Chuyên mục
Nhà báo Thu Uyên: Như chưa hề có cuộc chia ly đã lạc hậu, đến lúc phải thay đổi mô hình

Nhà báo Thu Uyên: Như chưa hề có cuộc chia ly đã lạc hậu, đến lúc phải thay đổi mô hình

Thứ hai 13/07/2020 05:23 GMT + 7

Nhà báo Thu Uyên đến đúng giờ tới từng phút, không trang điểm, và bắt đầu cuộc phỏng vấn ngay lập tức với một năng lượng dồi dào khiến người đối diện phải bất ngờ.


 

“Như chưa hề có cuộc chia ly” là chương trình truyền hình thực tế về tìm kiếm những người thân lạc mất nhau, và nó thành công đến mức khán giả mặc định rằng đó là một hoạt động xã hội sẽ không bao giờ kết thúc. Cho đến khi chính nhà báo Thu Uyên tuyên bố khép lại chương trình trên sóng, gây ra sự sửng sốt lớn...

 

 

PV: Thật sự “Như chưa hề có cuộc chia ly” (NCHCCCL) phải dừng vì vấn đề tài chính, thưa chị?

Nhà báo Thu Uyên: Hợp đồng cũ vẫn chưa hết, nhưng vừa bắt đầu hợp đồng mới thì chương trình không xin được tài trợ. Nói chung là chúng tôi có được những nhà tài trợ rất tuyệt vời, toàn những nơi lớn cả. Cái mà nó không chạy nữa là do mô hình của tôi, tức là tôi luôn nhận lỗi về bên mình, nó bị lạc hậu rồi. Mô hình NCHCCCL khởi nguồn là chương trình truyền hình. Bởi vì mình là người của truyền hình nên khi mà mình muốn làm cái gì đấy thì mình không nghĩ rộng ra được chủ đề nào ngoài truyền hình. Phần mở rộng quy mô các cuộc tìm kiếm thì mình lại chưa nghĩ tới. Mình chỉ nghĩ là cần tài trợ, thì kêu gọi tài trợ cho chương trình truyền hình. Cuối cùng là gì, tất cả những cái gọi là tài trợ truyền hình nó đều phải đổi lại thành nội dung của chương trình truyền hình, đó là quyền lợi trả lại cho những người tài trợ, đúng không? Tức là mình không có cái biện pháp nào để mà làm cho nó có dôi kinh phí để hoạt động rộng hơn.

- Đây đúng là thứ mà tôi nghĩ hôm qua. Nói thật là lâu rồi tôi cũng không xem chương trình vì lần nào xem cũng khóc. Xem nó buồn dù hầu hết tất cả những cuộc đoàn tụ ấy đều vui. Rốt cục là nếu dừng lại ở chương trình truyền hình, thì tôi thấy nó hơi bị buồn, hơi nhiều nước mắt. Sẽ có những người sợ nước mắt. Thứ 2 là nếu phát sóng quá lâu rồi thì sẽ bị kém hấp dẫn. Bây giờ chị đã thay đổi tư duy về trách nhiệm xã hội của chương trình NCHCCCL?

- Đúng vậy. Thực ra cái này tôi mong muốn thay đổi từ cái lần trước mà nó chuẩn bị đóng cửa, tức là cũng phải 2 năm rồi. Tôi đã nghĩ rằng cái mô hình mà mình gọi tài trợ cho truyền hình là sai, thực ra nó phải là một cái hoạt động xã hội. Mà đã là hoạt động xã hội thì không chỉ là một vài doanh nghiệp tham gia vào; họ có trách nhiệm xã hội nhưng họ không thể gánh tất cả. Và tôi cũng không tư duy làm việc kiểu chịu khó, thắt lưng buộc bụng, khổ sở để cống hiến. Mà tôi, những anh em của tôi cũng phải được hưởng những điều kiện lao động tốt như những người khác. Thế mà mình lại không làm được thì tôi nghĩ là đã đến lúc phải thay đổi mô hình rồi.

 


 

Có 2 điểm tôi thấy cần thay đổi trong 2 năm vừa qua. Đầu tiên chính là về sự kêu gọi xã hội, tức là mọi người cũng cần phải góp tay vào, kể cả về kinh phí. Cái thứ hai là về truyền thông. Mình không chỉ dựa vào một kênh truyền thông, và cũng không nên chốt một cái gì làm cái kênh truyền thông chính. Mình phải có được cái sự tự do và chủ động của mình trong việc sử dụng kênh truyền thông nào. Nhưng mà vì cái kinh phí nó hẹp, nên tôi không có thời gian để nghĩ đến những thay đổi đó hoặc là kiếm người để triển khai các thay đổi đó. Cho nên là chúng tôi bị hạn chế rất là nhiều thứ.

