Chuyên mục
Vì sao Trung Quốc không điều quân hỗ trợ Kazakhstan?

Vì sao Trung Quốc không điều quân hỗ trợ Kazakhstan?

Thứ hai 17/01/2022 07:02 GMT + 7

Trong cuộc khủng hoảng vừa qua ở Kazakhstan, giới chuyên môn cho rằng phản ứng của Trung Quốc phần nào nói lên cách Bắc Kinh dùng lời lẽ cổ động, cam kết viện trợ thay vì điều động quân đội để can dự vào các sự kiện quốc tế nhằm tạo vị thế trên toàn cầu.

 

Binh sĩ Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: WSJ


Là nước lớn và giàu có ở khu vực Trung Á, Kazakhstan có vai trò như mắt xích quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) - khuôn khổ phát triển cơ sở hạ tầng đa quốc gia do Trung Quốc khởi xướng nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị trong cuộc cạnh tranh với Mỹ cùng đồng minh. Bên cạnh đó, Kazakhstan còn được nhìn nhận như “bức tường thành” chống lại phong trào dân chủ ở Ukraine cũng như những khu vực mà Trung Quốc cho rằng bị tác động bởi chiến lược “Cách mạng màu” nguy hiểm của phương Tây. Cùng với yếu tố địa chính trị của Kazakhstan, chuyên gia về Trung Quốc Rana Mitter tại Ðại học Oxford (Anh) dẫn ra mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Bắc Kinh với Mát-xcơ-va và coi đây là tiền đề của việc Bắc Kinh ủng hộ các liên minh ở nước ngoài của Nga, đặc biệt khi các khuôn khổ này đi ngược lại những mục tiêu địa chiến lược của phương Tây.

Nhưng thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan, xuất phát từ làn sóng biểu tình phản đối tăng giá khí đốt dẫn tới bạo loạn nghiêm trọng, Trung Quốc gần như đứng ngoài cuộc trong khi Nga triển khai lực lượng tới quốc gia Trung Á thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) dựa trên yêu cầu của tổng thống nước sở tại. Tuy không hỗ trợ về mặt quân sự, Bắc Kinh vẫn thể hiện rõ quan điểm “cùng chiến tuyến” qua thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình gửi Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối các thế lực bên ngoài cố tình gây bất ổn và xúi giục một “cuộc cách mạng màu” ở Kazakhstan.

Trung Quốc toan tính gì?

Ðộng thái trên hoàn toàn không gây bất ngờ và phù hợp với  cách làm lâu nay của Trung Quốc, giới quan sát nhận định. Theo đó, Trung Quốc trước giờ chỉ hoan nghênh những ai ủng hộ và phản đối bất kỳ lời chỉ trích nào của bên ngoài, đặc biệt từ Mỹ và phương Tây, đối với các chính sách gây tranh cãi (tình hình nhân quyền hay yêu sách ở Biển Ðông). Ðể đáp trả hành vi bị coi là “can thiệp vào công việc nội bộ”, Bắc Kinh thường sử dụng ngoại giao và thương mại để gây sức ép hơn là hành động quân sự. Ngoài các ngoại lệ hiếm hoi như tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, các nhà phân tích cho biết Trung Quốc cực kỳ miễn cưỡng đối với việc triển khai quân đội bên ngoài lãnh thổ. Thậm chí trong các liên minh an ninh nước này góp mặt như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải mà họ dẫn đầu, nhiệm vụ của quân đội Trung Quốc cũng chỉ giới hạn trong khâu huấn luyện và các lĩnh vực phi chiến đấu khác.

Theo lý giải của các nhà chuyên môn, chủ trương này của Trung Quốc có thể nhằm tránh mâu thuẫn với những tuyên bố lâu nay, rằng Bắc Kinh sẽ không “can thiệp thô bạo” vào công việc nội bộ nước khác như cách Mỹ và đồng minh phản ứng đối với các cuộc xung đột trên toàn cầu. Nếu xét riêng cuộc khủng hoảng vừa rồi ở Kazakhstan, nguyên nhân cũng có thể do ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực vốn được ví như “sân sau” của Nga vẫn còn bị hạn chế, bất chấp nỗ lực của Bắc Kinh không ngừng mở rộng ảnh hưởng kinh tế - chính trị ở Trung Á kể từ khi Liên Xô tan rã. Ngoài ra, khả năng nữa là Nur-Sultan cảm thấy “không thoải mái” trước thông tin Bắc Kinh đối xử hà khắc với người dân tộc Kazakh và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở trong nước.

Nhưng dù nguyên nhân gì, một số chuyên gia dự đoán Bắc Kinh trong tương lai sẽ cởi mở hơn với vấn đề can thiệp quân sự ở nước ngoài khi tiềm lực quân đội Trung Quốc ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Ngoài ra, nhà khoa học chính trị Mitter chỉ ra sự phát triển của “vùng xám” gồm các doanh nghiệp an ninh tư nhân đại lục và họ có thể được sử dụng để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc mà không cần bất kỳ sự can thiệp chính thức nào của quân đội.

 

MAI QUYÊN (Theo AP)

Nguồn: baocantho.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.