Chuyên mục
Tại sao EU không cấm nhập khẩu năng lượng của Nga?

Tại sao EU không cấm nhập khẩu năng lượng của Nga?

Thứ năm 17/03/2022 10:08 GMT + 7

Giá năng lượng cao kỷ lục khiến các chính trị gia Liên minh châu Âu (EU) phải suy nghĩ cẩn trọng về khả năng cấm nhập khẩu các sản phẩm năng lượng từ Nga như Mỹ đã làm. Bởi lẽ, nếu làm theo Washington, EU sẽ phải gánh chịu hậu quả kinh tế nặng nề.

 

Trong bài phỏng vấn mới đây với hãng tin Interfax, ông Nikolai Kobrinets, Vụ trưởng Vụ Hợp tác châu Âu, thuộc Bộ Ngoại giao Nga, tuyên bố, Moscow đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu gay gắt với EU trong lĩnh vực năng lượng, nếu cần thiết.

Theo ông Kobrinets, Nga vẫn là nhà cung cấp đáng tin cậy, một nhà bảo đảm cho an ninh năng lượng tầm cỡ thế giới. EU chắc chắn sẽ không được hưởng lợi từ cuộc đối đầu năng lượng do Nga có mức độ an toàn cao hơn và tinh thần vững vàng hơn. “Brussels không thể không hiểu điểm yếu của mình", ông Kobrinets nhấn mạnh.

 

 Đường ống Nord Stream 1 đưa khí đốt từ Nga tới châu Âu. Ảnh: RIA Novosti.


Trên thực tế, khác với Mỹ, châu Âu hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Dữ liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, EU nhập khoảng 45% khí đốt, 25% dầu mỏ và 45% than từ Nga. Điều đó buộc giới lãnh đạo EU phải cân nhắc thiệt hơn khi tính toán các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU gần đây ở Cung điện Versailles (Pháp), các nước tiêu thụ một lượng lớn khí đốt từ Nga như Đức, Áo, Hungary tiếp tục phản đối việc chặn hoàn toàn nguồn cung từ Nga. Trong khi đó, một số nước Đông Âu như Ba Lan, Latvia kêu gọi EU dừng ngay tức khắc nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Do thiếu đồng thuận giữa các nước thành viên, EU đã nhất trí từng bước cắt giảm nhập khẩu năng lượng Nga, chứ không cấm nhập khẩu ngay lập tức. Lấp đầy khoảng trống nguồn cung của Nga là vấn đề khó khăn, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Theo CNN, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã thông báo rằng, tháng 5 tới sẽ trình bày các đề xuất về việc loại bỏ sự phụ thuộc của EU vào năng lượng Nga trong năm 2027. Trước đó, EU cho biết sẽ cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và loại bỏ nhu cầu tổng thể về dầu và khí đốt của Nga trước năm 2030.

Giới chức EU hiểu rõ rằng, một lệnh cấm nhập khẩu năng lượng Nga không chỉ gây tổn hại đến Moscow, mà còn giáng đòn đau vào nền kinh tế châu Âu. Việc này sẽ tác động lên các gia đình và doanh nghiệp tại “lục địa già” vốn đang chật vật vì giá nhiên liệu lên cao trong thời gian qua.

Bởi thế, sau khi Mỹ công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác của Nga, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã tuyên bố, EU sẽ khó làm theo hành động của Washington. “Đối với Mỹ, điều đó không quá khó vì họ hầu như không tiêu thụ quá nhiều dầu của Nga. Còn chúng tôi sẽ không làm những gì không đem lại nhiều lợi ích”, ông Borrell giải thích.

Theo Izvestia, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo, việc từ bỏ dầu của Nga sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho thị trường toàn cầu. Ông Novak nhấn mạnh, việc tăng giá là không thể đoán trước, có thể lên tới 300 USD/thùng, thậm chí cao hơn.

“Liên quan đến những cáo buộc vô căn cứ chống lại Nga về cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và việc áp đặt lệnh cấm đối với dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), chúng tôi có mọi quyền để đưa ra quyết định đáp trả và áp đặt lệnh cấm đối với việc bơm khí đốt sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1)”, ông Novak cho biết. Phó thủ tướng Nga cũng lưu ý, hiện Moscow vẫn chưa đưa ra quyết định bởi “không ai được lợi từ việc này”.

Trong trường hợp có lệnh cấm trực tiếp đối với việc mua dầu và khí đốt từ Nga, cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU sẽ bước vào giai đoạn gay gắt. Đó là nhận định của ông Rustam Tankaev, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Infotek-Terminal, thành viên Ủy ban Chiến lược năng lượng và Phát triển tổ hợp nhiên liệu-năng lượng thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga.

Ông Tankaev cảnh báo: “Việc cung cấp điện và khí đốt cho các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp sẽ ngừng lại. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ nổ ra, nạn nhân chính sẽ là EU”. Ông Tankaev cũng không loại trừ tình trạng như vậy có thể dẫn đến “nạn đói” năng lượng ở châu Âu.

Theo một nghiên cứu gần đây, ông Sven Jari Stehn, Trưởng nhóm kinh tế châu Âu của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) và các cộng sự của mình đã đưa ra dự báo về viễn cảnh ảm đạm với nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn.

Trong kịch bản Nga ngừng mọi hoạt động xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, lạm phát có thể tăng tới 1,3 điểm phần trăm. Viễn cảnh giá năng lượng tiếp tục tăng cao làm dấy lên lo ngại về thời kỳ “lạm phát đình trệ”, trong đó nền kinh tế toàn cầu bị bao vây bởi lạm phát cao cùng với tăng trưởng kinh tế chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao.


LÂM ANH

Nguồn: qdnd.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.