Chuyên mục
Nhật Bản tưởng niệm nạn nhân vụ ném bom trong Thế chiến 2
BÌNH LUẬN
Biết sự thật vậy mà còn thân với mỹ, tôi đã sống trong chiến tranh ở việt nam thời bọn mỹ rải chất độc màu da cam, đã...

Nhật Bản tưởng niệm nạn nhân vụ ném bom trong Thế chiến 2

Thứ tư 11/03/2015 05:32 GMT + 7
Ngày 10/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định "nước này sẽ đóng góp hết sức có thể để duy trì một nền hoà bình lâu dài", đồng thời khẳng định "thái độ có trách nhiệm đối với quá khứ cũng như ghi nhớ sâu sắc bài học bi thảm của chiến tranh".

Người dân tham gia lễ tưởng niệm những nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ ném bom ở Sumida Ward ngày 10/3.

Tuyên bố trên được Thủ tướng Abe đưa ra trong bài diễn văn tại lễ tưởng niệm 70 năm ngày Mỹ ném bom xuống Sumida Ward, thuộc thủ đô Tokyo - một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của vụ không kích hồi năm 1945 trong Chiến tranh thế giới thứ hai (WWII).

Tại buổi lễ, Thị trưởng Tokyo Yoichi Masuzoe đã phát biểu trước hơn 600 người tham dự rằng chính quyền thành phố "sẽ thực thi trách nhiệm chuyển giao nền hoà bình hiện tại cho thế hệ tương lai, với tư cách là thành phố đăng cai Thế vận hội Olympics 2020, một lễ hội của hòa bình". Hoàng tử Akishino - con trai cố Hoàng đế Akihito - cùng vợ là Công nương Kiko cũng có mặt tại buổi lễ dâng hương tưởng niệm các nạn nhân vụ ném bom.

Vào ngày này 70 năm trước, hơn 300 máy bay ném bom B-29 của Mỹ đã thả bom cháy xuống các khu vực của thủ đô Tokyo, đặc biệt là khu đông dân cư ở khu vực phía Đông thành phố, khiến gần 100.000 người thiệt mạng. Theo các số liệu thống kê, trong suốt cuộc chiến Tokyo đã phải hứng chịu hơn 100 cuộc tấn công bằng bom, khiến 60% thành phố bị phá huỷ. Không chỉ dừng ở đó, những ngày sau đó các máy bay ném bom của Mỹ tiếp tục trải bom xuống các thành phố khác trên khắp đất nước Nhật Bản. Và, đỉnh điểm là vào ngày 6/8 và 9/8/1945 hai quả bom nguyên tử đã bị quân đội Mỹ trút xuống Nagasaki và Hiroshima. Kết quả, sáu ngày sau vụ ném bom ở Nagasaki, ngày 15/8/1945, Nhật Bản đã đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Nhật Bản đã chọn ngày 10/3 hàng năm là "Ngày Hoà bình" để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ ném bom đồng thời cầu nguyện cho hoà bình. Theo chính quyền thành phố Tokyo, danh sách số nạn nhân được đăng ký đã lên tới 80.324 người, với tên của 174 nạn nhân mới được bổ sung năm ngoái.


Cảnh địa ngục khi Mỹ dội bom Nhật 70 năm trước

Gió mạnh đã thổi bùng cơn bão lửa của hàng nghìn tấn bom mà quân đội Mỹ trút xuống thành phố Tokyo, Nhật Bản đêm 10/3/1945.

Máy bay Mỹ dội bom hàng loạt xuống khu vực tập trung đông dân cư của thành phố Tokyo. Ảnh: Bookmike.net

Đêm 10/3/1945, quân đội Mỹ ném bom Tokyo nhằm buộc Nhật Bản đầu hàng sớm trong những tháng cuối của Thế chiến II.

Vào đêm kinh hoàng năm đó, khi người dân Tokyo đang ngủ, khoảng 300 "pháo đài bay" B-29 của Không quân Mỹ bắt đầu thả hàng loạt bom M-69 có nhân là hỗn hợp cháy xuống thành phố. 2.000 tấn thuốc nổ đã trút xuống khu vực đông dân cư nhất của Tokyo.

"Hơn cả địa ngục"

Cảnh tan hoang tại Tokyo sau đêm không kích của máy bay Mỹ. Ảnh: AP

Chiến dịch dội bom trên bầu trời Tokyo đã khắc sâu trong tâm trí nhiều người dân.

