Chuyên mục
Ông Biden sẽ tung đòn đáp trả nào với Nga?

Ông Biden sẽ tung đòn đáp trả nào với Nga?

Thứ năm 24/02/2022 16:57 GMT + 7

Chiến dịch quân sự của Nga ngày 24/2 có thể là lý do để Mỹ và đồng minh đáp trả bằng các lệnh trừng phạt khốc liệt nhất mà phương Tây đã cảnh báo Moscow.



Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tiến hành “hoạt động quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Ngay sau tuyên bố của ông Putin, các lực lượng vũ trang Nga đồng loạt tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào nước láng giềng Đông Âu.

Ông Biden lên án “cuộc tấn công vô cớ, phi lý” của Moscow chống lại Kiev sau khi các vụ nổ được ghi nhận ở nhiều nơi tại Ukraine.

Mỹ và nhiều nước đồng minh đã đưa ra các lệnh trừng phạt đáp trả việc Tổng thống Putin công nhận độc lập đối với hai nhà nước ly khai ở miền Đông Ukraine, và sẽ áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt mới sau khi ông Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine ngày 24/2.

Ông Biden dự định có bài phát biểu trước người dân Mỹ vào ngày 24/2 và sẽ thông báo về "những hậu quả tiếp theo" mà Mỹ và các đồng minh đã lên kế hoạch để trừng phạt Nga vì hành động tấn công vào Ukraine.

Trừng phạt cá nhân và doanh nghiệp

Sau động thái quân sự của Nga, Mỹ dự kiến mở rộng lệnh trừng phạt, sau khi áp đặt trừng phạt giới tinh hoa có liên kết với Điện Kremlin, cũng như ngân hàng quốc doanh VEB và ngân hàng quân đội Promsvyazbank - với tổng tài sản hơn 80 tỷ USD.

Các cá nhân và ngân hàng Mỹ trừng phạt ngày 22/2 đều bị liệt vào danh sách công dân bị chỉ định trừng phạt đặc biệt (SDN - Specially Designated Nationals).

Điều này nhằm loại những thực thể trên ra khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ, cấm giao dịch với người Mỹ và đóng băng tài sản tại Mỹ.

 

Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ cùng đồng minh khiến Nga chịu "hậu quả nghiêm trọng". Ảnh: Reuters.


Thêm vào đó, Mỹ có thể chọn cách trừng phạt dựa trên các ngành cụ thể như năng lượng, tài chính, công nghệ, quốc phòng.

Trừng phạt theo ngành sẽ hạn chế thương mại của Nga nhưng vẫn cho phép thực hiện một số giao dịch. Khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Mỹ đã áp đặt các hạn chế thương mại và tài chính, cũng như đóng băng tài sản thuộc quyền tài phán của Mỹ.

Các hạn chế đến nay vẫn còn hiệu lực đối với 735 cá nhân, thực thể, tàu thuyền của Nga, theo số liệu từ Văn phòng Tài sản Nước ngoài, thuộc Bộ Tài chính Mỹ, theo AP.

Mỹ và đồng minh đang trừng phạt từng phần với Nga, nhằm buộc ông Putin phải thay đổi lập trường. Phương Tây cũng muốn tránh gây hại nặng nề lên người dân Nga và các hoạt động kinh tế của Mỹ và châu Âu.

Nord Stream 2

Tổng thống Joe Biden hôm 23/2 tuyên bố Mỹ sẽ cùng Đức áp đặt các biện pháp trừng phạt với dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 của Nga để trả đũa Moscow.

Theo Washington, các lệnh trừng phạt của Mỹ cùng với quyết định trước đó của Đức đã hủy hoại dự án này.

Mỹ cho rằng Nord Stream 2 là một sai lầm kể từ lúc khởi xướng, vì nó làm tăng ảnh hưởng chính trị của Moscow lên châu Âu do sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nguồn năng lượng từ Nga.