 

 

Biết là mình có thể thay đổi hay vận động người khác thay đổi, nhưng lại không có thời gian để làm những việc đó. Một tháng có 30 ngày thì coi như là 10 ngày cuối cùng chúng tôi bị chốt vào đấy rồi, ngồi dí vào màn hình rồi (để dựng các chất liệu phóng sự phát sóng trong chương trình). Còn những ngày khác thì có 1 tỷ việc để tìm kiếm. Cho nên tài chính eo hẹp làm cho chúng tôi rất là khó khăn và cái đó thì tôi xin nhận lỗi về mình. Nó là việc khó nhưng vì mình đã nhận và mình làm không tròn nên mình phải nhận lỗi thôi.


Có hướng chuyển sang digital (áp dụng các nền tảng kỹ thuật số) là tôi thấy vô cùng cần thiết, đang nhúc nhắc được thì bao nhiêu thứ nó xảy ra, kể cả COVID nên không xin được tài trợ nữa. Tuyên bố đóng ở trên truyền hình rồi nhưng mấy anh em vẫn đưa ra một cái kế hoạch là mình trả văn phòng đi, rồi chuyển hết hồ sơ về nhà riêng của tôi hoặc nhà ai đó, rồi sau đó ai mà sắp xếp được thì làm ngoài giờ. Như tôi thì có thể làm lúc nào cũng được, hoặc có 2 anh tìm kiếm về hưu rồi thì làm lúc nào cũng được. Còn các em trẻ khác thì phải kiếm sống, có em thì đi tìm việc mới, có em thì cứ chờ thôi... Nói chung là lực lượng của chúng tôi ngay thời điểm này là 9 người. May là văn phòng chưa đóng cửa.

 


 

- 9 người là cho tất cả các khâu ấy ạ? Tính ra thì đó là một con số quá ít.

 

- Vâng, dù chỉ để làm những việc hành chính. Quá ít luôn ấy chứ anh, đúng nhu cầu thì phải 30 – 40 người. Tầm đó mà làm một cái show truyền hình mà live mỗi tháng 1 tiếng thôi là cũng khá rồi đó.

Tính đến lúc này, NCHCCCL đã lên sóng được 13 năm. Số hồ sơ gửi tới chúng tôi là 80.000, loại khoảng 20.000 hồ sơ, 30.000 hồ sơ đang tìm kiếm dở, số trường hợp tìm được là 2.500. Rất nhiều trường hợp tìm được không lên sóng bởi trong đó chỉ có khoảng 1.800 trường hợp là có thể đoàn tụ được thôi. Trên truyền hình thì mình đoàn tụ được độ mấy trăm trường hợp. Còn lại thì đoàn tụ ở ngoài nhiều lắm, chúng tôi bố trí họ tự gặp nhau rồi chụp ảnh gửi lại, hoặc là có những trường hợp tìm thấy rồi nhưng họ (Việt kiều) không có cách nào họ đi về cả.

- Tiêu chí để nhận hay loại hồ sơ cần tìm là gì hả chị?

- Độ khả thi là đầu tiên. Mỗi hồ sơ gửi đến thì phải được phân tích xem liệu là có manh mối gì không. Nếu mà không có thì mình sẽ xếp vào những cái folder (thư mục) như nạn đói, đường 7, con nuôi... giống như hashtag (từ khoá để tiện tìm kiếm). Có những cái folder nghe thì đơn giản thôi, ví dụ như con nuôi nhưng con nuôi thì có rất nhiều dạng. Khi bỏ vào trong các folder thì có một cái lợi là ví dụ như mình đang giải quyết vấn đề của cậu bé trên đường 7 chẳng hạn, một loạt các nhà xuất hiện, có thể cậu này không phải là con của những nhà ấy nhưng mà đến một cái hồ sơ khác thì mình lại có thể kết nối được. Tóm lại nó sẽ giúp mình dễ dàng tìm được các đầu mối hơn.

 


 

- Trường hợp đoàn tụ nào là trường hợp chị thích nhất, xin lỗi vẫn phải hỏi chị câu này, tôi tự thấy đó là một câu hỏi nhạt nhẽo (cười)


- Không có trường hợp nào tôi thích nhất cả, vì trường hợp nào xong là xong luôn. Nó có kỳ diệu đến mấy đi chăng nữa thì sẽ có trường hợp khác kì diệu hơn, đời mà. Tuy vậy mình có thể chỉ ra một số tập hồ sơ tiêu biểu, ví dụ như là vụ gần nhất. 2 chị em thất lạc nhau từ những năm 40, mà họ còn đi ngược xuôi, kể cả cái lúc gọi là chia đôi bờ sống Bến Hải. Trong suy nghĩ của chúng ta thì ta nghĩ là năm 54 là thống nhất còn đến năm 55 là hết kiểu chạy qua chạy lại rồi, nhưng không phải thế. Không chỉ có người Công giáo di tản từ Bắc vào Nam, mà cũng có dòng người chạy ngược ra, cộng đồng miền Nam cũng có di cư ra Bắc. Vậy nên cái thú vị nhất mà tôi thu nhận được trong các cuộc tìm kiếm này là nó làm cho mình có cơ hội nhìn lại lịch sử và văn hóa theo một cách khác, không phải chủ quan, không phải do đọc trên sách mà là qua những câu chuyện thật. Tất nhiên là mình cũng phải xác minh nó là thật thông qua đối chiếu. Tôi nghĩ đó là cái giá trị nhất khi mà mình làm cái nghề này.

