Chuyên mục
Thế khó của EU với khí đốt Nga: Từ bỏ hoàn toàn hay nhập ở mức giới hạn?

Thế khó của EU với khí đốt Nga: Từ bỏ hoàn toàn hay nhập ở mức giới hạn?

Thứ tư 21/05/2025 16:06 GMT + 7

EU đang đối mặt với quyết định khó khăn: liệu có nên ngừng hoàn toàn nhập khí đốt từ Nga vào năm 2027, hay chấp nhận giữ lại một lượng giới hạn để ổn định kinh tế? Cuộc tranh luận giữa nguyên tắc và thực dụng đang làm rạn nứt nội bộ EU, trong khi khó khăn kinh tế ngày càng gia tăng.


EU đối mặt với lựa chọn giữa việc tuân thủ các nguyên tắc của mình và cấm hoàn toàn khí đốt của Nga, hoặc chấp nhận thực tế thực dụng rằng họ không thể thiếu nguồn năng lượng này nhưng phải giới hạn ở mức khoảng 15%. Ảnh: Getty Images/TTXVN.


Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với một lựa chọn đầy khó khăn và mang tính sống còn đối với nền kinh tế của mình: liệu có nên cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga vào năm 2027 theo các cam kết ban đầu, hay chấp nhận thực tế thực dụng rằng họ vẫn cần một lượng nhất định khí đốt của Moskva để duy trì hoạt động? Theo Business News Europe (Bne.eu), công ty truyền thông tập trung vào các thị trường mới nổi toàn cầu, cuộc tranh luận giữa "nguyên tắc" và "thực dụng" này đang gây ra những rạn nứt sâu sắc trong nội bộ khối.

Ngay từ những ngày đầu xung đột ở Ukraine, EU đã kiên quyết áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga, với mục tiêu cắt giảm nguồn thu của Moskva. Về mặt nguyên tắc, việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga là một bước đi tất yếu để hiện thực hóa cam kết này. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Cụ thể, phương Tây đã đánh giá thấp mức độ sâu rộng của Nga trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là tại châu Âu. Điều này dẫn đến việc nhiều vòng trừng phạt phải đi kèm với hàng loạt miễn trừ, ngoại lệ, hoặc thời hạn hoãn lại. EU đã "thực tế" lựa chọn tiếp tục giao thương với Nga, thay vì chịu đựng "nỗi đau" từ chính các lệnh trừng phạt mà họ áp đặt. Hậu quả là, trong khi kinh tế Nga tăng trưởng hơn 4% trong hai năm qua và thuộc hàng nhanh nhất thế giới, tăng trưởng của châu Âu chỉ còn khoảng 1%. Đức, đầu tàu kinh tế EU, đang phải đối mặt với tình trạng "phi công nghiệp hóa" và đã trải qua ba năm suy thoái.

Mặc dù nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga đã giảm đáng kể, nhưng lượng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) của Nga lại tăng lên, chiếm 19% trong cơ cấu năng lượng của EU vào năm 2024, tăng so với mức 17,5% vào năm 2023. Điều này khiến Nga trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU, chỉ sau Mỹ (45%). Rõ ràng, EU vẫn là một trong những khách hàng LNG lớn nhất của Nga. Các hoạt động "đổi tên" khí đốt Nga qua các cảng như Bỉ để giữ thể diện càng làm tăng thêm sự phức tạp của vấn đề.

 


Một cơ sở dự trữ khí đốt ở Zsana, Hungary. Ảnh: THX/TTXVN.


Thế lưỡng nan: Giới hạn 15% hay cấm hoàn toàn?

Ủy ban châu Âu (EC) vẫn kiên quyết theo đuổi mục tiêu loại bỏ toàn bộ năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027. Kế hoạch này được công bố vào ngày 6/5 vừa qua, kêu gọi các nước thành viên chuẩn bị kế hoạch quốc gia để đạt được mục tiêu này, bao gồm cả việc cắt nguồn cung cho Hungary và Slovakia – những nước vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt Nga.

