Chuyên mục
Rời NATO để đến Nga, Pháp khiến châu Âu kinh hoàng

Rời NATO để đến Nga, Pháp khiến châu Âu kinh hoàng

Thứ sáu 24/09/2021 08:18 GMT + 7

Kịch bản Pháp rời khỏi NATO đã rất nguy hiểm, nếu Paris còn muốn hợp tác với Nga thì đó là nỗi sợ của châu Âu.

Tạp chí Mỹ National Interest mới đây đăng tải bài bình luận của chuyên gia Ali Demirdas, chuyên nghiên cứu khoa học chính trị của Đại học Nam Carolina (Mỹ) đánh giá rằng, có thể xảy ra kịch bản Pháp xích lại gần Nga hơn sau khi liên minh AUKUS ra đời.

 

Cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Anh và Pháp


Việc Mỹ thiết lập quan hệ đối tác quốc phòng AUKUS mới và việc Úc chấm dứt hợp đồng lớn cung cấp tàu ngầm của Pháp đã khiến Paris nổi giận.

Năm 2014, Pháp đã buộc phải hủy thỏa thuận tàu sân bay Mistral với Nga liên quan đến các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với tình hình ở Crimea và Donbass. Giờ đây, Pháp lại bị "cướp trên tay" thỏa thuận tàu ngầm với Úc.

Kịch bản Pháp quay hướng sang Nga tìm kiếm hợp tác là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

"Paris bắt đầu để ý đến Nga ở Đông Địa Trung Hải. Nên cần trù tính cả khả năng họ sẽ xích lại gần Moscow hơn. Điều đó quá đủ để gây tổn hại đến các nền tảng của NATO, gây lo ngại cho Ba Lan, các nước Baltic, Ukraine và Gruzia" - chuyên gia Demirdas nhận định.

Chuyên gia này cho biết, điều khiến Pháp sôi sục hơn nữa là  khát vọng của London, sau hậu quả của Brexit, đã vươn lên trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc muốn định hình lại trật tự địa chính trị toàn cầu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thúc đẩy việc Anh rời Liên minh châu Âu như một cơ hội để nước này thực hiện thêm các thỏa thuận chiến lược toàn cầu mà EU không thể kiềm chế được.

Tham vọng của Anh trong việc trở lại thành một cường quốc trên thế giới với 3 mục tiêu chính: ngăn chặn các cường quốc châu Âu khác trỗi dậy, ngăn Nga ở phía Đông Địa Trung Hải và ngăn Trung Quốc kiểm soát tuyến đường thương mại Ấn Độ- Thái Bình Dương, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế của Anh.

 

Ba vấn đề này là mục tiêu cho sự tranh giành quyền lực giữa London và Paris.

Sự cạnh tranh Pháp-Anh rõ ràng nhất ở phía đông Địa Trung Hải. London đã thực hiện mọi bước có thể để làm suy yếu lợi ích quốc gia của Pháp, đặc biệt là ở Libya. Qua đó làm suy yếu triển vọng trở thành cường quốc của Pháp trong Liên minh châu Âu sau khi Anh đã rời đi.

Điều này được thể hiện qua việc, người Anh đã đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ, đối thủ không đội trời chung của Pháp ở Libya và đông Địa Trung Hải.

Sau đó, Pháp đã không ngần ngại chọc tức người Anh bằng cách theo đuổi  chính sách quan hệ hợp tác với người Nga ở Libya, tác giả nhận xét.

Sau khi rời Brexit, "phụ tá" của Anh trong khối EU là Cộng hòa Malta, hòn đảo ở Địa Trung Hải. Malta đã tạo điều kiện để Hải quân Hoàng gia Anh quá cảnh đến và đi từ Vùng Vịnh, vùng Sừng Châu Phi và Ấn Độ- Thái Bình Dương.

Tháng 5/2020, chính Malta đã phủ quyết tài trợ cho Chiến dịch IRINI - phái bộ hải quân của EU có nhiệm vụ thực thi lệnh cấm vận vũ khí ở Libya, đặc biệt là những vũ khí mà Thổ Nhĩ Kỳ dự định giao cho bên ủy nhiệm của mình- Chính phủ Hiệp ước Quốc gia (GNA), và kẻ thù không đội trời chung của lực lượng Libya được Pháp hậu thuẫn Khalifa Haftar. 

Malta  cũng nằm trong số năm quốc gia gồm Đức, Tây Ban Nha, Ý và Hungary đã chặn một nghị quyết do Pháp-Hy Lạp tài trợ, vốn sẽ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ do các chính sách của Ankara đối với Síp và hoạt động khoan dầu ở phía đông Địa Trung Hải.

Hơn nữa, trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, Pháp đã  đứng  về phía người Hy Lạp - Síp. Vào tháng 8/2020, Pháp còn thể hiện động thái mạnh mẽ hơn khi  gửi các tàu hải quân ra khơi bờ biển Síp cũng như  triển khai  máy bay chiến đấu Rafale đến hòn đảo Crete của Hy Lạp.

