Chuyên mục
Biến số từ Trung Quốc trong bài toán của Fed

Biến số từ Trung Quốc trong bài toán của Fed

Thứ sáu 20/01/2023 18:25 GMT + 7

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể kéo giá hàng hóa và lạm phát lên cao. Điều này khiến bài toán của Fed càng trở nên hóc búa.



Fed được dự báo tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách sắp tới. Ảnh: Reuters.


Theo CNBC, việc Bắc Kinh chấm dứt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế thứ 2 thế giới. Sự bùng nổ về nhu cầu có khả năng kéo theo lạm phát. Đó là tin xấu với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Các dữ liệu kinh tế chỉ ra hàng loạt đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed đã kéo lạm phát tại Mỹ đi xuống. Nhưng nhu cầu của Trung Quốc có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, thậm chí trở về mức giá hồi đầu năm 2022. Đó là thời điểm ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất.

"Chúng tôi cho rằng một Trung Quốc khỏe mạnh hơn có khả năng cao tạo ra một Fed diều hâu hơn", ông Tavis McCourt - chiến lược gia tại Raymon James - bình luận.

Trung Quốc mở cửa trở lại


Theo ông, nếu sự mở cửa trở lại của Trung Quốc đẩy giá hàng hóa sát với hồi đầu năm ngoái, vị thế của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát sẽ bấp bênh hơn nhiều.

Ông McCourt cho rằng các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc sẽ phục hồi và kéo nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa đi lên.


"Người tiêu dùng được ra khỏi căn hộ của họ và đi lại nhiều hơn. Nhu cầu về xăng và nhiên liệu máy bay do đó sẽ gia tăng", ông lập luận.

 

"Chúng tôi cho rằng một Trung Quốc khỏe mạnh hơn có khả năng cao tạo ra một Fed diều hâu hơn."

 
Ông Tavis McCourt - chiến lược gia tại Raymon James


Vị chuyên gia tin rằng nhu cầu "sẽ quay lại rất nhanh". Trên thực tế, giá hàng hóa đã tăng đáng kể từ tháng 12 năm ngoái. Đó là thời điểm Trung Quốc công bố kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất.

Trên Sàn giao dịch Kim loại London sáng 19/1, giá đồng kỳ hạn 3 tháng ở mức 9.436 USD/tấn, tăng khoảng 12,5% kể từ đầu tháng. Giá nhôm cũng tăng 11,7% trong tháng 1.

"Giá nhôm đã bùng nổ trong vài tháng qua do những suy đoán liên quan tới việc Trung Quốc mở cửa trở lại", bà Timna Tanners - Giám đốc điều hành của Wolfe Research - nói với CNBC.

"Chúng tôi đặt nghi vấn về tính bền vững, nhưng rất khó để phủ nhận đà tăng này diễn ra trong quá trình mở cửa giao thương trở lại", bà nhận định.

Trên thực tế, các quan chức Fed đã lo ngại sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc là lực cản đối với nỗ lực kìm hãm lạm phát của Washington.

Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard cảnh báo việc Trung Quốc mở cửa trở lại, cùng với nguy cơ suy thoái của châu Âu giảm đi, có khả năng tiếp nhiệt lượng cho lạm phát.

Bài toán khó giải

"Trung Quốc đã từ bỏ chính sách Zero-Covid và đang hướng tới việc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến", ông Bullard lập luận. Vị quan chức cho rằng các thị trường hàng hóa do đó sẽ đi lên.

"Tôi lo ngại điều đó sẽ dẫn tới áp lực gia tăng đối với lạm phát nói chung. Đó là rủi ro mà chúng ta cần tính tới khi hoạch định chính sách tiền tệ", ông Bullard cảnh báo.

Các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt tại Trung Quốc từng giúp kìm hãm giá dầu thế giới, vốn đã tăng cao vì nguồn cung bị thu hẹp. Nhưng điều này có thể đảo ngược trong năm nay.

Trên thực tế, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã phát đi dấu hiệu hạ nhiệt của lạm phát. Điều này có thể cho phép Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.

Các dữ liệu mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 12/2022. Còn chỉ số giá sản xuất lao dốc chưa từng thấy kể từ tháng 4/2020.

 

Sự mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ kéo nhu cầu dầu đi lên. Ảnh: CNN.


Theo dữ liệu trước đó, trong tháng 12 năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm.

Theo tính toán của CME Group, các nhà đầu tư tin rằng khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên tới 94,3%.

Các nhà giao dịch trên thị trường kỳ hạn dự báo Fed sẽ đẩy lãi suất điều hành lên 4,75-5% vào giữa mùa hè, rồi cắt giảm 0,5 điểm phần trăm cuối năm nay.

Còn theo Morgan Stanley, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể làm gia tăng sức ép lạm phát. Nhưng tác động lan tỏa tới nền kinh tế toàn cầu sẽ không quá lớn.

"Sự phục hồi của Trung Quốc được thúc đẩy bởi tiêu dùng thay vì đầu tư. Do đó, tác động lan tỏa đối với lạm phát trong phần còn lại của khu vực sẽ khá hạn chế", đội ngũ chuyên gia của ngân hàng đầu tư nhận định.


Thảo My

Nguồn: zingnews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.