trị ngầm

Căng thẳng Israel-Palestine và những cuộc chơi chính trị ngầm

Thứ hai 17/05/2021 17:20 GMT + 7

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Hamas đều có những toan tính chính trị trong tình trạng căng thẳng Israel-Palestine.

 


Nhà Trắng cho biết ông Biden đã trao đổi với Thủ tướng Netanyahu về các cuộc tiếp xúc “cấp cao” với những người đồng cấp khu vực để nỗ lực chấm dứt xung đột. (Nguồn: EPA)


Khả năng chấm dứt thù địch còn xa vời


Hãng tin Reuters đưa tin hỏa lực tên lửa của Israel đã phá hủy một tòa nhà 12 tầng ở dải Gaza, trong đó có văn phòng đại diện cơ quan báo chí Mỹ và Qatar. Tuy nhiên, quân đội Israel giải thích đây là mục tiêu thích đáng vì tòa nhà này có văn phòng của phong trào Hồi giáo Hamas.

Hamas đã bắt đầu đáp trả bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa từ hôm 10/5, sau khi cảnh sát Israel đụng độ với người dân Palestine gần đền thờ Al-Aqsa trong tháng Ramadan của người Hồi giáo. Các cuộc oanh tạc đã gây ra những cột khói đen kịt tại thành phố Gaza.

 

Bà Fatou Bensouda, Công tố viên trưởng của Toà án Tội phạm quốc tế, cho biết cơ quan này đang “theo dõi hết sức chặt chẽ” tình hình trong khi tiến hành một cuộc điều tra về những cáo buộc tội ác chiến tranh đã xảy ra trong những ngày đầu xung đột.

Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cáo buộc Hamas “phạm tội chiến tranh kép”, tức là vừa tấn công dân thường, vừa dùng người dân Palestine là “bia đỡ đạn”.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền có trụ sở ở New York này 15/5 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc khi các cuộc tấn công ở dải Gaza đã hủy hoại tài sản của người dân.

Trong nỗ lực giảm nhiệt căng thẳng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với cả Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Tuy nhiên, cả Israel và Hamas đều khẳng định tiếp tục hành động quân sự, khiến khả năng chấm dứt thù địch vẫn còn xa vời.

Thất bại ngoại giao


Trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 16/5 để thảo luận về tình trạng bạo lực tồi tệ nhất giữa Israel và Palestine trong nhiều năm qua, đặc phái viên của Tổng thống Biden Hady Amr đã đến Israel hôm 14/5.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, cách tiếp cận ngoại giao của Mỹ đã không phát huy hiệu quả trong việc kiềm chế leo thang căng thẳng tồi tệ nhất giữa Israel và Palestine kể từ năm 2014.

Nhà Trắng cho biết ông Biden đã trao đổi với Thủ tướng Netanyahu về các cuộc tiếp xúc “cấp cao” với những người đồng cấp khu vực để nỗ lực chấm dứt xung đột. Lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 1/2021, Tổng thống Biden cũng điện đàm với Tổng thống Abbas về tình hình căng thẳng.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết ông Biden đã “nhấn mạnh Hamas cần ngừng tiến hành oanh kích vào Israel” và cả hai đều bày tỏ quan ngại về tình trạng xung đột gây thương vong cho dân thường hiện nay.

Tuy nhiên, những nỗ lực ngoại giao ở cấp độ quốc tế và khu vực hiện nay vấp phải những trở lực khi cả Mỹ và phần lớn cường quốc phương Tây đều không đối thoại với Hamas khi coi phong trào này là tổ chức khủng bố.

Trong khi đó, Tổng thống Abbas, với nền tảng quyền lực ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng, lại không thể gây ảnh hưởng đối với Hamas đang kiểm soát Gaza.

Một số nhà phân tích nhận định với Reuters rằng Hamas dường như coi cuộc xung đột lần này là dịp để gạt bỏ vai trò của Tổng thống Abbas và nâng cao hình ảnh của phong trào này là một “người bảo vệ” cho người dân Palestine ở Jerusalem.

Còn tại Israel, cuộc xung đột bên ngoài này đang xảy ra đồng thời với tình trạng bạo lực ở trong nước giữa các cộng đồng người Do Thái và người Arab.

