Chuyên mục
Thiếu năng lượng giá rẻ từ Nga, nhiều nhà máy châu Âu phải đóng cửa

Thiếu năng lượng giá rẻ từ Nga, nhiều nhà máy châu Âu phải đóng cửa

Thứ ba 14/06/2022 16:07 GMT + 7

Các nhà sản xuất châu Âu từ lâu đã phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ từ Nga. Giờ, chi phí tăng cao đã triệt tiêu lợi thế cạnh tranh, khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa.

Theo Wall Street Journal, các ngành công nghiệp của châu Âu từ lâu đã phụ thuộc vào nguồn cung dầu, khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga. Giờ, chi phí năng lượng tăng cao đang đè nặng lên những nhà sản xuất châu Âu, cản trở khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường toàn cầu.

Các nhà máy đang xoay xở tìm giải pháp thay thế cho nguồn cung năng lượng từ Nga trước mối đe dọa Moscow có thể đột ngột chặn dòng chảy khí đốt.

Các nhà sản xuất hóa chất, phân bón, thép và hàng hóa tiêu thụ nhiều năng lượng khác của châu Âu đã phải chịu áp lực trong 8 tháng qua, khi căng thẳng với Nga gia tăng.

Một số nhà máy đã phải đóng cửa. Họ không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất khác đến từ Mỹ, Trung Đông và những khu vực khác. Chi phí năng lượng tại các khu vực này thấp hơn nhiều so với châu Âu. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu hiện cao hơn gần 3 lần so với Mỹ.

 

Chi phí năng lượng tăng cao đã triệt tiêu lợi thế cạnh tranh của các nhà máy châu Âu trên thị trường thế giới. Ảnh: Wall Street Journal.


Áp lực chi phí


"Nỗi lo ngại lớn nhất của châu Âu là nhập khẩu ngày càng tăng, còn xuất khẩu ngày càng giảm", ông Marco Mensink - Tổng giám đốc Cefic, một tập đoàn thương mại công nghiệp hóa chất của châu Âu - thừa nhận.

Căng thẳng với Nga khiến châu Âu phải chuẩn bị cho khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin cắt nguồn cung khí đốt của toàn bộ khu vực.

Đến nay, công ty khí đốt tự nhiên quốc doanh Gazprom PJSC của Nga đã cắt dòng chảy khí đốt đến Bulgaria, Phần Lan và Ba Lan sau khi các nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Tính đến năm ngoái, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU).

Chi phí năng lượng tăng cao đe dọa các hoạt động sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của EU. Nhóm kinh tế tại Ủy ban châu Âu - cơ quan điều hành của EU - dự đoán nền kinh tế Đức sẽ lao dốc trong quý II do sức ép giá năng lượng.

 

''Nỗi lo ngại lớn nhất của châu Âu là nhập khẩu ngày càng tăng, còn xuất khẩu ngày càng giảm'' - Ông Marco Mensink, Tổng giám đốc Cefic, một tập đoàn thương mại công nghiệp hóa chất của châu Âu.

 

Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực - cũng là khách hàng mua khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga. Người tiêu dùng châu Âu giờ gặp khó vì chi phí nhiên liệu tăng cao thúc đẩy lạm phát nói chung, làm giảm sức mua của họ.

Về dài hạn, việc loại bỏ nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga sẽ đặt ngành công nghiệp châu Âu vào thế bất lợi, trừ khi các nhà sản xuất có thể triển khai những công nghệ giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Nhưng nhiều công nghệ trong số đó, chẳng hạn sử dụng năng lượng gió và mặt trời cung cấp năng lượng cho các lò nung của nhà máy hóa chất hoặc hydro để sản xuất thép, sẽ mất nhiều năm đưa vào hoạt động thương mại. Các công nghệ này đòi hỏi khoản đầu tư lớn.

Khí đốt tự nhiên vừa là nguồn năng lượng, vừa là nguyên liệu thô trong sản xuất. Ở châu Âu, khí đốt tự nhiên thường tác động tới giá điện. Do đó, khi giá khí đốt tự nhiên tăng, các nhà máy sẽ chịu tác động kép.

