Chuyên mục
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hình thành ''vành đai chống dịch'' xung quanh TPHCM

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hình thành ''vành đai chống dịch'' xung quanh TPHCM

Thứ bảy 10/07/2021 08:54 GMT + 7

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng về cơ bản đã hình thành "vành đai chống dịch" xung quanh TPHCM. Các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm soát người ra, vào TPHCM, bảo đảm lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc.

Chiều 9/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp với các địa phương lân cận TPHCM (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) để triển khai công tác phòng, chống dịch. Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng cũng đã họp cùng hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà về công tác phòng chống dịch.



Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng về cơ bản đã hình thành "vành đai chống dịch" xung quanh TPHCM. Ảnh: VGP/Đình Nam


Đến nay, tỉnh Đồng Nai, các địa bàn của Bình Dương, Long An tiếp giáp với TPHCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16).

Báo cáo Phó Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm hiện tại Đồng Nai đã ghi nhận 160 ca mắc. Sau khi TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Đồng Nai xác định nếu không tận dụng được cơ hội này cùng với TPHCM, thì sau này tỉnh cũng trở thành nguy cơ. Tận dụng 15 ngày để quyết liệt truy vết, dập dịch trong thời gian sớm nhất.

Trong những ngày tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục kiểm soát chặt người về từ TPHCM, Bình Dương, dự báo số ca mắc COVID-19 mới có thể tăng thêm, tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ chỗ cách ly F1, chuẩn bị cơ sở điều trị các F0 (đã chuẩn bị được khoảng 1.600 giường),…

Đồng Nai kiến nghị Trung ương hỗ trợ máy xét nghiệm; ưu tiên phân bổ thêm vắc xin; đề nghị Bộ Y tế đứng ra mua sinh phẩm cho các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương,…  

Lãnh đạo Tây Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại tỉnh đã ghi nhận 176 ca COVID-19, trong đó có 17 ca nhiễm trong cộng đồng, cơ bản đã khống chế được các chuỗi lây nhiễm, hiện chưa phát sinh vấn đề gì lớn.

Thời gian tới, Tây Ninh sẽ kiểm soát chặt người từ các địa phương ra vào tỉnh, thực hiện khai báo y tế, lịch trình di chuyển, số điện thoại liên hệ,…

Đối với công nhân từ các địa phương khác ra vào Tây Ninh làm việc hằng ngày, Tây Ninh đã giao trách nhiệm cho doanh nghiệp trong thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, đồng thời đề nghị các địa phương cùng phối hợp để quản lý hiệu quả…

Tỉnh Tây Ninh cũng đang triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực lấy mẫu, xét nghiệm,… để ứng phó với các tình huống dịch bệnh nhưng gặp khó khăn trong việc mua vật tư, sinh phẩm (không tìm được nguồn cung ứng kịp thời), tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ hoặc giới thiệu nguồn cung ứng mua máy, sinh phẩm xét nghiệm nhanh,…

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đến thời điểm hiện tại Bình Dương đã ghi nhận 1.118 ca trong cộng đồng với 17 ổ dịch. Thời gian qua, tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Y tế và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phân tích, dự báo tình hình diễn biến dịch...

Tuy nhiên, xác định nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn rất cao, Bình Dương kiến nghị hỗ trợ trang thiết bị, nhân lực, gỡ vướng về cơ chế mua sắm máy xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch.

ptt3
Lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh đề nghị gỡ vướng trong việc mua sinh phẩm xét nghiệm nhanh… Ảnh: VGP/Đình Nam

Lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, từ ngày 27/5 tỉnh ghi nhận ca nhiễm đầu tiên đến nay đã có tổng số 412 ca COVID-19 trong cộng đồng, đặc biệt từ ngày 29/6 đến nay ghi nhận 335 ca.

Qua phân tích các yếu tố dịch tễ, tỉnh đã quyết liệt triển khai các phương án truy vết, khoanh vùng, khống chế các ổ dịch trong bệnh viện, khu/cụm công nghiệp.

Tỉnh đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 theo từng địa bàn, đảm bảo giao lưu hàng hóa bình thường, phối hợp với các địa phương, giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý chuyên gia, nhà quản lý, công nhân lao động tại tỉnh,…

Long An kiến nghị trung ương hỗ trợ y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp dịch bệnh nghiêm trọng hơn. Tỉnh cũng đề nghị hỗ trợ, gỡ vướng trong việc mua sinh phẩm xét nghiệm nhanh… 

Các tỉnh cùng với TPHCM tranh thủ thời gian 15 ngày, thực hiện quyết liệt các giải pháp đề ra để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm của dịch bệnh

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng về cơ bản đã hình thành "vành đai chống dịch" xung quanh TPHCM. Các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm soát người ra, vào TPHCM, bảo đảm lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc.

