Chuyên mục
“Thờ ơ” với thị trường Nga và Đông Âu
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

“Thờ ơ” với thị trường Nga và Đông Âu

Thứ ba 21/05/2019 09:46 GMT + 7
Dỡ bỏ hàng rào thuế quan chưa đủ để các doanh nghiệp trong nước quay trở lại Đông Âu trong bối cảnh người tiêu dùng ở thị trường khu vực này đang thay đổi nhanh và vẫn còn nhiều rào cản lớn khác khi tiếp cận thị trường này, nhất là khâu thanh toán và thủ tục.

Đông Âu là thị trường vừa quen nhưng lại vừa lạ với ngành dệt may Việt Nam. Ảnh: Quốc Hùng.

Thông tin này được ghi nhận tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Đông Âu, với chủ đề “Thúc đẩy xuất khẩu nông sản, dệt may và da giày Việt Nam vào các nước Đông Âu trong tình hình mới” do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 8-5 tại TPHCM.

Ngại quay trở lại

Đông Âu từng là thị trường truyền thống quan trọng của Việt Nam từ nhiều năm trước và ba nhóm hàng hóa nói trên Việt Nam có nhiều thế mạnh cũng như đã xuất khẩu đi khắp thế giới.

Tuy nhiên, tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp tỏ ra không mấy mặn mà về thị trường khu vực này. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cho rằng Đông Âu là thị trường vừa quen nhưng lại vừa lạ. Theo ông, ngành dệt may trong nước “trưởng thành” từ thị trường Đông Âu, nhưng thống kê lại giờ hội chỉ còn khoảng 20 doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu sang Nga và các nước Đông Âu với số lượng rất nhỏ.

Những đơn hàng từ Việt Nam xuất sang Nga hoặc liên doanh sản xuất ở Nga gần như rút hết. Khi có hiệp định thương mại tự do với khu vực này, các doanh nghiệp thành viên của hội bắt đầu quan tâm thị trường này trở lại vì nhìn thấy có lượng người tiêu dùng không nhỏ, các yêu cầu hàng hóa “nhẹ nhàng” hơn so với các thị trường khác. Nhưng do lo ngại về rủi ro khâu thanh toán và thủ tục xuất hàng sang đây còn phức tạp nên các doanh nghiệp rất dè chừng.

Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho biết nhiều năm qua các doanh nghiệp hoạt động trong ngành đã quên thị trường Đông Âu. Gần đây, họ quay trở lại chẳng những không thuận lợi mà còn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Xuân, văn hóa kinh doanh ở thị trường Đông Âu và Nga rất khác biệt và còn nhiều rào cản. Đáng chú ý, về thanh toán, thủ tục cũng khác biệt.

Thị trường Đông Âu khá đặc thù và “khó tính”, vì vậy ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, khuyên các doanh nghiệp chỉ nên bán từng lô và không nên bán theo kiểu trả gối đầu.

Còn nhiều rào cản

Việt Nam - Đông Âu hiện đã thiết lập được hành lang pháp lý khá thuận lợi cho thương mại song phương với 14 ủy ban liên chính phủ, một cơ chế tham vấn hợp tác kinh tế song phương Việt Nam - Ba Lan và một hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) - gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Tám quốc gia khác ở Đông Âu cũng đã gia nhập Liên hiệp châu Âu (EU), sẽ góp phần quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối này.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, kể từ khi VN-EAEU FTA có hiệu lực từ năm 2016, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực này có sự tăng trưởng cao với mức tăng trung bình 30%/năm. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Đông Âu vượt mốc 10 tỉ đô la (trong đó thương mại với Nga chiếm đến 45%). Tuy nhiên, con số này còn rất nhỏ nếu so với tổng giá trị xuất nhập khẩu hơn 480 tỉ đô la của Việt Nam.

Đáng chú ý, thống kê từ Cơ quan đại diện thương mại Nga tại Việt Nam cho thấy xuất khẩu hàng Việt sang Nga có xu hướng giảm tốc trở lại sau khi bất ngờ “hồi sinh” trong giai đoạn 2016-2017, từ mức tăng hơn 35% năm 2017 chỉ còn tăng hơn 9% vào 2018 (trong đó hàng may mặc, giày dép giảm tốc mạnh nhất).

Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa tăng được doanh thu. Một số mặt hàng thậm chí đã có kim ngạch giảm như xuất khẩu gạo sang Nga, Ukraine giảm mạnh, xuất khẩu thủy sản sang Cộng hòa Czech và Nga giảm, cao su sang Cộng hòa Czech giảm cả lượng và giá trị...

Do đó, theo các doanh nghiệp, việc cắt giảm khoảng 90% số dòng thuế theo cam kết tại VN-EAEU FTA dường như vẫn chưa đủ động lực để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận hoặc quay trở lại thị trường truyền thống này. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thông suốt được một số quy định về nhập khẩu vào các nước này, dẫn đến khó khăn trong quá trình giao thương. Hệ thống logistics phục vụ giao thương với Đông Âu chưa tốt; kênh phân phối cho hàng hóa Việt Nam vào Đông Âu chưa hiệu quả, cần được đổi mới...

Thị hiếu đã thay đổi

Ông Dmitry Makarov, Trưởng văn phòng TPHCM của Cơ quan đại diện thương mại Nga tại Việt Nam, lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến những diễn biến của thị trường Nga, nhất là xu hướng tiêu dùng của người dân đã thay đổi khá nhiều. Đơn cử như đối với những mặt hàng may mặc và da giày, theo ông Makarov, người Nga hiện không còn muốn mua hàng với thương hiệu nổi tiếng nhưng cũng không muốn mua hàng “no name”.

Do vậy, dù thuế nhập khẩu thấp, nhưng hàng “no name” cũng như hàng thương hiệu châu Âu được sản xuất ở Việt Nam vẫn bị kém cạnh tranh hơn so với hàng được sản xuất ở Nga hoặc các do công ty Nga đặt hàng ở nước ngoài để bán dưới thương hiệu Nga.

Với sự thay đổi này, theo ông Makarov, các thương hiệu Việt Nam như An Phước, Việt Tiến, Blu Exchange, Ninomaxx, Juno, hoặc giày Bitis có khả năng cạnh tranh cao ở thị trường Nga và quan trọng là các thương hiệu này phải có đủ kích cỡ thích hợp với người Nga.

Một điểm đáng chú ý khác, trước khi đi mua hàng, người Nga thường xem qua quảng cáo trên Internet, tìm hiểu chất lượng rồi mới mua. “Người Nga bây giờ thường kiểm tra giá cả mấy chỗ trước rồi mới đi mua chứ không phải mua ngay khi thấy cái họ thích. Buôn bán trực tuyến hiện đóng vai trò quan trọng”, ông Makarov nói, và cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần phát triển thương hiệu và hệ thống phân phối để tiếp cận thị trường này.

Ông Trần Đăng Chung, Chủ tịch Công ty Milton, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, cho rằng xứ sở Bạch Dương là nơi mà cơ hội và thách thức luôn song hành. Sức mua của thị trường Nga đang giảm nên doanh nghiệp trong nước cần có chiến lược phù hợp hơn, nếu vội vã đưa một lượng hàng lớn sang Nga thì khả năng thất bại là có thật.

Tuy nhiên, cơ hội vẫn ở đó vì kinh doanh luôn có tính chu kỳ. Những doanh nghiệp lớn và kinh doanh chính thống rất nên làm ăn với thị trường Nga. Hiệu quả ban đầu có thể thấp nhưng tương lai hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Quốc Hùng
Nguồn: thesaigontimes.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.