Chuyên mục
Nữ sinh nghi tự tử vì uất ức: Cách kỷ luật của nhà trường rất phản giáo dục

Nữ sinh nghi tự tử vì uất ức: Cách kỷ luật của nhà trường rất phản giáo dục

Thứ hai 07/12/2020 17:19 GMT + 7

Do không đồng tình với cách kỷ luật của nhà trường, một nữ sinh lớp 10 tại An Giang được cho là đã tự tử để chứng minh bản thân không mắc lỗi. Nghiêm khắc trong giáo dục, dùng hình phạt để học sinh nhận ra cái sai là điều cần thiết, nhưng cách kỷ luật mà Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) đưa ra với học sinh, theo chuyên gia, là không nên, thậm chí là rất phản giáo dục.

Trường học không phải là tòa án

Câu chuyện về nữ sinh N.T.N.Y (học sinh lớp 10A4, Trường THPT Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu, An Giang) được cho là tự tử trong nhà vệ sinh tại trường học... nhận được sự quan tâm của dư luận những giờ qua.

Theo thông tin từ gia đình, Y uống thuốc với ý định tự tử, mà nguyên nhân bắt đầu từ việc nữ sinh không tham gia học phụ đạo có thu phí do trường tổ chức. Ngoài ra, giáo viên dạy môn toán trong lớp cho rằng em mặc áo dài mỏng, lộ “nội y”, và có lời nói làm nhiều bạn học trong lớp chú ý, khiến em ngượng ngùng. Đỉnh điểm, việc trường "bêu" tên học sinh mắc lỗi trước toàn trường, đã khiến nữ sinh xấu hổ, không phục.

Theo dõi vụ việc, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc Hệ thống Cambridge Khai Minh – cho rằng, câu chuyện là bài học trong việc ứng xử giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhà trường, cũng như việc áp dụng các hình thức kỷ luật trong trường học hiện nay.

Theo TS Dũng, trước khi đưa một cá nhân ra kỷ luật, nhà trường phải tiến hành từng bước, như giáo viên chủ nhiệm gặp riêng học sinh, sau đó gặp gia đình để tìm hiểu.

 


Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng. Ảnh: NVCC


TS Dũng cũng cho biết, qua theo dõi thông tin trên báo chí, ông không đồng ý với biên bản kỷ luật của hội đồng trường này với học sinh, cũng chưa thấy trường đưa ra đầy đủ tiến trình kỷ luật học sinh, trước khi đưa đến quyết định nêu tên em trước cờ, trước toàn trường.

“Quan điểm của tôi, trường học không phải là tòa án, mà kết tội học sinh đúng hay sai, mà chỉ dừng lại ở việc giải thích để học sinh hiểu điều gì là phù hợp, điều gì chưa phù hợp, để uốn nắn các em. Giáo dục xin đừng đẩy các em đến bước đường cùng. Tôi không bác bỏ tính kỷ luật, nhưng kỷ luật chứ không phải là trừng trị”- TS Dũng nêu quan điểm.

Cũng theo chuyên gia tâm lý này, nếu dùng kỷ luật để mang tính răn đe thì phải tìm hiểu kỹ bối cảnh dẫn đến việc phạm lỗi của học sinh. “Như vụ việc ở Trường THPT Vĩnh Xương, em học sinh có 9 năm là học sinh giỏi, ngoan. Mới lên cấp 3 được vài tháng, bước sang môi trường mới thì xảy ra sự việc này. Vậy thì phải xem lại môi trường mới, phương pháp, kỷ luật của nhà trường đã phù hợp với học sinh chưa? Quan điểm của tôi, giáo dục cũng cần cá biệt hóa chứ không cào bằng.

Học sinh ở tuổi vị thành niên, các cụ hay nói là "ăn chưa no lo chưa tới", chưa kể bị tác động bởi nhiều yếu tố dễ dẫn đến hành vi lệch lạc. Cá tính mỗi em cũng khác nhau, cùng một câu nói, biện pháp kỷ luật, với học sinh này là bình thường, nhưng với học sinh khác lại khiến các em không thể chấp nhận, giống như đánh đổ cả cuộc đời của em”- TS Dũng nói và cho rằng, nếu nhà trường không tiến hành đủ các bước như trên trước khi kỷ luật thì nữ sinh trong vụ việc đang bị bạo hành tinh thần, bạo hành trong chính ngôi trường mà em đang theo học.

Cần chuyên nghiệp hóa công tác tham vấn tâm lý học đường


Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng cũng cho rằng, hiện trong các trường phổ thông hiện nay đang có một mảng trống rất lớn là thiếu vắng bộ phận tham vấn tâm lý học đường một cách độc lập, chuyên nghiệp.

Trong trường hợp có sự khác biệt về suy nghĩ, xung đột giữa học sinh và giáo viên, học sinh và nhà trường, thì rất cần một kênh trung gian thứ ba đứng ra tư vấn. Hiện không nhiều trường có bộ phận này, hoặc nếu có thì giao cho một giáo viên trong trường kiêm nhiệm. Như vậy sẽ không không khách quan, học sinh vẫn ngại bộc lộ quan điểm, giãi bày những tâm tư của mình khi gặp các vấn đề khúc mắc trong trường học.

