Chuyên mục
'Vấn đề Biển Đông đang làm thế giới quan ngại'

'Vấn đề Biển Đông đang làm thế giới quan ngại'

Thứ tư 08/07/2020 10:42 GMT + 7

Việc một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị chìm khi va chạm với tàu Trung Quốc ở Biển Đông, hay vấn đề đạn đạo của Triều Tiên... là những chuyện khiến thế giới quan ngại.

 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì hội nghị ASPC sáng 8-7 - Ảnh: Đ.BÌNH

 

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nishida Yasunori từ điểm cầu Nhật Bản đã phát biểu như vậy khi tham dự Hội nghị trực tuyến chính sách an ninh diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC) do Việt Nam chủ trì sáng 8-7 (ngoài ASEAN còn có hơn 10 quốc gia khác tham dự).

Ông Nishida Yasunori cho rằng những nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng, đặc biệt trong vấn đề hàng hải ở Biển Đông đang làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Nhật Bản ủng hộ cách giải quyết hòa bình, ủng hộ an ninh, an toàn hàng hải theo luật định quốc tế. 

"Nhật Bản có lợi ích trong việc duy trì trật tự thế giới, vì thế chúng tôi mong muốn được hợp tác với tất cả các nước", thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với Nhật Bản, ông Guillaume Descot thuộc Cơ quan hành động đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông đã, đang gây ra những vấn đề an ninh, đe dọa hòa bình trong khu vực. 

EU kêu gọi các nước kiềm chế và thực hiện đúng các cam kết, tránh dùng vũ lực và các hành động gây căng thẳng. "Nên thiết lập trật tự dựa trên các luật lệ để tạo môi trường và lòng tin", đại diện EU nêu quan điểm.

 


Tham dự ASPC có 26 đoàn thành viên, trong đó có các nước khu vực ASEAN - Ảnh: Đ.BÌNH

 

Đại diện New Zealand cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ các cơ chế mà ASEAN giữ vai trò trung tâm, kêu gọi các bên liên quan trong khu vực giải quyết những bất đồng ở Biển Đông thông qua các giải pháp hòa bình.

Đại diện các nước tham dự hội nghị cho rằng thế giới đang đối diện với nhiều thách thức về an ninh, không chỉ an ninh truyền thống mà còn có những thách thức an ninh phi truyền thống, như môi trường, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố ngày càng có chiều hướng gia tăng. Xu hướng này là thách thức xuyên quốc gia.

Trước những thách thức này, các đại biểu tham dự ASPC đều cho rằng các nước cần tăng cường hợp tác, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

Với vai trò chủ nhà, chủ trì hội nghị, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bày tỏ sự lạc quan trước nỗ lực của ASPC, và tin tưởng "quyết tâm của chúng ta sẽ đẩy lùi COVID-19 và chúng ta sẽ có dịp gặp lại nhau tại Hà Nội ở các hội nghị quốc phòng vào cuối năm 2020".

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên hội nghị phải tổ chức trực tuyến. Đây là dịp hội bàn những vấn đề về an ninh khu vực.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến an ninh mỗi quốc gia và thế giới,  cho thấy an ninh thế giới và khu vực rất mong manh trước những thách thức của an ninh phi truyền thống. 

"Với những gì đang diễn ra ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh của mỗi nước và đòi hỏi chúng ta cần có những hợp tác, trong đó có hợp tác quốc phòng để giải quyết những thách thức hiện có và trong tương lai".

 


Do đại dịch COVID-19, ASPC được tổ chức trực tuyến sáng 8-7 - Ảnh: Đ.BÌNH

 

Theo thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, "an ninh mạng, an ninh bán đảo Triều Tiên, an ninh biển, trong đó an ninh Biển Đông đang là điểm nóng trong khu vực. Vì thế phải xây dựng niềm tin, giải quyết mọi khúc mắc bằng hòa bình, vì lợi ích quốc gia và thế giới".

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết ASPC chú trọng  xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa. Từ khi thành lập (2004) đến nay, ASPC đã mở ra kênh đối thoại, trao đổi mới giữa các quan chức quốc phòng, nhà ngoại giao và các chuyên gia nghiên cứu quân sự.

Mục tiêu chính của ASPC là đẩy mạnh hơn nữa hợp tác các biện pháp xây dựng lòng tin trong giới quân sự; mở các kênh đối thoại và trao đổi mới giữa các quan chức quốc phòng...

 

ĐỨC BÌNH

Nguồn: tuoitre.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.