Chuyên mục
Trung Quốc thành lập đối trọng chống lại G7

Trung Quốc thành lập đối trọng chống lại G7

Thứ năm 18/05/2023 12:04 GMT + 7

Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với các nhà lãnh đạo của 5 nước Trung Á trong tuần này, với hy vọng tăng cường các mối quan hệ trong khu vực để chống lại hội nghị thượng đỉnh G7 sắp sửa diễn ra tại Hiroshima.

 

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Tây An. Ảnh: Reuters


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp đón các lãnh đạo của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan tại Tây An vào thứ Năm và thứ Sáu tuần này, với một văn kiện chung cam kết hợp tác sẽ được ký kết.

Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi Trung Quốc và 5 nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992.

Ông Tập đã có cuộc hội đàm trước đó với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Tây An hôm thứ Tư, tuyên bố rằng hai nước nên "thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hữu nghị truyền thống". Vào tháng 9 năm ngoái, Kazakhstan là quốc gia đầu tiên mà ông Tập đến thăm sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Dự kiến, ông Tập và các lãnh đạo Trung Á sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung vào thứ Sáu.

Tây An là điểm khởi đầu Con đường tơ lụa lịch sử nối hai thế giới Đông và Tây. Bằng cách chọn nơi này làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh, Trung Quốc muốn nhắc nhở Trung Á về mối quan hệ bền chặt của họ, quay trở lại thời điểm các quốc gia từng thịnh vượng như một điểm chiến lược trên Con đường tơ lụa.

Chương trình nghị sự chính của hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ tập trung vào sáng kiến Vành đai và Con đường kết nối Trung Quốc và châu Âu. "Vành đai" trong tên gọi của sáng kiến đề cập đến một loạt tuyến đường bộ xuyên qua Trung Á, trong khi "con đường" là tuyến đường biển chạy qua Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Trung Quốc đã đầu tư vào hệ thống đường ống và các dự án khác ở Trung Á để đảm bảo nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên ổn định, bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và uranium mà Kazakhstan và Turkmenistan có trữ lượng dồi dào.

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ mở rộng hợp tác trong các biện pháp chống khủng bố bằng cách chia sẻ thông tin và làm việc cùng nhau để duy trì trật tự công cộng.

Trung Quốc đã chỉ định Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan, một nhóm đòi quyền độc lập của người Duy Ngô Nhĩ, là một tổ chức khủng bố và lo ngại về việc tổ chức này có thể xâm chiếm khu vực Tân Cương.

Là cựu thành viên khối Xô Viết, 5 quốc gia Trung Á ban đầu có quan hệ thân thiết với Nga, nhưng đã giữ khoảng cách với chính quyền Moscow kể từ tháng 2 năm ngoái, sau vụ xung đột tại Ukraine. Trung Quốc coi ảnh hưởng suy yếu của Nga là cơ hội để đẩy mạnh can dự ở Trung Á.

Tổng giá trị thương mại giữa Trung Quốc và các nước Trung Á vào năm 2022 là 70,3 tỷ USD, theo số liệu thống kê thương mại do Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đánh dấu mức cao kỷ lục, tăng khoảng 40% so với năm trước.

Trung Quốc cũng đang tăng cường hoạt động ngoại giao với các quốc gia lân cận bên ngoài Trung Á. Đầu tháng 5, Ngoại trưởng Tần Cương đã đến thăm Myanmar và Pakistan để thảo luận về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng.

Tất cả các quốc gia này đều giữ khoảng cách nhất định với hệ thống dân chủ, pháp quyền và kinh tế thị trường của phương Tây. Tập hợp các quốc gia "không phải phương Tây" để chống lại G7 là cơ sở của chiến lược ngoại giao của Trung Quốc.

Về phần mình, các thành viên G7 sẽ thảo luận về cách đối phó với sự bành trướng trên biển và xây dựng quân sự của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima, vốn sẽ bắt đầu vào hôm nay.

Về vấn đề Đài Loan, ông Tập về cơ bản đã cam kết thống nhất hòn đảo này với đại lục. Nếu Bắc Kinh quyết định sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu đó, Mỹ và châu Âu có thể đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Để chuẩn bị cho khả năng bị cấm vận kinh tế, Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu thực phẩm và tài nguyên từ các nước bên ngoài phương Tây.

Mỹ cũng đang tiếp cận Trung Á, với việc Ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm Kazakhstan vào tháng 2 để dự cuộc họp của C5+1, một khuôn khổ ngoại giao bao gồm 5 quốc gia Trung Á và Mỹ.

Dù vậy, Trung Quốc cũng đang cố gắng duy trì các kênh đối thoại với phương Tây.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị đã gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Vienna vào tuần trước, tổ chức các cuộc thảo luận trong tổng cộng 8 giờ. Hai bên hứa sẽ tiếp tục đối thoại với mục tiêu bình thường hóa quan hệ.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã đến thăm Đức và Pháp từ ngày 8/5, đồng ý với người đồng cấp Pháp Catherine Colonna để mở rộng quan hệ Pháp-Trung.

Nhiều nhà phân tích cho rằng tất cả các hoạt động ngoại giao trên đều nằm trong ý định của Trung Quốc nhằm chia rẽ sự đoàn kết của các nước G7 trước thềm hội nghị tại Hiroshima.

 

Bắc Hiệp

Nguồn: ngaynay.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.