Chuyên mục
Nước Mỹ lại không an toàn nữa rồi

Nước Mỹ lại không an toàn nữa rồi

Chủ nhật 05/01/2020 06:04 GMT + 7

Ra lệnh tiêu diệt vị tướng quyền lực của Iran, người Mỹ chẳng khác nào đang tự “lấy đá ghè chân mình”, tự chuốc lấy hiểm nguy không ai lường được.

Mỹ và Iran đang ở bên bờ vực một cuộc chiến tranh sau khi Mỹ giết chết tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của nước Cộng hòa Hồi giáo trong một cuộc không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad. Chịu chung số phận với ông Soleimani còn có Abu Mahdi al-Muhandis - phó chỉ huy Lực lượng Động viên nhân dân (PMF), một nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn.

Lầu Năm Góc xác nhận vụ tấn công được thực hiện theo chỉ đạo của Tổng thống Trump. Mô tả đây là "hành động phòng thủ" nhằm "ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai". Lầu Năm Góc khẳng định, Tướng Soleimani chính là người đang tích cực phát triển các kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao và nhân viên phục vụ Mỹ ở Iraq cũng như trên toàn khu vực".

Mỹ trước đây thường đáp trả các động thái của Iran bằng cách không kích vào các mục tiêu dân quân do Tehran hậu thuẫn. Tuy nhiên, cuộc không kích nhắm vào đoàn xe của tướng Soleimani là đòn giáng mạnh chưa từng có tiền lệ.

 

Tướng Iran Qassem Soleimani. (Ảnh: AP).


Nước Mỹ muốn thách thức quyền lực của Iran tại Trung Đông. Cách thức vụ tấn công giết người trên lãnh thổ một quốc gia khác có chủ quyền chẳng khác gì hành động khủng bố quốc tế được che đậy bằng ngôn ngữ ngoại giao “bảo vệ công dân Mỹ và quyền lợi Mỹ trên toàn cầu”.

Đây chính là sự kiêu ngạo nước lớn của người Mỹ. Liệu hậu quả của nó sẽ là gì? Một loạt bất ổn tại Trung Đông thậm chí trên lãnh thổ Mỹ có lẽ xuất phát từ những quyết định như vậy.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố cái chết của Thiếu tướng Soleimani làm tăng gấp đôi động lực chống Mỹ và Israel.

Giới phân tích nhận định, cái chết của hai nhân vật kể trên nhiều khả năng sẽ tạo ra một bước ngoặt ở Trung Đông, sẽ gây ra làn sóng trả thù của Iran cùng các lực lượng ủng hộ nước này trong khu vực nhằm vào các lợi ích của Mỹ.

Một số quan chức Mỹ về hưu và đang tại nhiệm thừa nhận vụ không kích lấy mạng tướng Soleimani có nguy cơ đẩy căng thẳng vượt xa dự đoán.

"Chẳng đời nào Iran không đáp trả", Afshon Ostovar, tác giả một cuốn sách viết về Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thừa nhận. "Tôi thật không thể tin nổi. Lo lắng ngay bây giờ của tôi là: Bước tiếp theo của Iran là gì? Liệu đây có phải là khởi đầu một cuộc xung đột toàn khu vực?".

 

Cái chết của hai nhân vật kể trên nhiều khả năng sẽ tạo ra một bước ngoặt ở Trung Đông, gây ra làn sóng trả thù của Iran cùng các lực lượng ủng hộ nước này trong khu vực nhằm vào các lợi ích của Mỹ.

 

Ông Trump quyết mạnh tay với Iran trước kỳ bầu cử để xoá đi dư luận về một tổng thống yếu đuối trong các vấn đề Trung Đông. Nhưng người Mỹ thừa hiểu rằng, Iran không phải là Iraq hay Triều Tiên. Họ có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất Trung Đông, có đồng minh Nga và Trung Quốc luôn bên cạnh, có thế giới Hồi giáo đằng sau hậu thuẫn.


Iran sẽ đáp trả. Nhưng các hành động trả đũa thế nào? Ở đâu? Không ai biết trước được. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, nhằm vào lợi ích của Mỹ, trên chính đất Mỹ, ở châu Phi, ở Mỹ Latinh hay, ở Vùng Vịnh.

Vì thế, nước Mỹ sẽ lại không an toàn nữa rồi.

Tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda mất hiệu quả trong việc chỉ đạo các cuộc tấn công, nhưng nó vẫn truyền cảm hứng hành động cho chi nhánh tại các quốc gia khác nhau. Al-Qaeda có xu thế chia thành những nhóm nhỏ, hoạt động tinh vi hơn và phạm vi hoạt động mở rộng sang tận Trung và Nam Á.

Người Mỹ chắc hẳn chưa quên, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Washington triển khai một “Cuộc chiến chống khủng bố” bằng những hoạt động quân sự bất thường. Xâm chiếm hai quốc gia, ném bom nhiều nước khác, gửi máy bay không người lái, triển khai lực lượng đặc nhiệm, áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại các quốc gia khác nhau... Thế nhưng đáng buồn thay, mối đe dọa từ Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và khủng bố vẫn để lại di căn.

Ngoài ra, tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) dù đã yếu đi nhiều, nhưng chúng vẫn tiếp tục bổ sung các hành động khủng bố mới vào hồ sơ của mình.

Theo thống kê của trang National Interest, trong giai đoạn 2001-2019, Mỹ đã chi 5.900 tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố, trong đó hơn 2.000 tỷ USD chi cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, 924 tỷ USD cho an ninh nội địa, 353 tỷ USD để chăm sóc y tế và thương binh đối với các quân nhân Mỹ từng phục vụ ở các khu vực chiến sự trên thế giới.

Tuy nhiên, một nghịch lý là Mỹ càng chi nhiều tiền, số phần tử khủng bố càng tăng trên phạm vi toàn cầu.

Theo nghiên cứu của trung tâm CSIS (Mỹ), số lượng các tay súng thánh chiến Hồi giáo dòng Salafi đã tăng tới 270% kể từ năm 2001.

Tính đến năm 2018, có tới 67 nhóm thánh chiến hoạt động trên thế giới, tăng 180% so với năm 2001.

Đáng chú ý, phần lớn trong tổng số khoảng 280.000 tay súng thánh chiến hiện nay hiện diện ở các quốc gia mà Mỹ có can thiệp quân sự trong 18 năm qua, như Iraq, Afghanistan hay Libya.

Trớ trêu thay, mức độ nguy hiểm của mối đe dọa mà các tổ chức khủng bố đặt ra đối với nước Mỹ lại phụ thuộc đáng kể vào sự ổn định của những quốc gia nêu trên.

Điều này phần nào lý giải vì sao Mỹ càng tăng cường chống khủng bố, khủng bố lại có dấu hiệu càng phát triển theo hướng đa dạng và manh động hơn.

Chủ nghĩa khủng bố sinh ra từ sự thù hận, tư tưởng cực đoan mà nguồn gốc chính là sự bất công, phân cực trên thế giới.

Các nước lớn luôn kiêu ngạo và tự cho mình cái quyền áp đặp lên quốc gia khác. Không chỉ có Trung Quốc ở Châu Á. Nước Nga ở Châu Âu hay Hoa Kỳ ở châu Mỹ cũng đều giống nhau mà thôi.

Và sự kiêu ngạo nước lớn sẽ chỉ gieo rắc thêm sự hận thù và hành động trả thù mà thôi.


HẠNH NHÂN

33 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.