Những cuộc chơi “mục tiêu ngầm”


Tờ Washington Post phân tích về những gì mà Thủ tướng Israel và Hamas có thể đạt được trong tình trạng xung đột này.

Lâu nay, Hamas vẫn dùng chiêu đòn của mình là đe dọa tấn công Gaza bằng rocket để đạt được những nhượng bộ liên quan hỗ trợ nhân đạo từ Israel và các nước Arập. Hiện Gaza vẫn nằm trong lệnh phong tỏa của Israel kể từ khi Hamas kiểm soát khu vực này hồi năm 2007.

Thủ tướng Netanyahu lâu nay đã sử dụng chiến thuật “cắt cỏ” để làm suy yếu sức mạnh của Hamas ở Gaza. Thế nhưng, sau mỗi lần xung đột, năng lực của Hamas lại ngày càng lớn mạnh. Trước đây, để tìm cách chấm dứt xung đột, hai địch thủ này đã đối thoại gián tiếp thông qua trung gian là Ai Cập, Qatar và Liên hợp quốc.

Rốt cuộc, giới chức Israel cho rằng thà để Hamas tiếp tục kiểm soát Gaza hơn là việc Israel phải nỗ lực chiến dịch quân sự của mình để ngăn chặn rocket của phong trào Hồi giáo này.

Tuy nhiên, cuộc xung đột lần này có thể khác biệt đôi chút so với trước kia khi cả ông Netanyahu và Hamas đều đạt được lợi ích chiến lược trước mắt từ cuộc giao tranh này. Nói cách khác, đối với cả hai bên, cuộc xung đột này xảy ra đúng vào thời điểm đem lại những cơ hội chính trị.

 

Sau cuộc bầu cử kéo dài 2 năm qua mà không phân thắng bại, Thủ tướng Netanyahu đã không thể thành lập một liên minh để có thể thành lập chính phủ. Khi một nhóm đối thủ của ông đang ấp ủ một kế hoạch thành lập chính phủ mới nhằm lật đổ ông, thì cuộc xung đột bùng nổ, gây bất ổn ở Jerusalem.

 

Chia sẻ với tờ Washington Post, bà Gayil Talshir, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hebrew, bình luận: “Xung đột xảy ra đúng lúc để ngăn chặn sự thay đổi chính phủ ở Israel”.

 

Đối với Hamas, cuộc xung đột này diễn ra trong bối cảnh tình hình nội bộ Palestine có những vướng mắc chưa hóa giải dược. Tổng thống Abbas đã quyết định chưa tổ chức bầu cử Palestine được chờ đợi từ lâu và được dự kiến diễn ra vào tháng 5 này.

 

Điều này làm trì hoãn hơn nữa triển vọng hòa giải bất đồng trong nội bộ ban lãnh đạo Palestine đang bị chia rẽ sâu sắc đồng thời làm gia tăng sự bất bình của người dân đối với Chính quyền Palestine.

 

Do đó, nếu như ông Netanyahu đang vật lộn với kế hoạch duy trì quyền lực trong nhiều tháng qua thì thủ lĩnh Hamas lại đang chơi một ván bài dài hơi hơn nhằm đạt được lợi thế trong cuộc đối đầu với Israel.

 

Một cựu quan chức chính quyền Palestine thừa nhận: “Với những chỉ dấu ban đầu, nhiều người ở Bờ Tây đang ngưỡng mộ những gì Hamas đang làm… Cuộc chơi của Hamas dường như đã thành công khi xung đột với Israel với lý do muốn hậu thuẫn người dân Palestine ở Jerusalem”.

 

Viết trên Diễn đàn chính sách Israel, tác giả Michael Koplow bình luận: “Hamas thực ra không đòi hỏi gì từ phía Israel. Phong trào này đang tận dụng thời cơ này để coi đó là cái cớ nhằm tối ưu hóa cơ hội hiếm hoi trong chính trường Palestine. Tên lửa của Hamas nhắm vào Israel chính là nỗ lực của Hamas nhằm đạt được ưu thế hơn so với Phong trào Giải phóng dân tộc Palestine (Fatah)”.

 

Hiện Tổng thống Abbas đang lãnh đạo Fatah.

 

Ngọc Hà (theo Reuters/Washington Post)

Nguồn: baoquocte.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.