Chuyên mục
Bán S-400 cho Mỹ: ''Một lần và mãi mãi'', Nga không bán thêm vũ khí nào cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Bán S-400 cho Mỹ: ''Một lần và mãi mãi'', Nga không bán thêm vũ khí nào cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Thứ bảy 04/07/2020 16:56 GMT + 7

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ trao lại hệ thống phòng không S-400 của Nga cho Mỹ - dù là miễn phí hay vì tiền - Moscow sẽ coi đó là sự phản bội tinh thần trong hợp đồng mua bán được ký kết. Nga sẽ mất niềm tin vào chính quyền Erdogan và sẽ không còn ký kết bất kỳ hợp đồng quốc phòng quy mô lớn nào khác

 


Mỹ sẽ khó mua lại S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ.


Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ bán lại hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất cho Mỹ là điều không thể vì quyết định như vậy có thể gây tổn hại đến mối quan hệ giữa Ankara và Moscow, giới phân tích cho biết.

Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ John Thune đã đề xuất sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng 2021 (NDAA) cho phép quân đội đội nước này dùng ngân sách mua lại S-400 do Nga chế tạo từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Ankara có thể trở về với chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35 vốn bị trục xuất cách đây không lâu.

Vi phạm hợp đồng

Khả năng bán lại có thể rất khó xảy ra và Moscow sẽ ngăn chặn nguy cơ Mỹ có quyền truy cập S-400 mặc dù thực tế Nga đã sản xuất hệ thống S-500 hiện đại hơn, Gareth Jenkins, chuyên gia tại Viện Chính sách An ninh & Phát triển ở Stockholm, nói với Sputnik.

"Mỹ sẽ không sử dụng các hệ thống này, họ chỉ muốn tháo dỡ và phân tích mọi khía cạnh hoạt động của vũ khí. Mặc dù S-400 không tiên tiến được bằng S-500, nhưng Moscow cũng sẽ không hài lòng về việc Mỹ có quyền truy cập vào một hệ thống cũ hơn", Jenkins nói.

Dẫu cho hợp đồng mua bán S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không được công khai, nhưng chuyên gia này tin rằng chắc chắn Moscow đã gài thêm điều khoản xác định “người dùng cuối” và cấm bán lại.

Về phần mình, tướng không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã nghỉ hưu, Beyazit Karatas, cho rằng một sáng kiến như vậy là không thể. Để làm rõ vấn đề, Karatas đưa ra một ví dụ trong trường hợp Ankara mua thiết bị quân sự của Mỹ thay vì Nga.

"Giả sử tình huống Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống Patriot của Mỹ, sau đó quan hệ trở nên xấu đi và không thể hàn gắn do các lệnh trừng phạt. Ankara có thể bán Patriot cho một nước thứ ba và mua một hệ thống phòng không tốt hơn hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Mỹ sẽ can thiệp ngay lập tức và cáo buộc chúng tôi vi phạm thỏa thuận", ông nói.

Chuyên gia Jenkins cũng nhấn mạnh việc Quốc hội Mỹ khó có thể chấp thuận mua S-400 trong bối cảnh "thái độ chống Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington" đang lan rộng ở thời điểm hiện tại. Hơn nữa, Nga sẽ không ký thêm bất kỳ bất kỳ hợp đồng quốc phòng nào với Ankara trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ giao S-400 cho Mỹ.

 


Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải trả giá đắt khi đánh mất niềm tin từ Nga.


"Nếu Thổ Nhĩ Kỳ trao lại hệ thống phòng không Nga cho Mỹ - dù là miễn phí hay vì tiền - Moscow sẽ coi đó là sự phản bội tinh thần trong hợp đồng mua bán được ký kết. Nga sẽ mất niềm tin vào chính quyền Erdogan và sẽ không còn ký kết bất kỳ hợp đồng quốc phòng quy mô lớn nào khác", chuyên gia Jenkins nêu quan điểm.

Nhà phân tích nói thêm Tổng thống Erdogan xem mối quan hệ với Moscow là đòn bẩy giúp ông độc lập hơn với phương Tây "cả về chính trị và mua sắm quốc phòng" trong bối cảnh quan hệ của Ankara-Washington đang xấu đi.

"Mặc dù đôi khi sẽ có hợp tác ngắn hạn trong các lĩnh vực cụ thể, quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn căng thẳng chừng nào ông Erdogan còn nắm quyền. Nhà lãnh đạo ở Ankara đã không tiếc lời chỉ trích Mỹ và đổ lỗi về tất cả mọi thứ, từ nền kinh tế yếu kém cho đến nỗ lực đảo chính vào tháng 7/2016", Jenkins nói.

Tóm lại, chuyên gia này cho rằng, Tổng thống Erdogan phải lựa chọn giữa S-400 và F-35 vì Thổ Nhĩ Kỳ không thể "có cả hai".

Lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ

M.V. Ramana, chuyên gia về các vấn đề toàn cầu tại Đại học British Columbia, nhận định đề nghị của Thượng nghị sĩ John Thune về việc mua lại S-400 cho thấy một số chính trị gia Mỹ đang "tuyệt vọng" trong việc giữ Thổ Nhĩ Kỳ "trong phạm vi của mình".

"Đề xuất như vậy không chắc sẽ được thông qua. Ngay cả khi được thông qua, Nga cũng không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ bán S-400 cho Mỹ", Ramana nói.

Theo chuyên gia, "một số người" ở Washington muốn giữ Thổ Nhĩ Kỳ gần gũi hơn ngay cả khi một sự nhượng bộ như vậy sẽ giúp cho vị thế của Tổng thống Erdogan trong cuộc đàm phán với Mỹ sẽ được củng cố.

Ngoài ra, Mỹ cũng nhận ra rằng, sự liên quan sâu sắc của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35 bị chấm dứt khiến cho quá trình sản xuất của máy bay này trở nên đắt đỏ và bị trì hoãn quá lâu.

 

Mạnh Kiên

Nguồn: nguoiduatin.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.