Amoniac là sản phẩm dễ bị tác động nhất, chiếm khoảng 70% lượng khí đốt mà châu Âu dùng làm nguyên liệu thô. Hầu hết lượng amoniac đó được sử dụng cho phân bón.

 


Các nhà sản xuất châu Âu cần triển khai những công nghệ giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng điều đó không dễ dàng. Ảnh: Wall Street Journal.

 

OCI NV - một nhà sản xuất phân bón có trụ sở tại Amsterdam - đã giảm sản lượng amoniac tại nhà máy ở Hà Lan. Thay vào đó, theo Giám đốc điều hành Ahmed El-Hoshy, họ nhập khẩu hóa chất này từ các nhà máy của mình ở Texas, Ai Cập và Algeria.

Một số nhà sản xuất phân bón khác quyết định đóng cửa những nhà máy không thể nhập khẩu amoniac từ nước ngoài.

CF Industries Holdings Inc. - nhà sản xuất phân bón lớn nhất của Anh - vừa cho biết sẽ đóng cửa vĩnh viễn một nhà máy không thể sản xuất amoniac từ nắm ngoái.

"Là một nhà sản xuất có chi phí cao, nằm trong một ngành công nghiệp cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu, chúng tôi nhận thấy những thách thức đáng kể đối với tính bền vững lâu dài từ cách làm hiện tại", ông Brett Nightingale - giám đốc điều hành một công ty con của CF Industries - thừa nhận.

Không dễ thay thế nguồn năng lượng Nga


Các nhà sản xuất thép của châu Âu cũng cắt giảm sản lượng kể từ tháng 10 nhằm tiết kiệm chi phí khí đốt và điện. Vào tháng 3 năm nay, giá điện tăng cao ở Tây Ban Nha đã khiến một số nhà sản xuất thép nước này phải giảm sản lượng hoặc đóng cửa hoàn toàn.

Nếu Nga ngừng dòng khí đốt sang Đức, nước này sẽ ưu tiên nguồn cung cho các hộ gia đình, những dịch vụ quan trọng như bệnh viện, đồn cảnh sát và doanh trại quân đội.

''Châu Âu vẫn cần nguồn cung khí đốt khác bên ngoài Nga, bởi chúng ta chưa có cơ sở hạ tầng hydro với chi phí hợp lý'' - Ông Axel Eggert, Tổng giám đốc nhóm vận động hành lang thép châu Âu Eurofer

 

Tuy nhiên, các nhà sản xuất công nghiệp lớn có thể phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nghiêm trọng, khiến hàng nghìn việc làm gặp rủi ro.

Các nhà sản xuất hóa chất của châu Âu dựa vào khí đốt tự nhiên để vận hành các lò nung. Những lò nung lớn phân tách dầu và khí tự nhiên thành các hóa chất cấu thành dưới nhiệt độ và áp suất cực lớn.

Ông Mensink của Cefic cho biết ngành công nghiệp đang tìm cách khác để cung cấp năng lượng cho quá trình này. Nhưng công nghệ này sẽ không được đưa vào sử dụng thương mại trước năm 2030.

Các nhà máy muốn thay thế điện chạy bằng khí đốt bằng điện từ năng lượng tái tạo. Nhưng theo ông Mensink, nguồn cung cấp năng lượng gió và mặt trời không đủ để đáp ứng nhu cầu.

"Chúng tôi đang cố gắng hết sức để nâng công suất, nhưng thực tế là châu Âu sẽ phải đầu tư và xây dựng nhiều hơn nữa", ông Mensink thừa nhân.

Một số nhà sản xuất thép châu Âu đang cam kết đại tu các nhà máy, chuyển từ sử dụng khí đốt tự nhiên làm nguyên liệu thô sang hydro.

"Châu Âu vẫn cần nguồn cung khí đốt khác bên ngoài Nga, bởi chúng ta chưa có cơ sở hạ tầng hydro với chi phí hợp lý, ông Axel Eggert - Tổng giám đốc nhóm vận động hành lang thép châu Âu Eurofer - thừa nhận.

 

Thảo Cao

Nguồn: zingnews.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.