Trong 15 ngày tới, các tỉnh cùng với TPHCM cố gắng tranh thủ thời gian, thực hiện quyết liệt các giải pháp đề ra để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm của dịch bệnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì vướng mắc thì kịp thời phản ánh để tháo gỡ ngay.

Phó Thủ tướng đề nghị đối với những khu vực đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải làm rất nghiêm, tuyệt đối tránh tình trạng ngoài chặt, trong lỏng. Khi đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các địa phương cần tập trung kiểm soát hoạt động của các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp theo hướng duy trì sản xuất nhưng phải tuyệt đối an toàn. Chính quyền địa phương vừa kiểm tra giám sát, vừa vận động người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Khoanh hẹp mà chặt, thì chống dịch vất vả, kinh tế đỡ thiệt hại. Khoanh rộng và chặt thì chống dịch đỡ vất vả nhưng ảnh hưởng đến kinh tế nhiều hơn. Song nếu khoanh mà không chặt thì thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó, các đồng chí đã khoanh là khoanh cho chặt. Sau khi đã khoanh vùng, phải điều chỉnh truy vết, xét nghiệm phù hợp…”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công tác lấy mẫu, xét nghiệm cũng phải có sự điều chỉnh phù hợp ở những địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các tỉnh phải kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa việc triển khai xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR phù hợp với từng tình huống, điều kiện cụ thể của diễn biến dịch bệnh, kết hợp với điều tra dịch tễ có trọng tâm trọng điểm, hiệu quả.

Việc tổ chức lấy mẫu phải có trọng tâm, trọng điểm, đến tận thôn, xóm, khu phố, tổ dân thậm chí đến từng gia đình. Các địa phương cần có hệ thống nắm bắt, tiếp nhận thông tin sức khỏe của từng người dân, nhất là người già có bệnh nền, người có triệu chứng, cử lực lượng đến xét nghiệm tại nhà. Tuyệt đối không để tình trạng tập trung đông người khi lấy mẫu xét nghiệm hay điểm tiêm vắc xin.

Thực hiện nghiêm nguyên tắc đảm bảo tốc độ lấy mẫu phải đồng bộ với tốc độ xét nghiệm. Lấy mẫu về phải trả kết quả xét nghiệm trong 24h, không để tồn đọng mẫu.

Các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở điều trị theo mô hình 3 cấp, thiết lập các bệnh viện dã chiến trên cơ sở vật chất, hạ tầng sẵn có dành cho các trường hợp F0 mà không có triệu chứng, có cơ chế theo dõi những F0 có triệu chứng nặng lên thì chuyển ngay lên cơ sở điều trị có năng lực tốt hơn.

Các cơ sở cách ly tập trung phải bảo đảm chống lây nhiễm chéo nhất là biến chủng mới của virus có tốc độ lây lan rất mạnh. Trong tình huống có quá nhiều F1, các địa phương sẵn sàng phương án phân loại gia đình theo đối tượng, nơi ở phù hợp để tổ chức cách ly F1 tại nhà dưới sự giám sát của cơ quan y tế địa phương và tổ COVID cộng đồng, tránh cách ly quá nhiều F1 vào khu cách ly tập trung không bảo đảm điều kiện, để xảy ra lây nhiễm chéo.

pTT9

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh điểu chỉnh công tác lấy mẫu, xét nghiệm phù hợp ở những địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: VGP/Đình Nam

Kết hợp hài hoà xét nghiệm nhanh và PCR; Kiểm soát chặt chẽ người từ TPHCM về các địa phương

Về yêu cầu hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm nhanh của các tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo một lần nữa nhấn mạnh quan điểm các tỉnh phải kết hợp hài hoà, linh hoạt giữa việc triển khai xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR phù hợp với từng tình huống, điều kiện cụ thể của diễn biến dịch bệnh, kết hợp với điều tra dịch tễ có trọng tâm, trọng điểm.

Hiện nay, các văn bản, hướng dẫn đã cho phép các địa phương vận dụng quy định chỉ định thầu để mua sinh phẩm xét nghiệm nhanh trong tình trạng dịch bệnh. Tuy nhiên, ghi nhận sự băn khoăn của các địa phương, Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành thêm văn bản cho các tỉnh có đủ cơ sở pháp lý thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thêm hiện nay thẩm quyền chỉ định thầu thuộc về các địa phương, cơ sở pháp lý đã cho phép trong điều kiện có dịch. Bộ Y tế đã công khai giá cả sinh phẩm, thiết bị trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. Đối với những loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh đang khan hiếm, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tham khảo sinh phẩm tương đương trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng lưu ý cần phải kiểm soát chặt chẽ người từ TPHCM về các địa phương theo đúng Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, những người này phải khai báo y tế bắt buộc; chính quyền địa phương nơi đến phải lập danh sách quản lý, điều tra dịch tễ và có quyết định cách ly, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe phù hợp với kết quả điều tra dịch tễ.