Tổng thống Biden nhiều lần ngăn cản nỗ lực của Quốc hội trong việc áp đặt trừng phạt dự án Nord Stream 2, do không muốn làm mất lòng đồng minh Berlin.

 


Đức hoãn phê duyệt dự án Nord Stream 2 vì Nga công nhận hai nhà nước cộng hòa tự xưng của phe ly khai miền Đông Ukraine. Ảnh: AP.


“Bằng cách hành động cùng với Đức, chúng tôi đảm bảo rằng khoản đầu tư trị giá 11 tỷ USD này hiện giờ chỉ là một đống thép, nằm dưới đáy biển”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết.

Hệ thống SWIFT

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 24/2 nói rằng tương lai châu Âu và thế giới đang bị đe dọa, yêu cầu hành động ngay lập tức. Ông Kuleba liệt kê những phương thức trừng phạt, bao gồm loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Với Mỹ và đồng minh châu Âu, loại Nga khỏi SWIFT - hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu - sẽ là động thái cứng rắn nhất và có thể khiến kinh tế Nga chịu thiệt hại trong thời gian dài.

Nếu lệnh cấm được ban hành, Nga sẽ bị loại khỏi các giao dịch tài chính toàn cầu, bao gồm các giao dịch dầu khí, vốn chiếm hơn 40% doanh thu của đất nước.

Phương Tây đã cân nhắc loại Nga khỏi SWIFT sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014. Điện Kremlin nói rằng hành động đó có thể được xem như lời tuyên chiến với Nga.

SWIFT từng loại Iran do chương trình hạt nhân của Tehran và khiến nước này chịu thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Nga là một bài toán khó hơn, và Washington sẽ thận trọng khi các giao dịch ngân hàng của Mỹ và Đức trong SWIFT phần lớn có liên kết với Nga.

Lá bài tiền tệ

USD là công cụ mạnh mà Mỹ có thể chủ động dùng để chống lại ông Putin, khi đồng tiền này vẫn chiếm ưu thế ở lĩnh vực tài chính, với hàng nghìn tỷ USD trong các giao dịch mỗi ngày.

Giao dịch thanh toán bù trừ bằng USD được quản lý bởi Cục Dự trữ Liên Bang và các tổ chức tài chính Mỹ. Nói cách khác, các ngân hàng tại Nga phải được phép tham gia vào hệ thống tài chính Mỹ mới có thể giao dịch bằng USD.

Trước đây, Mỹ đã chặn các giao dịch thanh toán bằng USD khi trừng phạt các tổ chức tài chính của Iran, Sudan, và nhiều nước khác.

 


Mỹ có thể dùng thế mạnh của USD để gây sức ép lên hệ thống tài chính Nga. Ảnh: Wall Street Journal.


Phương thức này có thể được coi như một “SWIFT thu nhỏ”, khi Mỹ có thể chủ động chặn các giao dịch thanh toán bằng đồng nội tệ.

Các cá nhân và công ty của Nga sẽ gặp khó ngay trong những công việc thông thường như mua sắm hay trả lương, vì họ không thể tham gia vào hệ thống ngân hàng Mỹ.

Thắt chặt xuất khẩu

Mỹ có thể áp đặt hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao sang Nga - gồm những linh kiện chế tạo máy bay hoặc điện thoại thông minh - và nhiều linh kiện điện tử và phần mềm.

Điều này có thể đưa Nga vào nhóm bị Mỹ hạn chế xuất khẩu, cùng với Cuba, Iran, Triều Tiên, Syria.

Những lệnh trừng phạt xuất khẩu sẽ tác động đến nhiều ngành trọng yếu của Nga, bao gồm quốc phòng và hàng không dân dụng, và ảnh hưởng đến tham vọng chạy đua về công nghệ, trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử của Moscow.

Các hạn chế xuất khẩu của Mỹ có thể khiến các công ty tại Nga dời sang những thị trường khác.

 

Trần Hoàng

Nguồn: zingnews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.