Chuyên mục
Thiếu hụt tên lửa Patriot, châu Âu và Ukraine lo ngại phòng không mong manh

Thiếu hụt tên lửa Patriot, châu Âu và Ukraine lo ngại phòng không mong manh

Chủ nhật 06/07/2025 06:05 GMT + 7

Thiếu hụt tên lửa phòng không Patriot đang khiến châu Âu và Ukraine đối mặt nguy cơ phòng thủ mong manh trước hàng loạt mối đe dọa từ Nga và các đối thủ chiến lược. Việc Mỹ siết xuất khẩu vũ khí càng làm gia tăng lo ngại về khả năng bảo vệ không phận của các đồng minh.

 

Mỹ đang rà soát lại việc viện trợ vũ khí không chỉ cho Ukraine mà còn cho nhiều quốc gia khác trên thế giới. Động thái này tiếp tục thể hiện rõ chính sách “Nước Mỹ trên hết” dưới thời chính quyền Trump, khi Washington ưu tiên bảo đảm nhu cầu quốc phòng nội địa hơn là theo đuổi các hợp đồng vũ khí béo bở.

Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ siết lại quy trình viện trợ và bán vũ khí phản ánh áp lực ngày càng lớn ngay cả với quốc gia xuất khẩu quốc phòng số một thế giới, trong bối cảnh nhu cầu đối với các hệ thống phòng không và đạn pháo ở nhiều điểm nóng vượt xa nguồn cung.

 

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trong cuộc tập trận phòng thủ tên lửa ở Slovakia 2022. Ảnh: Reuters

 

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2020 đến 2024, Mỹ chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Tuy nhiên, với làn sóng gia tăng nhu cầu quốc phòng trên thế giới, nguồn cung khó có thể đáp ứng hết, chuyên gia Jacob Funk Kirkegaard từ Viện nghiên cứu Bruegel (Bỉ) nhận định.

Ông Ed Arnold, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng cuộc rà soát của Lầu Năm Góc là cần thiết, đặc biệt với một số loại tên lửa và đạn dược vốn đã trong tình trạng thiếu hụt từ lâu. Tuy nhiên, điều này sẽ gây áp lực không nhỏ lên các quốc gia đang nhận viện trợ vũ khí từ Mỹ, nhất là những nước chưa thể tự chủ dây chuyền sản xuất quốc phòng.

Ukraine bất ngờ lĩnh đòn

Ukraine là quốc gia chịu tác động rõ rệt nhất từ chính sách mới của Washington. Theo tờ New York Times, hiện chưa rõ Mỹ có đình chỉ cung cấp vũ khí cho các quốc gia khác hay không, nhưng việc giảm nhịp độ chuyển giao cho Kiev đã bắt đầu lộ diện.

Dù không còn phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ như giai đoạn đầu xung đột với Nga, viện trợ quân sự từ Washington vẫn giữ vai trò quan trọng với Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự toàn diện hồi tháng 2/2022, tổng giá trị viện trợ quân sự Mỹ dành cho Ukraine đã lên tới khoảng 67 tỷ USD.

Giới chức Mỹ ngày 2/7 xác nhận đã tạm dừng việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine sau khi rà soát kho dự trữ đạn dược của Mỹ cho thấy nhiều nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết chưa nhận được thông báo chính thức từ phía Mỹ và đã yêu cầu điện đàm với các quan chức Washington.

“Chúng tôi liên tục đánh giá lượng đạn dược và điểm đến của chúng”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Sean Parnell cho biết. Ông cũng thừa nhận thời chính quyền Tổng thống Biden, Mỹ đã "phân phát vũ khí quá nhiều mà không tính toán kỹ lưỡng kho dự trữ nội địa".

Hiện Washington từ chối cung cấp thông tin chi tiết về số lượng và loại vũ khí viện trợ cũng như thời điểm nối lại các lô hàng cho Ukraine. Theo truyền thông Mỹ, các lô vũ khí bị đình chỉ gồm đạn pháo 155 mm, hơn 100 tên lửa Hellfire, đạn dẫn đường chính xác GMLRS và hàng chục tên lửa phòng không Patriot.

Trong đó, tên lửa đánh chặn Patriot luôn nằm trong danh sách ưu tiên của Ukraine. Giới chuyên gia cho rằng, dù kho vũ khí của Mỹ vẫn còn dồi dào, các loại đạn phòng không và pháo binh vốn là xương sống của các gói viện trợ cho Kyiv hiện đã ở mức hạn chế.

Ông Jim Townsend, cựu quan chức Lầu Năm Góc, thừa nhận nguồn dự trữ tên lửa Patriot của Mỹ từ lâu vốn “mỏng manh”. Tuy nhiên, theo cựu nghị sĩ Ukraine Lesia Orobets, Kiev không còn lựa chọn nào khác để đối phó với tên lửa đạn đạo của Nga ngoài Patriot.