Phú Yên, Khánh Hòa thiết lập một loạt các bệnh viện dã chiến

Trước đó, chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng đã họp với 2 tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện tỉnh Phú Yên cho biết, với 3 nguồn lây nhiễm chính, đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 425 ca mắc COVID-19, truy vết khoảng 3.500 trường hợp F1.

Tỉnh đã thiết lập 4 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 với quy mô 100 giường/bệnh viện; 3 cơ sở cách ly tập trung của tỉnh với sức chứa khoảng 800 người; 43 cơ sở cách ly tập trung tuyến huyện với gần 3.000 giường. Phú Yên đã xây dựng kế hoạch bảo đảm giường cách ly tập trung cho 7.000 người.

Đến nay, năng lực xét nghiệm của tỉnh đã được nâng lên đạt 3.000 mẫu/ngày. Cùng với việc đẩy mạnh truy vết F0, Phú Yên dự định xem xét thí điểm cách ly trường hợp F1 tại nhà. Tuy nhiên, tỉnh gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực thực hiện truy vết, lấy mẫu; thiếu đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa nhiễm, chuyên khoa xét nghiệm vi sinh; kinh nghiệm trong xử lý tình huống có dịch lây lan nhanh, mạnh trong cộng đồng còn yếu. Do vậy, tỉnh rất cần chi viện từ Trung ương. 

Đại diện tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ ngày 23/6 đến 9/7, toàn tỉnh ghi nhận 146 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và vừa phát hiện thêm 25 trường hợp nghi mắc COVID-19. Các ca mắc tập trung tại thị xã Ninh Hòa (100 ca), TP Nha Trang (50 ca); truy vết 1.365 trường hợp F1; 3.177 trường hợp F2.

Xuất phát từ tình hình trên, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, kể từ 0 giờ ngày 9/7, áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg với TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh; đồng thời, áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg với các huyện, thành phố còn lại, bao gồm: Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thành phố Cam Ranh.

Về năng lực xét nghiệm, với sự hỗ trợ Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Quân y 87 (đóng trên địa bàn TP Nha Trang), năng lực xét nghiệm Realtime RT-PCR của Khánh Hòa đạt khoảng 10.000 mẫu/ngày, test nhanh kháng nguyên 15.000 mẫu/ngày.

Toàn tỉnh thường xuyên giám sát sàng lọc với các đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên y tế (1 lần/tuần), bệnh nhân, nhân viên làm việc ở cửa khẩu, hải quan, khu vực sân bay, bến tàu, siêu thị, chợ, nhà ga… Hiện, toàn tỉnh tập trung tổ chức lấy mẫu sàng lọc ở các khu vực phong tỏa; năng lực cách ly tập trung 4.300 chỗ. 

Bên cạnh đó, Khánh Hòa đã chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh, Bệnh viện Lao phổi Khánh Hòa, Bệnh viện Da liễu tỉnh thành các cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 với quy mô 100 giường/bệnh viện. Trong trường hợp cần thiết, tỉnh sẽ bổ sung thêm 300 giường bệnh ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa và Bệnh viện Đa khoa huyện Cam Lâm. Khánh Hòa dự định tổ chức cách ly F1 tại nhà.

PY KH

Phú Yên, Khánh Hòa đề nghị được hỗ trợ nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Những nơi phong tỏa theo Chỉ thị 16/CT-TTg phải tập trung truy vết, xét nghiệm đuổi theo

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, những nơi phong tỏa theo Chỉ thị 16/CT-TTg phải tập trung truy vết, xét nghiệm đuổi theo. Đặc biệt việc lấy mẫu theo xác suất để test nhanh cho công nhân trong những nhà máy lớn buộc phải làm việc; không xét nghiệm rộng trong các gia đình. 

Với năng lực điều trị vẫn còn yếu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có kế hoạch điều lực lượng hỗ trợ Phú Yên.

Về kế hoạch cách ly F1 tại nhà, Phó Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương phân loại F1 (dựa trên kết quả xét nghiệm, điều tra dịch tễ, mức độ tiếp xúc gần) để cách ly tại nhà; nghiên cứu việc giảm bớt số lượng thành viên trong gia đình; yêu cầu F1 và gia đình tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch và phải tính đến trường hợp xấu nhất khi cả gia đình có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

 Bộ Y tế cân đối số lượng để hỗ trợ test nhanh cho tỉnh Khánh Hòa. Việc sử dụng test nhanh phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không lạm dụng khi số ca lây nhiễm chưa cao. 

Cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương, Phó Thủ tướng đề nghị, 2 địa phương tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong phòng chống dịch, đặc biệt Khánh Hòa hỗ trợ Phú Yên trong công tác điều trị.


Thái Bình

Nguồn: suckhoedoisong.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.