- Chị cảm thấy khi mình đóng vai trò là một người giữ gìn và kết nối những cái mắt xích dù rất nhỏ trong cuộc sống mỗi người nhưng lại có thể tạo ra những thay đổi khủng khiếp, cảm giác nó như thế nào?

- Tôi chỉ có thể nói là tôi đi giải quyết những chuyện xảy ra sau đó thôi, chứ không một ai có thể can thiệp hay giải quyết những chuyện trước đó. Ví dụ như anh bộ đội đi vào Cà Mau chiến đấu rồi đẻ một đứa con ở đấy, rồi sau đó mất liên lạc với đứa con của mình như thế nào. Nó là cuộc đời mà. Tôi chỉ nghĩ là những đau khổ từ việc đáng lẽ ra là mình đã có được những tình thân, hơi ấm đấy là do số phận không cho mình có, chứ không phải do mình tuột tay mà đánh mất nó.

 

Tôi rất xót xa cho các nhân vật trong chương trình NCHCCCL. Lẽ ra họ được hưởng hạnh phúc nhưng cuộc đời lại bảo với họ là không được. Mình cũng chả trách được ai cả mà đơn giản là mình giúp được những người đó thì mình giúp thôi. Còn nếu mà nói về bài học qua những chuyện này thì có rất nhiều. Nhưng bài học lớn nhất không phải là dùng những cách nào, thay đổi như thế nào để giữ được người thân. Chả ai dạy được ai những cái đó đâu. Khi mình có gia đình thì hãy biết trân trọng gia đình đó. Còn đã trân trọng rồi mà cuộc đời vẫn bắt mình phải chia lìa thì cũng phải chấp nhận thôi.

 


 

 

- Chị muốn dùng chữ cuộc đời hay là số phận để diễn tả về điều này? Bởi tôi cảm thấy có vẻ như chị không muốn những câu chuyện của chị có màu sắc tâm linh.

- Tâm linh không thuyết phục được tôi. Tức là cái chuyện đó vào thời điểm đó nó phải xảy ra như thế chứ không phải được một thế lực nào đó hoạch định sẵn rồi.

- Chúng ta hãy coi đó là những sự ngẫu nhiên. Vậy thì chị có gặp nhiều những sự ngẫu nhiên như thế trong quá trình tìm kiếm không và chúng có khiến chị ngạc nhiên hay không?

-  Vô cùng! Ví dụ như các nhân vật của tôi hỏi là tại sao họ đã nộp hồ sơ đến mấy năm rồi mà vẫn chưa được giải quyết trong khi gia đình kia mới nộp có mấy tháng mà đã được giải quyết rồi? Tôi buộc phải nói là chúng tôi đã và đang cố gắng hết sức, nhưng chúng tôi chưa gặp được may mắn. Trong hoạt động của chúng tôi thì cái sự may mắn đóng góp rất nhiều. Không chỉ là may mắn cho những người tìm kiếm, mà còn  là may mắn cho nhân vật nữa. Ví dụ như trường hợp có một cái anh lạc ở ga lúc mới 5 tuổi. Anh ấy cũng mong tìm được gia đình, người mẹ nuôi cũng mong tìm được gia đình cho anh ấy.

 

Và cuối cùng mẹ nuôi chỉ anh ấy cho một cái gia đình mà con trai cũng tên là Cảnh, cũng lạc ở ga khác nhưng mà lạc trong trường hợp là đi theo ai đó xong lạc. Ban đầu thì tất cả mọi người đều mong muốn đấy chính là gia đình của anh Cảnh. Anh ấy đi về Hải Dương, về luôn cái nhà đó. Về đến nơi thì anh ấy biết chắc chắn là không phải, khẳng định là không phải luôn, nhưng vẫn phải im lặng suốt. Nói chung cả 2 bên đều biết là không phải nhau đấy nhưng mà vì quá tha thiết nên lờ hết tất cả sự thật đi. Thực ra là cái nhà đấy và cái nhà thật của anh cách nhau có mười mấy cây số thôi à. Cứ thế mà băn khoăn 10 năm sau đấy. Cho đến khi anh Cảnh ấy không thể chịu được rồi anh ấy lại bỏ đi vào Nam, rồi bây giờ đến lúc già là 50 tuổi rồi mới nhờ chương trình NCHCCCL tìm lại lần nữa. Chúng tôi tìm ra gia đình đúng của anh Cảnh, chỉ ở cách nơi anh nhận nhầm có 10 cây số.

Đó, chỉ đơn giản là sự ngẫu nhiên, và mình không thể hy vọng là có sự công bằng trong cuộc đời này đâu. Nhưng trong quá trình tìm kiếm thì tôi rút ra một điều là không có gì bất hạnh bằng việc không có người thân. Cái người bị thất lạc gia đình cảm giác nó kinh khủng lắm, tôi dùng từ là côi cút để diễn tả về họ. 

 


 

Bài: Phạm Gia Hiền
Thiết kế: Mẫn San

Nguồn: ngaynay.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.