Chuyên mục
Xuất khẩu thủy sản sang Nga trong tháng 8/2022 tăng tới 98%

Xuất khẩu thủy sản sang Nga trong tháng 8/2022 tăng tới 98%

Thứ hai 12/09/2022 12:02 GMT + 7

Xuất khẩu thủy sản sang Nga bị đình trệ từ tháng 2 đến tháng 6/2022, tuy nhiên đã đảo chiều tăng mạnh trong 2 tháng qua, đặc biệt kim ngạch tháng 8/2022 tăng tới 98% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo cả năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Nga sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 16% đạt trên 190 triệu USD…

 

 

Xuất khẩu thủy sản sang Nga tăng trưởng mạnh mẽ kể từ tháng 7/2022.


Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 8/2022, xuất thuỷ sản Việt Nam sang Nga đạt trên 94 triệu USD, giảm 20%. Do xung đột Nga – Ukraine từ cuối tháng 2/2022 khiến cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4 bị đình trệ.

Dự báo tăng trưởng 16% trong cả năm 2022


Xuất khẩu thuỷ sản sang Nga trong tháng 3 và tháng 4 đã giảm lần lượt 86% và 46%, vì vận tải tắc nghẽn, thanh toán thương mại khó khăn. Tuy nhiên, từ tháng 5, xuất khẩu thuỷ sản sang Nga đã hồi phục dần dần và từ tháng 7, xuất khẩu đã đảo chiều, tăng 36% và tăng mạnh 98% trong tháng 8/2022.

 


Giá trị xuất khẩu thủy sản sang Nga, theo VASEP


Phân tích về từng loại mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Nga, VASEP cho biết cá tra vẫn là mặt hàng đứng đầu trong thủy sản, chiếm 22% giá trị kim ngạch thuỷ sản sang thị trường Nga với gần 21 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá tra phile đông lạnh chiếm khoảng 75%, cá tra nguyên con chiếm khoảng 14%, cá tra cắt khúc chiếm 11%.

 

Trong khi xuất khẩu đa số sản phẩm thuỷ sản sang Nga đều sụt giảm vì bị gián đoạn trong giai đoạn đầu của chiến sự Nga – Ukraine, thì xuất khẩu cá chỉ vàng, cá ngừ, cá cơm sang thị trường này vẫn giữ được tăng trưởng dương. Trong 8 tháng, xuất khẩu cá ngừ sang Nga, tăng 97% đạt gần 16 triệu USD, cá chỉ vàng tăng 6% đạt 14,6 triệu USD, cá cơm tăng 27% đạt 4,6 triệu USD.

Xuất khẩu tôm chân trắng, chả cá và surimi đều giảm sâu trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu tôm chân trắng đạt trên 16 triệu USD, chiếm 17%, xuất khẩu chả cá surimi đạt trên 12 triệu USD, chiếm 13%. 

Năm 2022 có thêm 6 doanh nghiệp Việt Nam được phía Nga cấp phép cho xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này, nâng tổng số đơn vị được phép xuất khẩu thủy sản sang Nga là 54 doanh nghiệp. Trong 8 tháng đầu năm nay, có 39 doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng thủy sản xuất khẩu sang Nga.

Trong đó, Công ty CP Nam Việt chiếm tỷ trọng lớn nhất 13% với sản phẩm thế mạnh là cá tra. Tiếp đến là Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thực phẩm Sài Gòn (12%), công ty TNHH Hải Vương (12%), Công ty TNHH MTV Thực phẩm Anh Long (8%) và Công ty CP Tập Đoàn Thủy sản Minh Phú (7%)…

Với nhiều tín hiệu khá tích cực, VASEP dự báo xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Nga sẽ tiếp đà hồi phục trong những tháng cuối năm nay. Dự báo cả năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Nga sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 16% đạt trên 190 triệu USD. 

 

 

Xuất khẩu nông sản sang nga giảm trong nửa đầu năm


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Nga năm 2021 đạt 550 triệu USD. 

Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu sang Nga có 9 mặt hàng có giá trị kim ngạch đạt từ 1 triệu USD trở lên. Bao gồm: cà phê đạt 116,7 triệu USD; thủy sản đạt 57,2 triệu USD; rau quả đạt 24,9 triệu USD; cao su đạt 18,1 triệu USD; nhân điều đạt 15,9 triệu USD; hạt tiêu đạt 9,8 triệu USD; chè đạt 7,5 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,9 triệu USD; gạo đạt 1,2 triệu USD.  

 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Nga đạt 255 triệu USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu nông sản sang Nga trong nửa đầu năm nay, chỉ có 3 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, đó là gạo tăng tới 90,48%, mặt hàng cao su tăng 65,87%, cà phê tăng 34%.

Trong khi đó, hầu hết các mặt hàng khác đều giảm về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm trước: thủy sản giảm 34,5%; rau quả giảm 40,9%; nhân điều giảm 37,1%; hạt tiêu giảm 9,2%; chè giảm 27,6%; gỗ và đồ gỗ giảm 46,8%.

Trong đó với hàng rau quả. Việt Nam là đối tác ký Hiệp định thương mại tự do đầu tiên với khối Liên minh kinh tế Á - Âu với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt, giảm, trong đó 59,3% được xóa bỏ. Năm 2021, Nga là thị trường rau quả lớn thứ 9 của Việt Nam với giá trị xuất khẩu gần 76,6 triệu USD, tăng gần 41% so với năm 2020. Tuy nhiên, trong 6 tháng năm 2022, mặt hàng rau quả có mức giảm xuất khẩu sang Nga với kim ngạch giảm tới 40,88% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 24,9 triệu USD. Xuất khẩu nhiều nhất là dứa, xoài, thanh long.. nhưng các giao dịch cũng đã gián đoạn.

Các chuyên gia nhận định, xung đột Nga - Ukraine diễn ra từ cuối tháng 2 là nguyên nhân chính khiến dòng chảy thương mại sang Nga bị tác động tiêu cực, nhiều ngành hàng xuất khẩu sụt giảm sâu. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến cho thấy đã có tín hiệu hồi phục so với các tháng trước, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như hàng thủy sản, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu…

Theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga, khi chiến sự Nga – Ukraine xảy ra, hệ thống ngân hàng Nga bị phong toả, đồng Rúp bị mất giá, nhưng Nga đã có những động thái phản ứng nhanh để giữ ổn định nguồn ngoại tệ. Mặc dù bị lệnh trừng phạt kinh tế từ nhiều nước G7 nhưng hàng hoá tại thị trường Nga vẫn khá ổn định vì Nga vẫn còn nhiều đối tác khác.

Ông Minh cho biết vận tải hàng hoá từ Việt Nam sang Nga đã thuận lợi hơn. Hiện nay tập đoàn vận tải Nga đã mở tuyến vận tải thẳng Tp Hồ Chí Minh - Hải Phòng - Vladivostok và đã có một số hãng tàu khác chạy tuyến mới, việc vận chuyển nhanh hơn, thời gian ngắn hơn. Ngoài ra có thêm hệ thống vận tải đường sắt hỗ trợ cho giao thương với Nga. 

Với những ưu đãi về thuế quan nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN- EAEUFTA), hiện tại nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam đang có khả năng cạnh tranh lớn tại thị trường kinh tế này.

 

Theo VASEP, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) vừa tuyên bố sẽ tiến hành đợt rà soát cuối kỳ 5 năm đối với thuế áp dụng với tôm Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam để bảo vệ tôm nội địa Mỹ. Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ sẽ thực hiện rà soát theo Đạo Luật Thuế quan năm 1930 để xác định xem có thu hồi các lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh từ 4 nước hay có khả năng tiếp tục hoặc có sự tái xuất hiện sự tổn thương tới ngành trong thời gian tới. Ngày rà soát chưa được xác định.

Chương Phượng 

Nguồn: vneconomy.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.