Chuyên mục
Nữ sỹ quan Việt: Từ 'gieo chữ', dạy trồng rau đến chống COVID-19 ở Trung Phi

Nữ sỹ quan Việt: Từ 'gieo chữ', dạy trồng rau đến chống COVID-19 ở Trung Phi

Thứ hai 15/02/2021 05:04 GMT + 7

Nữ chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam mang những hạt mầm lên chuyến bay chở sứ mệnh gìn giữ hòa bình tới Trung Phi và khiến mảnh đất, con người nơi đây đổi thay.

Lên đường làm nhiệm vụ với nhiều mục tiêu, nhưng thực tế ở vùng đất Trung Phi khiến mọi kế hoạch của nữ chiến sĩ thay đổi, đồng thời đem lại nhiều bất ngờ cho chị trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ nơi đất khách quê người.

Hạt giống niềm tin

Theo lịch trình dự kiến ban đầu, tháng 10/2020, chị Nguyễn Thị Liên - nữ chiến sĩ đầu tiên của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam ở Cộng hòa Trung Phi - lên máy bay rời khỏi mảnh đất cằn cỗi trở về quê hương. Thế nhưng, dịch bệnh COVID-19 khiến chị và đồng đội ở lại và gắn bó với Cộng hòa Trung Phi thêm một thời gian nữa.

Diễn biến phát sinh bất ngờ này khiến nữ chiến sĩ Mũ nồi xanh Việt Nam có cơ hội chứng kiến thêm mùa đỗ Việt trên Lục địa đen.

Số đỗ thu hoạch những tháng cuối năm vốn từ hạt giống “Made in Việt Nam”, “vượt biên hợp pháp” cùng chị Liên trên chuyến bay chở sứ mệnh gìn giữ hòa bình tới Cộng hòa Trung Phi hơn một năm về trước.


Cách đây hơn một năm, khi chuẩn bị hành lý lên đường nhận nhiệm vụ, chị Liên gói theo ít hạt giống bạn tặng cùng quần áo và tư trang, với bao dự định ấp ủ: “Cõng con chữ” sang nước bạn, dạy phụ nữ địa phương may vá, thêu thùa… Thậm chí, chị còn học nguyên một khóa cắt tóc với dự định “tỉa tót” đầu tóc cho lũ trẻ. Nhưng rồi, nhiều kế hoạch bị phá sản.

 

Chị Liên hướng dẫn người dân Trung Phi trồng rau. (Ảnh: Facebook nhân vật)


Trẻ con ở đây hầu hết cạo đầu, tóc cũng xoăn tới mức khó “cải tạo”. Thêu thùa thì thiếu nguyên liệu, người dân không có truyền thống mặc đồ thêu may. Dạy học tuy là kỹ năng chị Liên tự tin nhất nhưng lịch trình không phù hợp. Cơ sở vật chất, điện thắp sáng để dạy học ban đêm cũng không có.

Trong cái khó ló cái khôn. Những hạt đỗ chị Liên mang từ quê nhà sang định làm giá đỗ được chuyển đổi mục đích thành hạt giống, nảy mầm trên mảnh đất cằn cỗi, khô khan.

“Sang đây, năng khiếu thiên bẩm nhất của mình không áp dụng được. Thế nhưng kỹ năng làm nông học mót lại có sàn diễn”, chị Liên chia sẻ.

Người Cộng hòa Trung Phi quanh năm ăn bột sắn. Củ sắn được phơi, nghiền ra thành bột. Mỗi lần chế biến, họ đun nước sôi rồi cho bột vào, trộn cho ngấm nước, ngoáy đều. Khi ăn, họ xúc từng cục như cái bánh. Canh cũng được chế biến từ bột sắn nấu loãng, băm rau cho vào, thêm ít dầu tràm. Bữa ăn chỉ có vậy.

Khi tới đây, chị Liên và đồng đội tới đây hướng dẫn người dân trồng rau và thu hoạch. Bữa ăn của họ phong phú, xanh và ngon hơn.