Tuy nhiên, Thủ tướng Boris Johnson đã gọi điện cho Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và thúc giục ông theo đuổi một giải pháp ngoại giao hơn là gián tiếp ủng hộ “chính sách ngoại giao pháo hạm của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Một mặt trận khác của Thổ Nhĩ Kỳ là Syria, cũng bị Pháp lên án trong khi Anh nhiệt tình hỗ trợ và biện hộ về giải pháp của Ankara khi đưa quân vào Syria là để chống khủng bố và là hành động tự vệ.

Đáp lại, ông Macron tiếp đón đại diện của Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd ở Syria (YPG) tại Điện Elysee, khiến Thổ Nhĩ Kỳ phẫn nộ. Với hành động này, London  tuyên bố  rằng YPG là một phần của Đảng Công nhân Người Kurd (PKK), được coi là một tổ chức khủng bố. Tuyên bố của London cũng được nhiều thành viên NATO ủng hộ.

Khi lợi ích của Pháp bị tổn hại ở Libya, Syria và Nam Caucasus thì Anh đã tiếp tục cung cấp máy bay không người lái cho Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm Mỹ và Canada áp đặt cấm vận vũ khí với Ankara.  Đáng chú ý nhất là vào tháng 5 năm 2020, máy bay không người lái và hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp chính phủ GNA do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn chiếm lại gần như toàn bộ miền tây Libya từ tay lực lượng của Haftar.

Bằng cách rời khỏi Liên minh châu Âu, London đã cắt đứt “những ngóc ngách hạn chế”, cho phép họ nhảy vào cuộc cạnh tranh quyền lực lớn đang nóng lên nhanh chóng. Đối với Vương quốc Anh, cuộc cạnh tranh này kéo theo sự trỗi dậy của bất kỳ cường quốc lục địa châu Âu nào, đáng chú ý nhất là Pháp.

Lợi ích cạnh tranh giữa Anh và Pháp cũng thể hiện ở eo biển Manche. Vào tháng 5 năm 2021, Thủ tướng Anh Johnson đã không ngần ngại cử 2 tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh để bảo vệ Jersey (hòn đảo lớn nhất) khỏi sự phong tỏa đáng sợ của các tàu cá Pháp trong cuộc tranh chấp leo thang về quyền tiếp cận đối với vùng biển xung quanh Quần đảo Channel hậu Brexit.

Pháp đã  trả đũa bằng cách ngăn chặn một thỏa thuận dịch vụ tài chính hậu Brexit giữa EU và Anh cho đến khi chính phủ của Johnson phải cho phép ngư dân tiếp cận công bằng với các vùng biển của Anh.  

AUKUS: Chiến thắng của Anh trước Pháp?

Khi Anh, Mỹ và Úc tuyên bố thành lập liên minh mới AUKUS, vài giờ sau, Úc thông báo hủy hợp đồng tàu ngầm với Phá, Paris đã nói rằng, họ cảm thấy rất cay đắng.

Điều này không lạ bởi đây đã là một chiến thắng thực sự của người Anh.

 

Liên minh AUKUS thành lập khiến Pháp có thể rời NATO và chìa tay với Nga?


Mark Leonard, Giám đốc của Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, nhận định rằng: "Những chiếc tàu ngầm bị hắt hủi là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Anh-Pháp đã có một bước ngoặt đáng kể và nguy hiểm trong vài năm qua".

Khi Paris ngày càng tỏ ra bất lực ở phía đông Địa Trung Hải, châu Phi cận Sahara và Sahel thì họ có khả năng sẽ tìm cách để khôi phục niềm tự hào đang bị tổn thương và có thể dẫn đến những kịch bản nghiêm trọng.

Đó là lý do vì sao, nhiều người trong giới tinh hoa Pháp lại ủng hộ việc rời khỏi NATO nhiều như thế. Người Pháp nhận thấy rằng, vụ tàu ngầm này đã cho họ một lý do không gì cụ thể hơn dể xem xét lại vị trí của họ đối với Liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Chuyên gia Ali Demirdas lưu ý thêm rằng, ông Macron có nhiều khả năng sẽ tiến đến mối quan hệ hợp tác với Nga. Đặc biệt là khi nhìn vào đối thủ chính trị của ông Macron, bà Marine Le Pen, người được cho là có quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Do đó, ông Emmanuel Macron có thể sử dụng các bước đi quyết liệt trong chính sách đối ngoại.  

Tác giả người Mỹ cho rằng, châu Âu ngày nay đang ngày càng giống với những gì trước năm 1939. Song liệu thành lập AUKUS có thể trở thành cuộc xung đột Âu-Á hay không thì vẫn chưa thể chắc chắn.


Đông Phong

Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn
29 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.