Chuyên mục
Vắc xin Covid-19 cho trẻ em: Chọn vắc xin nào?

Vắc xin Covid-19 cho trẻ em: Chọn vắc xin nào?

Thứ tư 13/10/2021 11:05 GMT + 7

Từ 15/10, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 -17 tuổi, theo đó, đến tháng 11 vắc xin về nhiều sẽ triển khai tiêm luôn cho nhóm đối tượng này.


Hiệu quả với trẻ em
 
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, nhiều quốc gia đã tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ em. Tuy nhiên, nếu chúng ta có tiêm vắc xin cho trẻ em, nên theo cách làm của Anh, tức là chỉ tiêm cho những em có vấn đề về sức khoẻ có thể làm cho họ dễ bị bệnh. Đó là những em có hệ thống miễn dịch yếu (như tiểu đường loại I, lupus, tiền sử bệnh dị ứng), bị nhiễm RSV (respiratory syncytial virus), viêm phổi, asthma…
 
Hiện có hai vắc xin dành cho trẻ em đã được nghiên cứu và công bố quốc tế rộng rãi là vắc xin Pfizer và vắc xin Moderna. Theo GS Tuấn, cả hai nghiên cứu đều cho ra kết quả quá tốt, hiệu quả vắc xin 100%.
 
Nghiên cứu của vắc xin Pfizer: Nghiên cứu này thử nghiệm trên 2260 trẻ em (tuổi 12-15). Phân nửa được tiêm 2 liều vắc xin Pfizer (cách nhau 21 ngày) và phân nửa là giả dược. Kết quả, số ca nhiễm ở nhóm vắc xin: 0, số ca nhiễm ở nhóm chứng: 16 (1.6%). Hiệu quả vắc xin: 100%.

Tương tự, nghiên cứu của vắc xin Moderna: Thử nghiệm trên 3732 trẻ em (tuổi 12-17), trong số này 2489 được tiêm vắc xin Moderna và 1243 người trong nhóm giả dược. Kết quả số ca nhiễm ở nhóm vắc xin là 0. Số ca nhiễm ở nhóm chứng là 4. Hiệu quả của vắc xin là 100 %.

Theo TS Nguyễn Huy Luân – Trưởng Đơn vị tiêm chủng BV Đại học Y Dược TP.HCM, vắc xin của Trung Quốc có nghiên cứu tại các quốc gia UAE trên khoảng 900 trẻ thì báo cáo tác dụng phụ ít hơn, không có biến chứng viêm cơ tim.

Báo cáo của vắc xin Cuba thì nghiên cứu chỉ ở Cuba, nghiên cứu trên 350 trẻ, chỉ có báo cáo trong nước, không có báo cáo quốc tế. Vắc xin này chưa được tổ chức y tế thế giới chấp thuận. Vắc xin của Cuba không có đối chứng, chỉ so sánh nhóm trẻ em với người lớn.

Đến nay các thông tin về mặt dữ liệu, bằng chứng của vắc xin Sinopharm và vắc xin Cuba chưa đầy đủ. 

 


Ảnh minh hoạ. 


Chọn vắc xin nào?
 
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Nguyên trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, khi người lớn đã đủ vắc xin tiêm thì việc tiêm vắc xin cho trẻ em để trẻ đến trường cũng có thể định hướng tới.

Tuy nhiên, vắc xin cũng như tất cả tiến bộ y khoa khác, công nghệ ngày càng mới. Quan điểm của bác sĩ Khanh thì với trẻ em cái gì quá mới thì nên cẩn trọng. Hiện có hai công nghệ virus vector và mRNA có thể nói là quá mới.

Nhưng hai công nghệ tiên tiến và an toàn cho trẻ em đó là:

Thứ nhất, công nghệ vắc xin liên hợp: Họ nghĩ ra công nghệ này vì một thời gian dài vài vắc xin không hiệu quả cho trẻ dưới 2 tuổi và phải nhắc lại mỗi vài năm sau. Gọi là liên hợp là họ kết hợp thêm một protein nào đó để bộ nhớ của hệ thống miễn dịch ghi nhớ và tạo miễn dịch bền vững.

 

Nhiều vắc xin dùng công nghệ này như: HIB, phế cầu, não mô cầu, lâu dài sẽ còn nhiều vắc xin làm theo công nghệ này để không cần tiêm nhắc lại. Vắc xin Covid-19 theo công nghệ này có vắc xin Soberana 2 của Cuba.

Thứ hai, công nghệ tái tổ hợp: Tái tổ hợp tiểu đơn vị dùng nhiều nhất là vắc xin viêm gan B tái tổ hợp và vắc xin cúm. Sau này lại thêm tái tổ hợp tiểu đơn vị và công nghệ nano như vắc xin Covid-19 Novavax của Mỹ, Nanocovax của Việt Nam, Abdala của Cuba.

Từ phân tích của mình, bác sĩ Khanh cho rằng nếu chọn tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em là vắc xin Cuba Abdala cho 7-17 tuổi và Soberana cho trẻ nhỏ hơn.

Tuy nhiên, GS Tuấn cho biết thời gian qua ông cũng nhận được nhiều băn khoăn của phụ huynh lo lắng vắc xin công nghệ mRNA có thể can thiệp tới gen của người tiêm. Với trẻ nhỏ nhiều người đắn đo vì đây là công nghệ mới. Tuy nhiên, GS Tuấn cho rằng  đây là hiểu lầm phổ biến.

Vắc xin mRNA dùng một mảng nhỏ mRNA của con virus để sản xuất vắc xin nên nó không thể tự sao chép trong cơ thể chúng ta. 

Chất liệu di truyền của chúng ta là DNA, còn chất liệu di truyền của con virus là RNA. mRNA không thể ảnh hưởng vào DNA được, vì hai phân tử này có cấu trúc hoá học khác nhau. 

Hơn nữa, DNA nằm trong nhân của tế bào, còn mRNA thì ở tế bào chất của tế bào chứ không thể vào nhân của tế bào. Khi chúng ta được tiêm vắc xin mRNA, thì một bộ phận của tế bào có tên là tế bào chất sẽ tiếp nhận mRNA từ vắc xin.

TS Nguyễn Huy Luân cho rằng, khi có các vắc xin dành cho trẻ em về Việt Nam thì cơ quan y tế có thể khuyến cáo từng loại vắc xin công dụng, công nghệ cũng như tác dụng để phụ huynh tự tìm hiểu và có thể lựa chọn vắc xin cho con mình giống như nhiều loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia đang triển khai.


Khánh Chi

Nguồn: infonet.vietnamnet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.