Chuyên mục
Thủ tướng Úc 'mời' ai không có quốc tịch về nước giữa Covid-19: Người Việt hoang mang

Thủ tướng Úc 'mời' ai không có quốc tịch về nước giữa Covid-19: Người Việt hoang mang

Thứ sáu 03/04/2020 18:37 GMT + 7

Giữa cao điểm dịch Covid-19, Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi ai không có quốc tịch Úc hãy về nước nếu không đủ khả năng kinh tế ở lại. Úc không hỗ trợ họ. Quyết định này khiến nhiều người Việt ở Úc hoang mang.


Thư viện một trường đại học ở Úc. Ảnh: Đậu Tiến Đạt


Cảm thấy chạnh lòng


Giữa cao điểm dịch Covid-19, Thủ tướng Úc kêu gọi những ai không có quốc tịch Úc hãy về nước nếu họ không đủ khả năng kinh tế để xoay xở cuộc sống tại đây. Đồng thời, ông tuyên bố chính phủ Úc sẽ không hỗ trợ cho những người này. Tờ news.com.au và đài ABC cùng nhau đăng tải thông tin này khiến cho nhiều người Việt đang sống và học tập tại đây hoang mang. 


Trước thông tin trên, bạn Phương Nguyễn, sinh viên tại Melbourne, bày tỏ: “Tình hình tài chính của cá nhân mình hiện đang ổn mà nghe tin vẫn thấy bức xúc. Xét cho cùng, du học sinh sang đây đóng tiền bảo hiểm, nộp thuế đi làm việc bằng hoặc thậm chí cao hơn người Úc, khi có chuyện thì bảo nếu không tự lo được thì về nước đi".

 


Khuôn viên trường Đại học Deakin. Ảnh: Phương Vy

 


Phần lớn sinh viên của các trường đại học ở Úc là người châu Á. Ảnh: Đậu Tiến Đạt


"Nghe vậy thực sự rất buồn. Tụi mình giữa lúc này phải ở xứ người có sung sướng gì đâu, cũng là bất đắc dĩ nên mới phải ở lại thôi. Kinh tế của họ một phần cũng do du học sinh đóng góp vậy mà nói ra giống như tụi mình là gánh nặng cho đất nước họ vậy", Phương nói.


Bạn V.D.A, du học sinh tại Swinburne, cũng đồng tâm trạng: “ Nói chung mình cũng không hài lòng vì quyết định của chính phủ. Du học sinh sang đây với hi vọng là được tiếp cận những công nghệ giảng dạy, cơ sở vật chất hiện đại bậc nhất thế giới. Nhưng mùa dịch nên bọn mình phải tự đóng tiền mạng và học bằng laptop ở chính căn nhà mình thuê. Nên mình nghĩ chúng mình xứng đáng được hỗ trợ phần nào đó, vì cơ bản tiền học vẫn đóng, ngoài kiến thức ra thì trong đó còn là phí cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy".

 


Úc yêu cầu mọi khách quốc tế cách ly 14 ngày để phòng dịch Covid-19


"Mình vẫn mang đến cho họ thu nhập mà trong khó khăn họ lại bảo mình về nước. Không thuyết phục chút nào", V.D.A bức xúc.


Ngoài những bức xúc, nhiều sinh viên còn mang tâm trạng hoang mang vì chi phí sinh hoạt đội lên quá cao trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Họ không biết có thể cầm cự được bao lâu ở xứ người vì bị mất việc bán thời gian do nhiều hàng quán đóng cửa. Có người muốn được về Việt Nam nhưng không có máy bay để về.


Hy vọng một chuyến bay nhân đạo


Bạn Kelvin Lê, sinh viên ở Melbourne, cho hay: “Nếu có máy bay mình sẽ về Việt Nam ngay lập tức vì tình hình này thì ở lại không được ổn cho lắm. Tiền nhà cửa, tiền học phí phải đóng đều đều, việc làm thêm thì không có. Úc mà đóng cửa là tụi mình đói mòn râu. Mình mong Đại sứ quán sẽ sắp xếp chuyến bay nhân đạo sớm nhất để đưa người Việt về. Mình chỉ thấy hoang mang chứ cũng không trách gì được chính phủ. Mình hiểu tình thế khó khăn vì dịch bệnh, lúc xin visa cũng đã cam kết đủ khả năng chi trả kinh phí cho cuộc sống. Họ có quay lưng cũng không thể trách".

 


Phần lớn thu nhập của các trường đại học Úc đến từ du học sinh. Ảnh: Phương Vy


Mong muốn được về nước nhưng nhiều du học sinh sợ quay về sẽ trở thêm gánh nặng giữa lúc Việt Nam đang căng mình chống dịch Covid-19. V.D.A cho biết bạn đã đặt vé về vài tuần trước nhưng hủy vào phút chót vì nghĩ các cơ sở cách ly đã quá đông người và Việt Nam đã quá hao tổn sức lực, tiền tài cho việc chăm sóc người cách ly.


Trước những hoang mang và bức xúc của cộng đồng du học sinh, nhiều người Úc gốc Việt và người định cư lâu dài ở đây đã gợi ý những phương án có thể giải nguy cho các bạn du học sinh vào thời điểm này.


Trên Nhóm Facebook của Hội sinh viên Việt Nam tại Úc, Anh N.D.Hiếu (kỹ sư điện tại Tasmania) đã đề xuất du học sinh nên liên hệ với các tổ chức bảo trợ du học sinh quốc tế ở các trường Đại học, lẫn cơ quan chính phủ của thành phố, bang để đòi hỏi những quyền lợi tối thiểu.


Anh Hiếu khuyến cáo:


“1. Nếu có quỹ lương hưu, hãy đề nghị chính phủ cho bạn lấy tiền từ quỹ đó ra ngay từ bây giờ. Dù sao khi về nước hẳn thì bạn cũng được lấy lại khoản tiền đó. Bây giờ lấy luôn để trang trải qua đợt dịch này, hoàn toàn bình thường.


2. Đề nghị nhà trường giảm học phí nếu đã học online. Vì khi đăng ký học trong điều kiện bình thường thì học phí của các bạn đã chi trả cho việc sử dụng các cơ sở vật chất bao gồm thư viện, lớp học, phòng thí nghiệm,... Bây giờ học online bạn không được hưởng những thứ đó, hãy đặt vấn đề với họ.


3. Đăng ký bảo lưu hoãn việc học trong vòng 6 tháng. Khi đó bạn sẽ không phải đóng học phí nữa hoặc chỉ phải trả một khoản tiền nhỏ để công nhận bạn vẫn là sinh viên/học sinh của trường".

 

Như Võ

Nguồn: thanhnien.vn
30 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.