“Quan điểm của tôi là giáo viên có quyền trách phạt, kỷ luật khi học sinh mắc lỗi, nhưng kỷ luật trong giáo dục là kỷ luật hành vi chứ không phải con người đó, để chỉnh sửa và lên tiếng vì hành vi đó chứ không phải lên án con người đó.

Chúng ta xét đoán một hành vi chứ không xét đoán con người, nhất là với đối tượng học sinh. Vì độ tuổi của các em là độ tuổi đang dung nạp, đang trong giai đoạn học hỏi, hình thành nhân cách. Nhà trường, gia đình, giáo viên cần kết hợp đồng hành cùng giáo dục học sinh và nhất quyết cần bộ phận tư vấn tâm lý trong các trường học để có tiếng nói công bằng, hạn chế những câu chuyện tương tự xảy ra trong tương lai”- TS Dũng nhấn mạnh.


ĐẶNG CHUNG

 

Nữ sinh lớp 10 nghi tự tử vì uất ức: Đình chỉ công tác hiệu trưởng,hiệu phó
 

Theo bà Trần Thị Ngọc Diễm - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh An Giang, Sở đã quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) vì có nhiều sai sót trong việc kỷ luật học sinh, liên quan đến vụ nữ sinh lớp 10 nghi tự tử tại trường.

 

Theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông , nhà trường và giáo viên không được phép phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường. Ảnh minh họa: Sở GDĐT An Giang


Bà Trần Thị Ngọc Diễm - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh An Giang - cho biết, ngày 6.12, bà đã ký văn bản số 3397/BC-SGDĐT gửi Bộ GDĐT và UBND tỉnh An Giang báo cáo về việc nữ sinh N.T.N.Y (học sinh lớp 10 Trường THPT Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang) bị ngất (có biểu hiện uống thuốc tự tử ngay tại trường).

Sau khi xác minh, làm rõ các nội dung, tình tiết có liên quan đến vụ việc trên, Sở GDĐT An Giang nhận thấy trong công tác tổ chức, quản lý và biện pháp xử lý của nhà trường còn một số sai sót.

Cụ thể, tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng quy định của ngành (dạy thêm học thêm đại trà cho tất cả học sinh theo lớp chính khóa).

Nhà trường cũng có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành giáo dục. Lãnh đạo Trường THPT Vĩnh Xương đã nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc xảy ra. Biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả, gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh và bản thân học sinh.

Xuất phát từ những hạn chế, sai phạm của nhà trường, Sở GDĐT An Giang quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Hùm - Hiệu trưởng nhà trường và bà Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường trong thời gian 15 ngày (kể từ 7.12).

Trong thời gian ông Nguyễn Việt Hùm bị tạm đình chỉ nhiệm vụ Hiệu trưởng, Sở GDĐT tỉnh An Giang giao cho ông Nguyễn Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường - chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của trường.

Ngoài ra, liên quan đến thông tin đăng trên Zalo tên “Yêu Màu Tím” được cho là của bà Huỳnh Thị Thu Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4 của nữ sinh Y - đã đăng thông tin liên quan sự việc tại trường (nội dung bàn về vấn đề em Y tự tử), Sở GDĐT tỉnh An Giang cũng giao trách nhiệm cho ông Nguyễn Văn Cường chỉ đạo xác minh, làm rõ hành vi của bà Huệ. Đối chiếu với các quy định của ngành chức năng, có hình thức xử lý phù hợp và báo cáo về Sở GDĐT tỉnh An Giang trong thời gian sớm nhất.

Theo báo cáo của trường THPT Vĩnh Xương, trước đó, ngày 28.11, nhà trường có ban hành Thông báo gửi về gia đình, trong đó có liệt kê các lỗi mà em Y đã vi phạm ở trường và yêu cầu em Y phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hàng ngày trong 2 tuần (từ ngày 1.12.2020 đến ngày 12.12.2020).

Theo thông báo, em N.T.N.Y đã sai phạm: Phản ánh không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo. Sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học. Tuy nhiên Y. vẫn chưa nhận rõ lỗi của mình. Vì vậy em Y. phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần.

Đến sáng 30.11, cô chủ nhiệm lớp 10A4, trường THPT Vĩnh Xương không thấy em Y có mặt nên gọi điện thoại báo cho người thân. Sau đó, cô chủ nhiệm và học trò tìm kiếm thì phát hiện em Y bị ngất xỉu trong nhà vệ sinh nữ của trường.

Ngay sau đó, nhân viên y tế của trường sơ cứu và thông báo cho gia đình. Gia đình có gọi taxi để đưa nữ sinh Y đến bệnh viện Nhật Tân, TP.Châu Đốc.

Về một bức thư "tuyệt mệnh" được cho là của nữ sinh Y thể hiện em thất vọng vì bị Ban giám hiệu, cô chủ nhiệm xử lý kỷ luật nặng, bị bêu tên trước cờ, muốn dùng cái chết để các giáo viên đối xử tốt với các bạn học sinh khác, hiện ngành chức năng của An Giang vẫn đang xác minh và điều tra có phải là bút tích của nữ sinh Y hay không.


BÍCH HÀ

Nguồn: laodong.vn
30 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.