Kisako Motoki, khi ấy 10 tuổi, chạy tới một cây cầu để tìm nơi ẩn náu sau khi cha mẹ và em trai chết cháy vì trúng bom.

Hàng nghìn tấn bom tạo thành một trận bão lửa có chiều cao hàng trăm mét. Gió mạnh đã thổi bùng cơn bão ấy, biến khu vực rộng 40 km2 của Tokyo thành địa ngục.

“Tôi nhìn thấy những cơ thể bốc cháy được chất chồng lên nhau. Đó là hình ảnh những tảng đá màu đen. Một số thi thể nằm rải rác trên nền đất và các xác chết bốc cháy. Tôi không thể tin cảnh tượng kinh hoàng như vậy lại xảy ra ở thế giới này”, bà Motoki kể với abc.net.

Motoki cho biết, tâm trí của bà lúc đó hoàn toàn trống rỗng. "Tôi rất sốc. 70 năm đã qua, nhưng hình ảnh về những thi thể vẫn không thể phai trong tâm trí tôi. Cảnh tượng ấy còn hơn cả địa ngục", bà nói.

Trong khi đó, Masaharu Ohtake, 13 tuổi, đã chạy khỏi quán phở của gia đình cùng một người bạn khác khi máy bay Mỹ liên tục dội bom xuống thành phố. “Chúng tôi thấy một xe tải chất đầy xác chết. Tôi không thể hiểu làm cách nào mà người ta có thể xếp nhiều thi thể lên đó”, Ohtake kể.

Những người sống sót sau trận oanh tạc cho hay, không khí im lặng bao trùm lên khu đất hoang, gồm nhiều thi thể và mảnh vỡ như ống khói của nhà tắm hoặc một nhà máy nhỏ.

Bà Haruyo Nihei, 78 tuổi, giữ im lặng về cuộc oanh kích của quân đội Mỹ 70 năm trước. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bà mới kể những ký ức kinh hoàng.

“Tôi thấy cảnh tượng một đứa bé bốc cháy khi ngồi sau lưng mẹ. Bà ấy đã không thể dập ngọn lửa”, nhân chứng Nihei hồi tưởng.

Trận không kích trong đêm của quân đội Mỹ đã cướp sinh mạng của khoảng 100.000 thường dân, khiến một triệu người tàn phế và hàng triệu người khác mất nhà cửa. Đa phần nạn nhân là phụ nữ, người già và trẻ em, bởi đàn ông đã ra trận, theo lệnh tổng động viên. Cuộc không kích đã xóa sổ gần một nửa thành phố.  

Mục tiêu không phải các nhà máy lớn

Tướng Mỹ Curtis LeMay ra lệnh cho binh sĩ thực hiện các cuộc tấn công trên khắp Nhật Bản trong những năm cuối của Thế chiến II. LeMay từng thừa nhận rằng, quân đội Mỹ đã đốt cháy nhiều người dân Tokyo vào đêm 10/3/1945 hơn cả số thương vong trong hai trận ném bom thành phố Hiroshima và Nagasaki cộng lại.

Chính phủ Mỹ từng tuyên bố rằng, mục tiêu của vụ đánh bom là các nhà máy. Nhưng theo bà Nihei, đây là lời nói dối. “Các nhà máy lớn không được đặt tại những khu vực mà quân đội Mỹ ném bom vào ngày 10/3/1945”, bà nói, đồng thời khẳng định Washington phải chịu trách nhiệm cho những tội ác mà họ gây ra.

Giờ đây, khi mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản trở nên gần gũi, người ta cũng ít khi nhắc tới cuộc oanh tạc Tokyo năm xưa. Người dân Tokyo vẫn không thể quên ký ức về trận ném bom. Họ thường kể lại cho con, cháu để nhắc nhở thế hệ sau về sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh.

Trẻ em Nhật Bản ngày nay thường tới thăm đài tưởng niệm nạn nhân vụ oanh tạc của quân đội Mỹ trong Thế chiến II ở trung tâm thủ đô Tokyo. Đây là nơi lưu trữ tro cốt của hơn 100.000 thường dân vô tội đã thiệt mạng trong vụ không kích năm ấy.

Hải Anh
Zing News
Nguồn: VietNamPlus; VTV; Zing News
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.