Chuyên mục
Panorama Mã Pì Lèng bề thế hơn trước: Bộ đề nghị Hà Giang làm rõ

Panorama Mã Pì Lèng bề thế hơn trước: Bộ đề nghị Hà Giang làm rõ

Thứ năm 24/12/2020 04:19 GMT + 7

Dư luận xôn xao việc Panorama Mã Pì Lèng chỉnh trang sau vi phạm lại bề thế hơn công trình cũ. Bộ VH-TT-DL đề nghị Hà Giang làm rõ việc này.

 


Panorama Mã Pì Lèng sau khi chỉnh sửa gây tranh cãi

 

Sau khi nhiều ảnh chụp Panorama Mã Pì Lèng lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người băn khoăn về quy mô công trình chỉnh sửa bề thế hơn công trình cũ. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết, đã giao Cục Di sản Văn hóa kiểm tra, xem xét.

Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng bê tông cốt thép với các sàn thép gồm 7 cấp xây bám theo địa hình khởi công tháng 4/2017, khánh thành 30/4/2019. Tổng mặt bằng hơn 500m2, xây dựng 80% thì bị dừng sau khi báo chí lên tiếng hồi đầu tháng 10/2019. Chính quyền huyện Mèo Vạc khi đó lập đoàn kiểm tra liên ngành còn Sở Xây dựng Hà Giang vào cuộc kiểm tra yêu cầu tháo dỡ, sau đó chuyển sang đề xuất cải tạo, chỉnh trang một phần.

Tháng 3/2020, UBND tỉnh Hà Giang chủ trì lấy ý kiến để chỉnh sửa công trình này thành điểm dừng chân ngắm cảnh. Tháng 7 vừa rồi chủ đầu tư bắt đầu chỉnh trang và tới nay đưa vào khai thác, thu hút đông đảo khách du lịch dừng chân ngắm cảnh và “check-in”.

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa giải thích với PV Tiền Phong: Panorama Mã Pì Lèng nằm ngoài khu vực bảo vệ di sản danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng, việc xử lý thuộc trách nhiệm UBND tỉnh và huyện Mèo Vạc. Trong nhiều văn bản trước đó, Bộ cũng nêu ý kiến về tổng thể thẩm mỹ, hình thức công trình không phù hợp cảnh quan thiên nhiên truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ đề nghị Hà Giang cải tạo công trình phù hợp cảnh quan, kiến trúc truyền thống, không làm ảnh hưởng tới tầm nhìn toàn cảnh của không gian di sản, hài hòa với thiên nhiên, không tác động tiêu cực đến môi trường. Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa cho biết, trong cuộc góp ý kiến chỉnh trang Panorama Mã Pì Lèng hồi tháng 3, các cơ quan quản lý và chuyên gia kiến trúc đều thống nhất quan điểm giữ công trình và cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh và không kinh doanh lưu trú. “Bộ sớm có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Giang thông tin rõ về công trình sau chỉnh sửa”, ông Trần Đình Thành cho biết.

Tranh cãi về công trình chỉnh sửa

Không ít người nhận xét Panorama Mã Pì Lèng sau khi chỉnh sửa có phần bề thế hơn công trình ban đầu. Phần mặt tiền sát với đường giao thông thay vì hai tầng nay biến thành như ba tầng. Màu sắc chất liệu xây dựng và ngói lợp âm dương theo góp ý của các chuyên gia nay lại cũng có chất liệu và kiểu dáng hoàn toàn khác.

Trước đó, tỉnh Hà Giang ủng hộ phương án đề xuất cải tạo công trình theo hướng giảm diện tích tường xây đặc, tăng cường không gian trống nhằm hạn chế tối đa việc cản trở tầm nhìn đồng thời sử dụng các vật liệu xây dựng đặc trưng, phù hợp với văn hóa các dân tộc địa phương và thân thiện với môi trường. Quy mô công trình sau cải tạo gồm 5 cấp, xây bám theo địa hình, cần tháo dỡ cấp 6 và cấp 7 có sàn thép phục vụ ngắm cảnh tại khu vực mỏm đá phía vực để đảm bảo an toàn.

 


Phác thảo phương án được đưa ra lấy ý kiến chuyên gia hồi tháng 3


Lãnh đạo huyện Mèo Vạc khẳng định công trình này được chỉnh sửa, cải tạo đúng theo hồ sơ thiết kế thẩm định xin ý kiến trước đó ở hội nghị hồi tháng 3/2020. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng chủ đầu tư và kiến trúc sư cải tạo công trình dường như không thiện chí tiếp thu góp ý để có sản phẩm có thẩm mỹ và hợp lý nhất. Theo biên bản hội nghị hồi đầu tháng 3 tại Hà Nội, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ phương án cải tạo công trình gửi xin ý kiến chuyên gia trong tháng 3 trước khi tiến hành chỉnh sửa.

 KTS Trần Đức Hợp, nguyên giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội nói, mới nhìn lướt qua công trình chỉnh sửa và “thấy tiếc”. Trần Đức Hợp là một trong những chuyên gia được mời tham góp ý kiến chỉnh sửa Panorama Mã Pì Lèng. Ông cho biết sau cuộc họp đó ông không được mời tham gia ý kiến gì thêm nữa. “Giá như tác giả KTS được chủ đầu tư mới cải tạo làm kỹ hơn, làm tới cùng bằng cách tham khảo hội đồng chuyên môn sâu hơn thì công trình sẽ khác”, ông nói.

Với kinh nghiệm giảng dạy mấy chục năm, tại hội nghị hồi tháng 3 KTS Trần Đức Hợp góp ý cần quan tâm tới tính nghệ thuật của công trình: “Tôi đề xuất công trình cần độc đáo, đơn giản, có ngôn ngữ kiến trúc, đặc biệt cần kiểm tra lại kết cấu công trình cho phù hợp bảo đảm độ an toàn, phòng cháy chữa cháy, môi trường”. Panorama Mã Pì Lèng chỉ là công trình nhỏ nhưng các chuyên gia kiến trúc đều cho rằng cần những người dày kinh nghiệm tham gia.

Ông Đặng Tiên Phong, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Việt Nam trước đó cũng đề xuất nên nghiên cứu lập dự án đầu tư thành sản phẩm du lịch độc đáo tại Mã Pì Lèng. Kỳ vọng về điểm dừng chân ngắm cảnh có kiến trúc độc đáo hoặc hài hòa thiên nhiên dường như không thành.

 

Nguyên Khánh

Nguồn: tienphong.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.