Tuy nhiên, các quốc gia như Cộng hòa Séc, Hungary và Slovakia đang phản đối mạnh mẽ. Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã cảnh báo rằng đề xuất này là "tự sát kinh tế", trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto lên án kế hoạch này là "không thể chấp nhận được". Sự phản đối này có thể gây ra những xung đột nghiêm trọng, đe dọa chia rẽ nội bộ EU.

Về mặt thực dụng, việc cắt giảm lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga xuống còn khoảng 15% hỗn hợp năng lượng có thể là một giải pháp hợp lý. Trước xung đột, khí đốt Nga chiếm 40% hỗn hợp năng lượng của EU, tạo ra đòn bẩy chính trị cho Điện Kremlin. Nếu giảm xuống 15%, lượng khí đốt này có thể được thay thế bằng LNG từ các nguồn khác, vô hiệu hóa sự phụ thuộc chính trị. Trung Quốc đã áp dụng chính sách tương tự, duy trì lượng dầu nhập khẩu tối đa 15% từ bất kỳ nhà cung cấp nào để tránh rủi ro chính trị.

Lợi ích kinh tế của việc tiếp tục nhập khẩu một lượng khí đốt hạn chế là rất lớn. Đức, đang phải đối mặt với khó khăn kinh tế, có thể cải thiện đáng kể tình hình nếu quay trở lại nguồn cung cấp khí đốt Nga giá rẻ, an toàn qua đường ống. Điều này sẽ cải thiện an ninh năng lượng thay vì phụ thuộc vào nguồn cung cấp LNG thất thường và giá cao.

Bên cạnh đó, kế hoạch loại bỏ khí đốt Nga của EU phụ thuộc đáng kể vào dự báo mở rộng công suất LNG toàn cầu, dự kiến tăng khoảng 200 tỷ mét khối (bcm) vào năm 2028 – gấp năm lần khối lượng khí đốt Nga hiện tại mà EU nhập khẩu. Tuy nhiên, hơn một nửa công suất mới này đã bị khóa trong các hợp đồng dài hạn, chủ yếu với những người mua châu Á. EU sẽ phải cạnh tranh gay gắt để giành được công suất chưa ký hợp đồng còn lại.

Hơn nữa, kế hoạch này có thể dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ, nhà cung cấp LNG lớn nhất châu Âu. Năm ngoái, Mỹ đã cung cấp 51 bcm LNG cho EU, đáp ứng khoảng 45% lượng LNG nhập khẩu và khoảng 1/6 tổng nhu cầu khí đốt của khối. Nhiều nhà hoạch định chính sách châu Âu đã bày tỏ quan ngại về việc đơn giản là thay thế sự phụ thuộc vào Nga bằng một sự phụ thuộc mới vào Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang có dấu hiệu rạn nứt.

Ngoài ra Qatar, nhà cung cấp LNG quan trọng khác (12 bcm năm ngoái), cũng đã cảnh báo sẽ ngừng cung cấp LNG cho EU nếu các quốc gia thành viên thực thi nghiêm ngặt luật mới về lao động cưỡng bức và tác động môi trường.

Nhìn lại, cuộc khủng hoảng năng lượng 2022-2023 đã gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho châu Âu, với ước tính lên tới 1 nghìn tỷ euro (1,1 nghìn tỷ USD). Giá khí đốt ở châu Âu vẫn cao gấp đôi so với mức trung bình trước Đại dịch COVID-19, và cao hơn từ hai đến ba lần so với ở Mỹ và Trung Quốc.

Về mặt thực dụng, một châu Âu mạnh hơn về kinh tế sẽ có vị thế tốt hơn. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm loại bỏ thêm năng lượng của Nga sẽ là phi logic nếu nó gây ra nhiều tác hại kinh tế hơn cho EU so với Nga. Có thể sự phụ thuộc 45% vào năng lượng Nga trước xung đột ở Ukraine là cao, nhưng để đạt được sự phục hồi kinh tế và tái công nghiệp hóa, có lẽ EU cần cân nhắc việc không từ bỏ hoàn toàn nguồn cung khí đốt còn lại từ Nga, mà thay vào đó là quản lý nó ở một mức độ an toàn và có kiểm soát.


Công Thuận

Nguồn: baotintuc.vn
1 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.