Các chuyên gia nhận định, Ukraine cần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và tranh thủ sự hỗ trợ từ các đối tác châu Âu, những nước đã đồng hành cùng Kiev suốt nhiều năm qua. “Hiện tại, Ukraine có thể bù đắp phần nào thiếu hụt viện trợ từ Mỹ bằng nguồn cung từ châu Âu”, ông Andrii Ziuz, cựu lãnh đạo Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine cho biết.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở The Hague, Hà Lan. Ảnh: Reuters

 

Châu Âu đối mặt thách thức tự cường

Chính sách mới của Mỹ cũng đặt châu Âu vào tình thế phải “tự lực cánh sinh” nhiều hơn. Theo các chuyên gia, cuộc rà soát của Washington nhiều khả năng sẽ không ảnh hưởng đến các hợp đồng mua bán vũ khí quốc tế vốn là nguồn sống của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Từ lâu, các nước châu Âu đã là khách hàng lớn của vũ khí Mỹ, đặc biệt là hệ thống Patriot cùng tên lửa đánh chặn đi kèm, một mặt hàng đang cực kỳ khan hiếm. Tuy nhiên, việc ngay cả Washington cũng đối mặt nguy cơ thiếu hụt là tín hiệu đáng lo ngại cho phần còn lại của NATO. “Điều này sẽ khiến nhu cầu phòng không của châu Âu bị bóp nghẹt”, ông Arnold cảnh báo.

Dưới sức ép từ Washington, các nước NATO, bao gồm cả Canada, đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, mục tiêu từng bị coi là phi thực tế cho tới hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua.

Song song đó, Ủy ban châu Âu hồi tháng 3 thông báo sẽ huy động khoảng 800 tỷ euro (900 tỷ USD) để tăng cường năng lực quốc phòng cho các nước thành viên trong khuôn khổ sáng kiến “Tái vũ trang châu Âu”. Đây được xem là chương trình tái thiết quân sự quy mô lớn nhất của châu lục kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, theo ông Kirkegaard, việc mở rộng năng lực sản xuất quốc phòng tại châu Âu vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và khó có thể đáp ứng kịp nhu cầu trong thời gian ngắn, nhất là với các lĩnh vực then chốt như phòng không.

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte cho biết, liên minh sẽ đầu tư mạnh vào việc tăng gấp 5 lần năng lực phòng không, đồng thời bổ sung hàng nghìn xe tăng, thiết giáp và hàng triệu quả đạn pháo.

“Châu Âu và Ukraine cần tăng tốc gấp đôi, thậm chí gấp ba nỗ lực tự chủ quốc phòng, nhất là trong lĩnh vực phòng không, để không phụ thuộc vào Mỹ”, ông Kirkegaard nhấn mạnh.

Israel vẫn là ưu tiên hàng đầu của Washington

Trong khi viện trợ cho Ukraine bị xem xét lại, Israel tiếp tục là điểm đến ưu tiên số một của các loại vũ khí phòng không hiện đại do Mỹ sản xuất, đặc biệt là tên lửa Patriot. Nhu cầu này càng tăng sau các đợt tập kích tên lửa đạn đạo dồn dập của Iran hồi tháng 5.

Ngoài Patriot, Israel còn triển khai các hệ thống phòng thủ tiên tiến khác như THAAD (Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối) do Mỹ cung cấp. Khác với Ukraine, Mỹ tham gia rất sâu vào hệ thống phòng không của Israel, thậm chí binh sĩ Mỹ còn trực tiếp tham chiến, bắn hạ tên lửa Iran nhằm vào lãnh thổ Israel.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, Israel là ưu tiên số một của Mỹ về các loại vũ khí phòng không tối tân”, ông Kirkegaard nhận định.

Israel cũng sở hữu ngành công nghiệp quốc phòng nội địa mạnh mẽ và là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới. Theo Bộ Quốc phòng Israel, năm 2024 là năm thứ tư liên tiếp nước này tăng trưởng xuất khẩu quốc phòng, đặc biệt là các hợp đồng ký kết với châu Âu.

Năm ngoái, các thỏa thuận quốc phòng với châu Âu chiếm 54% tổng giá trị xuất khẩu của Israel, tăng mạnh so với mức 35% năm 2023. Các mặt hàng như tên lửa, đạn dược và hệ thống phòng không chiếm gần một nửa tổng doanh số xuất khẩu.

Tuy nhiên, chính Israel cũng đang đối mặt với bài toán thiếu hụt tên lửa đánh chặn đạn đạo, đặc biệt trong bối cảnh các mối đe dọa từ Iran, Nga và Triều Tiên ngày càng gia tăng.

“Không chỉ Israel, tất cả các nước đều cần tăng mạnh sản lượng vũ khí phòng không, bởi quy mô và tần suất các vụ tập kích bằng tên lửa đạn đạo đang ngày càng lớn”, ông Kirkegaard cảnh báo.


Giang Bùi

Nguồn: vov.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.