Không chỉ có đỗ, những hạt giống khác như rau muống, đậu, ngô… của chị cũng rạch đất vươn lên, sinh sôi nảy nở. Chị hướng dẫn bà con con gieo hạt cà, dựng giàn bí, ươm hạt rau dền, bắc giàn mồng tơi. Giờ đây, những mảnh đất hoang hóa mà chị và đồng đội cải tạo từ những ngày chân ướt, chân ráo tới Cộng hòa Trung Phi đã phủ kín màu xanh mướt của rau muống, rau mồng tơi, xen lẫn với sắc hoa cà, hoa cải, cúc, thược dược.

Rồi những bãi ngô cao tới mức có thể chơi trốn tìm mà không bị phát hiện. Ruộng đỗ sai trĩu trịt, hạt mẩy căng như muốn bật tung khỏi lớp vỏ xanh. Cây đậu Việt Nam thậm chí còn được đặt cho một cái tên rất kêu “A Cờ Ri Cô Việt Nam” (Đậu xanh Việt Nam).

Một đồn năm, năm đồn mười, mười đồn trăm, chị Liên trở nên thân quen với bà con ở nơi “không thích cầm bút, không biết cầm cày cầm cuốc mà chỉ giỏi cầm súng”. Cứ mỗi Thứ Bảy, Chủ Nhật, họ lại ngóng chị tới cùng làm đất, đánh luống, gieo hạt, tưới nước, bón phân...

Với bản thân chị Liên, cuối tuần cũng vì thế mà trở nên hào hứng hơn. Nữ chiến sĩ Việt Nam hiếm khi quên hẹn với bà con địa phương. Chị háo hức được gặp các “học trò” mới, được truyền nghề, truyền cho họ “niềm vui nhà nông”. Những tiếng cười dù khác nhau về quốc tịch, màu da vẫn giòn tan trong những buổi lao động tăng gia vào mỗi cuối tuần.

 


Chị Liên và người dân địa phương đứng giữa ruộng ngô xanh mướt mà chị hướng dẫn bà con gieo trồng. (Ảnh: Facebook nhân vật)


Chị ấp ủ mong muốn có thể thay đổi cuộc sống người dân ở đây, thôi thúc họ cầm cày, cầm cuốc, để những việc làm mẫu của chị ăn vào tiềm thức, khiến họ duy trì nó như một thói quen. Chị muốn bữa ăn của bà con có thêm đậu phụ, tào phớ, sữa đậu nành, cao hơn nữa là làm được tương thay cho nước mắm vốn vô cùng đắt đỏ ở lục địa đen để tạo thành “đôi bạn rau muống chấm tương Việt”.

Đại sứ chống COVID-19 tại Trung Phi

“Cứ tưởng khí hậu nóng nực, đất nước nghèo thì COVID-19 sẽ tha. Nhưng không ngờ dịch đến muộn - cuối tháng 3/2020 và tăng nhanh với mức độ chóng mặt”, chị Liên nói.

Cộng hòa Trung Phi là nước nghèo, cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, người dân coi thường dịch COVID-19. Chị Liên kể: “Nơi đây, người ta chết vì đói, vì sốt rét, vì tả lị nhiều nên họ coi những bệnh đó nguy hiểm hơn COVID-19”. 
 
Vì coi thường dịch COVID-19 nên dân khá kỳ thị việc đeo khẩu trang. Thậm chí, khi chị Liên và nhiều đồng nghiệp đeo khẩu trang ra ngoài, bà con tỏ ra khó chịu và có những phản ứng thái quá.

Trước bối cảnh dịch bệnh gia tăng chóng mặt, chị Liên dự đoán Cộng hòa Trung Phi sớm muộn cũng sẽ ban hành chỉ thị đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Nhưng, ở vùng đất khó khăn này lấy đâu ra khẩu trang?


Nhận ra vấn đề, chị lập tức đi thuê máy khâu, ra chợ mua vải và dây chun để may khẩu trang. Trời phú cho tay nghề khéo léo cùng vốn liếng học được khi còn là học sinh, nữ Trung tá Việt Nam tranh thủ thời gian sau giờ làm việc để cắt may.

Khi số ca bệnh tăng lên, chị cũng sốt ruột và đẩy nhanh quá trình “sản xuất”. Không tính thời gian cắt, chị chỉ cần 6 phút để may một chiếc khẩu trang.

“Tay nghề cắt may tưởng đi vào dĩ vãng, không ngờ vì COVID-19 lại phát huy tác dụng”, chị tâm sự.

