Chuyên mục
Vì sao dân Hàn Quốc sợ UAV của Triều Tiên?

Vì sao dân Hàn Quốc sợ UAV của Triều Tiên?

Thứ sáu 30/12/2022 05:50 GMT + 7

Dù trong năm nay thường được cảnh báo rằng Triều Tiên sắp thử vũ khí hạt nhân lần thứ 7, phần lớn người dân Hàn Quốc chẳng mấy lo sợ. Họ đã quen với các vụ thử vũ khí của Bình Nhưỡng đến mức coi những hành động quân sự này là nỗ lực có thể đoán được nhằm thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, tinh thần thép của người dân Hàn Quốc mới đây đã bị rung chuyển bởi các máy bay không người lái (UAV), loại vũ khí rẻ và đơn giản hơn nhiều.

 

Một UAV nghi của Triều Tiên được trưng bày tại Bộ Quốc phòng Hàn Quốc năm 2017. Ảnh: AP

 

Hôm 26-12, 5 UAV của Triều Tiên đã xâm nhập không phận Hàn Quốc trong 5 giờ, bao gồm một chiếc bay tới phía Bắc thủ đô Seoul, trước khi trở về Triều Tiên hoặc biến mất khỏi màn hình radar của quân đội Hàn Quốc. Hàn Quốc đã triển khai chiến đấu cơ và trực thăng để bắn hạ UAV nhưng bất thành. Tuy đây không phải lần đầu UAV Triều Tiên lọt vào không phận Hàn Quốc, song vụ việc đã khiến nhiều người dân xứ kim chi lên mạng xã hội bày tỏ lo ngại về sự mong manh của đất nước trước các cuộc tấn công bằng UAV ở thời điểm căng thẳng trên bán đảo tăng cao.

Nỗi lo về UAV Triều Tiên của dân Hàn Quốc một phần bắt nguồn từ lịch sử thù địch từ lâu giữa hai miền. Triều Tiên và Hàn Quốc từng 2 lần xảy ra xung đột trên biển vào năm 1999 và 2002. Ðến tháng 3-2010, tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc chìm gần ranh giới trên biển giữa hai nước khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Hàn Quốc sau đó kết luận Triều Tiên đã tấn công tàu bằng ngư lôi, mặc dù Bình Nhưỡng phủ nhận. Cuối năm đó, Triều Tiên lại nã pháo vào một đảo của Hàn Quốc nằm gần ranh giới trên biển giữa hai nước, làm chết 4 người, khiến Seoul bắn hàng chục quả đạn để trả đũa.

Dân Hàn Quốc lần đầu chứng kiến mối đe dọa UAV từ Triều Tiên vào năm 2014 khi họ phát hiện xác của 2 thiết bị rơi ở Hàn Quốc. Từ camera kỹ thuật số gắn trên một trong 2 chiếc, giới điều tra trích xuất 193 hình ảnh trên không, một số ảnh cho thấy phủ tổng thống ở Seoul. Người dân Hàn Quốc đã sốc khi UAV Triều Tiên vượt qua biên giới nước mình mà không bị phát hiện. Riêng camera gắn trên UAV của Triều Tiên rơi trên sườn núi gần biên giới hồi năm 2017 hé lộ phương tiện này đã xâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ Hàn Quốc, bay xung quanh căn cứ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại phía Ðông Nam Hàn Quốc.

Ðối với vụ ngày 26-12, quân đội Hàn Quốc khẳng định họ đã phát hiện 5 UAV Triều Tiên trước khi chúng bay qua biên giới nhưng gặp khó trong việc theo dõi loại thiết bị dài chỉ 3m này bằng radar. Hơn nữa, các UAV lại bay gần các ngôi làng, khiến quân đội khó bắn hạ mà không đe dọa sự an toàn của người dân dưới mặt đất. Một phụ tá của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 28-12 đã ví việc truy đuổi UAV bằng chiến đấu cơ giống như “dùng đại bác để diệt ruồi”.

Chương trình UAV của Bình Nhưỡng

Triều Tiên muốn giành lợi thế về sức mạnh quân sự trước Hàn Quốc bằng cách phát triển kho tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, nước này cũng triển khai các vũ khí chi phí thấp như UAV và sử dụng chúng để do thám hoặc tấn công trên không. Bình Nhưỡng được cho là đang có tới 1.000 UAV. Viện nghiên cứu Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc từng cảnh báo rằng các UAV của Triều Tiên có thể được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công trên không bằng vũ khí hóa học hoặc sinh học.

Triều Tiên phát triển chương trình UAV từ đầu thập niên 1990 và đến cuối thập niên thì bổ sung thiết bị này vào kho vũ khí. Ban đầu, UAV chỉ dành cho lực lượng đặc nhiệm để “tập luyện xâm nhập Hàn Quốc”. Kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011, quân đội Triều Tiên đã bắt đầu phát triển các UAV đa năng, có thể tấn công mục tiêu của kẻ địch bằng chất nổ mang theo và triển khai chúng tới các đơn vị chiến lược đóng ở mặt trận phía Ðông, Tây và Trung của đất nước.

Chương trình UAV đã gặt hái nhiều tiến bộ về công nghệ tàng hình, đạt tốc độ bay tối đa lên tới 160km/h với tải trọng 20-25kg. Nổi bật trong số này có UAV “Banghyun 5” hoạt động như một thiết bị phân tán bức xạ, còn gọi là “bom bẩn”. “Banghyun 5”, bay trong 10 giờ, có thể phóng ra hỗn hợp chết người gồm vật liệu nổ thông thường và uranium được làm giàu.

Tuy nhiên, Ðài RFA dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ tình trạng thiếu nhiên liệu tại Triều Tiên nghiêm trọng đến mức quân đội nước này hiếm khi cho bay UAV và đôi khi còn phải trộn cả dầu thầu dầu với xăng, nên mới có chuyện UAV hư động cơ và rơi trong quá trình huấn luyện. Cũng do khan hiếm xăng, thời gian huấn luyện UAV chỉ kéo dài 1 giờ/ngày.

 

HẠNH NGUYÊN

Nguồn: baocantho.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.