 


Chị Liên chỉ cần 6 phút để may một chiếc khẩu trang. (Ảnh: Facebook nhân vật)


Sau khi hoàn thành hàng trăm chiếc khẩu trang, chị Liên đặt vấn đề với cơ quan Quân y Phái bộ về việc tặng khẩu trang cho nhân viên Phái bộ vào cuối tháng 4 năm 2020. Đề xuất này của chị được đón nhận nồng nhiệt.

Đúng như chị Liên dự đoán, tới đầu tháng 5, Cộng hòa Trung Phi ban hành lệnh đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hoà Trung Phi cũng yêu cầu các nhân viên phải đeo khẩu trang.

Lúc này, những chiếc khẩu trang của chị Liên trở thành vật cứu tinh cho các đồng nghiệp. Bởi không có chị, họ chẳng kiếm đâu ra chiếc khẩu trang vốn là thứ hết sức xa xỉ ở quốc gia nghèo đói, lạc hậu này.

Nữ Trung tá Việt Nam được Lãnh đạo phái bộ trao Giấy khen đột xuất và trở thành Đại sứ chống COVID-19 tại Cộng hòa Trung Phi.

Không chỉ dành khẩu trang cho đồng nghiệp, chị Liên còn tặng khẩu trang cho bà con địa phương. Nhưng, tâm lý kỳ thị vẫn còn đó, nhiều người dân không chịu hợp tác, có người còn lấy khẩu trang bịt mắt chống đối.

Nhờ kiên trì tuyên truyền, dần dần, bà con bắt đầu thay đổi suy nghĩ và ý thức hơn về việc đeo khẩu trang.

Chị Liên kể, trong những ngày bùng phát dịch, khi không được gặp người dân, chị quay cuồng với vải và máy may. Chị cũng lo nếu không có ai đốc thúc, bà con sẽ quên nghề nông, quên chị. Nhưng, khi gặp lại, nhiều thứ khiến chị ngỡ ngàng.

Có đứa trẻ chị từng ẵm ngửa trên tay giờ đã biết chạy lon xon. Lũ trẻ lớn hơn ríu rít, bám riết lấy chị đòi bế. Ngạc nhiên hơn là nhiều bà con tự tay trồng được vườn đậu đen và đã chuẩn bị thu hoạch.

Vào những ngày cuối tháng 12 khi thời điểm về nước cận kề, chị Liên vừa háo hức trở về quê nhà, vừa tiếc nuối khi phải rời xa mảnh đất gắn bó hơn một năm qua.

Chị hy vọng khi mình không còn ở đây, người dân vẫn có thể duy trì được thói quen canh tác. “Cũng hy vọng chị đậu, cô lúa, em ngô và chàng khoai lang sẽ phát triển, làm nên điều kỳ diệu trên mảnh đất Cộng hòa Trung Phi này”, chị nói.


Người dân, đặc biệt các em nhỏ Trung Phi rất yêu mến nữ chiến sỹ Việt Nam. (Ảnh: Facebook nhân vật)


Chị cũng có mong mỏi lớn lao hơn, hy vọng đất nước này hết chiến tranh, không còn khói lửa, trẻ con được đến trường. Màu xanh hoà bình, màu xanh của sự no ấm được lan toả. Lá cờ tự do được tung bay dưới nền trời xanh ngắt, để nụ cười luôn rạng rỡ trên khuôn mặt, trong ánh mắt trẻ thơ.

Chị Liên hy vọng những bài học canh tác mà chị để lại sẽ tiếp thêm cho người dân địa phương động lực sống để vượt lên số phận. Những mảnh đất đầy đậu, đỗ, mùng tơi của chị dù không mang lại hàng tấn, hàng tạ sản phẩm nhưng sẽ giúp người dân đa dạng hóa bữa ăn, làm ấm cái bụng, tăng cường sức khoẻ.

Nữ chiến sỹ Mũ nồi xanh cũng muốn nhắn gửi tới thế hệ trẻ, những người trong tương lai có thể sẽ nối tiếp trọng trách của chị: Làm điều gì cũng cần có lòng nhân ái và cần trau dồi các kỹ năng cần thiết trước khi nhận bất cứ nhiệm vụ nào.

 

Song Hy

Nguồn: vtc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.